Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Phó Tổng thống trông đợi sự kết hợp ưu thế giữa Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản, tăng cường an ninh khu vực, bảo vệ sự phồn vinh khu vực. Phó Tổng thống tham dự “Hội nghị đối thoại an ninh 3 bên Đài Loan-Mỹ-Nhật Bản lần thứ 7”

123

 

 Sáng 13/7/2017, Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân đã tham dự “Hội nghị đối thoại an ninh 3 bên Đài Loan-Mỹ-Nhật Bản lần thứ 7”. Ngoài việc nhắc lại chủ trương và hành động của Đài Loan đối với thương mại và an ninh trong khu vực, Phó Tổng thống còn trông đợi sự kết hợp ưu thế giữa Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản, tăng cường an ninh khu vực, bảo vệ sự phồn vinh khu vực.

 

 Nội dung bài diễn văn của Phó Tổng thống như sau:


 Tôi thay mặt Tổng thống và toàn thể nhân dân Đài Loan hoan nghênh các vị đã tham dự Hội nghị đối thoại 3 bên hôm nay.
 

 Trước tiên, xin cảm ơn “Quỹ Giao lưu Văn hóa hai bờ eo biển Viễn Cảnh” (Prospect Foundation) (Đài Loan), “Quỹ Di sản” (The Heritage Foundation) (Mỹ) và “Quỹ Hòa bình Sasakawa” (The Sasakawa Peace Foundation) (Nhật Bản) đã cùng phối hợp tổ chức hội nghị. Đối thoại của chúng ta được xây dựng trên những giá trị chung, dân chủ, tự do và pháp quyền kết nối chúng ta với nhau, cùng hợp sức bảo vệ lợi ích và thúc đẩy ổn định.


 Sự đột phá trong năm nay của quan hệ Đài Loan-Mỹ-Nhật Bản khiến chúng ta cảm thấy phấn chấn. Tình hữu nghị bền vững và sâu sắc giữa 3 bên Đài Loan-Mỹ-Nhật Bản dựa trên cơ sở quan niệm về giá trị, 3 nước vẫn luôn là những đối tác hợp tác có mục tiêu tương đồng. Nhưng trở ngại vẫn còn tồn tại, Triều Tiên vẫn liên tiếp tiến hành chương trình tên lửa, Trung Quốc vẫn liên tục gây sức ép với Đài Loan trên mọi phương diện, đồng thời đưa ra tuyên bố hàng hải vi phạm luật pháp quốc tế. Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo các nền Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam gần đây, chúng ta vui mừng khi thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn một viễn cảnh tự do, cởi mở của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

 Dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản, đã có 11 nước ký kết “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, CPTPP). Đài Loan ủng hộ những sáng kiến này, đồng thời kỳ vọng vào sự hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để đảm bảo tiến triển thuận lợi.

 

 Từ 18 tháng qua, chính sách của Đài Loan luôn kiên quyết chủ trương tăng cường hợp tác và tự do thương mại trong khu vực và trên thế giới. Thông qua “Chính sách hướng Nam mới”, định vị lại vị thế của Đài Loan nhằm xúc tiến quan hệ kinh tế-thương mại và hợp tác giữa Đài Loan với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường liên lạc song phương.

 

 “Chính sách hướng Nam mới” là một chính sách mang tính toàn diện, tập trung vào nhu cầu phát triển lâu dài của các nước Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nhân tài và bổ trợ lẫn nhau về kinh tế-thương mại. Đài Loan có thể đóng vai trò tích cực hơn nữa về mặt cung cấp đào tạo và kỹ năng trong khu vực này.

 

 Khu vực của chúng ta vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn, một trong những phương pháp khai thác, phát triển tiềm năng đó là kết hợp chuỗi cung ứng công nghệ cao và sản xuất chế tạo của Đài Loan với năng lực nghiên cứu phát triển và tiếp thị thương hiệu của Nhật Bản. Đài Loan và Mỹ cũng có thể thu được lợi ích từ mô hình hợp tác như vậy.


 Đồng thời, Đài Loan cũng thúc đẩy đầu tư song phương và hiệp định thương mại, tìm kiếm cơ hội tham gia cơ chế thương mại đa phương. Hiệp định thương mại đa phương rõ ràng sẽ hỗ trợ cho liên minh địa chính trị (Địa chính trị là lĩnh vực nghiên cứu về tác động của các yếu tố địa lý tới hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế). Cấu trúc thương mại dựa trên cơ sở quy định pháp luật sẽ hỗ trợ cho Kiến trúc an ninh dựa trên cơ sở quy định pháp luật. Vì vậy, Đài Loan vui mừng khi thấy “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” đã có những tiến triển. Đài Loan cũng trông đợi sớm được tham gia Hiệp định này.

 

 Trong nước, Đài Loan xây dựng lại cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy “Kế hoạch vĩ mô xây dựng cơ sở hạ tầng tầm nhìn xa”, tập trung vào 5 ngành nghề mới, đồng thời chào đón tương lai số hóa. Trong tương lai sẽ dùng nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo cho an ninh quốc gia và hoạt động các ngành nghề. Trên phương diện kinh tế, về đối nội, Đài Loan thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế; về đối ngoại, trên tinh thần hợp tác, các bên cùng có lợi, Đài Loan hướng về các nước láng giềng, nỗ lực tạo lập cục diện phồn vinh chung.

 

 Trong khi thúc đẩy xây dựng sự phồn vinh, Đài Loan vẫn không quên các vấn đề về an ninh. Đài Loan đã chuẩn bị chu toàn, đồng thời có mong muốn và cũng có năng lực duy trì trật tự trong khu vực. Để ứng phó với sự uy hiếp của Triều Tiên, Đài Loan đã thực hiện các nghị quyết và biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời điều tra các hoạt động rửa tiền và hoạt động vận chuyển đáng ngờ.


 Biển Nam Hải (biển Đông) là điểm xung đột tiềm ẩn trong khu vực có thể gây ảnh hưởng đến thế giới. Trung Quốc tiếp tục phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines. Ngược lại, Đài Loan lấy đảo Thái Bình là đảo tự nhiên lớn nhất trên vùng biển Nam Hải làm cơ sở nghiên cứu khoa học và cứu trợ nhân đạo. Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, bảo vệ hàng hải và tự do đường bay, bảo đảm một vùng biển Nam Hải tự do, cởi mở. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với an ninh khu vực và nền kinh tế toàn cầu bền vững.

 

Ngoài hành động khiêu khích tại biển Nam Hải, Trung Quốc còn cử ngày càng nhiều tàu và máy bay đi qua biển Hoa Đông nhưng Đài Loan vẫn nỗ lực duy trì hiện trạng hòa bình và ổn định tại bờ biển Đài Loan. Tuy nhiên, điều này cần có sự hợp tác của hai bên. Đài Loan đang tìm kiếm đối thoại tích cực giữa hai bờ eo biển, hy vọng có thể nhanh chóng triển khai đối thoại. Đây là điều có lợi cho nhân dân hai bờ eo biển, nhân dân trong khu vực và trên toàn thế giới.

 
 Hôm nay tôi rất vui mừng được thấy các vị Ủy viên lập pháp, các học giả và chuyên gia của Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản cùng tìm cách sáng tạo, kết hợp ưu thế của mỗi nước, tăng cường an ninh khu vực nhằm duy trì sự phồn vinh trong khu vực. Tôi tin tưởng hội nghị đối thoại hôm nay sẽ khiến mọi người phải suy ngẫm, mang lại nhiều điều bổ ích cho chúng ta.

 

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lý Đại Duy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Viễn Cảnh Trần Đường Sơn, Ủy viên lập pháp La Trí Chính, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cựu Dân biểu (Hạ nghị sỹ) Hoa Kỳ Tom Petri, Hạ nghị sỹ Nhật Bản Keisuke Suzuki, Thượng nghị sỹ Nhật Bản Rui Matsukawa, v.v… đều đến dự hội nghị.