Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Bành Hồ: Vịnh biển xinh đẹp ngập tràn ánh nắng
2018-01-04

1

Cảnh đẹp thiên nhiên của Bành Hồ trở thành điểm đến du lịch được du khách vô cùng ưa thích. Trong ảnh là cảnh đẹp Biển chia đôi Moses Hồ Tây (Huxi).

“Gió đêm vờn nhẹ trên vịnh Bành Hồ, sóng biển vỗ về bờ cát, không thấy rặng dừa nghiêng bóng chiều tà, chỉ thấy mặt biển xanh mênh mông”, đó chính là lời của ca khúc kinh điển “Vịnh Bành Hồ của Ngoại” mà rất nhiều du khách chắc chắn sẽ cất tiếng hát khi đặt chân lên Bành Hồ (Penghu). Đúng như lời của ca khúc, biển xanh bao la, bờ cát ngập tràn ánh nắng, Lễ hội pháo hoa lung linh sắc màu, hàng năm đều thu hút hàng chục ngàn du khách đặt chân lên hòn đảo nhỏ này.


Không muốn phong cảnh tuyệt đẹp như vậy chỉ để người Đài Loan độc hưởng, trong những năm gần đây, Bành Hồ tích cực quảng bá du lịch biển với du khách trong và ngoài nước, không những thành công gia nhập Tổ chức những vịnh biển đẹp nhất thế giới, mà năm 2018 còn giành được quyền đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới, nhân dịp này có thể quảng bá tiếp thị Bành Hồ với toàn thế giới.

 

Tại phòng tiếp khách của Huyện trưởng huyện Bành Hồ có treo một tấm bản đồ mới, trên đó có liệt kê 25 quốc gia và hơn 40 vùng lãnh thổ thuộc “Tổ chức những vịnh biển đẹp nhất thế giới”, “So sánh với các quốc gia khác; bãi cát trắng xóa, đặc điểm địa chất đá Bazan độc đáo…., khiến Bành Hồ không thua kém các quốc gia khác về cảnh đẹp vịnh biển”, Huyện trưởng huyện Bành Hồ Trần Quang Phục (Chen, Guang Fu) vừa chỉ quê hương mình trên bản đồ vừa nói rất tự hào.

 


Hơn 500 bẫy đá rải rác ở xung quanh Bành Hồ chứa đựng rất nhiều trí tuệ của người xưa về đánh bắt cá. Trong ảnh là bẫy đá Thất Mỹ (Qimei) có tạo hình hai trái tim lồng vào nhau (Ảnh do chính quyền huyện Bành Hồ cung cấp)


Cảnh quan bãi cát trắng, đá Bazan đẹp nhất thế giới

Toàn thế giới có 6 loại địa chất đá Bazan thì ở Bành Hồ đã có đến 5 loại. Trong 99 hòn đảo của quần đảo Bành Hồ, ngoài hòn đảo nhỏ Hoa Dữ (Hua Yu) nằm về phía cực Đông thuộc địa chất đá mácma phun trào Andesit, còn các hòn đảo còn lại khác đều là địa chất đá núi lửa Bazan.

Địa hình đá Bazan của Bành Hồ, chính là dung nham nóng chảy, do nguội đi trong khoảng thời gian và trong môi trường khác nhau sẽ tạo ra những cảnh quan độc đáo, và xuất hiện các kiểu tạo hình gồm cấu trúc mấu đốt, nếp gấp và đứt gãy địa tầng. Ví dụ, loại đá Bazan hình cột, đá hình lục giác có góc cạnh sắc nét rất được du khách yêu thích; vách đá Bazan “động Cá Voi” trên đảo Tiểu Môn (Xiao Men) bị mài mòn do sóng đánh liên tục sau cùng bị thủng trở thành cổng tò vò; cảnh quan đảo đá Bazan ở đảo Viên Bối (Yuanbei), tạo thành các đốt đá Bazan có hình tia, giống như một chiếc váy xếp li.

Ngoài cảnh quan địa chất đá Bazan độc đáo, 500 bẫy đá lợi dụng thủy triều để bắt cá nằm rải rác tại vùng biển xung quanh trên toàn huyện Bành Hồ, cũng chứa đựng rất nhiều trí tuệ về đánh bắt cá của người xưa.

Ghé thăm bẫy đá Thất Mỹ (Qimei Shihu), rất nhiều người nhầm tưởng bẫy đá Thất Mỹ có hình hai trái tim lồng vào nhau là cảnh quan nhân tạo do con người cố ý tạo ra vì trong những năm gần đây Bành Hồ muốn thúc đẩy quảng bá du lịch Biển, nhưng thực ra bẫy đá này đã có lịch sử trên 300 năm, là sáng kiến do ngư dân Bành Hồ thời xưa phát huy, tạo phương pháp đánh bắt cá bằng cách lợi dụng độ chênh lệch do thủy triều lên xuống tại vùng nước nông, sử dụng các loại đá có sẵn ở gần như đá san hô (Coral Stone) và đá Bazan xếp chồng lên nhau thành hình tròn tạo thành bẫy đá.

Nhưng tới nhiều năm về sau, phương pháp đánh bắt cá kiểu cổ xưa đã dần dần bị con người quên lãng, và lưu lại cảnh quan bẫy đá như ngày nay, có một số thì biến mất do bị phá hủy theo thời gian, vì vậy gần đây Bành Hồ đầu tư vào việc bảo tồn và khôi phục bẫy đá, cho mời những người dân và thợ tại địa phương thành thục phương pháp xếp bẫy đá kiểu truyền thống, thành lập ra “Đội bảo tồn bẫy đá Cát Bối (Jibei). Chính vì vậy không những được Bộ Văn hóa cấp chứng nhận, mà cũng thành công giữ lại được những cảnh quan đẹp như bẫy đá Thất Mỹ có tạo hình hai trái tim lồng vào nhau, quần thể bẫy đá Cát Bối.

Hiện tại, tại thị trấn Mã Công và 5 xã thuộc huyện Bành Hồ đều có thể được ngắm cảnh quan bẫy đá, nhất là tại xã Bạch Sa (Baisha) nằm ở phía cực Bắc là nhiều nhất. Theo điều tra, vào thời nhà Thanh trên đảo Cát Bối cũng có 1 bẫy đá lớn và 4 bẫy đá nhỏ, đến thập niên 1950 người dân Cát Bối tổng cộng đã khôi phục và tạo mới trên 100 bẫy đá, vì vậy nơi đây được mệnh danh là “Vùng đất của bẫy đá”.

 


Lễ hội pháo hoa Bành Hồ đã bước sang năm thứ 15, hàng năm thu hút rất đông du khách. (Ảnh do chính quyền huyện Bành Hồ cung cấp)


Chào đón Hội nghị thường niên của
Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới

Khắp nơi trên Bành Hồ đều có những cảnh đẹp thiên nhiên và cảnh đẹp nhân văn như Đảo Dũng Bàn (Tongpan), cụm dân cư Nhị Khám (Erkan), “Biển chia đôi Moses” thuộc núi Khuê Bích (Kuibi). Để khuyến khích du khách tham dự các tour du lịch chiều sâu, Phòng Quản lý phong cảnh nhân văn khu vực Bành Hồ cũng có dự định xúc tiến các tour du lịch chọn thăm các hòn đảo khác nhau. Huyện trưởng huyện Bành Hồ Trần Quang Phục cho biết, huyện Bành Hồ có tổng cộng 99 hòn đảo, mỗi một hòn đảo đều có đặc trưng riêng, rất có tiềm năng phát triển du lịch theo kiểu chọn thăm các đảo khác nhau. Do vậy, Lễ hội pháo hoa Bành Hồ đã bước sang năm thứ 15, năm nay lần đầu tiên không tổ chức ở thị trấn Mã Công (thủ phủ của huyện Bành Hồ), mà được tổ chức tại 5 xã còn lại trong đó có xã Thất Mỹ (Qimei), xã Vọng An (Wangan).

Ngoài phát triển du lịch biển, huyện Bành Hồ cũng dự định phát triển ngành du thuyền giải trí. Do tài nguyên biển bị cạn kiện, tuổi tác của ngư dân cũng cao tuổi, 68 cảng cá và cảng quân sự trước đây của Bành Hồ đều phải đối mặt với vấn đề chuyển đổi mô hình. Do vậy huyện Bành Hồ quyết định tận dụng những cảnh đẹp vịnh biển rất tuyệt vời, và chuyển đổi mô hình những cảng hiện không sử dụng đến thành cảng đỗ du thuyền.

Do vậy vào tháng 6 năm nay, một cảng cá hiện tại của thị trấn Mã Công đã chuyển đổi thành cảng du thuyền, dự kiến có sức chứa 55 chiếc du thuyền. Trong tương lai, du khách có thể lái du thuyền tới Bành Hồ, neo đậu tại các đảo nhỏ khác nhau, thưởng ngoạn cảnh đẹp của các hòn đảo, ban đêm có thể đậu trên vịnh để ngắm bầu trời sao.

 “Lễ hội du thuyền” được tổ chức vào hạ tuần tháng 6 cũng đã vén bức màn cho hoạt động du lịch du thuyền của Bành Hồ, sang năm Bành Hồ còn tổ chức Triển lãm du thuyền quốc tế. Theo ông Trần Quang Phục cho biết, năm ngoái khi Triển lãm du thuyền quốc tế được tổ chức tại Cao Hùng, đã tạo giá trị kinh doanh đạt 4 tỷ Đài tệ trong vòng 4 ngày, sang năm chuyển địa điểm tới Bành Hồ, tương tự cũng có viễn cảnh đầy hứa hẹn.

 


Bắt đầu từ năm 2011, huyện Bành Hồ đặt mục tiêu trở thành “Đảo có lượng khí Carbonic phát thải thấp” và phát triển ngành năng lượng xanh.


Lễ hội du thuyền được tổ chức không những thúc đẩy Bành Hồ phát triển ngành du thuyền giải trí, mà cũng là sự khởi động cho việc tổ chức “Hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới” vào tháng 10 năm 2018.

Bành Hồ có cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo, có bãi cát trải dài, có địa chất đá Bazan tráng lệ rất gây thu hút. Năm 2010 Bành Hồ đã tích cực tìm kiếm cơ hội xin gia nhập Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới, mất 2 năm tới cuối năm 2012 đã thành công gia nhập và trở thành thành viên của tổ chức này.

Bành Hồ đã tăng cường sự giao lưu với các nước hội viên trong các phương diện bao gồm quản lý môi trường biển và tài sản văn hóa vịnh biển. Đầu năm 2016, khi tới Philippines tham gia hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới, Bành Hồ còn đánh bại đối phương nặng ký là Barcelona – Tây Ban Nha được Ủy ban chấp hành nhất trí thông qua và trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới 2018.

 “Bảo tồn sinh thái, cảnh đẹp thiên thiên là nguyên nhân chủ yếu giúp Bành Hồ giành được quyền đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới 2018”, theo ông Trần Quang Phục cho biết, Bành Hồ với những phong cảnh biển độc đáo nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên lại rất hiếm khi có cơ hội tuyên tuyền với quốc tế, việc tổ chức Hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới không những có thể tiếp thị quảng bá Bành Hồ với thế giới, mà cũng sẽ đưa Đài Loan bước lên vũ đài quốc tế.

Năm nay Bành Hồ sẽ tổ chức một loạt các hoạt động, để khởi động cho hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới sẽ được tổ chức vào tháng 10 sang năm. Ngoài Lễ hội du thuyền quốc tế, Bành Hồ cũng chuẩn bị tổ chức triển lãm ẩm thực quốc tế, cổ vũ khách mời của các quốc gia sử dụng các nguyên liệu thức ăn địa phương của Bành Hồ như cỏ Hương Như, cá Giò, để chế biến các món ăn mang đậm “vị Bành Hồ”. Ngoài ra, khi tổ chức hội nghị thường niên của Tổ chức các vịnh biển đẹp nhất thế giới Bành Hồ cũng sẽ cùng với Cao Hùng đồng thời tổ chức “Diễn đàn các thành phố cảng vịnh thế giới”, cho mời các học giả quốc tế giao lưu trao đổi ý kiến chuyên sâu về các vấn đề liên quan.


Lịch sử nhân văn không thua
kém cảnh đẹp vịnh biển

Cảnh đẹp nhân văn của Bành Hồ cũng không hề thua kém cảnh đẹp vịnh biển. Khu trung tâm của thị trấn Mã Công lấy phố Trung Ương (Zhongyang) làm trung tâm, khu vực được phát triển mở rộng ra xung quanh thành “7 phố 1 thị trấn” đã trở thành điểm đến mà du khách thích ghé thăm nhất.

Nhà trọ Trung Ương nay đã được sửa sang thành khách sạn bình dân nằm ở cuối con phố Trung Ương là nhà trọ ra đời sớm nhất ở Bành Hồ thời trước. Hình thức bề ngoài mà người ta nhìn thấy bây giờ vẫn là song cửa sổ bằng gỗ, trông tựa như mai rùa, tường ngoài áp dụng kiểu xây bằng đá rửa, trước khi sửa sang lại, trong nhà còn giữ lại cầu thang đá mài; bảng đề họ tên của chủ nhân đặt phía ngoài ngôi nhà 2 tầng của nhà trọ này, tới nay vẫn nguyên vẹn như xưa. Tiếp tục khám phá khu phố trung tâm, có chùa Bà Thiên Hậu Cung được công nhận là di tích quốc gia cấp 1, là điểm đến mà mọi du khách không thể bỏ qua. Ngoài chùa Bà Thiên Hậu Cung, ngoài ra còn có miếu Thi Công (Shigong), giếng Vạn Quân (Wanjun) và hang Tứ Nhãn (Siyan) đều là các di tích cổ được công nhận là di tích cấp quốc gia.

 

Công viên văn hóa pháo đài Kim Quy Đầu (Jinguitou) (địa danh cũ là Thiên Nam Tỏa Thược – Tiannan Suoshi) – di tích cấp quốc gia vừa được mở cửa vào cuối tháng 4 vừa rồi cũng rất đậm nét lịch sử nhân văn. Pháo đài Kim Quy Đầu ở thị trấn Mã công được xây dựng vào năm 1864, năm 2011 được công nhận là di tích cổ cấp quốc gia, sau nhiều năm khôi phục tới tháng 1 năm 2017 đã hoàn công, là một cứ điểm văn hóa vô cùng quan trọng của Bành Hồ. Sau khi công viên này mở cửa, sẽ được kết nối với các thắng cảnh xung quanh gồm chùa Quan Âm Đình (Guanyinting), làng gia quyến Quân Nhân số 10 Đốc Hành (Duxingshicun), chùa Bà Thiên Hậu Cung, khu bẫy đá cảng Mã Công, các cảng cá số 1, số 2, số 3 và khu vịnh Bành Hồ mới.

Ngoài ra, di tích cổ “Thiên Nam Tỏa Thược – Tiannan Suoshi” được khai trương trở lại còn hợp tác với Viện bảo tàng quốc lập Cố Cung tổ chức triển lãm đặc biệt theo chủ đề “Du lịch Bành Hồ - Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện thuyền Đồng An”; áp dụng cách thể hiện bằng nghệ thuật tương tác kỹ thuật số, tái hiện lịch sử phát triển của thuyền Đồng An là loại thuyền buồm được làm bằng gỗ của Trung Quốc, và sử dụng các thiết bị tạo sự tương tác như kỹ thuật chiếu đèn nổi, hình ảnh nổi 3D xem bằng mắt thường, thực tế ảo (AR) và Kinect cảm biến nhận dạng các động tác cơ thể, giúp người xem có thể cảm nhận được sự hưng thịnh của nền văn minh hải dương Đông Á thế kỷ thứ 19; ngoài ra khách tham quan cũng có thể xem phim về 4 chiến dịch lớn của Bành Hồ được chiếu tại hầm bí mật chiến dịch Bành Hồ, trải nghiệm cuộc sống đặc biệt của quân nhân trong hầm ngầm.

Bành Hồ tuyệt đẹp với ánh nắng, biển xanh và cát trắng hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, lượng khách du lịch ghé thăm Bành Hồ vào năm ngoái đã đột phá con số 1 triệu lượt người, cứ đến mùa du lịch, vé máy bay đi Bành Hồ vô cùng khó mua; nhưng năm nay phương tiện giao thông tới Bành Hồ được tăng cường mạnh hơn. Sau tuyến tàu thủy chở khách một chiều từ cảng Bố Đại thành phố Gia Nghĩa (Budai Chiayi) đi Mã Công Bành Hồ (Penghu Makung) bắt đầu được khởi động, vào cuối tháng 4 năm nay, tuyến Long Môn Bành Hồ (Penghu Longmen) đi cảng Bố Đại thành phố Gia Nghĩa (Budai Chiayi) cũng đồng thời khởi động, hoàn thành tuyến vận chuyển hành khách đường thủy hai chiều giữa Gia Nghĩa và Bành Hồ.

Ngoài việc quan tâm đầu tư vào du lịch, Bành Hồ cũng không quên phát triển các ngành nghề khác.Từ năm 2011, Bành Hồ đã đặt mục tiêu trở thành hòn đảo có lượng khí Carbonic phát thải thấp và phát triển ngành năng lượng xanh. Ông Trần Quang Phục cho biết, ở Bành Hồ gió mùa Đông Bắc vào mùa đông rất mạnh, là nơi có tiềm năng tuyệt vời về sức gió, mỗi năm có thể cung cấp 3.800 tiếng đồng hồ phát điện. Ngoài ánh nắng mặt trời dồi dào, sức gió mạnh, trong tương lai hải lưu Bành Hồ cũng có thể sử dụng để phát điện.

Những năm gần đây, Bành Hồ cũng xây xựng các nhãn hiệu địa phương gồm “Penghu Seafood (Hải sản tươi)” và “Penghu Haonong (Nông sản ngon)” để quảng bá nông ngư sản của địa phương. Ông Trần Quang Phục cho biết, Bành Hồ hy vọng thông qua lý lịch sản xuất hoàn chỉnh, đưa nông ngư sản của Bành Hồ đến tận tay người tiêu dùng.

 “Đến Bành Hồ được ăn hải sản tươi ngon, được ngắm những cảnh đẹp không đếm xuể. Chỉ đến một lần thôi là không đủ, Bành Hồ chắc chắn xứng đáng để bạn quay trở lại!”, đó là điều mà Huyện trưởng huyện Bành Hồ Trần Quang Phục dám vỗ ngực và đảm bảo với mọi người.