Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Người nhập cư mới ở Pingdong tham gia hoạt động Khu dân cư
2018-01-22

1

Người nhập cư mới hướng dẫn cách làm đồ chơi thiếu nhi và vật dụng trong sinh hoạt từ lá dứa và lá dừa, tăng cường mối giao lưu văn hoá.

Theo thống kê của Sở Di dân-Viện Hành chính, hiện nay dân số Người nhập cư mới trên toàn Đài Loan ước chừng 540.000 người, trong đó có khoảng 200.000 người sinh sống ở Pingdong (Bình Đông), nhằm phục vụ nhóm cộng đồng mới này,kể từ năm 2003, chính quyền huyện Pingdong đã dẫn đầu kế hoạch thành lập Trung tâm phục vụ Người nhập cư mới tại 4 khu vực đó là thành phố Pingdong, Chaozhou (Triều Châu), Donggang (Đông Cảng) và Hengchun (Hằng Xuân) giúp đỡ Người nhập cư mới nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống Đài Loan. Từ cảm giác xa lạ để rồi từng bước, từng bước nhìn nhận vùng đất này chính là ngôi nhà mới của mình, hơn thế nữa ngày hôm nay các bạn ấy đã vượt qua ngưỡng cửa gia đình, gia nhập vào cộng đồng khu dân cư, ngoài việc tự tin về quê quán xuất thân của mình, mà điều đó còn trở thành động lực to lớn thúc đẩy văn hóa đa nguyên.
   


Trái cây Thái Lan, người nhập cư mới giới thiệu các loại trái cây nhiệt đới được trồng nhiều ở quê hương như trái bòn bon, trái sầu riêng, trái chùm ruột; ngoài ra còn có bó hoa được kết từ lá dứa được người Thái Lan thường dâng lên cúng Phật.


Vào một buổi trưa trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Song Thập, tại khu đại sảnh của nhà ga xe lửa Pingdong- nơi luôn có dòng người qua lại rộn ràng nhộn nhịp, có khoảng 10 quầy hàng bày biện chằng chịt, không ngay hàng thẳng lối, trên đó bày bán rất nhiều thực phẩm, vật dụng và đồ chơi trẻ em của các nước, nhiều hành khách trên đường về quê hoặc các bạn lao động nước ngoài đến trước các quầy hàng này và dừng lại trò chuyện rất lâu. Các bạn người nhập cư mới rất nhiệt tình tiếp đón và giải thích rất rõ ràng lưu loát kèm theo là những câu chuyện ẩn chứa đầy tình cảm ấm áp, đây chính là cuộc giao lưu văn hóa trực tiếp với nhau, cũng thể hiện thành quả có được sau 1 năm thúc đẩy “Kế hoạch quảng bá văn hóa và bồi dưỡng năng lực xây dựng khu dân cư dành cho Người nhập cư mới”

 

Tự kể về câu chuyện của mình

Người nhập cư mới đã trở thành một phần không thể xem nhẹ trong các cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại Đài Loan, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người có cảm giác vừa quen thuộc vừa xa lạ với nhóm người này. Bà Tsai Shun-rou (Thái Thuận Nhu), chủ nhiệm Hiệp hội phát triển quyền lợi phụ nữ Hảo Hảo huyện Pingdong (gọi tắt là Hiệp hội Hảo Hảo) cho biết, Hiệp hội luôn cất lên tiếng nói vì Người nhập cư mới, thế nhưng lại thông qua người khác để chuyển tải văn hóa Đông Nam Á, cho nên không đạt được hiệu quả cao.

Do đó, nhằm duy trì ý tưởng “Tự kể về câu chuyện của mình”, tại các hoạt động công khai, bà Tsai Shun-rou không ngừng tạo cơ hội cho các bạn Người nhập cư mới đứng trên bục diễn giảng, từ một bài thuyết trình chỉ vỏn vẹn 5 phút, rồi 10 phút cho đến 3 tiếng đồng hồ, không chỉ giới thiệu về quê hương mà còn bày tỏ cách suy nghĩ của bản thân. Còn đối với “Kế hoạch quảng bá văn hóa và bồi dưỡng năng lực xây dựng khu dân cư dành cho Người nhập cư mới” do chính quyền huyện Pingdong đề xuất, Hiệp hội Hảo Hảo kết hợp với Phòng Văn hóa lên kế hoạch vào năm 2016, là một quá trình bồi dưỡng năng lực hoàn thiện cho Người nhập cư mới.

 


Ma Yue-er và con gái mặc trang phục truyền thống của Indonesia trong ngày lễ hội, trên bộ áo quần khảm rất nhiều miếng lấp lánh được may bằng tay.


Kế hoạch đã động viên hơn 10 bạn người nhập cư mới, dựa theo sự quen biết của các bạn ấy trên mạng xã hội tại các lớp học như Lớp thích nghi cuộc sống tại Đài Loan, Lớp phiên dịch, Lớp hạt giống văn hóa đa nguyên, để thành lập các nhóm, từ tháng 9 năm ngoái bắt tay vào biên soạn kế hoạch, dự toán kinh phí, tháng 11 cùng năm đã trình đề án lên chính quyền huyện Pingdong sau đó tiến hành bầu chọn , tháng 3 năm nay kế hoạch bắt đầu được đưa vào thực hiện, Hiệp hội đã cho mời các giáo viên có kinh nghiệm đến giảng dạy, gồm có chủ tịch Hiệp hội Hảo Hảo Zhou Fen-zi (Chu Phần Tư) , cô Quo Ming-xu (Quách Minh Húc) làm công tác vận động nữ giới, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật Xun Hua-ing (Tôn Hoa Anh), hướng dẫn đào tạo cho các bạn từ những kiến thức liên quan cho đến kỹ năng biểu diễn, nghệ thuật diễn thuyết, phải nói đây là một giáo trình đào tạo rất hoàn chỉnh.

Cuối cùng, nhóm đã tham gia các sự kiện như Nghiên cứu ngành giáo dục, Tọa đàm về giới tính, Trạm quan tâm chăm sóc khu dân cư, tổng cộng có 67 buổi diễn thuyết, từ góc độ của người nhập cư mới đi sâu vào văn hóa của Đài Loan, tìm kiếm những điểm chung hoặc những phần cần bổ sung cho nhau, chủ yếu trên các hạng mục như giới thiệu văn hóa đa nguyên, DIY hàng thủ công mỹ nghệ, dạy nấu ăn, mỗi một nhóm đóng vai trò như một luồng gió mới, một nguồn động lực khơi dậy mối giao lưu văn hóa giữa hai bên.

 

 


Người nhập cư mới ở Pingdong tham gia hoạt động Khu dân cư


Những điều mà chúng ta không biết về Đông Nam Á

Lá dứa, cây sả, hoa đậu biếc, v.v... đều là những loài thực vật thường nhìn thấy ở Đài Loan, thế nhưng từ xưa đến nay phạm vi sử dụng thì rất hạn hẹp. Đây là những loại thực vật có mùi thơm của khoai môn, lại có thể làm vật liệu nhuộm màu xanh tự nhiên, cô Wang Rong-fen (Vương Vinh Phần), người Thái Lan nói: “Khi tổ chức buổi diễn thuyết, có rất nhiều người lớn trong gia đình cho biết, những loại thực vật này các nàng dâu người nhập cư mới trong nhà trồng rất nhiều, thế nhưng họ không biết sử dụng như thế nào.” Cô đã hướng dẫn cho các bà cụ hoặc các bà mẹ đem lá dứa sử dụng như một hương vị tạo mùi thơm hoặc là tạo màu cho các loại thực phẩm như bánh da lợn, chè bánh lọt, bánh Yeziqiu, bánh kem.v.v..”Rất thơm, và rất nhiều công dụng diệu kỳ.” Cô Feng Jin-lian (Phùng Kim Liên) người Việt Nam nói: “Đem lá dứa xay nhuyễn lọc lấy nước, sau đó cho vào trong gạo nếp, hoặc cho vào trong các loại đậu đem đi nấu sẽ tăng thêm một mùi hương rất thơm.” Sự phong phú trong phương thức chế biến đã mở rộng thêm trí tưởng tượng của người Đài Loan đối với những nguyên liệu này.

Hai cô gái Ma Yue-er (Mã Nguyệt Nga) và Shu Yong-zhen (Thư Vĩnh Trân) người Indonesia vừa khéo tay lại vừa rất có tâm. Gia đình của Ma Yue-er ở HengChun, hai bên đường liên tỉnh số 1, đường giao thông chủ yếu về hướng Hengchun là dãy dừa cao chót vót, như vẫy gọi cô tưởng nhớ về quê hương của mình. Khi đi vào khu dân cư, cô đã hướng dẫn các bà các cụ, đem lá dừa đan thành những vật dụng trong cuộc sống như nón lá, chiếc quạt hoặc cái rổ.v.v.., vừa nhẹ vừa trang nhã lại vừa bảo vệ môi trường, lại rất hợp phong tục tập quán con người địa phương, bên cạnh đó cũng thể hiện năng lượng văn hóa của Indonesia; Shu Yong-zhen cũng giới thiệu một loại bánh ú của Indonesia- bánh Ketupat được làm theo phương pháp truyền thống gói bánh bằng lá dừa, và trưng bày một số đồ chơi trẻ em được đan bằng lá dừa. Cô Ma Yue-er vừa cười vừa bổ sung: “Bánh ú của Đài Loan thì nhân là ở bên trong, còn bánh ú của Indonesia là nhân ở bên ngoài nha.”, trong sự khác biệt vẫn tìm thấy được nét tương đồng, trong nét tương đồng vẫn có sự khác biệt, cũng tương tự như văn hóa giữa Đài Loan và Indonesia.

 

 


Người nhập cư mới ở Pingdong tham gia hoạt động Khu dân cư


Từ sự hiện diện như một người ngoài cuộc, trở thành lực lượng chính

Pingdong là một huyện có thế mạnh về nông nghiệp, nên rất bảo thủ trong phong tục tập quán, vậy mà trở thành một địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng Khu dân cư người nhập cư mới trên toàn quốc, cho nên càng mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Trên thực tế, do đa số người nhập cư mới chỉ vừa lập gia đình sang Đài Loan không bao lâu, lại còn phải chung vai gánh vác kinh tế gia đình, thêm vào đó còn chịu áp lực nuôi dưỡng giáo dục con cái, chăm sóc người lớn tuổi trong nhà, nên đa số gia đình chồng không ủng hộ cho các bạn ấy ra ngoài tiếp xúc với xã hội, vả lại bình thường mọi người đều không có kinh nghiệm trong việc giao lưu với người nhập cư mới, vô hình chung đem đến cho họ một cảm giác kỳ thị, tạo một bức tường ngăn cách trong cộng đồng. Cô Li Jia-ling (Lý Giai Linh) nhân viên Phòng quảng bá văn hóa nghệ thuật chính quyền huyện Pingdong nói thêm: “Chúng tôi hy vọng thông qua kế hoạch này để sửa đổi lại thành kiến của mọi người trong khu dân cư đối với các bạn nhập cư mới.”

 


Ma Yue-er dùng lá dừa ở Pingdong đan thành nón lá truyền thống của Indonesia, mang ý nghĩa người nhập cư mới đã tìm thấy phương thức an cư lập nghiệp nơi vùng đất mới


Quá trình thúc đẩy “Kế hoạch quảng bá văn hóa và bồi dưỡng năng lực xây dựng khu dân cư dành cho người nhập cư mới”, không những tạo ra một sân chơi để hai bên có thể trao đổi truyền đạt thông tin với nhau, mà cũng cổ vũ những người nhập cư mới đã sinh sống ở Đài Loan hơn 10 năm, 20 năm mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng. Cô Li Jia-ling nói: “Xây dựng khu dân cư tức là công tác “xây dựng con người”, người tham dự rất quan trọng, người nhập cư mới đã trở thành một phần của khu dân cư, đương nhiên cũng cần phải được bồi dưỡng năng lực tham gia công tác công cộng.”

Đối với chủ nhiệm Tsai Shun-rou, người luôn kề cận bên người nhập cư mới, cùng với họ để lại nhiều dấu ấn trên chặng đường đã đi qua, thì vẫn nhìn về viễn cảnh xa hơn nữa, chủ nhiệm cho biết: “Sắp đến, chính phủ sẽ thúc tiến kế hoạch đưa tiếng mẹ đẻ vào giáo trình giảng dạy, năm nay một vài trường điểm đã bắt đầu thực thi, dự tính năm 2019 sẽ triển khai trên toàn quốc, lúc đó các bạn nhập cư mới đã có kinh nghiệm giảng dạy, sẽ trở thành những người lính tiên phong trong kế hoạch này.”, Bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình không phải có ý đồ bỏ đi, mà là tạo nên một mối liên kết sâu hơn với vùng đất mới, trải qua 10 năm, 20 năm phấn đấu và nỗ lực xây dựng cuộc sống, Người nhập cư mới tại Đài Loan đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển văn hóa không thể thiếu được trên đảo Ngọc Fomorsa.