Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Walami Ngọc Sơn
2018-01-29

1

 

 Đoàn tàu Puyuma Express lao vút đi giữa bốn bề thung lũng Hoa Đông (Huadong Rift Valley), chúng tôi xuống tàu ở thị trấn Ngọc Lý (Yuli) thuộc huyện Hoa Liên (Hualien), rồi bắt xe bus đi đến điểm cuối cùng của con đường trải nhựa -Tỉnh lộ 30, là nơi tiếp giáp với đường mòn Walami - con đường quyện đầy bùn cát và sỏi đá. Cánh rừng này nằm ở phía Đông của Công viên Quốc gia Ngọc Sơn (Yushan National Park), cũng là nơi sinh sống, săn bắt của dân tộc thổ dân Bunun ngày trước. Thời Nhật chiếm, nơi đây từng trải qua sự kiện kháng Nhật vô cùng tàn khốc của thổ dân Đài Loan, cũng là nơi khởi điểm mà Hoàng Mỹ Tú, người được gọi là “Bà mẹ Gấu đen” nghiên cứu về loài Gấu đen Đài Loan ở khu vực Đại Phần (Dafen). Có vô số học giả đến đây nghiên cứu hệ sinh thái, khảo cổ. Hành trình khám phá dãy Ngọc Sơn bất tận cũng bắt đầu từ nơi này. Ngày nay, Walami Ngọc Sơn được gìn giữ như là một khu bảo tồn thiên nhiên, và chúng tôi cũng đến vì sức hút đầy mê hoặc từ hệ sinh thái phong phú của núi rừng hùng vĩ này…
 


Những người leo núi thường gọi vui là ngôi nhà Walami 5 sao.

 
Từ đường mòn trên núi  Pattonkuan thời xưa, đến đường mòn sinh thái ngày nay

 “Walami” dịch từ âm “わらび” trong tiếng Nhật, gần với âm của từ “maravi” của tộc Bunun (tạm dịch: theo sau), hẳn là vì thế nên mới được đặt thành tên. Đường mòn Walami ngày nay vốn là một phần của con đường xuyên núi thông qua trung tâm cửa ải Pattonkuan, được khai thông vào năm 1921. Con đường xuyên núi Pattonkuan được người Nhật xây dựng lúc bấy giờ nhằm kết nối giao thông Đông – Tây của Đài Loan để quản lý người thổ dân. Đến nay trên đường vẫn có thể bắt gặp những dấu tích còn sót lại của người Bunun.

Đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình khám phá nơi này là ông Cao Trung Nghĩa, người đã có thâm niên phục vụ hơn 28 năm trong Công viên Quốc gia Ngọc Sơn. Vốn là thợ săn của dân tộc Bunun ngày xưa, nay ông làm nhân viên tuần tra tại nơi này. Mỗi cảnh mỗi vật trên núi như ký ức trẻ thơ mà ông vô cùng trân trọng, kiến thức phong phú về cuộc sống hoang dã khiến ông giống như một cuốn từ điển bách khoa toàn thư di động. Chẳng cần phải tra cứu kiếm tìm đâu xa, chỉ cần hỏi là ông sẽ giải đáp. Tâm tính của một kẻ đi săn đã không còn, nhưng khả năng quan sát nhạy bén thì vẫn không hề thuyên giảm. Mắt ông nhanh như chim ưng, đảo qua đường mòn, rừng rậm, chỉ tay vào vách núi và nói: “Đây là dấu móng của hươu rừng đi qua ban sáng”, “Còn vết bùn này là kiệt tác để lại của lợn rừng sau khi đào bới giun đất”, và có cả dấu tích của gấu đen sau khi chúng tìm kiếm mật ong trên thân cây. Chúng tôi theo chân ông, nhìn thế giới qua đôi mắt của ông, mới thực sự cảm nhận thế nào là “trinh thám”, và vùng núi rừng này bỗng như sống dậy trong từng lời thuyết minh của ông.

 


Cao Trung Nghĩa quan sát đường đi hình xoắn ốc trên cây Nanmu là dấu vết ong Bắp Cày bóc cuộn vỏ cây khi quay về tổ.


Đường mòn từ cửa ải lên núi tới ngôi lều Walami chủ yếu được xây men theo đường lên vùng núi cao, với độ dài 13.6 km, cao 700m so với mực nước biển. Lúc xây đường mòn nếu gặp nước sẽ bắc cầu, đôi khi sẽ làm  thang sắt nối giữa hai bờ, khá êm và dễ đi, được thiết kế riêng cho người đi bộ, còn động vật thì không thường qua lại đường rộng như thế này. Ông Nghĩa chỉ về phía vách núi, phải rất tinh tường mới nhìn thấy con đường hẹp phía sau các khóm cây. “Đây giống như là “đường quốc lộ”, tất cả động vật đều đi qua đường này.” Còn “Đường tỉnh lộ” sẽ là đường dành cho dê núi, nai, hươu rừng. Nếu nghiêng người quan sát phát hiện ra một lối nhỏ nhô ra trên triền vách, “đây là nơi đi lại của những con vật thuộc họ mèo, ví dụ như con cầy chẳng hạn.” Ông giải thích.  “Đường tỉnh lộ” và “Đường quốc lộ” là thuật ngữ của thợ săn, ngày xưa họ đặt những cái bẫy trên những đoạn đường này, còn ngày nay tuy đã không còn săn bắt, nhưng vẫn lưu lại những cái tên hay ho ấy, để chúng tôi có thể tưởng tượng về cách mà những con vật sinh sống trong khu rừng.

 

 “Không làm phiền”: Sự đối đãi dịu dàng

Công viên Quốc gia Ngọc Sơn được thành lập vào năm 1985, khu vực Walami đổi thành khu bảo tồn sinh thái từ năm 2000. Nhưng trước đó, do sở hữu nguồn tài nguyên gồm các loại đá hoa, đá lam ngọc vô cùng phong phú nên từng được quy hoạch xây dựng thành các khu mỏ khai thác, nên xuất hiện những cỗ máy đào đất rập rình chờ khi xa lộ Trung Hoành cắt ngang miền Trung Đài Loan được thông xe giống như cá kình há miệng nuốt mồi. May mắn thay, Công viên đã lưu lại khu rừng thiên nhiên này, để ngày nay dù chúng ta phải mất nhiều giờ đi bộ mới có thể tận mắt chứng kiến sự hùng vĩ của nó, nhưng trên đời chẳng có công sức nào là vô ích, thiên nhiên đã thưởng lại cho ta biết bao cảnh đẹp.

 


Cũng may mắn gặp được một chú rắn mai rùa chịu chụp ảnh.


Làn sương mù uốn lượn như dải lụa, thoắt ẩn thoắt hiện bao quanh núi. Sau những bước đi mệt nhọc, uống một ngụm nước từ dòng suối ngọt, mới thấy cuộc đời chẳng còn gì để nuối tiếc. Những thân cây bị trận bão đánh ngã, vẫn nằm phơi ngổn ngang trên dốc núi, loài dương xỉ bám vào các nhánh cây để sinh sôi, và rồi nhờ thời gian vun tưới, nó có được vẻ đẹp tự nhiên trời phú, tạo nên một cảnh tượng mà bất kỳ ai đi qua cũng phải dừng chân ngắm nhìn.

Và không chỉ là để ngắm nhìn, các loài cây cỏ ở đây đều có công dụng của riêng chúng. Ông Nghĩa chia sẻ, những tán lá khoai rừng - nơi đọng đầy những giọt sương long lanh như ngọc hóa ra cũng có thể ăn được. Hay muốn sinh tồn ở nơi thiên nhiên hoang dã, nếu nhận biết được cây cọ nước thì cũng có thể tìm thấy nguồn nước từ thân của nó.

Trí tuệ thích nghi thiên nhiên của dân tộc nguyên trú không chỉ có vậy. Ông Nghĩa cho biết, thời xưa trước khi thợ săn lên núi sẽ dùng một que củi để xác định hướng gió. Nếu gió thổi theo hướng mà chúng ta sẽ đi, vậy thì chuyến đi săn ấy coi như hủy bỏ, vì những con thú sẽ đánh hơi thấy mùi của người và tản đi hết. Trong sách của Hoàng Mỹ Tú: “Nhật ký về Gấu đen: Câu chuyện của tôi và loài Gấu đen Đài Loan” viết rằng, dân tộc thổ dân Bunun có rất nhiều cấm kỵ về săn bắt, những điều này về mặt nào đó đã khống chế hoạt động săn bắt của con người, nhằm giúp cho hệ sinh thái không bị vắt kiệt. Nói cách khác, đó như là một điều luật cùng nhau sinh tồn của người thổ dân và thiên nhiên ngày xưa. 

 


Bọ rùa quay về ruộng.


Ông Nghĩa khoác trên lưng chiếc giá nhôm đựng một túi gạo, tay cầm lưỡi liềm cắt cỏ tiến về phía trước, gạt những khóm dây leo và cành cây sang hai bên để đường đi trở nên thông thoáng hơn. Ông còn dùng cây chổi đã chuẩn bị từ trước quét sạch những tán lá rụng trên cầu treo.  Thỉnh thoảng gặp phải những đoạn đường sụt lún, ông sẽ di dời những chồng đá, khiến đường trở nên bằng phẳng. Giữ cho sự can thiệp ở mức thấp nhất, để thiên nhiên có thể sinh sôi nảy nở, đó là khái niệm đích thực về bảo tồn sinh thái.

Chúng tôi dừng chân ở khu lều trên núi, sáng hôm sau sẽ quay về. Qua đó một đoạn là địa phận Bão Nhai(Baoyai) thuộc khu Đại Phần (Dafen), nơi được coi là quê hương của loài Gấu đen Đài Loan; và để đi đến đó là đoạn đường có phần nguy hiểm hơn, đòi hỏi phải có những thiết bị chuyên nghiệp hơn. Có lẽ những “Tân binh” như chúng tôi nên để dành nơi ấy cho gấu đen chơi đùa, cho những sinh vật được sống yên ổn trong khu vườn xinh đẹp của riêng mình. Lộ trình hai ngày đã khiến chúng tôi nhận ra một điều: “Không làm phiền” là sự đối đãi dịu dàng nhất mà con người nên dành cho thiên nhiên…

 

Walami hữu cơ

Sau khi hoàn thành hành trình đi bộ 28km, chúng tôi nhìn thấy phía trước không xa là khu ruộng hữu cơ của bộ lạc Lamuan. Tuy không thuộc phạm vi của Công viên Quốc gia Ngọc Sơn, nhưng lại là mẫu ruộng đầu tiên được tưới từ nước của dòng suối Lakulaku. Từ trên cao nhìn xuống, khu canh tác này như hình một chiếc lá, mà mạch lá là những đường cấy ngoằn ngoèo, tách thành những mảnh ruộng có hình dạng khác nhau. Và rồi mùa đến và đi theo lúa lớn, mặt đất lại được phủ lên những dải lụa vàng xanh nhiều tầng.

Đây là khu đất trồng trọt của bộ lạc Lamuan thuộc tộc người Bunun, nhiều năm trở lại đây đã thực hiện phương pháp sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp. Vào mùa nông bận rộn, không khí sẽ tràn ngập mùi thuốc trừ sâu không mấy dễ chịu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn bảo tồn thân thiện với thiên nhiên của Công viên. Trước tình hình đó, Ban Quản lý Công viên Quốc gia Ngọc Sơn đã triệu tập các cơ quan như Ngân hàng E.Sun, Nông trường Yinchuan, Quỹ Xã hội Tse-Xin, Khu Cải tạo Nông nghiệp Hoa Liên vv…phối hợp hỗ trợ về kỹ thuật, hợp tác với các hộ nông dân, chứng nhận, thu mua, gia công đóng gói vv… nhằm giúp nông dân chuyển sang canh tác hữu cơ. Tên gọi “Walami Ngọc Sơn” ra đời từ đó.

 


Lại Kim Đức phun phân bón hữu cơ, cung cấp chất hữu cơ cho mảnh ruộng hữu cơ.


Lâm Vịnh Hồng là một trong những hộ nông dân đầu tiên hưởng ứng phương thức canh tác hữu cơ. Thực tế là trước khi Ban Quản lý Công viên Quốc gia Ngọc Sơn phát động kế hoạch này, anh đã sớm tận dụng nguồn nước sạch từ dòng suối Lakulaku và sử dụng vi sinh vật hữu cơ để nuôi cua đồng.

Đứng trước câu hỏi liệu canh tác hữu cơ có phải tốn thêm càng nhiều sức lao động hay không? Anh Hồng nói: “Không hẳn.” Nếu làm không đúng phương pháp thì tất nhiên sẽ vất vả - anh giải thích - ở giai đoạn bắt đầu san đất, thực sự xới đất cho tươi xốp, phải đảm bảo đất ruộng được san phẳng, độ sâu của nước trong ruộng phải đồng đều thì cỏ dại mới không mọc lan tràn. Vì vậy, kiểm tra mực nước và bảo đảm độ sâu của nước ruộng mỗi ngày là khâu quan trọng nhất để kìm hãm sự phát triển của cỏ dại.

Ngoài ra, thứ mà ruộng lúa sợ nhất là ốc bươu vàng. Bản thân anh Hồng từng trải qua ba lần “chiến đấu” với chúng. Lúc đầu anh hận lắm, nhưng rồi một tháng sau thì chuyển sang cách “sống chung” với chúng. “Khi hàm lượng Xen-lu-lô trong lúa tăng lên, thì bọn ốc này sẽ không thích ăn lúa nữa, mà sẽ chuyển sang ăn cỏ dại (non hơn), tiện thể hỗ trợ diệt cỏ luôn.”, anh vừa cười vừa nói.

 


Một hộ nông khác là anh Lại Kim Đức thì nói: “Thực ra thời ông cha ta đều dùng phương thức trồng trọt truyền thống, giờ chuyển sang hữu cơ có vất vả một chút cũng không sao! Khỏe mạnh mới là quan trọng.” Anh và vợ, chị Cao Xuân Muội từng rời khỏi chăn ấm tới ngủ ngay tại ruộng giữa đêm đông giá lạnh để bảo vệ đám mạ mới trồng không bị lũ vịt quấy phá. Khi gạo hữu cơ được thu hoạch, anh Đức tự tay phơi gạo, xay gạo, rồi nấu thành cơm thơm phức, “Ngon lắm, như thể có mùi vị của ánh mặt trời vậy.” Câu nói của anh như một lời chú thích cho sự vất vả của canh tác hữu cơ. 

Khi con người thân thiện với thiên nhiên, ắt sẽ nhận được sự báo đáp dồi dào từ thiên nhiên. Ngoài việc sản lượng gạo hữu cơ tăng lên hằng năm, thì theo như phát hiện của ông Bành Nhân Quân – một chuyên gia của Đại học Đài Đông được Quỹ Tse-Xin mời đến điều tra sinh thái – phương pháp trồng trọt hữu cơ đã làm tái sinh bản năng vốn có của đất, và những loài vật phong phú trong ruộng hữu cơ đã kiến tạo ra một mạng lưới phòng vệ sinh thái, đủ để loại bỏ tất cả những nhân tố có thể gây hại cho ruộng đồng.

Anh Lâm Vịnh Hồng chỉ vào những con sâu đỏ dưới ruộng, nói rằng nó sẽ khuấy đất và cung cấp cho đất thêm sức sống hữu cơ, còn cánh cam, nhện thì sẽ ăn những con bọ làm hại cho lúa nước. Với “nguồn thực phẩm” dồi dào, trên những áng ruộng hữu cơ thường có rất nhiều cò trắng, chuồn chuồn, hạc, yến bay lượn tấp nập, náo nhiệt đến lạ thường.

 


Có lúc sẽ thấy bóng dáng những chú gấu đen tại vùng núi Walami, vì sự an toàn con người vẫn nên giữ khoảng cách với gấu.


Không chỉ vậy, các hộ nông ở đây còn phát hiện ra một loài cá nước ngọt (tên khoa học Aphyocypris kikuchii) quý hiếm thuộc họ cá Chép chỉ có ở Đài Loan vốn đã đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Ông Hoàng Tuấn Minh - Trưởng Ban Quản lý Công viên Quốc gia Ngọc Sơn cho biết: “Ban đầu chúng tôi chỉ hy vọng giúp cho ruộng đồng ở đây phù hợp với mục tiêu bảo tồn sinh thái của Công viên, chưa từng nghĩ rằng sẽ có khám phá như vậy. Việc tái xuất hiện của loài cá này sẽ giúp cho các hộ nông dân cảm thấy canh tác hữu cơ là một việc thực sự có ý nghĩa.”

Khoảng một hai năm trở lại đây, với việc Walami Ngọc Sơn ngày càng được mọi người biết đến, bộ lạc Lamuan đã từng bước thúc đẩy du lịch sinh thái, nông dân nô nức làm hướng dẫn viên, giới thiệu những câu chuyện về trồng lúa hữu cơ, để người thành phố được trải nghiệm chân trần xuống ruộng, cảm nhận nguồn nước ấm áp từ dòng Lakulaku, bắt gặp những chú cánh cam khoác những cánh áo đỏ đen xen kẽ bay chen chúc giữa cọng rơm và khe lá. Cảm giác rung động ấy như đến từ sâu thẳm trong trái tim của mỗi chúng tôi, không thể diễn tả bằng lời. Mong rằng một ngày nào đó, bạn cũng có thể đến nơi này, để tự mình trải nghiệm và cảm nhận về Walami Ngọc Sơn…