Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cuộc tìm kiếm chú nai Đài Loan
2018-02-01

1

Nai Đài Loan thích sinh sống trong môi trường rừng cây lá kim và rừng hỗn giao tre nứa

Quý vị thử tưởng tượng xem, nếu trên núi không có động vật thì cho dù phong cảnh xinh đẹp đến cỡ nào,ngọn núi này cũng giống như không có linh hồn mà thôi. Nai Đài Loan (hay còn gọi là nai Formosa) là loài động vật ăn cỏ lớn nhất ở vùng núi cao Đài Loan, có lần gần như tuyệt chủng bởi vì môi trường sinh sống bị phá hoại và bị săn bắt liên tục. Trong những năm gần đây, do công tác bảo tồn đã đạt được thành quả nhất định, số lượng nai Đài Loan tiếp tục gia tăng, nhưng vì không có kẻ thù tự nhiên cho nên dần dần xuất hiện một số vấn đề. Sự xuất hiện của nai Đài Loan đã khiến cho con người và môi trường, nhất là môi trường núi cao, có quan hệ chặt chẽ với nhau, cũng là loài động vật mang tính tiêu biểu đáng để cho chúng ta ngẫm nghĩ.
   


Nhân viên nghiên cứu nai Đài Loan phải vác thiết bị rất nặng, đi bộ vượt qua các ngọn núi từ 2-3 ngày, mới đến khu vực nghiên cứu

Giáo sư khoa Khoa học sự sống của trường đại học sư phạm Đài Loan ông Wang Ying (Vương Dĩnh), hồi nhỏ là đã rất hiếu kỳ đối với động vật và cũng rất thích leo núi. Yen Shih-ching, nghiên cứu viên sau tiến sĩ khoa chăn nuôi thú y trường đại học quốc gia Đài Loan rất yêu thích các loài động vật lớn. Một người là chuyên gia, có kinh nghiệm nghiên cứu động vật hoang dã trong mấy chục năm, người kia là nghiên cứu viên trẻ tuổi, trong quá trình nghiên cứu nai Đài Loan, đã nếm nhiều cay đắng, cảm động, và cũng đã gánh vác trách nhiệm nặng nề trong mặt bảo tồn.

 

Sự ra đời của Đạo luật bảo tồn động vật hoang dã

Vào đầu năm 1980, Đài Loan bắt đầu phát triển kinh tế, dần dần có khả năng quan tâm đến vấn đề bảo tồn động vật hoang dã. Wang Ying kể lại tình hình bảo tồn của Đài Loan trước đó : “Năm 1984, sự thành lập công viên quốc gia Kenting là một cột mốc quan trọng, cuối cùng thì chúng ta cũng đã có cơ quan và địa điểm chính thức để bảo tồn động vật hoang dã của Đài Loan”. Ngoài ra, năm 1989, Wang Ying còn tham gia cuộc họp triển khai dự thảo “Luật bảo tồn động vật hoang dã”, trong khoảng thời gian đó nhằm vào lúc cả thế giới đang thảo luận rộng rãi về Công ước đa dạng sinh học thế giới, cộng đồng quốc tế đang dần dần coi trọng nguồn tài nguyên của động vật hoang dã và quan ngại cư dân địa phương, nhất là quyền lợi và trí tuệ truyền thống của dân tộc thiểu số.

Sau khi “Luật bảo tồn động vật hoang dã” được thực thi, liền bắt đầu thảo luận các loài động vật nào đang phải đối mặt với tuyệt chủng, cần được quan ngại. Vào thời điểm đó, động vật ăn cỏ lớn nhất của Đài Loan là nai Đài Loan, có số lượng rất khan hiếm, đã thu hút sự chú ý của Wang Ying, lúc đó ông đang nghiên cứu động vật hoang dã.

 

 


Khu vực cắm trại nằm ở ao Dấu chấm than, khi đội nghiên cứu đến đây, thông thường phải ở từ 1-2 tuần


Nai Đài Loan hoang dã hầu như sắp tuyệt chủng

Hồi đó, ngành chăn nuôi hy vọng các loài động vật hoang dã có thể đến trại chăn nuôi sinh sản, vì có nhu cầu này, cho nên thường có dân tộc thiểu số đi bắt nai Đài Loan bán cho trang trại chăn nuôi nai, “Lúc đó một con nai lớn nhiều khi có thể bán với một số tiền nhiều hơn lương một năm của nhiều người”. Wang Ying nói. Vì săn bắt quá mức và nơi ở bị phá hoại cho nên đã khiến cho số lượng nai Đài Loan giảm đi một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, vào năm 1986-1987, đội nghiên cứu do Wang Ying dẫn đầu, đã điều tra thăm dò về việc sử dụng các nguồn động vật hoang dã trên toàn quốc, phát hiện số lượng nai Đài Loan được nhà hàng trên núi sử dụng là rất ít, thêm vào đó, vào khoảng thời gian năm 1989-1990, trại chăn nuôi nai bùng phát nhiễm bệnh lao, khiến cho nai Đài Loan hoang dã vốn đã hiếm nay càng hiếm hơn. Wang Ying kể lại tình hình lúc bấy giờ : “Hoẵng có thể có hàng chục ngàn con, nhưng nai Đài Loan thì chỉ có khoảng vài trăm con. Một khi số lượng bị ép thật thấp, muốn khôi phục không phải là việc dễ dàng.

 

 


Tính tình của mỗi một con nai Đài Loan đều không giống nhau, nai đực thường rất bạo dạn. Trong ảnh là “Anh chàng hiếu kỳ” không sợ người


Cột mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, theo dõi nai Đài Loan

Yen Shih-ching nhớ lại cảnh lần đầu tiên săn bắt nai Đài Loan. “Lần đầu tiên bắt nai Đài Loan, mọi thứ đều rất lạ lẫm, nhưng chúng tôi có mời hai người dân tộc thiểu số hướng dẫn chúng tôi”. Yen Shih-ching nói. Lúc đó vác hai cái lưới nặng gần 20kg , ngày đầu tiên gặp phải trời mưa “Lưới càng vác càng nặng....”, một trong hai người dân tộc thiểu số phàn nàn với Yen Shih-ching rằng, trọng lượng của lưới, cộng thêm nước mưa, chỉ cần đi bộ thôi cũng đủ mệt rồi. Đi suốt hai ngày, đến khu cắm trại ở núi đá có ao hồ mang tên Dấu chấm than, là địa hình của một thung lũng nhỏ. Sau khi quấn lưới xung quanh xong, quy định đàn ông con trai đều phải đi tiểu ở đây, vì nước tiểu của con người có thể thu hút nai Đài Loan đến gần.

Ban ngày diễn tập, khi nai Đài Loan xuất hiện ở gần khu vực này hoặc ở giữa lưới, phải làm thế nào để đuổi nai vào trong lưới, lều trại cách lưới khoảng 20m, khi mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng thì chỉ cần đợi nai Đài Loan tự chui vào vòng lưới. Tuy là mùa hè, nhưng khí hậu ở trên núi vẫn rất lạnh, đột nhiên, bên ngoài truyền đến tiếng nói : “Nhanh lên, chuẩn bị thiết bị gây tê”. Yen Shih-ching cùng với một đồng nghiệp từ hai bên chạy ra ngoài, vừa la hét vừa bật đèn, để cho nai chạy trở lại, như vậy sẽ đụng vào lưới.

Quấn lưới lại, người bên cạnh đè chặt lưới, tiếp đó nhân viên thú y lập tức gây tê, đợi mười mấy phút, sau khi thuốc mê có hiệu lực mới gỡ lưới ra. Lúc này, nhóm mấy người săn bắt nai trẻ tuổi, vạm vỡ cùng chạy đến, một người phụ trách cột chặt chân sau, một người phụ trách chân trước, một người phụ trách cái đầu, sừng nai cũng sẽ bị lưới quấn lại để tránh làm tổn thương con người. Tiếp đó là treo lên để cân nặng, nhân viên thú y lấy máu, lấy ký sinh trùng  ngoài cơ thể và đo chiều cao của vai, chiều dài cơ thể và chu vi cổ, tròng vào vòng cổ vô tuyến v.v...., sau khi hoàn thành các công việc này, nhân viên thú y mới tiêm thuốc giải thuốc mê và thả ngay tại chỗ. Đó là ngày 15-7-2009, đội nghiên cứu do Wang Ying và Yen Shih-ching dẫn đầu, lần đầu tiên  thành công bắt được nai Đài Loan và đeo vòng cổ, được xưng là cột mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, theo dõi nai Đài Loan.

 

 


Quá trình bắt nai của nhân viên nghiên cứu


Có rất nhiều tình huống xảy ra khi nghiên cứu trên núi

Nghiên cứu dĩ  nhiên không phải lần nào cũng suôn sẻ, có một hôm vào buổi tối, bỗng nhiên mưa lớn, nơi dựng lều vừa vặn là thung lũng, hai bên là sườn đồi, bẫy bắt nai nằm ở bên cạnh. Yen Shih-ching ngủ một lát sau đó đứng dậy đi uống nước, ông phát hiện dưới lều rất mềm cho nên vội vàng mở lều ra xem, chết rồi, giày dép, ly inox và nồi đều nổi trên mặt nước. Sau khi kêu mọi người thức dậy, dọn đồ lên chỗ cao hơn, ông nghĩ trong bụng, có lẽ mọi việc đã ổn. Ngủ 1, 2 tiếng sau lại bị ngập, suốt đêm cứ dọn lui dọn tới rất nhiều lần. Bên ngoài mưa vẫn nặng hạt, trong lều mọi người đều mặc áo mưa, toàn thân ướt đẫm, ngoài lều trại còn có một đàn nai giống như đang xem kịch, nhìn nhóm người dọn tới dọn lui, trải qua suốt một đêm như vậy.

Ngoài tình huống bất ngờ này, cũng xảy ra một vài việc rất thú vị. Vì tính tình của mỗi một con nai Đài Loan đều không giống nhau, để tiện xưng hô, đội nghiên cứu đã đặt tên cho các con nai. Chẳng hạn như Yen Shih-ching đặt tên cho một trong những con nai đó là “Anh chàng hiếu kỳ”, nó là một con nai rất lớn, hoàn toàn không sợ người. Trong thời gian nghiên cứu, nó cứ lượn qua lượn lại tại nơi cắm trại, cho dù bị bắt và đeo vòng cổ, nhưng cách một ngày sau nó lại đến trang trại để xem nhân viên nghiên cứu đang làm gì. Một con khác tên là “Anh chàng láu lỉnh”, nó lần nào cũng vào trong lưới để ăn đồ ăn ngon, chỉ cần ở khu cắm trại có tiếng động là lập tức bỏ chạy, nhưng cách không bao lâu lại quay về, liên tục nhiều lần như vậy khiến cho nhân viên nghiên cứu mệt nhừ cả người. Sau đó anh chàng láu lỉnh bị vướng vào lưới, nó kéo cả lưới chạy luôn, không thấy bóng dáng đâu cả, nhân viên nghiên cứu ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không tìm thấy, cách một ngày sau nó lại xuất hiện.

 

 


Dần dần xuất hiện những nỗi lo về môi trường

Trong những năm gần đây,với sự thành công trong công tác bảo tồn nai Đài Loan, số lượng nai đã gia tăng, trước tình hình không có kẻ thù tự nhiên, tác động tiêu cực đến lâm nghiệp dần dần hiện rõ, nhất là cây lá kim ở vùng cao, hiện nay, trường hợp cây chết quy mô lớn xảy ra trong rừng, đa phần là xảy ra ở rừng cây Linh sam hoặc rừng cây Thiết sam, ở Công viên rừng quốc gia Ngọc Sơn nghiêm trọng nhất.

Đội nghiên cứu của Phó giáo sư Sở nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã thuộc trường đại học khoa học công nghệ Bình Đông Weng Guo-jing (Ông Quốc Tinh), căn cứ theo các bằng chứng nghiên cứu hiện nay chỉ ra, trong vài khu vực mẫu của công viên rừng quốc gia Ngọc Sơn, tỉ lệ ký sinh trùng trong chất bài tiết của nai Đài Loan cao hơn các khu vực khác. Sau khi kiểm nghiệm vỏ cây và hàm lượng tanin cô đặc trong mũi tên săn bắt nai Đài Loan ở khắp nơi, phát hiện, hàm lượng tanin cô đặc trong các loại vỏ cây khác nhau sẽ khác nhau, nhưng trong mũi tên tre hoàn toàn không có kiểm nghiệm ra được, và hàm lượng tanin cô đặc có thể giúp diệt ký sinh trùng trong đường tiêu hóa, vì vậy, có thể là do yếu tố sức khỏe, khiến cho các con nai phải ăn vỏ cây. Nhưng hiện nay, nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, đợi sau khi tất cả các thử nghiệm tiếp theo được hoàn thành, mới có thể xác nhận “Giả thuyết tự chữa trị” có thành lập hay không.

Ngoài những lo lắng tiêu cực, cũng có những kết quả nghiên cứu tích cực, trưởng phòng bảo tồn thuộc Ban quản lý công viên quốc gia Taroko (Thái Lỗ Cát) Tôn Lệ Châu cho hay, ban đầu nghiên cứu nai Đài Loan chủ yếu là muốn tìm hiểu những thông tin sinh thái về nai Đài Loan trong khu công viên quốc gia Taroko. Sau 4 năm theo dõi, chỉnh hợp các khu vực, chiết xuất hơn ngàn mẫu gen chất bài tiết của nai Đài Loan, suy đoán ra rằng, các con nai Đài Loan vì bị ảnh hưởng của sông băng núi cao và hàng rào đường tuyết của 100.000 năm trước, nai Đài Loan có thể chia thành hai nhóm lớn, đó là “Shei-pa Taroko” và “Dãy núi Trung Ương”, đây là một phát hiện rất quan trọng, cũng khiến cho người dân Đài Loan có thể hiểu thêm về gia tộc nai Đài Loan.

 

 


Nai cái và nai con thường đi thành đàn khoảng 3-4 con


Sinh thái, kinh tế và sự cân bằng bảo tồn

Đối với 2 chữ “Bảo tồn”, Wang Jing cho biết : “Hơn 30 năm trước, tôi dịch chữ Conservation thành bảo tồn chứ không phải bảo vệ, vì lúc đó Mỹ cũng trải qua tình trạng động vật sắp tuyệt chủng, vì vậy họ bắt đầu bảo vệ, gọi là Preserve, đợi đến khi động vật trở nên nhiều hơn rồi mới sửa thành Conserve”. Ông cho rằng, ý nghĩa của bảo tồn là phải bảo vệ để cho động vật có thể nuôi nấng, sau khi nuôi dưỡng được nhiều rồi thì phải tận dụng. Còn Yen Shih-ching thì nêu ví dụ về hươu sao Nhật Bản, cách đây hơn 100 năm, hươu sao Nhật Bản phải đối mặt với tuyệt chủng, vì lúc đó bị săn bắn rất nhiều, sau đó vì số lượng hươu sao ít đi nên bị cấm săn bắn. Cấm săn bắn không bao lâu, kẻ thù tự nhiên của hươu sao là sói Nhật Bản cũng vì bị săn bắn quá nhiều nên tuyệt chủng. Tiếp đó, hươu sao càng ngày càng nhiều, tăng trưởng theo cấp số nhân cho nên sau đó Nhật Bản lại mở cửa cho săn bắn, bây giờ ở Hokkaido, mỗi năm phải săn bắn 80.000 con hươu sao, nhưng số lượng hươu vẫn còn rất nhiều, gây thiệt hại rất lớn cho lâm nghiệp và nông nghiệp.

Hiện giờ, tình hình nai Đài Loan cũng gần như Nhật Bản của 50 năm trước. Wang Ying cho rằng, với sự tăng cao của số lượng các loài động vật bảo tồn, một mặt có thể sử dụng làm sinh thái du lịch, để cho người dân tiếp cận với động vật bảo tồn, ngắm động vật bảo tồn, qua đó bồi dưỡng sự yêu quý môi trường sống của nai Đài Loan và sự nhận thức đối với việc bảo tồn sinh thái. Mặt khác, mở cửa cho một số khu vực cụ thể để cho dân tộc thiểu số đến săn bắt, làm như vậy có thể duy trì số lượng và giảm thấp sự tổn hại đối với môi trường, vừa có thể đáp ứng nhu cầu tế lễ săn bắt truyền thống của dân tộc thiểu số và lòng tự trọng săn bắn của họ, để duy trì kỹ thuật và kế thừa hệ thống săn bắn, để cho nai Đài Loan trở thành chiếc cầu nối liên kết sinh thái, kinh tế và bảo tồn.