Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Con đường gắn kết tình người hội ngộ ngẫu nhiên nơi phố xá
2018-02-12

4
 
Xưa kia, mạng lưới đường bộ là huyết mạch phát triển kinh tế Đài Loan, ngày nay người dân vẫn xem nó như bao chuyện bình thườngkhác. Đã tới lúc để cho bước nhịp vội vã được dừng lại nghỉ ngơi, suy ngẫm, trong ý nguyện ban đầu dành cho mỗi chặng đường, mongmuốn đưa nỗi niềm nhớ thương gửi đến nơi phương xa thương mến, với tốc độ vừa phải, tạo cho lữ khách những cuộc hội ngộ tình cờ trong những chuyến đi, ngắm nhìn phong cảnh tình cờ gặp được.
 

Cứ mỗi tháng một lần, chiếc xe buýt thư viện phục vụ lưu động thuộc chi nhánh Shigang (Thạch Cương) của Thư viện thành phố Taichung (Đài Trung) chạy trên tuyến tỉnh lộ số 8, rồi tiếp tục đi theo tỉnh lộ số 8, giáp tuyến đường tắt 37 (đường đi tắt Trung Hoành cắt ngang miền Trung Đài Loan ),đến thăm Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lishan (Lê Sơn) và Trường Tiểu học Pingdeng (Bình Đẳng).

Xe buýt mới dừng lại, nhiều trẻ em hớn hở xúm lại vây quanh chiếc xe, họ đang chờ nhân viên thư viện bấm nút, khiến chiếc xe buýt tựa như hình ảnh Robot trong phim “Transformers” đang vươn cánh, biến hình trở thành thư viện lưu động, “Đây là thời khắc mong đợi nhất của đám trẻ”, Liu Yuying (Lưu Dục Dĩnh) – nhân viên chi nhánh Thư viện Shigang cho biết.

 


Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lishan ở khu Heping thành phố Taichung nằm trong vùng quê hẻo lánh, khiến nguồn hỗ trợ về văn hóa không dễ dàng có được như ở khu đô thị.

 

Đưa thế giới tới vùng quê hẻo lánh

Nằm ở độ cao khoảng 2.000 mét so với mực nước biển, khu vực Lishan thành phố Taichung là nơi quan trọng sản xuất rau quả vùng cao của Đài Loan, sau trận động đất mạnh xảy ra ngày 21/9/1999, nền đường trên đoạn công lộ Trung Hoành (con đường nối liền hướng Đông và Tây, miền Trung Đài Loan) chạy từ khu vực Guguang tới Deji (Cốc Quan tới Đức Cơ) bị sạt lở nghiêm trọng, đã cắt đứt con đường tiện lợi nhất mà cư dân vùng Lishan thường hay đến thẳng Taichung, nên chỉ còn cách chuyển sang đường nhánh Yilan (Nghi Lan) (tuyến đường A7) của công lộ Trung Hoành, hoặc đi về phía Nam bằng tỉnh lộ A14 băng qua khu Wushe (Vụ Xã) và Puli (Phố Lý) để kết nối với các vùng khác, mãi tới năm 2012 sau khi đường tắt Trung Hoành được sửa chữa xây dựng, mới mở rộng cho thông hành một phần tuyến đường này có kiểm soát.

Năm 2012 cũng là vào năm chiếc xe buýt thư viện lưu động của Thư viện thành phố Taichung chính thức mở chuyến xe chạy tới Lishan. Vì là khu vực nằm ở vùng xa hẻo lánh, khiến nguồn hỗ trợ về văn hóa không dễ dàng có được như ở khu đô thị, vì vậy, thư viện chủ động đưa sách tới tận tay cho những trẻ em ở trên núi, hy vọng giúp các em mở thêm được một cánh cửa tìm hiểu thế giới.

 


Cô Xiao Yiting (Tiêu Di Đình), năm nay 28 tuổi, hiện làm tài xế lái xe buýt thư viện lưu động khu Shigang Taichung, chiếc xe buýt này thuộc loại xe số sàn nặng 3,5 tấn, cô Yiting lái chiếc xe này rất thoải mái thuận tay, nhưng khi biết cô làm tái xế lái chiếc xe tựa như Robot “Transformers” này thì mọi người đều tỏ vẻ kinh ngạc. Lộ trình cho một chuyến xe lên tới Lishan có tổng chiều dài là 204 cây số, và phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới tới nơi, nhưng cô Yiting chỉ mỉm cười nói rằng, cô đã quen rồi. Kinh nghiệm lái xe đường dài lão luyện như vậy thỉnh thoảng cũng vẫn phải đối mặt với những tình huống giao thông bất ngờ, từng có lần sau khi lên núi, đường tắt Trung Hoành vì gặp mưa lớn phải đóng cửa, nên buộc cô chỉ còn cách chuyển hướng rẽ sang đường nhánh Yilan, một nhánh đường khác của công lộ Trung Hoành, băng qua đường hầm Hsuehshan (đường hầm Tuyết Sơn) và quốc lộ số 3, đi vòng như vậy khiến cô phải mất hết 8 tiếng đồng hồ mới về tới Taichung.

Lộ trình như vậy thực sự là “không ngại đường xa ngàn dặm”, hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lishan Xie Shuyun (Tạ Thục Vân) nói rằng, “Dẫu vậy nhưng đã tạo thêm phương tiện cho những đứa trẻ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, mang lại cho các em nhiều khả năng và cơ hội học tập hơn.” Chủ nhiệm giáo vụ Jian Wanting (Giản Uyển Đình) cho biết, tại khu vực Lishan giành được nguồn hỗ trợ ngoại khóa rất khó khăn, thư viện cách trường gần nhất cũng phải đi mất một tiếng rưỡi. Sự có mặt của chiếc xe buýt thư viện lưu động, tạo cảm giác mới mẻ cho những đứa trẻ, trở thành lý do thu hút các em muốn gần gũi với những cuốn sách, đây là nhiệm vụ lớn nhất của xe thư viện lưu động. Và khi học sinh mang sách về nhà chia sẻ với cha mẹ, càng đem lại cho gia đình một bầu không khí đọc sách khác hơn nữa.

Chính vì mỗi một chuyến xe “không ngại đường xa ngàn dặm” như thế, khiến trong vườn trường thường xuyên xuất hiện cảnh tượng trẻ em cùng tụ họp lại đọc sách, chia sẻ thảo luận với nhau, đây là phong cảnh tình cờ bắt gặp trên tuyến tỉnh lộ số 8 của Đài Loan.

 


Ấm áp chuyến xe đưa đón lên xuống núi

Một tuyến đường khác kết nối Lishan với Taichung là đoạn đường chạy vòng qua Dayuling (Đại Vũ Lĩnh) và Wuling (Võ Lĩnh), đi trên tỉnh lộ A14, băng qua Wushe và Puli để xuống núi. Sau trận động đất lớn xảy ra ngày 21/9/1999, tuyến đường này trở thành đường liên tỉnh chủ yếu dành cho cư dân Lishan hàng ngày đi làm ở Taichung. Xe khách Fengyuan (Phong Nguyên) “số 6506 Fengyuan – Lishan” thường xuyên lao vun vút trên đoạn đường này, cứ thế phục vụ đưa đón hành khách đi và về đã hơn 16 năm.

Bắt đầu khởi hành từ Fengyuan, ghé ngang Shigang, Dongshi, Puli, Wuling, Song Syue Lou, đi xuyên qua Dayuling tới Lishan, xe khách số 6506 có hơn 86 điểm dừng đón, tổng chiều dài khoảng 170 km. Xe khởi hành từ Bến xe khách Fengyuan vào lúc 9 giờ 10 phút buổi sáng, khoảng 3 giờ chiều mới tới điểm đến Lishan.

Hiện nay, trên chuyến xe buýt chở khách 6506 có ba tài xế phụ trách lái xe, ngay từ khi tuyến xe buýt tham gia vào hoạt động vận tải, tài xế Yu Jiade (Dư Giai Đức) đã phụ trách chạy tuyến này, mỗi ngày có ba chuyến xe hầu như đều chở đầy ắp hành khách, cư dân Lishan muốn đi ra bên ngoài đều phải nhờ những chuyến xe buýt nhỏ như thế; sau này khi đường tắt Trung Hoành được khai thông, tuyến xe buýt 6506 đã hoàn thành nhiệm vụ có tính giai đoạn, ngày thường công việc chính là chuyên chở người cao tuổi xuống núi để khám bệnh, tới ngày cuối tuần thì phần nhiều chuyên chở người leo núi đến Lishan và Hehuanshan (núi Hợp Hoan).

Chuyến xe khách khởi hành đầu tiên, anh tài xế Yu Jiade thường đỗ xe lại trong chốc lát tại cửa hiệu bán trà Qingshan (Thanh Sơn) nằm cạnh công lộ Puli-Wushe để vận chuyển một xấp báo lên núi, để cư dân trên núi được đọc những tờ báo mới phát hành “trong ngày” (nếu gửi bằng bưu điện phải chờ đến ngày hôm sau mới nhận được). Ngoài ra, cũng thường có cư dân nhờ anh Yu Jiade phụ giúp chuyên chở rau non, chỉ cần đủ khả năng là anh đều tận tình giúp đỡ. Đây là những việc làm mà các tài xế đã lặng lẽ làm, những cuộc đưa đón ấm áp trên đường lên núi và xuống núi.

 


Yu Jiade luôn sẵn sàng phục vụ mang tính nghĩa vụ giúp cư dân vận chuyển sách báo lên núi, thường xuyên chào hỏi trò chuyện với bà Xu Xiuling tại cửa hiệu bán trà Qingshan đã trở thành thói quen thường nhật diễn ra hàng ngày.


Chuyến xe buýt leo thẳng từ Fengyuan ở độ cao 200 mét so với mực nước biển lên tới Wuling (ở độ cao 3.275 mét), đây là điểm cao nhất của đường bộ Đài Loan, tuyến đường này có độ chênh lệch hơn 3.000 mét so với mực nước biển, trên núi cao thời tiết và tình trạng đường sá rất không ổn định, anh Yu Jiade từng có lần chạy xe lên núi, gặp phải trận bão tuyết ập tới, làm anh bị kẹt lại trên núi tới một tuần lễ. Mặc dù phải đương đầu với nhiều sự bất tiện, nhưng từ trước tới nay Yu Jiade không bao giờ có ý định thay đổi tuyến đường, vì anh đã nhận được sự đền đáp từ thiên nhiên với những cảnh đẹp của bốn mùa, hoa anh đào mùa Xuân, một màu xanh ngát của mùa hè, cây lá phong vào mùa thu và tuyết rơi của mùa đông, ngoài ra, lâu lâu lại còn xuất hiện biển mây bồng bềnh vờn quanh đỉnh núi, đó chính là những phong cảnh khó quên trong lòng anh.

Trên chiếc xe buýt bé nhỏ này, mỗi một hành khách đều có câu chuyện cuộc đời của riêng mình, chỉ cần một câu nói bất chợt là có thể đàm đạo đủ chuyện trên trời dưới đất. Một cặp vợ chồng già lần đầu tiên từ Bắc Kinh đến thăm Đài Loan, họ lên xe từ Puli tới thăm người chú vào năm 1949 đã đi theo chính quyền Quốc Dân Đảng di chuyển sang Đài Loan đến định cư tại Lishan, chặng cuối của quãng đường đời trải qua hơn 60 năm đã được gắn kết lại nhờ tuyến xe buýt 6506. Khi chiếc xe buýt đỗ trước nhà nghỉ Song Syue Lou, có hai mẹ con đã sống trên núi hơn nửa tháng nay đang đứng đón trước cổng, qua ô cửa sổ xe buýt, cậu con trai vừa đưa cho anh Yu Jiade trà gừng, nước suối trên núi và táo tây, hai bên vừa trò chuyện với nhau. Yu Jiade cho biết, anh đã quen biết hai mẹ con từ khi họ đáp chuyến xe của anh, mỗi lần gặp mặt đều giao cho anh những món đặc sản được nhờ mua từ trên núi, và mối duyên gắn kết giữa con người với nhau đã được bắc nhịp từ một chuyến xe như thế.

 


Hàng ngày Li Xiang chạy len lỏi trong các ngõ hẻm, lúc nào cũng có những sự bắt gặp bất ngờ thú vị.

Sau khi nghỉ ngơi một lát tại Lishan, vào lúc 5 giờ chiều, Yu Jiade đổi lại tấm biển xe thành số 6508, bắt đầu khởi hành đến Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lishan để đón học sinh tan trường, rồi mới kết thúc công việc làm của một ngày, sau đó đến nghỉ đêm tại Nông trường Wuling (Nông trường Võ Lăng). Sau lúc đám trẻ bước lên xe, chỉ trong chốc lát trên xe vang lên tiếng cười đùa tràn ngập sức sống của các em, Yu Jiade cho biết anh yêu thích nét hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ, đám trẻ này, anh đã chuyên chở các em được 9 năm nay, hai bên đều rất quý mến nhau. Trên đường đi xe dừng lại tại một trạm xe buýt, đám trẻ bỗng nhiên chạy ùa xuống xong lại vội vàng lên xe, thì ra đây là một tiệm tạp hóa hiếm thấy ở gần đó, Yu Jiade vẫn thường đỗ xe lâu hơn một chút, để các em mua một vài thứ đồ ăn vặt rồi mới lái xe chạy tiếp. Nhìn thấy gương mặt cười tươi một cách thỏa thích của trẻ em như vậy, lại có thêm một bức ảnh cho bộ ảnh phong cảnh tình cờ bắt gặp trên tuyến đường bộ.


Phong cảnh khó quên trong ngõ hẻm

Chạy vun vút trên đường bộ còn có người đưa thư trải qua những năm tháng không có ngày nghỉ dù nắng hay mưa.

Li Xiang (Lý Tường) là người đưa thư hiện đang làm việc tại Bưu điện Shanhua Tainan (Thiện Hóa, Đài Nam), mọi người hay gọi anh với tên thân mật là “Chaichai” (cách gọi người phát thư một cách thân mật), Li Xiang làm nhân viên đưa thư đã 12 năm, mặc trên người một bộ đồng phục màu xanh lá và đội mũ bảo hiểm, đi chiếc xe máy số sơn màu xanh lá đặc trưng rất dễ nhận biết, bên sườn xe treo chiếc túi nặng cồng kềnh, chỗ ngồi phía sau lại buộc thêm chiếc hộp, còn ở đầu xe máy treo một chiếc giỏ, đây là những trang thiết bị làm việc của Li Xiang.

 


Kết hợp công việc với nhiếp ảnh, Li Xiang đã chụp ảnh trên đường đưa thư bằng cảm xúc trong lòng. (Hình ảnh do Công ty Route Culture cung cấp)


Hàng ngày anh phải xử lý khoảng 40 kg thư từ, chạy trên chặng đường có chiều dài hơn 50 cây số để đưa thư đến từng hộ dân. Trong vòng 9 năm đầu kể từ khi Li Xiang làm người đưa thư, mỗi ngày anh chỉ giao thư từ tới các nơi theo đúng lịch trình, chỉ mong mình sớm được tan ca; nhưng 3 năm trước đây, anh mang theo chiếc máy ảnh, bắt đầu chụp lại mọi cảnh vật và sự việc mà anh đã gặp trên đường đi, đồng thời đem chia sẻ hình ảnh trên Instagram, tập hợp lại để xuất bản “Cuốn nhật ký làm việc của Chaichai”, giúp nhiều cư dân mạng thấy được ngôi nhà xưa và cảnh quan tuổi thơ quen thuộc của mình qua những tấm ảnh do anh chụp lại.


Đoàn phóng viên chúng tôi đã đi theo anh Li Xiang ghi lại hình ảnh một ngày làm việc của anh, mới phát hiện thời gian giao phát thư từ của người đưa thư dày kín, thực sự không còn thời gian để tìm cảnh, điều chỉnh khung hình , “Từ khi giác quan của tôi được mở ra, mới phát hiện những hình ảnh đã lọt vào mắt mình trong vòng hơn 10 năm nay, giống như đã được chụp lại bằng máy ảnh và ghi lại trong bộ óc của mình, khi chụp ảnh, chỉ cần bắt lấy những khung hình bằng trực giác là được.” – Li Xiang cho biết.

 


Li Xiang vẫy tay chào hỏi bà cụ đang đi xe đạp, hòa nhập với cuộc sống tại địa phương.


Những khi chạy len lỏi trong mỗi một ngõ hẻm, ngoài lúc đưa thư, anh sẽ bấm nút máy ảnh để ghi lại theo bộ nhớ, “Trong những con hẻm thường bắt gặp những điều rất thú vị”, cho dù là ngôi nhà cổ tao nhã, hoặc là “con chó” được coi là kẻ thù tự nhiên của người đưa thư, không chỉ là những sự hội ngộ tình cờ, mà tình người nồng nàn đến từ các ông cụ, bà cụ đứng trước cửa nhà đang đợi chờ Li Xiang đưa thư tới nơi, cũng đã trở thành bức phong cảnh làm anh cảm động sâu sắc. Li Xiang cũng sẽ chủ động chào hỏi với những người hàng xóm cao tuổi ở lân cận, trò chuyện với nhau về những câu chuyện thường nhật. Mỗi ngày Li Xiang đưa thư đến tận tay họ, cho dù là những tờ rơi quảng cáo, giấy thông báo nộp phạt vi phạm giao thông hay hóa đơn đóng tiền, qua sự tương tác trong cuộc sống thường ngày, đã chụp lại từng bức ảnh kể câu chuyện về những người cao tuổi này.


Trong các khu dân cư cũ và các ngõ hẻm mà Li Xiang đã đi len lỏi hàng ngày nhiều ngõ ngách không có tên gọi, vậy đối với Li Xiang mà nói, những ngõ ngách vô danh này sẽ tiêu biểu cho điều gì? “Đó là những sự tồn tại không thể không có hoặc không thể thiếu được trong cuộc sống của tôi.” Thông qua khung ngắm bấm chụp tấm hình Li Xiang đang làm việc từ sau lưng , đây cũng là bức ảnh phong cảnh đường bộ được chúng tôi ghi lại.

Con đường tựa như những sợi tơ hồng gắn liền con người với nhau, kết nối những người vốn không quen biết lại với nhau, giúp cho tình cảm xa lạ của hai bên được hội ngộ và thắt chặt lại, trở thành hồi ức tốt đẹp trên con đường từng đồng hành với nhau. Li Xiang hay nói rằng: “Tiêu điểm luôn xuất hiện trong sự tình cờ, ngẫu nhiên ấy.” Trên đường đi cũng là thế.