Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tấm gương sáng bất hủ, mở ra viễn cảnh kinh tế chính trị cho Đài Loan
2018-02-26

1

 

Là Trung tâm về kinh tế, văn hóa và chính trị của Đài Loan, thành phố Đài Bắc với vô số những nhà ở cũ của các vị danh nhân, cùng với phong trào hoạt hóa tái tận dụng các di tích cổ, đã trở thành các điểm phục vụ tham quan du lịch mang tính nhân văn và lịch sử. Tản bộ tới các di tích cổ như "Nơi ở cũ của Lý Quốc Đỉnh" (Kwoh-ting Li's Residence), Bảo tàng kỷ niệm khoa học và nhân văn Tôn Vận Tuyền (Sun Yun-Suan Memorial Museum) nằm giữa c·c ngı phố của khu Nam Cảng thành phố Đài Bắc, đúng là "Phong diêm triển độc, thân chích túc tích điển phạm" (có ý nghĩa: Hiên gió mở sách ra coi, tự cảm nhận được tấm gương xưa vẫn còn soi sáng).
 

a1
Ông Lý Quốc Đỉnh (Li, Kwoh-ting) đã chuyển tới đây ở từ năm 1972 và sống tại đây gần 30 năm cho tới khi qua đời.

 

Nơi ở cũ của Lý Quốc Đỉnh –

Cha đẻ của ngành công nghệ Đài Loan

Cuộc sống bình dị của người đóng vai trò trụ cột quốc gia

“Nơi ở cũ của Lý Quốc Đỉnh” tọa lạc tại số 3 ngõ 2 phố Thái An, khu Trung Chính, thành phố Đài Bắc, được xây dựng vào khoảng năm 1935 (năm Chiêu Hòa thứ 10), vốn là nơi ở của các vị quan văn cấp cao thuộc Phòng đưa thư Cục Giao thông thuộc Phủ Tổng đốc vào thời Nhật, hết thời chiến được đổi thành nơi ở cho các vị quan chức của Bộ Tài chính. Ông Lý Quốc Đỉnh người được mệnh danh là “Cha đẻ của ngành công nghệ Đài Loan”, “Trụ cột quan trọng của quốc gia”, đã chuyển tới đây ở vào năm 1972 và sống tại đây gần 30 năm cho tới trước khi qua đời vào năm 2001.

Vào thời Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, thành phố Đài Bắc lấy Phủ Tổng đốc là trung tâm và phát triển vươn ra phía ngoài, trước thập niên 1930 đã phát triển hoàn thiện dần và hình thành khu vực hành chính khi đó gọi là “Hsing-Ting”, ngày nay là khu vực gồm đường Nhân Ái (Ren-ai), đường Từ Châu (Syu Chou), đường Tế Nam (Chi nan) và đường Hàng Châu Nam (Hang Chou Nan), trong khoảng thời gian từ năm 1935 đến năm 1945 trở thành khu vực nhà ở với tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng, do các trường học và nhà ở dành cho quan chức mọc lên san sát nên khu vực này được gọi là “Phố trường học” hoặc “Phố Nhà Quan”. Khi đó “Nơi ở cũ của Lý Quốc Đỉnh” tọa lạc tại địa chỉ số 150-3 khu “Hsing-Ting”.

 

a2
Nơi ở cũ của Lý Quốc Đỉnh” được giữ gìn rất tốt, không khác gì lúc ông còn sinh thời.

Ông Lý Quốc Đỉnh (Li, Kwoh-ting) sinh ra ở thành phố Nam Kinh, được sang Anh quốc du học bằng kinh phí của Trung Quốc và Anh quốc đài thọ, ông theo học chuyên ngành toán học, vật lý, nghiên cứu vật lý hạt nhân và siêu dẫn nhiệt độ thấp tại trường đại học Cambridge, năm 27 tuổi ông về nước do nổ ra chiến tranh, sau đó ông tới Đài Loan và bắt đầu một cuộc sống đầy huyền thoại giống như một “Hình ảnh thu nhỏ về sự phát triển kinh tế của Đài Loan”.

Trong ba vị danh nhân được mệnh danh là “Ba nhân tài kiệt xuất về kinh tế tài chính” của Đài Loan thời trước, thì trong đó ông Doãn Trọng Dung (Yin, Chung Jung) qua đời khá sớm vào năm 1963, ông Nghiêm Gia Cam (Yen, Ku Kan) năm 1986 rút về nghỉ không làm nữa do bị bệnh, do vậy người có ảnh hưởng lâu dài nhất, cống hiến lớn nhất còn lại chính là ông Lý Quốc Đỉnh (Li, Kwoh-ting); thêm vào đó, sau ông còn có những người đi sau kế thừa phát huy gồm ông Tôn Vận Tuyền (Sun Yun-Suan) và Triệu Diệu Đông (Chao Yao-Tung), mới giúp Đài Loan có thể chuyển đổi cơ cấu từ xã hội nông nghiệp thành xã hội công nghiệp, và tiếp tục từ công nghiệp truyền thống nâng cấp lên thành lĩnh vực công nghệ cao.

 

a3
Cờ tướng, hạt quả óc chó là “Máy đếm bước” do ông Lý Quốc Đỉnh (Li, Kwoh-ting) phát minh.

Năm 1948 khi mới tới Đài Loan, mới đầu ông Lý Quốc Đỉnh (Li, Kwoh-ting) chuyển tới sống tại ký túc xá của Công ty đóng tàu Đài Loan ở gần một ngõ hẻm trên phố Lâm Nghi (Lin-Yi), sau đó mới chuyển đến sống tại “Nơi ở cũ của Lý Quốc Đỉnh” là nơi ở dành cho quan chức cấp cao nhất theo tiêu chuẩn kiến trúc thời bấy giờ được gọi là “Kiến trúc nhà ở loại 2 dành cho quan chức cấp cao”, trong đó tổng diện tích vào khoảng gần 300 thước Đài Loan (tương đương khoảng 1.000m2), còn nhà ở được xây dựng có diện tích 55 thước Đài Loan (tương đương khoảng 182m2); tình hình bảo tồn căn nhà ở cũ còn khá tốt, cách bài trí từ trong nhà gồm phòng đọc sách, phòng ngủ cho đến hoa cỏ ngoài vườn, chẳng khác gì lúc ông còn sinh thời. Lối đi nhỏ ở trước sân có trồng cây hoa Đào, hoa Mộc, hoa Trà, hoa Mai, và đặc biệt là 11 cây hoa Anh Đào tại đây đã trở nên rất nổi tiếng bởi người Đài Loan có thú ngắm hoa Anh Đào. Phần chính của kiến trúc nhà ở cũ được làm bằng nguyên liệu gỗ, phong cách trang trí trong nhà áp dụng phong cách của cả Nhật và phương Tây, cửa các phòng đều thông nhau, tường gỗ, cửa gỗ đều liền với nhau thành “Bộ tủ tường hệ thống”, đó chính là những điểm gây ấn tượng sâu sắc cho mọi người.

Ông Vạn Kỳ Siêu (Wan, Chi-Chao) Trưởng Thư ký của Quỹ phát triển công nghệ Lý Quốc Đỉnh giới thiệu, vợ chồng ông Lý Quốc Đỉnh cả đời liêm khiết tiết kiệm: “Ghế được sử dụng tại phòng ăn chủ yếu được áp dụng kỹ thuật ghép mộng, lâu ngày khó tránh khỏi bị lỏng lẻo, nên được gia cố buộc chặt bằng dây”, “Đồ dùng trong nhà tắm và nhà bếp đều có thể đưa vào viện bảo tàng được rồi!”. Trên chiếc tủ thấp trong phòng đọc sách có đặt một vài quân cờ Tướng, vài hạt quả óc chó, đó là “Máy đếm bước” đầu tiên do ông Lý Quốc Đỉnh phát minh, cách sử dụng là đi bộ tập thể dục một vòng thì đặt một quân cờ Tướng, cứ 10 vòng thì đặt một hạt quả óc chó.

Thông qua việc hàng tháng tổ chức 1 đến 2 lần hoạt động diễn giảng tại đây, Quỹ phát triển công nghệ Lý Quốc Đỉnh đã thu hút những người đến dự hoạt động diễn giảng và dân chúng “nhân tiện” tham quan “Nơi ở cũ của Lý Quốc Đỉnh”, cho tới nay kết quả quảng bá khá thành công.

 

a4
Ông Lý Quốc Đỉnh truyền đạt triết lý về kinh tế qua các biểu đồ và số liệu, mọi việc đều truy đến tận gốc. (Ảnh do di tích cổ “Nhà ở thời trước của Lý Quốc Đỉnh” cung cấp”)

Bảo tàng kỷ niệm khoa học và nhân văn Tôn Vận Tuyền (Sun Yun-Suan Memorial Museum)

Tiếp thu cái hay của phương Tây, nêu cao tinh thần Đài Loan  

Lý Quốc Đỉnh, Tôn Vận Tuyền đều là những vị Quốc Sĩ vì dân vì nước, trong sạch liêm khiết, hai vị khi còn sinh thời hoàn toàn không có tài sản bất động sản, mà sống tại nơi ở do nhà nước cung cấp suốt 20, 30 năm trời và dốc sức vào lo việc nước.

Ông Tôn Vận Tuyền (Sun Yun-Suan) đã dẫn dắt Đài Loan tạo ra kỳ tích kinh tế, nhưng cả đời ông không hề có nhà cửa tài sản bất động sản. Trước đây từng có báo chí viện dẫn cách nói của người thân của ông, trong đó con gái lớn của ông Tôn Vận Tuyền là Giáo sư danh dự của Trung tâm nghiên cứu công nghệ thực phẩm Trường đại học quốc gia Đài Loan Tôn Lộ Tây (Sun, Lu Hsi) cho rằng, do bối cảnh thời đại lúc bấy giờ, cha mình chỉ dốc sức vào công việc, chưa bao giờ từng nghĩ tới chuẩn bị cho bản thân lúc về già. Nhưng bà Lưu Băng Kỳ (Liu, Ping Chi) - người em gái họ rất thân thiết với ông Tôn Vận Tuyền cho rằng nói như vậy chỉ đúng một nửa, “không nghĩ tới việc mua nhà, là bởi vì ông không có tiền mua.”

 

a5
Đồ nội thất trong phòng tiếp khách đều là đồ dùng được lưu lại từ thời đó.

 “Bảo tàng kỷ niệm khoa học và nhân văn Tôn Vận Tuyền” khai trương vào ngày 30/10/2014, nằm trong ngõ số 6 đoạn 2 đường Trùng Khánh Nam, khu Trung Chính, thành phố Đài Bắc (Lane 6, Sec. 2, Chongqing S. Rd., Zhongzheng Dist., Taipei City), nằm gần cửa ngách của Công viên thực vật, là dinh thự ông Tôn Vận Tuyền đã ở khi đảm nhận chức Thủ tướng. Kiến trúc này được xây dựng trong khoảng năm 1904-1905, nguyên là ký túc xá của quan chức cấp cao Công ty Ngân hàng Đài Loan (tiền thân của Ngân hàng Đài loan), sau khi đại chiến thế giới lần thứ 2 kết thúc do Ngân hàng Đài Loan (Bank of Taiwan) tiếp thu sử dụng làm ký túc xá cho nhân viên và cán bộ của ngân hàng, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhậm Hiển Quần (Jen, Hsien Chun), cựu Cố vấn Phủ Tổng thống Hoàng Thiếu Cốc (Huang, Shao Yu) trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đều từng sống tại đây; và cũng từng cho thuê cho mượn để sử dụng làm dinh thự cho cựu Trưởng Thư ký Hội đồng quốc phòng Cố Chúc Đồng (Ku, Chu Tung), tới năm 1978 mới thu về.

Ông Tôn Vận Tuyền khi đó đang làm Thủ tướng, ông đã ở tại khu nhà ở dành cho quan chức Nhật thời trước tại đoạn 2 đường Tế Nam (Chi Nan) từ thời ông làm Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Đài Loan. Về sau do đường Tế Nam mở rộng, nên sân vườn của khu nhà ở này bị thu hẹp và chỗ ở quá nhỏ, không thích hợp đón tiếp quan khách nước ngoài, Tổng thống Tưởng Kinh Quốc đã nhiều lần chỉ thị phải đổi chỗ ở cho các vị quan chức, do vậy vào cuối năm 1980, ông Tôn Vận Tuyền đã dọn đến ở tại ngôi nhà có diện tích 800 thước Đài Loan này (tương đương khoảng 2.640 m2) cho tới khi qua đời vào tháng 2 năm 2006, tổng cộng sống tại đây 26 năm.

 

a6
Ông Tôn Vận Tuyền về nông thôn thị sát công trình xây dựng (ảnh do Bảo tàng kỷ niệm khoa học và nhân văn Tôn Vận Tuyền cung cấp)

Khi ông Tôn Vận Tuyền chuyển đến ở, do có tới gần một nửa kiến trúc nhà cửa đã bị mối đục rỗng, nên đành phải tháo bỏ phần đã bị hư hại, và xây mới một tòa kiến trúc hiện đại hóa kiểu phương Tây, kết hợp với bộ phận kiến trúc kiểu Nhật còn lại, do vậy đã tạo nên diện mạo “Tây Nhật kết hợp” như ngày nay. Do mang đậm ý nghĩa bảo tồn lịch sử, văn hóa và nhân văn, sau khi ông Tôn Vận Tuyền qua đời, thì ngay sau đó đã được phê chuẩn thông qua và công bố được chỉ định là di tích cổ cấp thành phố, vì vậy đã được tiến hành tu bổ.

Di tích cổ Bảo tàng kỷ niệm bao gồm 2 bộ phận là tòa nhà kiểu Tây và khu nhà kiểu Nhật (dinh thự kiểu Nhật), tại tòa nhà kiểu Tây triển lãm những công việc mà ông Tôn Vận Tuyền đã dốc sức vào làm lúc còn sinh thời, còn tại khu dinh thự kiểu Nhật thì chủ yếu triển lãm về sinh hoạt thường nhật tại tư gia của ông.

Phòng tiếp khách tại tòa nhà theo kiến trúc Tây, là nơi duy nhất trong toàn bộ tòa nhà còn giữ lại nguyên vẹn không gian như xưa. Tại khu vực trưng bày này có một tấm bia phỏng lại tấm bia do chính tay cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch đề 4 chữ: “Quang bị bát biểu” (có ý nghĩa kỷ niệm công trình dẫn điện vào năm 1953 tới khu vực núi cao tại Hoa Liên đã đem ánh sáng đến 8 phương mặt đất). Hành lang thông với khu nhà theo kiến trúc kiểu Nhật có treo đầy ảnh gia đình ông Tôn Vận Tuyền lúc sinh thời. Tay vịn ở hai bên tường là do con trai ông cho làm, vì khi đang làm Thủ tướng vào năm 1984 ông Tôn Vận Tuyền không may bị tai biến phải nằm viện, sau khi bị tai biến mạch máu não, ông phải ngồi xe lăn, và đã tập đi từng bước từng bước tại đây. Sau khi rút lui khỏi chính trường, ông thường ngắm ao cá từ trên phòng ngủ ở tầng 2, hoặc ngồi trên bộ bàn ghế làm bằng đá bên cạnh cái ao trong vườn để ngắm cá và cho cá ăn.

 

a7
Tấm bia phỏng lại tấm bia do chính tay cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch đề 4 chữ: “Quang bị bát biểu”, biểu dương ông Tôn Vận Tuyền trong thời gian làm Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Đài Loan đã có công trong việc hoàn thành công trình dẫn điện lưới điện Đông Tây.

Còn gian phòng ở của lái xe vốn đã rất cũ kỹ sau khi được kiến trúc sư thiết kế, đã được tu sửa sửa lại thành một gian mới nho nhỏ chủ yếu dành cho những loại hàng hóa mang tính chất văn hóa nghệ thuật và sáng tạo văn hóa, phía ngoài sử dụng những miếng thủy tinh khổ lớn, khiến màu xanh của hoa lá cỏ cây của toàn bộ khu vườn đều in bóng lên đó; để không làm rối mắt khi ngắm tòa kiến trúc chính, khu triển lãm mới còn chuyển một phần không gian xuống dưới tầng hầm, có thể cung cấp để sử dụng vào các mục đích như giảng đường dạy học, hội nghị và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngưỡng mộ đạo đức cao cả của người xưa, Bảo tàng kỷ niệm hy vọng có thể kết hợp giữa cái mới và cái cũ, kinh doanh bền vững, quảng bá và nêu cao tinh thần bất hủ của Tôn Vận Tuyền.