Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nhiệt tình giúp đỡ đồng hương, Lê Vân Anh tạo mối duyên Đài – Việt
2018-03-19

2

 

“Studio ảnh viện áo cưới CANDY” do chị Lê Vân Anh người Việt Nam một tay gây dựng nên, mở cửa kinh doanh chưa đến 3 năm, nhưng đã tác thành rất nhiều cặp đôi Đài - Việt. Sống ở Đài loan đã hơn 10 năm, chị cũng là người chị em tốt làm chỗ dựa cho rất nhiều cô dâu Việt khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Chị Lê Vân Anh sinh ra tại tỉnh Nghệ An, năm 1998 tới Đài Loan làm nhân viên kiểm tra chất lượng tại một nhà máy điện tử ở Đào Viên và quen biết với người kỹ sư làm chung công ty, sau đó hai người kết hôn với nhau. Sau khi sinh đứa con thứ hai, chị cảm thấy không thể cứ gửi con cho mẹ ở Việt Nam trông giúp, hơn nữa cậu con lớn cũng đã tới tuổi đến trường, nên đã đón con về Đài Loan. “Ông chủ đối xử với tôi rất tốt, tạo điều kiện cho tôi mang việc về làm thêm tại nhà, cũng nói rằng có thể đi làm trở lại bất cứ lúc nào.”

 

 


Studio ảnh viện áo cưới CANDY” làm ăn quy củ, giá cả hợp lý, đã dần dần trở thành sự chọn lựa hàng đầu của các cặp cô dâu chú rể người Việt tại Đài Loan.

Giúp đỡ đồng hương, giúp chị có cảm giác thành đạt

Vài năm sau, nhà máy ở Đào Viên đóng cửa hàng loạt, không có công ty để quay về nữa. Chị Lê Vân Anh mở tờ báo ra, thấy Nhà Thờ tìm nhân viên phục vụ lao động nước ngoài, tiền lương không cao, nhưng có thể giúp đỡ đồng bào  mình, khiến chị muốn thử xem sao. “Công việc ở Nhà Thờ là hỗ trợ chăm sóc những lao động nước ngoài do Sở Di dân bố trí tạm trú tại Nhà Thờ, tôi thường được cảnh sát mời đi phiên dịch cho lao động nước ngoài, gặp rất nhiều đồng hương bị bắt do vi phạm pháp luật vì không hiểu biết luật pháp Đài Loan, hoặc những lao động bỏ trốn vì không chịu đựng nổi sự chèn ép của chủ, ai cũng có nỗi khổ riêng, càng làm càng có nhiều cảm nhận.” Thoắt một cái làm công việc này đã được 5 năm, quen biết với rất nhiều chị em, cũng thấy rất nhiều lao động nước ngoài bị đối xử không công bằng, đã thôi thúc sự nhiệt tình muốn phục vụ giúp đỡ đồng bào của chị.

Khoảng thời gian này nhằm vào đúng dịp “Hiệp hội phụ nữ Việt Nam huyện Đào Viên” bầu lại hội trưởng, chị được bầu làm hội trưởng kế nhiệm, nhờ vậy sau đó chị được chính quyền huyện Đào Viên (năm 2014 huyện Đào Viên được nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương) mời làm ủy viên của Ủy ban xúc tiến nữ quyền, thay mặt đồng bào của mình phát biểu tiếng nói tại Hội đồng huyện Đào Viên, được quen biết với những nghị sĩ rất có tâm và đã hỗ trợ chị xử lý công việc. Kết quả là càng làm càng nhiều, càng làm càng mở rộng hơn, cũng chiếm mất khá nhiều thời gian của chị, chị cũng tự bỏ khá nhiều tiền túi, trong khi đó tiền lương làm ở Nhà Thờ một tháng chỉ có 25.000 Đài tệ thực sự không đủ dùng, khiến chị nảy ra ý định muốn mở tiệm kinh doanh. 

“Nghĩ tới nghĩ lui, bán món ăn vặt sẽ nhanh kiếm được tiền hơn, hơn nữa cũng giúp chị em đồng hương có chỗ lui tới.” Ban đầu chị Lê Vân Anh mở tiệm tại Nội Lịch là nơi có tập trung đông người lao động nước ngoài, về sau chuyển về đường Diên Bình ở gần nhà hơn, chẳng bao lâu nhà hàng đã trở nên rất có tiếng tăm, nhưng cũng gặp rất nhiều phiền toái. Những lao động nước ngoài không có nơi trút bỏ tâm trạng thường đến uống rượu gây chuyện, say khướt rồi gây ồn ào, khiến cảnh sát thường xuyên tới quán kiểm tra làm chị thấy rất mất mặt. “Trước đó tôi được cảnh sát mời  đến hỗ trợ phiên dịch, sau khi mở tiệm lại bị cảnh sát xét hỏi cứ như tội phạm vậy, thực sự là khác xa một trời một vực!”, thế nên tôi quyết định cho đóng cửa nhà hàng.

 

 


Chị Vân Anh đã từng tổ chức vô số các hoạt động lớn nhỏ, trong đó có một lần có tới 15.000 khán giả, chỉ vì họ muốn được xem ông Hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn.

Tổ chức đám cưới, tổ chức hoạt động, đều vì để vơi bớt nỗi nhớ quê hương

Chỉ dựa vào tiền lương của ông xã để trả tiền trả góp nhà, tiền trả góp, còn phải nuôi sống gia đình thực sự là không đủ, chị Lê Vân Anh muốn kinh doanh thứ gì khác một chút. “Thấy rất nhiều chị em mở tiệm sơn móng tay, tôi đột nhiên nhớ ra, trước đây từng mở tiệm áo cưới ở Việt Nam, vậy sao không mở tiệm tại Đài Loan?” Trong thời gian mở tiệm bán đồ ăn vặt, chị Lê Vân Anh thường tổ chức hoạt động hát hò, cũng từng tổ chức đám cưới, đồng thời chị cũng muốn có một khoảng không gian để mở các lớp học đào tạo những kỹ năng mà chị em cô dâu yêu thích và dạy tiếng Việt cho thế hệ hai của di dân mới. Sau khi chọn được địa điểm rồi, chị không hề do dự thuê hẳn cả một tòa nhà để bắt đầu sự nghiệp mới. 

Ảnh viện áo cưới vừa mới mở, lập tức trở thành địa điểm yêu thích mà những đồng hương chọn để làm đám cưới. Trang phục dành cho các cặp cô dâu chú rể người Việt rất đầy đủ gồm cả trang phục truyền thống, trang phục áo cưới kiểu  Tây, ngoài ra còn bao trọn gói cả chụp ảnh cưới, tổ chức đám cưới, tổng chi phí chỉ mất 50.000 Đài tệ, giá cả rất dễ chịu.

“Đám cưới Việt Nam khá giống với đám cưới Đài Loan thời trước, chúng tôi đặc biệt thích mời ban nhạc sống chơi nhạc cho tới khi hôn lễ kết thúc.” Chị Lê Vân Anh nói, rất nhiều người Đài Loan tham gia đám cưới kiểu Việt Nam đều thốt lên: “Ôi sao vui thế!”, đó là tính cách vốn có của người Việt Nam, thích hát múa, thể hiện bản chất vô tư. Thường xuyên tổ chức đám cưới, tự nhiên sẽ có những nhóm phối hợp cố định, có một số công ty, đoàn thể muốn tổ chức hoạt động cho lao động nước ngoài, tự nhiên sẽ tìm đến chị.

Chị nói: “Chỉ cần tôi đã nhận lời giúp là sẽ giúp đến cùng”, có một số khách hàng như công ty du lịch, hãng kinh doanh thẻ điện thoại IF hay công ty kinh doanh mỹ phẩm dưỡng da muốn tổ chức hoạt động tuyên truyền thu hút lao động Việt Nam, thì sẽ nhờ chị tìm giúp ca sĩ, ban nhạc, thậm chí nhờ tìm giúp khán giả tham gia hoạt động. Về sau có một số tổ chức đoàn thể xã hội tìm chị cùng tổ chức hoạt động, chính những khách hàng từng hợp tác lúc trước lại trở thành đối tượng để chị kêu gọi tài trợ kinh phí.

“Các đoàn thể xã hội mà tôi giúp đỡ đều mang tính công ích, họ thiếu tiền, thiếu người, tôi chạy khắp nơi để giúp họ kiếm tiền tài trợ, tìm người.” Chị Vân Anh không những bỏ công sức, mà còn bỏ cả tiền của. “Có một lần tổ chức hoạt động định mời ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam sang biểu diễn, tôi đã tạm ứng chuyển trước hơn 100 ngàn Đài tệ về Việt Nam, nhưng sau đó không huy động đủ kinh phí, xem ra hoạt động có vẻ tổ chức không thành, tôi sốt ruột vô cùng!”, sau khi phàn nàn với các chị em, Hội trưởng “Hiệp hội quan tâm phụ nữ di dân mới” Dương Huệ Thanh bảo tôi cứ yên tâm làm tiếp đi, để chị ấy tính cách.

Hoạt động lần đó tổ chức rất thành công, có 15.000 khán giả đổ về hiện trường xem biểu diễn, chỉ vì muốn được xem ông Hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng hát, đó là hoạt động lớn nhất mà chị Lê Vân Anh từng tổ chức. Khi biết toàn bộ kinh phí đằng sau đều do Hội trưởng Dương Huệ Thanh chi trả, chị Lê Vân Anh đã cảm động rơi nước mắt.

 

 


Chị Vân Anh thích nhất là lúc được trang điểm thật đẹp cho các chị em đồng hương để thực hiện việc trọng đại trong cuộc đời.

Hôn phối nước ngoài mới là người yếu thế, hy vọng sự trân trọng đối với di dân mới

Mỗi lần tổ chức xong một hoạt động, chị Lê Vân Anh lại tự nhủ: “Tuyệt đối lần sau không tổ chức hoạt động nữa?”, không những lao tâm lao lực, mà còn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm người giúp đỡ tài trợ, cảm thấy rất ngại. Nhưng mỗi lần nhận được lời nhắn trên FB của đồng hương: “Cảm ơn chị tổ chức hoạt động, giúp chúng em cảm thấy như đang ở quê hương vậy! Vui lắm!”, “Được gặp ngôi sao nổi tiếng vui quá!” khiến chị lại mềm lòng, rất nhiều người vơi bớt nỗi nhớ quê hương là vì những hoạt động nho nhỏ như vậy, làm sao chị có thể bỏ mặc không quan tâm được cơ chứ?

Chị Lê Vân Anh đã từng tổ chức vô số những hoạt động lớn nhỏ khác nhau như thi đấu bóng đá giao hữu Đài Loan – Việt Nam, hoạt động tìm kiếm tài năng chương trình truyền hình Việt Nam, hoạt động nướng thịt Tết Trung Thu và hoạt động quyên góp từ thiện... “Lao động nước ngoài phân bố tại khắp Đài Loan, do vậy địa điểm tổ chức hoạt động nhất định phải ở gần ga xe lửa, để tiện cho mọi người đi xe lửa đến tham gia”, chị Lê Vân Anh từng tổ chức hoạt động ở gần các ga xe lửa như ga Bản Kiều (Ban Qiao), ga Tân Ô Nhật (Xin Wuri) và ga Đài Bắc, và đều rất thành công. Khi tổ chức hoạt động ở Cao Hùng, chính quyền thành phố Cao Hùng cũng tới hỗ trợ. “Chúng tôi tổ chức hoạt động tại Quảng trường số 1 Đài Trung, tại trung tâm hoạt động ở đó còn có dịch vụ trông trẻ nữa!”

Chị Lê Vân Anh đề cập, tại Đào Viên có hơn 100 ngàn lao động nước ngoài, hơn 50 ngàn di dân mới, năng lực tiếng Trung của chị em hôn phối nước ngoài không được tốt lắm, chính quyền địa phương có nghĩa vụ hỗ trợ di dân mới giáo dục thế hệ hai của họ. Tháng 7 năm nay thành phố Đào Viên đã thành lập “Trung tâm liên hợp phục vụ di dân mới”, chuyên trách về thúc đẩy quảng bá văn hóa  di dân mới, phụ đạo tư vấn cho họ về việc làm và pháp luật. Chị Lê Vân Anh bày tỏ rất hoan nghênh việc làm này của chính quyền thành phố, nhưng chị cũng hy vọng có được một quảng trường Đông Nam Á sạch sẽ, an toàn, không những tạo tiện ích về mua sắm, về học tập kỹ năng nghề dành cho hôn phối nước ngoài, mà cũng khiến những ông chồng Đài Loan chịu dắt con cùng tới đó thăm thú đi dạo, đồng thời giúp người Đài Loan hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của Đông Nam Á.

“Chúng tôi đều rất yêu Đài Loan, cũng hy vọng có thể ở lại Đài Loan sinh sống, nhưng chúng tôi có chút khác biệt về ngoại hình, nói chuyện cũng có khẩu âm, khó tránh khỏi những ánh nhìn kỳ thị. Nếu người Đài Loan cũng có thể tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa của chúng tôi, tình cảm với dân chúng Đài Loan sẽ tiến gần thêm một bước.” Chị muốn bản thân mình đi trước, dành một căn phòng ở điểm kinh doanh quy hoạch thành Phòng triển lãm văn hóa Việt Nam, trưng bày tiền Việt Nam, vật dụng sinh hoạt và những câu chuyện về phong tục tập quán của Việt Nam, để những người có hứng thú có thể trực tiếp tiếp xúc với văn hóa Việt Nam. Chị Lê Vân Anh nói: “Tôi hy vọng sự bao dung đa văn hóa của Đài Loan có thể mở rộng ra tới cả đối tượng hôn phối nước ngoài, bởi vì chúng tôi cũng là người Đài Loan.”