Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Hiệu sách SeaMi Bàn đạp để hòa nhập văn hóa địa phương
2018-04-02

1

Nhóm người làm việc ở hiệu sách SeaMi nhiệt tình xây dựng một ngôi nhà quan tâm nghệ thuật của cộng đồng tân di dân Đông Nam Á

“Hiệu sách SeaMi” nằm ở Đào Viên, là nơi thư giãn, giao lưu văn hóa của tân di dân đến từ các nước Đông Nam Á. Trong bầu không khí thân thiện, SeaMi đã đào tạo, bồi dưỡng vô số hạt giống “an thân lập mệnh”. Thời gian dần trôi, quê hương dần dần trở thành ký ức xa vời, người nhập cư mới đã tìm được hạnh phúc và ổn định, cũng nhìn thấy được ánh nắng rực rỡ trong cuộc sống.
 

Hạt giống chỉ cần gieo đúng chỗ ắt sẽ mọc lên phơi phới với cành lá xum xuê. Hiệu sách SeaMi nằm ở một góc nhỏ phía sau ga xe lửa Đào Viên, trong 3 năm nay, người sáng lập hiệu sách SeaMi, cũng là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu và đổi mới giáo dục nghệ thuật Đông Nam Á thành phố Đào Viên  ông Lin Zhou-Xi (Lâm Chu Hy), cùng với một nhóm người cùng chí hướng đã âm thầm lặng lẽ phục vụ cộng đồng tân di dân Đông Nam Á.

 

 


Người sáng lập hiệu sách SeaMi Lin Zhou-Xi mong muốn tạo ra một không gian nhân văn cởi mở và thân thiện dành cho tân di dân Đông Nam Á

Hơi yếu ớt, nhưng kiên trì, bền bỉ

Bước ra đường hầm ga sau Đào Viên, phảng phất như vượt đường hầm thời gian, trước mắt là một dãy bảng hiệu tiếng nước ngoài, trong thoáng chốc, cảm giác như đang sống ở Đông Nam Á. Hiệu sách SeaMi ẩn mình trên lầu 2 của một quán ăn Indonesia. Vào chiều thứ 5, các đồng nghiệp ngồi quanh bàn để họp. Lin Zhou-Xi chăm chú bấm máy tính, thận trọng tính toán kinh phí hoạt động và các khóa học. “Tuy lúc này mọi người đều rất buồn vì gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí, nhưng chỉ có cần hoạt động diễn ra, mọi người đều gạt bỏ mọi phiền muộn, vui vẻ làm việc, ai ai cũng tràn đầy năng lượng.”

 

Bù đắp chỗ trống, thực hiện ước mơ quan tâm cộng đồng

Đào Viên là nơi tập trung rất nhiều nhà máy, là một trong những khu vực có nhiều lao động di trú nhất, bên cạnh đó, còn có rất nhiều hôn phối nước ngoài, khoảng chừng 130.000 người. Lin Zhou-Xi nhớ lại hoàn cảnh của 3 năm trước: “Mỗi một cộng đồng địa phương đều có nơi thuộc về họ và để họ dựa dẫm, chỉ có cộng đồng người nước ngoài là không có, lúc bấy giờ là một vùng sa mạc, chỉ có một số ít đang quan tâm, ánh sáng vừa lóe lên liền bị dập tắc”. “Thật ra tôi hy vọng có thể bắc nhịp cầu nối giữa cư dân địa phương với người nhập cư, để họ tìm hiểu lẫn nhau”. Một kế hoạch bù đắp chỗ trống từ không đến có, và dần dần thực hiện ước mơ. “Tôi muốn làm người nhóm lửa, hy vọng xã hội này có thể thay đổi”. Hồi học đại học, Lin Zhou-Xi học khoa Quan hệ quốc tế, còn cao học thì ông tập trung vào nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á, “Giáo sư Lý Mỹ Hiền và Vương Hoằng Nhân của trường Đại học Quốc gia Chi Nan (NCNU) là hai bậc thầy quan trọng đã đưa tôi đi theo con đường quan tâm xã hội.” Lin Zhou-Xi vô cùng cám ơn sự bồi dưỡng và dẫn dắt của các ân sư, đã khiến cho một chàng trai trẻ không có tiền bạc có thể dũng cảm bước đi trên con đường làm tròn ước mơ.

 

 


Trong một hoạt động được tổ chức tại hiệu sách SeaMi, Ban tổ chức đã dùng giấy dán xếp thành những khuôn mặt tươi cười, trông rất thú vị

Hiệu sách SeaM là nơi diễn giảng những thăng trầm trong cuộc sống của người nhập cư

Hiệu sách SeaMi chỉ có một hàng giá sách đơn giản, nhưng chứa đựng những câu chuyện bất tận của những người nhập cư. Trong không gian nhỏ bé này, hàng ngày đều xảy ra những câu chuyện khác nhau. “Chúng tôi không đi theo hướng giáo dục truyền thống”. Lin Zhou-Xi hy vọng đây là một từ trường thu hút con người chủ động học tập.

Thầy giáo Michael Ty là người Philippines gốc Hoa, ông có kinh nghiệm dạy học phong phú, hiện nay ông là giáo viên bồi dưỡng hạt giống của hiệu sách SeaMi. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đến Đài Loan làm việc, trong hơn 20 năm nay, ông làm phiên dịch môi giới và phụ đạo, ông rất hiểu về trạng thái tâm lý của lao động di trú.

“Những người Philippines đến Đài Loan làm việc đa phần là ở độ tuổi từ 20-35, cho dù đã kết hôn hay chưa kết hôn, khi rời xa gia đình, một mình sinh sống tại một đất nước xa lạ, bất cứ ai cũng đều cảm thấy cô đơn”. Con người là con vật có cảm xúc, khi một mình cô đơn ở nơi đất khách quê người, nếu không có nơi để bộc lộ tâm trạng thì có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc. “Trước đây có một lao động di trú, bạn ấy lúc nào cũng trầm lặng, đến tối, khi mọi người đều nghỉ ngơi, bạn ấy cứ đi lui đi tới trên hành lang”. Hành động khác thường này đã khiến cho chủ thuê và các bạn cùng phòng rất lo lắng, lo sợ bạn ấy sẽ làm tổn thương bản thân mình hoặc người khác, cho nên chủ thuê đã buộc bạn ấy về nước. “ Bị trả về nước là việc rất thê thảm”, thứ nhất, người lao động sẽ không có tiền để trả phí môi giới. Thứ 2, người lao động sẽ không có thu nhập, hoàn cảnh kinh tế càng khó khăn hơn, và việc này còn bị lưu lại trong hồ sơ, muốn kiếm việc thì càng khó hơn nữa. Cho nên trường hợp tự sát hay là núp mình trong bóng tối, không dám đối mặt với gia đình là rất nhiều. “Tôi rất vui vì bây giờ có một nơi thân thiện, có thể để cho lao động di trú có cơ hội kết bạn và học cách trưởng thành, giảm thiểu những việc đáng tiếc xảy ra”. Michael Ty nói một cách vui mừng. Qua sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu, để cho các giáo viên bồi dưỡng hạt giống của hiệu sách SeaMi có thể mở mang tầm nhìn. Sau này khi đối mặt với trường hợp tương tự thì sẽ biết được làm thế nào để phụ đạo và hỗ trợ lao động di trú.

 

 


Lớp nấu ăn SeaMi, do các chị em tân di dân hướng dẫn cách làm các món ăn Đông Nam Á

“An phận thủ thường” đã đưa đến một cuộc hôn nhân xuyên quốc gia hạnh phúc

“Lần đầu tiên trong công việc xảy ra chuyện không vui” khiến tôi phải thề rằng, sẽ không bao giờ đến Đài Loan nữa. Nhưng do hoàn cảnh kinh tế của gia đình, tôi phải ngậm ngùi gạt nước mắt, trở lại Đài Loan. Cô giáo Việt Nam Phạm Mỹ Hạnh kể lại câu chuyện của mười mấy năm trước, sự buồn lòng của lúc bấy giờ vẫn hiện lên rõ mồn một.

 “Năm 2001, trước Tết âm lịch một tuần, tôi đến Đài Loan làm khán hộ công, lúc đó tôi chưa đầy 20 tuổi, chỉ nặng 40kg, nhưng mỗi ngày vào sáng sớm đều phải giúp chủ thuê chuẩn bị công việc của nhà hàng, sau đó còn phải quét dọn, rửa chén bát, lại phải chăm sóc bà cụ bị tai biến mạch máu não nặng 70kg”. Ngày qua ngày, thức khuya dậy sớm, mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, lại không thích nghi được thời tiết ở Đài Loan, cho nên tôi đã trở về Việt Nam trước khi hết hạn hợp đồng.

Tưởng chừng có thể ở Việt Nam làm việc, nhưng trong một trận cháy lớn, cả gia đình lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng, Hạnh một lần nữa đáp máy bay đến Đài Loan, cô chỉ có thể rửa mặt bằng nước mắt, nhưng duyên phận đã xoay chuyển vận mệnh của cô, kể từ đó cô có một cách nhìn hoàn toàn khác về Đài Loan. “Tuy tôi biết nói tiếng phổ thông và tiếng Đài, nhưng chủ thuê lần này là người Hẹ , cho nên tôi phải học lại từ đầu”. Sức mạnh đến từ áp lực cuộc sống, trong một thời gian ngắn là cô đã có thể dùng tiếng Hẹ để trò chuyện với chủ nhà . Nửa năm sau, chủ của cô cho cô vay 100.000 Đài tệ để mua đất cho gia đình, lúc này Phạm Mỹ Hạnh mới thật sự cảm nhận được niềm vui khi được quan tâm và tin cậy. Tiếp đó chủ thuê còn giới thiệu bạn trai cho cô, nhưng cô là người biết giữ bổn phận, cho nên cô không chịu bỏ mặc bà cụ để đi hẹn hò. Bản tính hiền lành, hiếu thảo và chất phát của cô đã khiến chủ thuê rất cảm động, 2 năm sau, Phạm Mỹ Hạnh trở thành con dâu của chủ. Vốn là nơi đau buồn của Hạnh, nay trở thành thiên đường hạnh phúc.

 


Mai Thị Thanh Tuyền, hiện đang học chương trình tiến sĩ Hoa ngữ ứng dụng trường đại học Trung Nguyên, cô tự biên soạn tài liệu giảng dạy về hệ thống phát âm tiếng Việt và hội thoại sơ cấp

Phạm Mỹ Hạnh hiện có 2  con gái và 1 con trai, cô rất thích ngôn ngữ, vừa đúng lúc Bộ giáo dục tổ chức khóa “Đào tạo giảng dạy tiếng mẹ đẻ dành cho tân di dân”, cô đăng ký tham gia và sau khi kết thúc khóa đào tạo, cô bắt đầu đi dạy ở trường tiểu học. Năm nay, cô còn mở lớp dạy tiếng Việt tại hiệu sách SeaMi.

Phạm Mỹ Hạnh nở nụ cười hạnh phúc nói rằng, “Chồng tôi thỉnh thoảng dùng tiếng Việt để nói cảm ơn tôi, khiến tôi rất ấm lòng”. Mẹ chồng cũng có thể dùng tiếng Việt để hỏi thăm sui gia làm cho Phạm Mỹ Hạnh cảm thấy rất cảm động

“Trước đây, mỗi khi nghe người ta nói tôi là cô dâu Việt Nam, tôi rất đau lòng, nhưng bây giờ tôi có thể thông cảm”. Sự khác biệt về văn hóa khiến cho chúng ta vô tình làm tổn thương người khác. “Vì vậy tôi phải làm cho nhiều người hiểu được nền văn hóa Việt Nam, hóa giải sự hiểu lầm do sự khác biệt gây nên”. Phạm Mỹ Hạnh nói một cách tự tin. Mục tiêu này cũng chính là niềm ao ước của hiệu sách SeaMi.

 

Ngôn ngữ, chìa khóa thành công trở thành sứ giả văn hóa xuyên quốc gia

Mai Thị Thanh Tuyền, cô gái miền bắc, đến Đài Loan hơn 7 năm, hiện đang học chương trình tiến sĩ trường đại học Trung Nguyên. Mai Thị Thanh Tuyền lần đầu tiên đặt chân đến Đài Loan là vào ngày 9-9-2009, cô đã lấy được bằng thạc sĩ khoa Hoa ngữ ứng dụng trường đại học Trung Nguyên.“Ý nguyện của tôi là làm chiếc cầu nối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan’. Sau khi khởi động chính sách hướng nam mới, chính phủ Đài Loan dự định sẽ đẩy mạnh giảng dạy ngôn ngữ Đông Nam Á tại các trường tiểu học, vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tân di dân đang được triển khai, và cũng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Mai Thị Thanh Tuyền. Ngôn ngữ là cầu nối giữa người với người, cũng là chất xúc tác để cho người với người có thể chấp nhận lẫn nhau. “Trong phần giảng dạy của tôi có thể chia thành 3 loại , ngoài đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, dạy tiếng Việt cũng là trọng điểm”. Đối tượng học tiếng Việt thông thường là quan chức nhà nước hoặc chủ doanh nghiệp, ngoài ra còn có những người đi làm và sinh viên đại học. “Chia sẻ văn hóa là điều mà tôi thích nhất”. Mai Thị Thanh Tuyền từng được mời đi diễn thuyết, quảng bá văn hóa Việt Nam tại trường đại học Trung Ương, đại học Trung Nguyên, đại học khoa học và công nghệ Chien Hsin v.v...

 


Hiệu sách SeaMi thường xuyên tổ chức các hoạt động khác nhau để cho thế hệ hai của tân di dân có sự hiểu biết đầy đủ, hoàn chỉnh về bản thân mình (Ảnh : Hiệu sách SeaMi)

Mai Thị Thanh Tuyền hiện là giáo viên tiếng Việt và là giáo viên bồi dưỡng hạt giống của hiệu sách SeaMi, cô không những tự nghiên cứu cách phát âm và biên soạn tài liệu giảng dạy hội thoại sơ cấp mà còn giảng dạy cho các chị em tân di dân đang làm phiên dịch. Cô so sánh một cách có hệ thống về sự khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Hoa, nắm bắt từ chính xác, rất có ích trong việc mở rộng cơ hội việc làm cho chị em .

 

Ngoảnh nhìn lại, không nỡ buông tay trước nụ cười của trẻ

“Đáng lẽ chỉ định làm thử 2 năm, nhưng khi bắt tay vào làm thì hoàn toàn lao vào công việc”. Nụ cười của trẻ khiến cho Lin Zhou-Xi không nỡ buông tay. “Tôi thấy đây là một sứ mệnh, cần phải bù đắp lỗ hổng này, nhất là để cho thế hệ hai của tân di dân có được sự nhận thức hoàn chỉnh”, chỉ có hiểu được con đường đã đi qua mới có tự tin đối mặt với tương lai. Điều mà Lin Zhou-Xi theo đuổi, không phải là ánh hào quang bên ngoài, mà là một nhiệm vụ lâu dài, hòa nhập cuộc sống, cùng nhau trưởng thành.