Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Học tập ngoài nhà trường, Cưỡi gió đạp sóng Sự nghiệp “trồng người” của Hiệu trưởng Aaron Huang
2018-04-25

1

Các môn học về đại dương của Trường tiểu học Yueming rất phong phú đa dạng, tràn ngập thú vui, cũng có tính gợi mở.

Năm 2009 Trường tiểu học Yueming (Nhạc Minh) huyệnYilan (Nghi Lan) được Bộ Giáo dục vinh danh là ngôi trường xuất sắc trong việc làm sống dậy không gian và phát triển nét đặc trưng cho nhà trường; năm 2010 được Viện Hành chính trao giải thưởng phát triển bền vững giáo dục quốc gia; năm 2013 một lần nữa vinh dự đạt giải thưởng xuất sắc về thành tích sử dụng năng lượng tiết kiệm do Bộ Kinh tế thúc đẩy và giải thưởng giáo dục môi trường huyện Nghi Lan. Điều làm cho người ta tò mò hơn về hiệu trưởng Aaron Huang (Hoàng Kiến Vinh) đó là: bối cảnh gia đình và quá trình trưởng thành như thế nào đã khiến hiệu trưởng có thể kiên nhẫn miệt mài theo đuổi con đường thử nghiệm giáo dục này; và cơ duyên nào khiến ông gạt bỏ được mọi khó khăn, để hết lần này đến lần khác đưa sức sống mới vào trong chương trình giảng dạy, đổi mới và sáng tạo giáo dục. Từ sự thể hiện của hiệu trưởng đã giúp chúng ta thấy được tình yêu tha thiết của con người đối với quê hương, với thiên nhiên và đối với giáo dục.
 

Dùng 4 chữ “Ôn tồn nho nhã” để mô tả hiệu trưởng Trường tiểu học Yueming Yilan - Aaron Huang là phù hợp nhất, dáng người cao gầy, nói năng từ tốn chậm rãi, cộng thêm khả năng tư duy logic đâu ra đấy,  dưới sự lãnh đạo của thầy công việc của nhà trường liên tục có những  đột phá và sáng tạo.  Thầy Aaron Huang, người đã dấn thân vào nghề giáo gần 30 năm nay, nói một cách liên hồi về quá trình và những điều tâm đắc trên con đường giáo dục mà  thầy đã đi qua.

 

 


Môn học thuyền buồm là một môn học tổng hợp kết hợp các lĩnh vực bao gồm xã hội, thiên nhiên, văn hóa nghệ thuật và ngôn ngữ. (Ảnh: Jimmy Lin)

Đứa trẻ đến từ vùng quê

“Tôi sinh ra ở gần Shenghu Su’ao (khu vực Thánh Hồ thị trấn Tô Áo), khoảng 2-3 tuổi gia đình tôi chuyển chỗ ở tới Masai (khu vực Mã Trại).”  Thầy Aaron Huang kể chuyện hồi nhỏ đi qua các bờ ruộng, xuyên qua dòng suối nhỏ là chặng đường đến trường mỗi ngày của ông; bắt cá dưới suối, nướng khoai lang, chơi trò ném bùn,  đều là thú vui sau giờ tan học hoặc trong ngày nghỉ. Đối với thầy Aaron Huang mà nói, thiên nhiên là một cảnh tượng hết sức bình thường trong cuộc sống, muốn bơi lội có thể đến dòng suối Wulaokeng ở gần nhà; muốn bắt cua, thì tới bãi biển Aochaijiao nằm kề trường học. Đối với thầy Aaron Huang, núi, biển và đồng bằng đều tự nhiên như hơi thở vậy, cũng từ trong quá trình tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, đã giúp ông nuôi dưỡng lý tưởng cho công tác giáo dục sau này.

“Tôi rất nhớ những lần đại diện nhà trường tham gia các cuộc thi tài năng thời học cấp 2”, thầy Aaron Huang cho biết, ở mỗi trường cần thành lập một đội học sinh gồm có 10 thành viên, 10 thành viên này cần hội tụ đủ 10 loại tài năng, bao gồm các khả năng như dựng lều, nấu nướng, nghề mộc, thí nghiệm hóa học, chạy bộ, nghe hiểu tiếng Anh và thi vẽ, v.v... Thông qua sự đào tạo và huấn luyện của nhóm giáo viên xuất sắc nhất toàn trường, chúng tôi tham gia những cuộc thi giữa các trường do Sở Giáo dục huyện Yilan tổ chức khi đó, cuối cùng chúng tôi giành được giải nhì  cuộc thi, chỉ thiếu 0,2 điểm so với giải nhất.

Tuy nhiên mô hình dạy học thử nghiệm nhấn mạnh thực hành như vậy đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến thầy Aaron Huang, thầy mỉm cười và nói các món đồ nội thất trong nhà làm bằng gỗ đều do thầy tự tay làm ra, sau này khi thầy bước vào nghề giáo, đưa học trò đi cắm trại, nấu món ăn ngon, thưởng thức nghệ thuật, sống gần gũi với thiên nhiên v.v..., tất cả những điều này đều được bắt nguồn từ sự rèn luyện và gợi mở mà thầy từng trải qua trong giai đoạn đó. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, thầy là một trong hai học sinh  trong toàn trường thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm,  kể từ đó đứa trẻ đến từ vùng quê này chính thức hướng tới con đường giáo dục.

 

 


Thông qua hoạt động giao lưu diễn ra 4 ngày 3 đêm giữa Trường tiểu học Yueming với Trường tiểu học của đảo Ishigaki Nhật Bản, giúp học sinh tìm hiểu sâu về văn hóa địa phương để hiểu rõ hơn giá trị đáng quý của văn hóa đa nguyên.

Học đường ngoài trời chính thức khai giảng

Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm, thầy Aaron Huang đến thực tập một năm tại Trường tiểu học Changlong (Xương Long) ở khu vực Xinzhuang (Tân Trang thành phố Tân Bắc), sau khi xuất ngũ đúng ra thầy định trở về làm giáo viên tại trường thực tập, nhưng khi biết tin có một ngôi trường tiểu học nằm trên Yangmingshan (núi Dương Minh), là một trường học nhỏ gồm 6 lớp học có môi trường thiên nhiên thật tuyệt vời. Đối với thầy Aaron Huang, trong lòng luôn có niềm khao khát thiên nhiên nên đã thôi thúc thầy đăng ký tham gia chương trình thi tuyển giáo viên thành phố Taipei (Đài Bắc), bắt đầu công việc nhà giáo  tại Trường tiểu học Pingdeng (Bình Đẳng).

Do ngôi trường tọa lạc ở phía góc Đông Nam của Công viên quốc gia Yangmingshan, cộng thêm vào năm 1991 thành phố Taipei dẫn đầu thực hiện dự án thực nghiệm định hướng trường tiểu học phát triển về phương diện sinh thái, “khi đó tôi đã muốn tìm cách kết hợp giảng dạy với nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương, lấy ví dụ lúc chúng tôi dạy môn học quốc ngữ, tôi sẽ dẫn học trò tới bên bờ suối, để các em quan sát dòng suối....”, giống như học tập theo chủ đề, dần dần cho mở rộng thành học tập đa bộ môn và cho liên kết lại với nhau, chẳng hạn khi nghiên cứu tới vùng núi Yangmingshan, sẽ nói tới lượng mưa đổ xuống hàng năm và kiểu khí hậu đặc trưng, đồng thời kết hợp giảng dạy phương pháp đo lường và cách tính về lượng mưa, kèm theo với các bài đọc và tác phẩm liên quan với Yangmingshan, như vậy sẽ tạo nên một chương trình giảng dạy kết hợp đủ các chủ đề gồm  tự nhiên, toán học và văn học.

 

 


Thông qua quá trình giáo dục từ thực phẩm, nông nghiệp để hướng dẫn học sinh biết cách trồng trọt, chăm sóc, gặt hái, nấu ăn và chia sẻ, phá bỏ ranh giới giữa cuộc sống và học tập.

Cải tạo môi trường phát triển bền vững

Từ ngôi trường tiểu học Pingdeng nằm trên vùng núi của thành phố Taipei quay trở về Trường tiểu học Masai, một ngôi trường thuộc nhóm các trường có quy mô vừa và lớn ở vùng quê Nghi Lan, việc trước tiên mà thầy Aaron Huang phải đối mặt, đó là vấn đề môi trường  kém của nhà trường.

“Vào lúc ấy tôi đưa tất cả những gì đã học, nhờ  kinh phí cho dự án phát triển trường học bền vững của Bộ Giáo dục để sử dụng vào việc cải tạo ngôi trường, với mục đích nhằm biến đổi ngôi trường thành một lớp học lớn giảng dạy về phát triển bền vững.” Ông nhận thấy trong trường nếu không có cây cổ thụ sẽ bị mất đi hơi thở nhân văn. Cho nên, việc đầu tiên là cho thay đổi nền đất, biến nền xi măng thành nền đất thấm nước, có thể hít thở. Bước làm kế tiếp là xử lý nước thải của phòng học thành nước sạch và tạo hồ sinh thái, đồng thời tận dụng loài thực vật dây leo làm “lớp da thứ hai” cho tòa kiến trúc. Sử dụng nước mưa hứng được để trồng các loại cây thu hút các loài ong bướm đến hút mật, côn trùng đẻ trứng, làm thay đổi môi trường sinh thái của vườn trường, như vậy sẽ không còn gây cảm giác là một khối bê tông nữa.

Những phương diện này đều phải kết hợp với chương trình giáo dục, giúp cho các vấn đề như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và chính sách tiết kiệm năng lượng đi kèm với chương trình học tập, hướng tới mục tiêu  giảm thấp tỷ lệ khí thải carbon, xây dựng cuộc sống xanh và bảo tồn bền vững hệ sinh thái tự nhiên.

 

 


Chiếc xuồng gỗ do học sinh tự tay làm, bao gồm các công đoạn dùng súng đinh, máy bào, dán keo v.v..., trải qua thời gian một năm chế tạo sắp sửa được hoàn thành vào năm 2018. (Ảnh: Jimmy Lin)

Giương buồm đón gió ra khơi

Trong thời gian dạy học tại Trường tiểu học Masai, “Hiệp hội xúc tiến giáo dục và văn hóa đất ngập nước Wu Wei” mời thầy Aaron Huang biên soạn cuốn sổ tay học tập về hệ sinh thái của vùng đất ngập nước Wu Wei, khu vực này cũng chính là nơi mà thầy đã vui đùa vào hồi nhỏ. Về sau thầy tham gia thi tuyển đạt tư cách làm hiệu trưởng, thầy nghĩ rằng nếu có cơ hội rất mong muốn được làm hiệu trưởng của “Trường tiểu học Yueming” ở  gần đó.

Vấn đề người dân sinh ít con và khu dân cư “già hóa”, cộng thêm tình trạng thanh niên lên thành phố làm việc, khiến thầy Aaron Huang vừa mới lên làm hiệu trưởng đã phải đối mặt nhiều thử thách khó khăn, “với một nguồn tài nguyên thiên nhiên tốt như vậy, nếu phải đóng cửa trường học, thật là đáng tiếc.” Có một khu bảo tồn loài chim nước cấp quốc gia lại ở gần bờ biển, trên khắp Đài Loan để tìm được một ngôi trường có môi trường như vậy thật ra không nhiều.

 


Nhờ sự lãnh đạo của hiệu trưởng Aaron Huang, công việc của nhà trường liên tục có những sự đột phá và sáng tạo. (Ảnh: Jimmy Lin)

“Có một năm đưa các em học sinh tới sông Dongshan (Đông Sơn) để tham gia Lễ hội Trò chơi Dân gian Thiếu nhi Quốc tế (International Children’s Folklore and Folkgame Festival), nhìn thấy một chiếc thuyền giương buồm đậu bên bờ sông.” Huấn luyện viên đứng bên cạnh thuyết minh đây là chiếc thuyền của trẻ em đang đi chơi trên khắp thế giới, thậm chí cũng nằm trong nội dung thi đấu của Đại hội thể thao châu Á, dựa vào nguyên lý thao tác cánh buồm và vận dụng sức gió để giúp chiếc thuyền lướt đi trên mặt nước. “Vừa đúng dịp vào năm đó chính phủ thực hiện kế hoạch mở rộng nhu cầu nội địa, tôi đề xuất với Sở Giáo dục huyện Yilan một ý tưởng táo bạo.” Sau này được sự ủng hộ của chính quyền đã mua 8 chiếc thuyền, đồng thời bắt đầu thực hiện từ các đoàn thể xã hội, thành lập một câu lạc bộ thuyền buồm đầu tiên.

Thế nhưng, trong lúc quảng bá chương trình học về thuyền buồm, ngay từ ban đầu đã phải đối mặt với vấn đề an toàn bởi phụ huynh lo sợ khi con em phải xuống nước. “Do đó chúng tôi tận dụng các ngày nghỉ, đưa cả phụ huynh tới con sông Dongshan, để phụ huynh tận mắt thấy con mình tập luyện điều khiển thuyền buồm tại đây, ngoài ra còn bố trí cho cha mẹ ngồi trên những chiếc thuyền buồm lớn hơn, trải nghiệm thực tế cách điều khiển thuyền buồm.”

Sau khi phụ huynh có thể dần dần chấp nhận việc này, rồi tiến thêm bước biến môn học này từ môn tự chọn trở thành môn học bắt buộc, khiến toàn bộ học sinh từ lớp ba trở lên đều phải tham gia, và quy định khi lên lớp 6 nhất thiết phải biết lái thuyền buồm thì mới được tốt nghiệp. Môn thể thao thuyền buồm kết hợp nguyên lý Bernoulli của môn học tự nhiên (ngược chiều gió thổi) và nguyên lý nhảy dù (thuận theo chiều gió), ngoài ra còn có lịch sử phát triển hàng hải của môn học xã hội và chương trình giảng dạy trao đổi bằng thuật ngữ tiếng Anh, cộng thêm văn học đại dương của môn quốc ngữ. Thầy Aaron Huang đề cập, thật ra không phải mong muốn đào tạo được bao nhiêu tuyển thủ quốc gia, hay có thể lái thuyền giỏi giang đến thế nào, mà ngược lại hy vọng qua môn thể thao này có thể thấy được sự trưởng thành của các em về phát triển nhân cách.  

 


Sau sự có mặt của ba bà chị, Aaron Huang là đứa con trai đầu tiên ra đời trong gia đình (người đứng thứ nhất bên trái), từ nhỏ phẩm hạnh và kết quả học tập đều rất xuất sắc.

Bắt đầu từ lớp 1 tham gia học bơi để tiếp xúc với nước cho tới chương trình học trước khi tốt nghiệp như lướt sóng với tư thế nằm sấp (lướt sóng), lặn, điều khiển thuyền buồm, khiến các môn học về đại dương của Trường tiểu học Yueming làm phong phú thêm kiến thức cho học sinh, mở rộng tầm nhìn và rèn luyện sức khỏe. Ngoài việc đầu tiên phải khắc phục nỗi sợ hãi,  còn phải một mình đối mặt với những thử thách trong lúc điều khiển thuyền buồm, và cũng là điểm mấu chốt giúp trẻ trưởng thành.

 

Kết nối con đường giáo dục cho tương lai

Gió thổi làm cánh buồm di chuyển, đồng thời cũng bắc nhịp cầu giao lưu hữu nghị giữa hai nhà trường của thị trấn Su’ao Đài Loan và đảo Ishigaki Nhật Bản, vì trên hòn đảo Ishigaki cũng có trẻ em chơi thuyền buồm, các em tìm trên internet thấy Trường tiểu học Yueming ở Yilan Đài Loan cũng học môn thuyền buồm, nên chủ động đề ra chương trình giao lưu giáo dục. Hai bên tận dụng thời gian trong năm học, trao đổi học sinh với nhau bằng cách gửi các em đến ở tại các gia đình học sinh của hai bên, trong thời gian 4 ngày 3 đêm, giúp học sinh tìm hiểu sâu về văn hóa địa phương để hiểu rõ hơn giá trị đáng quý của  văn hóa đa nguyên. 

 

Thậm chí ngay cả việc chuẩn bị kinh phí để tham gia kế hoạch cũng được thiết kế thành một  phần của chương trình học, để các em học sinh và phụ huynh cùng nhau suy nghĩ, làm thế nào để chuẩn bị khoản tiền vé máy bay 10.000 Đài tệ (còn các khoản chi khác sẽ do cơ quan chính phủ tài trợ).

Thật ra, chương trình học theo chủ đề của Trường tiểu học Yueming không chỉ dừng lại ở đó, mà còn bao gồm môn giáo dục thực phẩm và nông nghiệp, khám phá vùng đất ngập nước, kỹ năng cuộc sống, kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã v.v..., hàng năm chia thành 4 học kỳ theo các mùa xuân, hạ, thu, đông luân phiên triển khai (khác với các trường bình thường một năm chỉ có hai học kỳ), dự kiến vào năm 2018 sẽ ra mắt chế độ hai giáo viên chủ nhiệm phụ trách một lớp học, bởi vì trong lúc học tập môn học xuyên lĩnh vực cần tới nhiều chuyên môn khác nhau của các giáo viên, cần đến sự động não và phát huy trí tuệ của mọi người. Trường tiểu học Yueming bắt đầu từ lúc thầy Aaron Huang làm hiệu trưởng có 67 học sinh, đến nay đã có 122 em đến đây học tập, thậm chí có phụ huynh muốn đưa con em đến học nên chuyển hộ khẩu cho con mình đến đây, vì đây là nơi duy nhất trên toàn Đài Loan có chương trình dạy môn thuyền buồm, một nhóm giáo viên lặng lẽ đóng góp, những em học sinh đáng yêu và thầy hiệu trưởng Aaron Huang cả đời cống hiến tâm sức cho nơi này.