Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Ngân hàng tí hon của Trường tiểu học Văn Lâm, mang lại trải nghiệm cuộc sống đại phú ông nhí cho các bé
2018-05-16

1

 

Trường tiểu học WenLin (Văn Lâm) thành phố Tân Bắc là ngôi trường đầu tiên có ý tưởng sáng tạo sử dụng đồng tiền riêng trong trường, mở ngân hàng tí hon tại trường và phát hành tiền giấy. Những em học sinh giữ chức vụ cán bộ lớp và tuân thủ đúng quy định nhà trường sẽ được nhận lương. Các em còn có thể đem sổ tài khoản đi gửi tiền lương vào ngân hàng ảo của trường, hoặc đến căn-tin mua sản phẩm mình yêu thích. Có thể nói công việc kiếm tiền, chi tiêu mua sắm, tiết kiệm tiền đã trở thành hình ảnh thường nhật diễn ra trong ngôi trường, dường như là một trò chơi đại phú ông phiên bản thực, từ đó giúp chúng ta thấy được năng lực giáo dục quản lý tài chính vô hạn trong học đường.
 

Tiếng chuông tan học reo vang cũng là lúc các em học sinh tất bật đẩy quầy hàng từ phía ngoài phòng học vụ ra khu vực hành lang, các em trưng bày hàng lên kệ một cách thành thục, sau lưng là từng nhóm học sinh các khối lớp theo nhau đến quầy hàng mua sắm. Sau khi chọn xong đồ thì đến quầy thu ngân để tính tiền, nhưng điều đáng yêu là ở đây không thu Đài tệ, mà chỉ sử dụng tiền do chính Trường tiểu học WenLin phát hành.

 

 

Cuộc cải cách cơ chế 
khen thưởng mới sáng tạo

Khoảng hơn ba năm trước, Chủ nhiệm phòng học vụ thầy Lại Hạo Vi (Lai Hao Wei) bắt đầu lập kế hoạch thành lập Ngân hàng WenLin, cho in ấn "tiền WenLin" trong nội bộ trường nhằm thử nghiệm việc dùng khái niệm sáng tạo thực hiện chế độ tài chính kinh tế trong trường, thay thế cho phương pháp khen thưởng truyền thống là sưu tập thẻ vinh dự để đổi lấy giấy khen trong trường.

Trước đây học sinh sưu tập thẻ vinh dự do thầy cô tặng thưởng, rồi chụp ảnh lưu niệm và nhận quà khen thưởng mang tính tượng trưng, phương pháp này quả thực không còn sức hấp dẫn đối với các em. Thầy Lại Hạo Vi chia sẻ: "Cách khen thưởng trước đây hầu như chỉ để khuyến khích các học sinh vốn đã xuất sắc, nhưng tôi thì lại muốn thu hút các em học sinh ở nhóm trung bình trở xuống".

Thầy Lại Hạo Vi cho rằng phương thức khen thưởng muốn nhận được sự hưởng ứng của đa số học sinh thì việc điều chỉnh điều kiện khen thưởng là yếu tố then chốt nhất. Ví dụ, học sinh chỉ cần đảm nhiệm chức vụ cán bộ lớp, học sinh nộp bài tập đúng thời hạn, hoặc tham gia dọn vệ sinh trường học v.v, các em chỉ cần có hành vi đúng đắn đều có thể nhận được thưởng tiền WenLin. Tiếp theo là cách giáo dục các em chi tiêu tiền WenLin, các em có thể tự quyết định quà thưởng cho mình, cách giáo dục sử dụng tiền đúng đắn cho học sinh mới chính là ý đồ quan trọng trong kế hoạch thành lập Ngân hàng WenLin của thầy Lại Hạo Vi.

Học sinh khi đến trường, ngoài tiếp thu kiến thức cần phải thông qua sự dẫn dắt chỉ bảo của thầy cô để học tập hành vi đúng đắn. Hiệu trưởng trường Chu Ngọc Hoàn (Zhu Yu Huan) vốn cũng có ý định cải thiện chế độ khen thưởng cho học sinh, sau khi nghe ý tưởng của thầy Lại Hạo Vi lập tức tán thành. ‘Là một đơn vị giáo dục, đối với chúng tôi kỹ năng thay đổi hành vi chỉ là mục tiêu trong thời gian ngắn, vì việc đưa khái nhiệm tài chính vào nhà trường kết hợp với sự quan sát của thầy Lại Hạo Vi về hành vi chi tiêu của các em, công tác giáo dục quản lý tài chính mới trở thành mục tiêu lâu dài” Hiệu trưởng Chu Ngọc Hoàn vừa cười vừa chia sẻ, trải nghiệm giáo dục như thế không ngờ càng ngày càng lớn mạnh.

 

 

Thể chế kinh tế của 
Trường tiểu học WenLin

Thầy Lại Hạo Vi cho biết cần phải tạo nên giá trị cho đồng tiền WenLin, giúp học sinh vừa có thể dùng tiền WenLin mua sắm những thứ mình yêu thích vừa hưởng được quyền tự do lựa chọn.

Thầy Lại Hạo Vi đi khắp các nhà máy đại lý đồ chơi khu vực miền Bắc, thầy tỉ mỉ lựa chọn những món đồ mà các em có thể sẽ thích. Qua nhiều lần thử nghiệm, thầy dần dần hiểu sở thích của các bạn nhỏ. Sản phẩm bày bán trên gian hàng ngày càng nhiều và đa dạng, căn tin ở hành lang trước phòng học vụ thế là đã khai trương một cách thuận lợi.

Máy tính tiền sử dụng máy vi tính kết hợp mã vạch cảm ứng, các em quét mã vạch dán trên sản phẩm như những nhân viên chuyên nghiệp, rồi thu tiền, đếm tiền, chỉ trong vòng 20 phút mà 4 bạn nhân viên quầy hàng phải phục vụ từ mấy chục cho đến hàng trăm khách hàng. Nhìn hình ảnh học sinh xếp thành hàng dài để thanh toán, đội ngũ nhân viên nhí quay sang nhìn thầy Lại Hạo Vi với nét mặt phụng phịu nhõng nhẽo tỏ vẻ áp lực, nhưng trong lời nói với khách hàng của các em khó mà giấu được sự phấn khích cũng như niềm tự hào về công việc mà các em đang làm.

 


Tiếng chuông reo tan học tiết thứ 3, học sinh hứng khởi cầm tiền WenLin mà các em vất vả mới có được, đi đến căn tin lựa chọn mua món đồ mình yêu thích.

Thầy Lại Hạo Vi tốt nghiệp khoa giáo dục mỹ thuật, trước khi xúc tiến kế hoạch thành lập Ngân hàng WenLin thầy không hề chút hứng thú với việc quản lý tài chính, cho nên để kế hoạch được tiến triển thuận lợi, thầy đã nghiên cứu môn tiền tệ học, tìm hiểu kỹ năng bổ sung hàng hóa ở cửa hàng tiện ích và nguyên tắc sắp xếp mã vạch.

 Thông qua công việc điều chỉnh giá cả sản phẩm hoặc tổ chức hoạt động, không những giúp học sinh tăng thêm hứng thú đối với đồng tiền WenLin, mà còn tạo nên lạm phát và giảm phát trong phạm vi thích hợp. Ví dụ như, mỗi dịp cuối năm sẽ cho mở đợt đặt mua túi quà, rồi đặt ra chiến lược giá niêm yết, từ năm đầu tiên giá 1 túi quà là 30 đồng WenLin, đến năm thứ 2 là 90 đồng WenLin, năm nay lên mức 150 đồng WenLin. Thầy Lại Hạo Vi cười nói: "Giá niêm yết không được quá thấp, hiện tại mỗi học sinh có thu nhập bình quân hàng tháng là 99 đồng WenLin, một nửa số học sinh trong trường có đủ tiền để mua, nhưng do giá vượt hơn 1 tháng thu nhập nên trước khi mua học sinh cũng sẽ có cảm giác tiếc tiền". Thầy cho rằng sự đắn đo khi mua sắm sẽ giúp cho các em học được cách phải suy nghĩ trước khi chi tiêu. Sự nỗ lực từng bước thúc đẩy hoạt động kinh doanh bằng tiền WenLin của thầy Lại Hạo Vi khiến một số nhân viên tài chính từng đến thăm trường phải thán phục chế độ kinh tế hoàn thiện của trường WenLin.

 

 


Trên bàn đặt máy quét mã vạch và máy tính bảng thế là trở thành quầy thanh toán di động, các em học sinh đảm nhiệm vai trò nhân viên thu ngân của căn tin WenLin một cách vô cùng chuyên nghiệp.

Ngân hàng ảo nhưng lại rất thực

Ngân hàng WenLin lý tưởng trong lòng thầy Lại Hạo Vi không chỉ có tiền giấy, mà còn cung cấp dịch vụ tiết kiệm tiền. Toàn trường WenLin có hơn 1.600 học sinh, chỉ riêng công đoạn đếm tiền thôi cũng đủ để kế hoạch thất bại.

Máy đếm tiền thông thường có cơ chế nhận biết tiền thật hay giả, nhưng tiền WenLin lại bằng chất liệu và có con số hoàn toàn khác so với tiền thật, cho nên máy đếm tiền bình thường trên thị trường không thể sử dụng được cho tiền WenLin. Thầy Lại Hạo Vi bèn tìm đến các nhà máy ở Đài Loan, cuối cùng đã tìm ra một nhà máy ở khu vực ShuLin (Thụ Lâm), nhờ họ thiết kế cho một máy đếm tiền chuyên dụng cho tiền WenLin. Còn máy in tiền WenLin cứ mỗi lần in là rơi rất nhiều bụi than làm máy bị hỏng hóc, hầu như tuần nào cũng phải mời thợ đến sửa, cả năm trời thử nghiệm, cho mãi đến đời máy in thứ 5 mới tuyên bố máy in tiền thành công.

Dịch vụ gửi tiền trong Ngân hàng WenLin do nhân viên ngân hàng đếm tiền, sau đó nhập số tài khoản và số tiền gửi vào máy tính rồi cho bổ sung số liệu vào sổ tài khoản, cuối cùng đóng dấu chuyên dụng của nhân viên ngân hàng, như vậy thủ tục gửi tiền mới hoàn tất. Thời gian gửi tiền được chọn vào giờ ôn bài buổi sáng hoặc giờ nghỉ trưa, hiệu suất xử lý công việc của nhóm nhân viên ngân hàng tí hon, có thể nói không thua kém gì người lớn.

 


Lại Hạo Vi dựa vào việc phát động kế hoạch Ngân hàng WenLin, từng bước giúp học sinh xây dựng quan niệm sử dụng tiền đúng đắn và thái độ làm việc nghiêm túc.

Giống như trong đời sống thực tế, học sinh nào muốn trở thành nhân viên ngân hàng Văn Lâm hoặc nhân viên bán hàng ở căn tin trường Văn Lâm đều phải trải qua giai đoạn thi tuyển gay cấn. Đầu tiên phải điền phiếu đăng ký ghi rõ lý do muốn gia nhập, đã từng tham gia hoạt động đoàn thể nào chưa, hoặc có kinh nghiệm làm cán sự lớp không v.v. Sau khi trải qua giai đoạn tuyển chọn sơ bộ sẽ tiến hành phỏng vấn, các câu hỏi mô phỏng theo tình huống thực tế, chủ yếu kiểm tra khả năng ứng biến của các em, nhiều học sinh nói rằng khâu phỏng vấn còn khó hơn là đi thi.

Khi đã lọt qua vòng phỏng vấn còn phải thông qua giai đoạn thử việc trong vòng 1 tháng rồi mới chính thức được tuyển dụng. Thầy Lại Hạo Vi đều nhắc nhở học sinh như thế này: " Trong 1 tháng này thầy sẽ quan sát sự thể hiện của các em, các em cũng phải quan sát xem công việc này có thích hợp với mình không". Hiện tại kế hoạch Ngân hàng WenLin có 10 nhân viên ngân hàng và nhân viên bán hàng, thầy Lại Hạo Vi cho biết, do đây là công việc không dễ dàng được tuyển dụng nên các em ai cũng có động lực làm việc tích cực, em nào vào làm cũng không muốn nghỉ việc. Hiệu trưởng Chu Ngọc Hoàn nói: " Hy vọng các em học sinh bước ra từ trường WenLin đều trở thành người yêu công việc của mình, và là người cần cù có trách nhiệm".

 

 


Cơ chế vận hành đồng tiền WenLin có tiền giấy, sổ tài khoản, còn có cả học sinh chuyên phụ trách vai trò nhân viên ngân hàng, khiến công tác giáo dục tài tính trở nên thực tế, thú vị hơn.

Trò chơi tiền bạc trong 
trường vô cùng gay cấn

Trong thời gian thực hiện kế hoạch, nội bộ trường không ít lần xuất hiện những tiếng nói phản đối, vì là kế hoạch mới toanh không có tiền lệ, lại còn dính dáng đến hành vi chi tiêu nên khiến cho giới bên ngoài lo lắng. Thời điểm ban đầu khi mở các cuộc họp giải thích, một số phụ huynh và giáo viên đã phản ứng kịch liệt, yêu cầu thầy Lại Hạo Vi dừng ngay kế hoạch.

Thầy Lại Hạo Vi chia sẻ:"Ban đầu tôi tìm những thầy cô có hứng thú với kế hoạch để bàn bạc, chỉ riêng việc giải thích kế hoạch đã mất 2 tiếng đồng hồ". Với sự nỗ lực không ngừng trao đổi của thầy, cuối cùng trong năm đầu tiên đã chọn được 10 lớp bắt đầu vận hành Ngân hàng WenLin. Cho đến nay 80% khối lớp trong trường đã sử dụng đồng tiền WenLin làm phần thưởng khuyến khích trong lớp.

Sau vài năm, thầy Lại Hạo Vi phát hiện đầu óc suy nghĩ của các em vượt xa mức tưởng tượng của mọi người. Có học sinh quan sát biết được sinh nhật của bạn bè xung quanh rồi dùng tiền WenLin đi mua quà tặng bạn, còn có một bạn nam mua hộp bút Hello Kitty trong trường về tặng mẹ. Nhìn thấy sự chu đáo cũng như hành động đúng đắn của các em, nỗi lo lắng trong lòng các bậc phụ huynh mới dần được giải tỏa.

 

 Đối mặt với những nghi vấn bên ngoài, e ngại học sinh tiếp xúc với tiền bạc quá sớm liệu có biến các bé trở nên thực dụng. Thực ra tính cách của con người hàng ngàn hàng vạn kiểu, có lợi cho người khác và có lợi cho bản thân khó mà tồn tại cùng lúc, nhưng thông qua biết bao nhiêu sự lựa chọn trong cuộc sống, thầy Lại Hạo Vi hy vọng trong quá trình này các em sẽ biết xây dựng quan niệm tiền bạc đúng đắn, biết phân biệt cái gì cần thiết và cái gì muốn sở hữu, bởi phải trải qua sự nỗ lực thì các em mới có được thành quả, cho nên mỗi một đồng tiền WenLin đối với các em học sinh đều được sử dụng một cách cẩn thận. Thầy chia sẻ: "Tôi thường thấy các em cầm món hàng nào đó lên rồi bỏ xuống không mua, có lẽ không thể dựa vào đó làm thước đo, nhưng tôi biếttrong đầu các em đang suy tính đi suy tính lại một điều gì đó". Vâng đó chính là sự suy ngẫm, là một khả năng vô cùng quý báu cần được nuôi dưỡng bồi đắp.

 

 


Sổ tài khoản ghi lại lịch sử chi tiêu, số tiền gửi ở ngân hàng, còn có cả phần khen thưởng của thầy cô. Thầy Lại Hạo Vi tin rằng những hoạt động nho nhỏ diễn ra trong ngân hàng của trường dần dần sẽ hình thành giá trị quan(quan niệm về giá trị) đúng đắn cho học sinh, gieo hạt mầm quản lý tài chính vào trí óc các em.

   
Mảnh ghép cuối cùng trong 
bức tranh Ngân hàng WenLin

Một khi tư duy quản lý tài chính được áp dụng vào cuộc sống, thì mức độ khó khăn của việc phát động giáo dục tài chính trong nhà trường giảm đi rất nhiều. Thời thời gian gần đây, thầy Lại Hạo Vi còn đưa ra chương trình gửi tiền tiết kiệm định kỳ gồm thời hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng, lợi tức khác nhau tùy thuộc vào thời gian tiết kiệm ngắn hạn hay dài hạn. Sau khi chương trình được công bố, một học sinh lớp 4 chạy đến thảo luận với thầy Lại Hạo Vi, nghiên cứu làm sao gửi tiết kiệm để mang lại hiệu quả vận dụng vốn. Đa số mọi người phải chờ đến khi ra xã hội rồi mới bắt đầu học cách quản lý tài chính, thông qua mô hình làm quen dần với tài chính của Ngân hàng WenLin đã gieo hạt mầm khái niệm tài chính vào trí óc các em, tương lai sau này học sinh sẽ có thêm nhiều chiến lược quản lý tài chính.

Tháng 3 năm 2017, thầy Lại Hạo Vi đưa ra kế hoạch hỗ trợ từ thiện, thầy chọn Trường tiểu học HongYe (Hồng Diệp) là trường học chịu thiệt hại bởi cơn bão Nepartak, để cho học sinh trường WenLin thấu hiểu hoàn cảnh các bạn cùng trang lứa với mình vì thiên tai thiệt hại nên không được đến trường. Trong kế hoạch này, thầy cho bán hộp văn phòng phẩm từ thiện trị giá 99 đồng WenLin, học sinh trong trường sẽ tự nguyện mua hàng làm từ thiện. Ban đầu chỉ chuẩn bị 100 hộp, nào ngờ học sinh trong trường ủng hộ nhiệt liệt, cuối cùng bán được hơn 800 hộp. Thầy Lại Hạo Vi cùng hiệu trưởng Chu Ngọc Hoàn tận tay trao tấm lòng từ thiện của các em đến cho các bạn học sinh của 4 trường tiểu học khu vực Xã Diên Bình (YanPing) huyện Bình Đông (PingDong). Có thể mang lại ích lợi cho mình và tự nguyện mang lại lợi ích cho người khác, đối với thầy Lại Hạo Vi mà nói đó là diện mạo hoàn thiện nhất của Ngân hàng WenLin.

Lại Hạo Vi, thầy giáo thực hiện kế hoạch thành lập ngân hàng học đường, nuôi dưỡng lý tưởng và nhiệt huyết đối với giáo dục, đưa việc quản lý tài chính vào cuộc sống học đường của các em học sinh. Thầy đùa và nói rằng, muốn biến Đài Loan giống như Israel, ai ai cũng biết quản lý tài chính, sau này rồi có lúc sẽ thành hiện thực.