Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan là nhà của tôi Tăng Nữ Hương ── Ngọn hải đăng soi đường cho chị em.
2018-05-30

1

Tăng Nữ Hương tự tìm niềm vui và sự tự tin trong việc dạy học và phục vụ mọi người.

Việt Nam là nước có ngàn năm văn hiến và có mối quan hệ không thể tách rời với lịch sử Trung Hoa. Trong đó những tinh túy trí tuệ của Nho giáo không chỉ là tư tưởng chủ đạo của các triều đại trong lịch sử Việt Nam mà còn là nòng cốt của văn hóa, tư tưởng, bất kể là phong tục tập quán hay luân thường đạo lý đều mang đậm tư tưởng Nho giáo. Tăng Nữ Hương lớn lên trong một gia đình gốc Hoa luôn tôn sùng truyền thống Nho giáo . Sau khi trở thành con dâu Đài Loan, hơn 20 năm qua, không chỉ có một gia đình yên vui hạnh phúc mà cô còn chăm lo cho các chị em yếu thế một cách không vụ lợi. Luôn bận rộn nhưng cô không ngừng học hỏi, nỗ lực bồi dưỡng kiến thức cho mình và trở thành tấm gương sáng cho tân di dân.
 

"Tôi nghĩ chắc mình không lấy chồng rồi, không ngờ năm 39 tuổi tôi gả sang Đài Loan.” Tăng Nữ Hương nhớ lại quá trình gặp gỡ quen biết chồng cô, đúng y như câu nói: "Ngàn dặm nhân duyên một mối ràng". Sau khi kết hôn 2 người thường nói đùa: “ Vì sợi tơ hồng của chúng tôi đi dạo nửa vòng trái đất nên mới phải đợi nhau lâu như vậy.” Điểm khởi đầu của sợi chỉ đỏ mà ông Tơ bà Nguyệt se này không phải ở Việt Nam mà là ở Bắc Âu.

 

 

Nhân duyên qua nữa vòng trái đất

Nhà Tăng Nữ Hương có 6 anh chị em, thấy chị thấy em đều lập gia đình nên cô định chắc mình ở vậy suốt đời, chỉ có cha mẹ cô là không bỏ cuộc, cứ giới thiệu nhưng không ai lọt vào mắt xanh của cô. Người em trai sống ở Bắc Âu vô tình nhắc đến Tăng Nữ Hương khi trò chuyện với người bạn đến từ Đài Loan, không ngờ anh này hy vọng có thể về Việt Nam gặp cô.

Ngày đi xem mặt, Tăng Nữ Hương rất ung dung vì cô không mang một tia hy vọng nào cả. Trong lúc trò chuyện, anh này phát hiện Tăng Nữ Hương mê tiểu thuyết của Quỳnh Dao, cô như thuộc lòng từng cuốn tiểu thuyết, từng bộ phim của tác giả Quỳnh Dao. Đề tài này đã kéo hai người lại gần nhau, giống như vai nam, nữ chính trong phim kịch, lãng mạn và như vậy họ quyết định đến với nhau.

   

 

Xây dựng gia đình hạnh phúc 
bằng lòng yêu thương.

 “Sau khi kết hôn, chúng tôi luôn ở chung với mẹ chồng.”. Tuy chồng là con thứ tư trong nhà, nhưng sau khi Tăng Nữ Hương gả đến Đài Loan thì cô liền gánh trách nhiệm làm dâu. “Mình thương người thì người thương lại mình, mẹ chồng tôi cũng thương tôi như con gái bà!” Tăng Nữ Hương nói về cuộc sống gia đình trong niềm hạnh phúc dâng đầy.

Tăng Nữ Hương một lòng muốn sanh cháu trai cho nhà chồng, do vậy mà cô chịu nhiều khổ cực. “Bác sĩ nói tôi là sản phụ  thiệt là quá, quá , quá cao tuổi”, không chịu nghe theo lời khuyên và ngăn cản của bác sĩ cùng nhà chồng, cô lấy sinh mạng ra đánh bạc. Tuy dùng hết tất cả các phương pháp, mỗi lần thử là mỗi lần thất vọng, luôn bị dày dò nhưng cô vẫn ôm lấy 1 tia hy vọng, không bỏ cuộc. 5 năm sau, Tăng Nữ Hương đã toại nguyện sanh được 1 bé gái dễ thương vào năm cô 44 tuổi.

 


Tăng Nữ Hương làm nhân viên tình nguyện tại bệnh viện đã lâu, phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

 “Mẹ chồng chăm sóc tôi trong thời gian ở cữ, hiện nay sức khỏe của tôi còn tốt hơn khi còn trẻ.” Nói đến mẹ chồng, Tăng Nữ Hương mang đầy lòng biết ơn.  Trước khi Tăng Nữ Hương sanh, bà mẹ chồng lúc đó đã hơn 70 tuổi vậy mà bà vẫn chăm chỉ học nấu món ăn Việt Nam cho sản phụ ở cữ. Với lòng yêu thương, bà bồi bổ cho Tăng Nữ Hương bằng những món ăn Đài Loan và Việt Nam. “2 tháng trời, mẹ chồng không cho tôi đụng nước, bà tắm cho cháu nhỏ mỗi ngày, việc nhà cũng 1 tay bà làm hết.” Quan hệ mẹ chồng nàng dâu như vầy thật là giống như tình cảm thân thiết giữa mẹ và con gái.

 “Đường là do con người tạo ra, khi muốn thì tìm cách, không muốn thì viện lý do.” Tăng Nữ Hương kiêm rất nhiều công việc, tuy vô cùng bận rộn nhưng lúc nào cô cũng đặt gia đình lên trên hết. Nhất là khi mẹ chồng bị tai biến vào năm 2012, Tăng Nữ Hương đã xin nghỉ bớt nhiều việc. Mỗi ngày cô đút cơm, tắm rửa, tập vật lý trị liệu, chăm sóc mẹ chồng và coi đó là công việc quan trọng nhất.

 

 

Cho đi là cội nguồn của hạnh phúc.

Là một phụ nữ có đi làm, sau khi đến Đài Loan trở thành người nội trợ, cho đến khi con gái vào trường mẫu giáo, cô mới có duyên đi làm trở lại.

 “Mẹ chồng và chồng vừa nghe tôi nói muốn đến bệnh viện làm việc là phản đối liền.” Lúc đó Cục Y tế cần người phiên dịch, trợ giúp tân di dân, lao động nước ngoài đến từ các nước Đông Nam Á đến bệnh viện khám bệnh. “Tôi nói với mẹ chồng và chồng là tôi chỉ đi phỏng vấn, chưa chắc được tuyển dụng!” Tăng Nữ Hương viết bản sơ yếu lý lịch đầu tiên sau 7 năm đến Đài Loan với tâm trạng lo âu. “ Không ngờ họ kêu tôi đi làm ngay.” Biết đọc , biết nói tiếng Trung lại biết nói tiếng Đài là ưu thế của Tăng Nữ Hương khiến cô nhanh chóng tìm được việc làm.

Tuy sau đó kinh phí bị cắt nhưng cô cảm thấy vẫn còn nhiều chị em cần giúp đỡ, cho nên ở lại làm tình nguyện viên tại bệnh viện Nhân Ái. “ Tôi hy vọng hành động của mình có thể thay đổi cái nhìn kỳ thị đối với người Việt Nam!” Kiên trì phục vụ hơn mười mấy năm qua, tích lũy hơn 5000 tiếng đồng hồ nên cô đã nhận được “Giải thưởng bạc cho nhân viên tình nguyện có thành tích ưu việt” do Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan ban tặng.

 


Sau khi được đào tạo, Tăng Nữ Hương làm phiên dịch cho toà án Đài Loan.

Khác biệt về văn hóa là nguồn gốc của sự hiểu lầm. Tăng Nữ Hương mong muốn mọi người hiểu biết văn hóa Việt Nam, “Đây như một sứ mệnh khiến tôi không hối hận, không oán than.” Niềm vui lớn nhất của cô là nhìn thấy môi trường sinh sống của tân di dân ngày càng được cải thiện trong những năm gần đây.

Vào năm 2006, Tăng Nữ Hương tham gia lớp bồi dưỡng huấn luyện phiên dịch của The Pearl S. Buck Foundation, Taipei, Taiwan và nhận được chứng nhận phiên dịch viên. Sau đó cô bắt đầu nhận làm phiên dịch cho tòa án tối cao Đài Loan, đồng thời cô cũng là nhân viên tư vấn tại Hội quán Tân di dân thành phố Đài Bắc nên tiếp xúc nhiều vụ án xã hội của tân di dân Việt Nam.

 “Có rất nhiều việc ta không nên chỉ xem bề ngoài. Khi chúng ta chỉ trích cô dâu Việt Nam bỏ nhà ra đi, thì ai có thể biết được những đau khổ mà họ phải chịu đựng?” Trong thời đại môi giới phi pháp lộng hành, cô dâu Việt Nam và gia đình chồng họ đều là người bị hại. Sính lễ to lớn của bên chồng có thể đã bị môi giới ăn xén một phần lớn.

Một cô gái trẻ đến Đài Loan đơn độc lẻ loi, không ai nương tựa, nếu như gia đình chồng không yêu thương cô ta thì cô ta không biết làm thế nào để bảo vệ bản thân. Bỏ trốn, là một hạ sách khi họ đã hết cách. Những chị em bị bạo lực gia đình cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng, không dám cho cha mẹ biết vì sợ cha mẹ lo lắng đau khổ do xót con.

 “Do không hiểu biết pháp luật nên họ phải chịu thiệt thòi.”

Tri thức là sức mạnh, Tăng Nữ Hương vừa mới tốt nghiệp khoa luật trường đại học Toko, hy vọng sắp tới sẽ giúp đỡ càng nhiều chị em yếu thế để họ không còn bị bức hại và chịu thiệt thòi.

 

 


Mừng 19 năm thành lập đại học cộng đồng Tân Trang, Tăng Nữ Hương cùng học viên biểu diễn vũ đạo Việt Nam.

Dùng ẩm thực kéo 
mọi người xích lại gần nhau.

“Tôi sinh ra tại Thành Phố Châu Đốc, nơi có những món ăn rất nổi tiếng.” Từ khi đến làm nhân viên tình nguyện tại bệnh viện Nhân Ái, thỉnh thoảng Tăng Nữ Hương lại mang những món ăn quê hương đến cho chị em ăn, ai cũng khen ngon. Không ngờ việc làm này đã mở ra cánh cửa khác cho cô, đó là dạy học.

Năm 2010, cô lấy được chứng chỉ giảng viên văn hóa Đông Nam Á do TransAsia Sister Association, Taiwan cấp, năm 2011, bắt đầu lên lớp tại đại học cộng đồng Vĩnh Hòa. Tăng Nữ Hương là người đi tiên phong trong việc dùng ẩm thực để dẫn dắt dân chúng nhận biết văn hóa Việt Nam, song song với việc dạy tiếng Việt, việc làm này không chỉ giải tỏa nỗi nhớ quê nhà của chị em mà người Đài Loan cũng có thể thưởng thức món ăn Việt Nam. Sau khi được mọi người biết đến, cô lại chuyển sang dạy tại đại học cộng đồng Tân Trang. Ngoài ẩm thực, cô còn mang những điệu múa truyền thống của Việt Nam vào giáo trình của mình.

 

Cô còn là người dẫn chương trình chuyên mục “Ấm tình đất Việt”  đài phát thanh Đài Loan (Taiwan Radio), hy vọng giúp chị em người Việt hòa nhập vào cuộc sống tại Đài Loan. “Tiên học lễ, hậu học văn.” Trong chuyên mục, Tăng Nữ Hương khích lệ chị em tham gia việc dạy dỗ con cái, cho dù không biết tiếng Trung thì cũng có thể làm gương dạy cho con biết lễ nghĩa trong sinh hoạt đời thường.

 

Làm gương để dạy con quan trọng 
hơn cả việc dạy con bằng lời

“Không nên hơn thua với mẹ chồng, cho dù có thắng thì cũng thua.” Nói đến cách giữ cho gia đình êm ấm vui vẻ, Tăng Nữ Hương  đưa ra hàng loạt tư duy Nho giáo như kính trọng hiếu thảo với cha mẹ chồng. “Mấy chị em không nghe lời tôi, họ đều không có kết cuộc tốt.” Hai người phụ nữ sống chung một mái nhà, muốn cùng thắng hay cùng thua? “Càng đối xử tốt với mẹ chồng, chồng sẽ đối sử tốt hơn với mình.” Đôi khi thua bề mặt, nhưng thắng bên trong, đó mới là trí tuệ.

 

Làm gương để dạy con quan trọng hơn cả việc dạy con bằng lời nói. Do Tăng Nữ Hương và chồng luôn chăm lo cho mẹ chồng nên đứa cháu do bà nội một tay chăm sóc tới lớn, mỗi ngày đi học về đều sà vào lòng bà làm nũng khiến bà cười tươi cho dù bà bị mất trí nhớ nhẹ. Năm nay cháu gái đang học lớp 9, được mẹ di truyền cho tính chăm chỉ và hiếu thảo, cháu lại rất có hứng thú đối với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

“Tiếp nhận là biểu hiện của sự yêu thương, chúng ta đều là người một nhà.” Gả sang Đài Loan thì phải trân trọng mối duyên này, “Vì tôi là con dâu của Đài Loan, nơi đây là nhà của tôi.”