Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Mẫu hình công tác Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC): Bảo hiểm Y tế toàn dân của Đài Loan

123

Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) Trần Thời Trung
 

 Dưới mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, toàn thể thành viên cam kết sẽ hoàn thành công tác Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trước năm 2030. Những năm gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không ngừng kêu gọi các nước cải thiện các biện pháp y tế để đạt được mục tiêu cuối cùng này. Đài Loan với dân số 23 triệu người, tuy không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới, nhưng đã thực hiện được bảo hiểm y tế cho toàn dân vào năm 1995.
 

 Việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân của Đài Loan (NHI) đã sắp xếp và sát nhập hệ thống bảo hiểm y tế của 3 nhóm ngành nghề: lao động, công chức và nông dân với độ bao phủ chỉ khoảng 50% lúc đó, mở rộng chế độ bảo hiểm hoàn chỉnh với việc toàn dân tham gia nộp bảo hiểm y tế, toàn bộ người dân kể từ khi sinh ra, không phân chia tuổi tác, giàu nghèo hay công việc, ai cũng có quyền lợi bình đẳng về khám chữa bệnh. Ngoài công dân Đài Loan, người nước ngoài làm việc tại Đài Loan hoặc người có thẻ cư trú hợp pháp đều được hưởng những đảm bảo về bảo hiểm y tế toàn dân, được hưởng các dịch vụ y tế như công dân Đài Loan.
 

 Việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế toàn dân tại Đài Loan áp dụng mô hình chính phủ quản lý trên cơ sở mỗi người đều đóng bảo hiểm. Sau khi thực thi bảo hiểm y tế toàn dân, tuổi thọ trung bình của người dân Đài Loan đã được tăng lên. Năm 2016, tuổi thọ bình quân của nữ giới là 83,4 tuổi, nam giới là 76,8 tuổi, tương đương với tuổi thọ bình quân tại các nước chủ chốt trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhưng chi phí y tế của Đài Loan lại thấp hơn đại đa số các quốc gia tiên tiến Âu Mỹ. Lấy ví dụ về khoản chi cho bảo hiểm y tế mang tính thường xuyên theo bình quân đầu người, mỗi người Đài Loan chi hết 1.430 Đô la Mỹ mỗi năm (số liệu năm 2016). Tuy khoản chi cho bảo hiểm y tế Đài Loan chỉ chiếm 6,3% GDP (số liệu năm 2016) nhưng mức độ hài lòng của người dân khi tiến hành khảo sát năm 2017 lại lên đến 85,8%, chi phí cho hành chính chỉ vào khoảng 1% trong tổng chi bảo hiểm y tế.
 

 Nhìn lại hơn 20 năm qua, cùng với việc thay đổi môi trường kinh tế và xã hội bên ngoài, chế độ bảo hiểm y tế toàn dân cũng đã từng tiến hành sửa đổi vài lần để có thể duy trì bền vững. Chế độ chi từ phương thức tính chi phí theo từng mục đã sửa thành chế độ chi theo tổng hạn mức. Bắt đầu từ năm 2003, chi phí khám chữa bệnh hàng năm đã giảm một cách có hiệu quả, từ 12% xuống dưới 5%. Chế độ thu phí bảo hiểm y tế Đài Loan từ phương thức tính phí bảo hiểm theo tiền lương nay đã sửa lại thành các khoản thu nhập khác ngoài lương cũng đều phải nộp phí bảo hiểm bổ sung, giúp cho tài chính của bảo hiểm y tế toàn dân không phải chịu cảnh thu không đủ bù chi.
 

 Hệ thống quản lý thông tin của Đài Loan cũng đã được đưa lên đám mây (iCloud), chuyển cho các bệnh viện, phòng khám và người dân những thông tin khám chữa bệnh ở mức độ phù hợp, đồng thời khuyến khích các bệnh viện đăng tải hình ảnh kiểm tra và các báo cáo về chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) để thuận lợi cho việc tìm đọc và khám chữa bệnh sau này. Ngoài ra, dịch vụ đám mây cá nhân hóa mang tên “Tài khoản sức khỏe” (My Health Bank) cũng cung cấp cho người dân hồ sơ khám chữa bệnh gần đây của cá nhân để họ có thể truy cập bất cứ lúc nào. Hơn thế, để thu hẹp khoảng cách về y tế giữa các nhóm người yếu thế với toàn thể người dân, Chính phủ đã trợ cấp phí bảo hiểm cho các hộ có thu nhập thấp, các hộ cận nghèo và người thất nghiệp, đồng thời thúc đẩy chương trình cải thiện y tế nhằm vào các khu vực còn thiếu nguồn tài nguyên y tế, bảo hiểm y tế toàn dân kết hợp các dịch vụ y tế (IDS), v.v…, tăng cường công suất và chất lượng xử lý y tế, đồng thời nâng cao mức trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người dân tộc...
 

 Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta rất khó có thể đơn độc chống lại mọi thách thức y tế, chỉ có sự hợp tác liên bộ ngành và xuyên quốc gia, vận dụng phù hợp mọi nguồn tài nguyên có hạn mà ta có được mới có thể xây dựng được hệ thống y tế toàn cầu mà trong đó mỗi công dân của thế giới đều được hưởng sự chăm sóc sức khỏe, thực hiện mục tiêu cuối cùng “Sức khỏe cho mọi người” (health for all) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 

 Đài Loan có kinh nghiệm vô cùng phong phú trong các việc: xây dựng bảo hiểm y tế toàn dân từ không đến có, quản lý dịch vụ y tế, điều chỉnh tài chính cho bảo hiểm và làm thế nào để ứng phó khi gặp phải chuyển biến kinh tế, xã hội, môi trường. Quan trọng hơn, chúng ta tin tưởng rằng hệ thống y tế của Đài Loan có thể là tấm gương cho các nước khác, trên phương diện thành lập mạng lưới y tế vững mạnh trên toàn cầu, Đài Loan có thể phát huy tác dụng mang tính xây dựng, mà phương thức tốt nhất để chia sẻ kinh nghiệm của chúng ta với các nước khác chính là thông qua việc tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
 

 Điều đáng tiếc là, do những quấy rối chính trị, kỳ họp lần thứ 70 Đại Hội đồng Y tế Thế giới tổ chức năm 2017 đã không mời Đài Loan tham dự với tư cách quan sát viên. Tổ chức Y tế Thế giới không chỉ không tuân thủ Hiến chương của tổ chức này mà còn bỏ qua yêu cầu phổ biến của rất nhiều quốc gia và đội ngũ y tế quốc tế trên thế giới đã nói lên tiếng nói mang tính bao dung trước sự thể hiện của Đài Loan. Cho dù như vậy, Đài Loan vẫn nỗ lực hỗ trợ tăng cường mạng lưới phòng chống dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, đồng thời hỗ trợ các nước khác khắc phục những thách thức y tế.
 

 Trong bối cảnh này, Đài Loan bằng chuyên môn và thực tế, sẽ tranh thủ cơ hội tham dự kỳ họp thứ 71 Đại Hội đồng Y tế Thế giới được tổ chức trong năm nay, cùng toàn thế giới thực hiện viễn cảnh của WHO: không có lỗ hổng trong phòng dịch, đồng thời thực hiện mục tiêu thứ 3 trong “Mục tiêu phát triển bền vững” (SDG 3) của Liên Hợp Quốc - Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi vào trước năm 2030.
 

 Vì vậy, Đài Loan kêu gọi WHO và các bên có liên quan khẳng định những đóng góp lâu dài của Đài Loan trên phương diện chăm sóc sức khỏe loài người trên toàn thế giới, thừa nhận tầm quan trọng và tính hợp pháp của Đài Loan khi tham dự Đại Hội đồng Y tế Thế giới năm nay với tư cách quan sát viên, đồng thời tạo nên cục diện các bên cùng thắng lợi.