Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
U-mkt - Sự tái sinh của chợ truyền thống Trở lại những tháng ngày xưa cũ
2018-06-11

U-mkt - Sự tái sinh của chợ truyền thống Trở lại những tháng ngày xưa cũ

 

Từ trên không nhìn xuống phía đông nam chùa Long Sơn, chúng ta sẽ phát hiện có một tòa nhà hình móng ngựa, đó là chợ U-mkt (Xinfu). Nơi này được xây dựng vào năm 1935, là một ngôi chợ truyền thống đã bầu bạn với cư dân địa phương hơn 80 năm qua, thời gian dần trôi, sau khi bắt đầu xuất hiện chợ phiên, nơi này dần dần bị rơi vào quên lãng. Hiện nay, sau 3 năm được Quỹ nghệ thuật văn hóa kiến trúc Trung Thái (Jut Foundation for Arts and Architecture) sửa chữa, nơi này đã được hoạt động trở lại với tên gọi “Chợ U-mkt”, khiến cho người ta có thể trở lại những tháng ngày xưa cũ. 
   


Trong chợ U-mkt vẫn còn giữ lại 2 gian hàng cũ, để các thế hệ sau tưởng tượng cảnh rao bán của người bán thịt hồi đó.

Vào một buổi sáng tháng 5, thời tiết nắng đẹp, một bà cụ trên 60 tuổi, sau khi làm xong việc, bà cầm chiếc ghế nhỏ ra ngồi trước cửa nghỉ ngơi, chưa cởi ủng và găng tay, bởi vì chút nữa bà còn phải đi giao nước đá cho quán hải sản.

Một cụ già tay cầm giỏ đi chợ đi ngang, dừng chân lại trò chuyện với bà cụ, một bác ở đối diện đến chào bà cụ và mượn ống nước nhựa, hai, ba người trẻ tuổi đang quét thẻ chấm công cũng cất lời chào bà cụ.

Đây là một góc của “Ngôi chợ U-mkt” lâu đời sau khi được cải tạo lại, bà cụ ấy- cụ Ái Kiều, chính là “bảng hiệu sống” của ngôi chợ này.

Cửa hàng sản xuất nước đá là gian hàng duy nhất còn hoạt động của chợ U-mkt, nhà kinh doanh của thế hệ thứ nhất là người Nhật, tên là Tokichi Toda, sau khi Đài Loan quang phục (Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Đài Loan thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản), gian hàng do bố mẹ chồng bà cụ Ái Kiều kinh doanh, ngày nay chỉ có mình bà quản lý, cung ứng nước đá để giữ đồ tươi cho các tiểu thương gần chợ, cho đến nay đã hơn mấy chục năm rồi. Ngay cả ê-kíp làm phim “Monga” của Đài Loan, trong thời gian quay phim cũng từng mua nước đá của bà cụ Ái Kiều để làm lạnh nước uống cho các thành viên trong ê-kíp làm phim .

Hôm ấy bà cụ Ái Kiều đặc biệt mặc chiếc áo sơ mi hoa màu sắc sặc sỡ, bà cười và nói : “Con phải quay bà cho đẹp nhé”. Lúc còn trẻ, bà thường phải cúi người xuống cưa đá với xô nước đá khoảng 5-60 ký, cưa đến chai tay. Sau đó vì tuổi đã cao, bà phải dựa vào máy tự động để nâng xô đá nặng lên mới có thể tiếp tục làm việc. Bà vừa làm vừa giải thích, hồi máy lạnh và tủ lạnh chưa được phổ biến, để làm mát, khách hàng đã đến cửa hàng làm nước đá của bà đặt đá cây thật lớn giao đến tận nhà, rồi để dưới ghế hoặc dưới gầm giường làm mát.

 

Cách đây hơn 30 năm, trong thời kỳ hoàng kim, cửa hàng làm nước đá một ngày có thu nhập khoảng 2-3000 Đài tệ, chỉ giao hàng đến các trường học tiểu học thôi còn không làm kịp, nhưng chợ U-mkt sa sút dần, việc buôn bán tệ đi, thế hệ trẻ không muốn làm việc vất vả như vậy. “Bây giờ coi như là tập thể dục, làm cho khỏe người chứ không phải kiếm tiền”. Cùng với tiếng máy chạy inh tai, hàng ngày bà cụ Ái Kiều vẫn làm nước đá, chặt nước đá và đi giao nước đá, trở thành một hình ảnh đẹp của chợ U-mkt.

Hồi sinh chợ cũ, tái hiện khoảnh khắc đời thường

Chợ U-mkt trước đó gọi là chợ Shintomicho Food and Sundries Market, nằm ở khu Wan Hua (Vạn Hoa), khai trương vào năm 1935, là ngôi chợ công cộng có mái che được chính quyền thành phố Đài Bắc xây dựng trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, sau khi Đài Loan quang phục, có rất nhiều quân nhân và dân thường theo chính phủ Trung Hoa Dân Quốc di chuyển đến Đài Loan, rất nhiều người buôn bán đã định cư tại đây, chợ U-mkt ngày một phát triển, không những các ngôi nhà nhỏ chật hẹp ở xung quanh chợ và các ngôi nhà gác lửng kiểu Đài Loan đều mọc san sát, mà số lượng gian hàng cũng vượt quá giới hạn của kế hoạch ban đầu là 35 gian hàng, cho nên phải mở thêm ở khu vực đất trống bên cạnh chợ.

Vào thập niên1950, ở đây rất nhộn nhịp, chợ đã từng là trọng tâm sinh hoạt của cư dân Wan Hua, tuy nhiên vào cuối năm 1970, chợ mới Huan Nan (Hoàn Nam) được khai trương, thêm vào đó bị ảnh hưởng bởi sự hợp pháp hóa của các tiểu thương xung quanh nên chợ U-mkt dần dần mất đi nguồn khách. Thập niên 1990, chợ truyền thống sa sút, người tiêu dùng ít đi, cuối cùng đã không tránh khỏi số phận bị suy thoái.

So với phố Dong San Shui ồn ào nhộn nhịp ở gần đó, chợ U-mkt càng vắng vẻ hơn. Tòa kiến trúc được xây dựng trong thời Nhật Bản cai trị Đài Loan này đã trở thành nhà kho đựng đồ của các tiểu thương và là nơi đỗ xe máy, lặng lẽ đứng trong dòng đời trôi chảy, mãi cho đến năm 2006, vì giá trị tài sản văn hóa nên đã được chính phủ thành phố Đài Bắc chính thức công bố là “Di tích lịch sử” và mới được hồi sinh.

 


Chợ U-mkt được hoàn thành vào đầu năm 1935, tòa nhà hình móng ngựa tương đối hiếm thấy đối với các chợ công cộng trên toàn Đài Loan

Sau khi được Ban quản lý chợ thành phố Đài Bắc làm mới không gian, năm 2013, Quỹ nghệ thuật văn hóa kiến trúc Trung Thái giành được quyền kinh doanh chợ U-mkt 9 năm, phụ trách thúc đẩy làm sống dậy và tái sử dụng, khi bắt đầu bàn giao, đội ngũ quản lý phát hiện, thông tin về ngôi chợ này rất ít, cho nên các thành viên đã đi đến các ngõ hẻm thăm viếng cư dân địa phương và những người buôn bán ở chợ, hỏi những người làm công tác văn hóa lịch sử, dần dần ghép lại được một bức tranh hoàn chỉnh về quang cảnh hồi xưa của ngôi chợ này.

Sự xuất hiện của Quỹ nghệ thuật văn hóa kiến trúc Trung Thái đã gây sự tò mò của các tiểu thương địa phương, họ đặt ra những câu hỏi : Sau này chợ U-mkt dự định bày bán các loại mặt hàng nào? Có được đăng ký tham gia gian hàng hay không? v.v...., thành viên của nhóm làm việc chỉ được giải thích rằng, đến lúc ấy, nơi này không đi theo hướng siêu thị bán lẻ mà là sẽ tổ chức các hoạt động mang đậm nét đặc sắc của chợ truyền thống, dùng cách thức của thế hệ mới để làm bạn với hàng xóm láng giềng, để cho mọi người có thể hồi tưởng lại những ký ức về chợ xưa.

Tháng 3-2017, chợ khai trương trở lại với tên gọi “Chợ U-mkt”, loại bỏ chức năng của chợ truyền thống, hóa thân thành nơi sáng tạo phức hợp, xuất phát từ chủ đề giáo dục ẩm thực, xây dựng cộng đồng, quan sát đời sống chợ truyền thống, tổ chức một loạt hoạt động bao gồm triển lãm, tọa đàm, hội thảo v.v..., đưa sức sống và năng lượng thiết kế của thế hệ mới vào chợ truyền thống, thể hiện khoảnh khắc đời thường và lịch sử văn hóa của U-mkt.

 

Đằng sau thiết kế kiến trúc đi trước thời đại là trí tuệ

Hồi đó, tòa nhà hình móng ngựa này là rất hiếm thấy trong các ngôi chợ truyền thống công cộng trên toàn Đài Loan, cấu trúc chính được làm bằng gạch, tường bên ngoài được lát thành vòng bằng đá ốp, phong cách kiến trúc đơn giản và mang tính chức năng, không gian nội thất cao, cửa sổ mở ngang rất nhiều, mặt phẳng hình móng tạo nên lối đi rộng rãi, thoải mái, thiết kế patio độc đáo, đáp ứng nhu cầu về ánh sáng tự nhiên và thông gió trong chợ truyền thống.

Nếu từ phố San Shui (Tam Thủy) đi về phía bắc chợ, người tinh mắt sẽ phát hiện ở trên bức tường của cổng ra vào có trang trí hoa văn vân xoắn và biểu tượng của thành phố Đài Bắc thế hệ đầu tiên, ở lối vào, ngẩng đầu lên sẽ thấy tấm sàn bê tông cốt thép dạng tỏa tròn ở hướng bắc trần nhà, một cánh cửa gỗ từng bị cháy đen để một bên, và khu ăn uống màu trắng sáng sủa, rất tương ứng với nhau.

Là một ngôi chợ hiện đại hóa đầu tiên phù hợp với chính sách y tế mới trong thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, hệ thống thoát nước của chợ U-kmt được thiết kế rất đặc biệt: Bốn phía trần nhà đều nghiêng về giếng trời trung tâm, nước ở trên mái nhà sẽ chảy vào rãnh thoát nước chữ U nằm giữa hình móng ngựa, qua các ống nước bằng đồng thoát nước đến giữa mặt đất, sau đó mới thoát nước ra ngoài, cách làm đưa nước vào nhà này cũng phù hợp với khái niệm “Tụ thủy sinh tài” của người Đài Loan.

 


Chợ U-mkt có trên 80 năm lịch sử, sau khi cải tạo đã hóa thân thành cơ sở sáng tạo phức hợp.

“Chúng ta đối mặt với vấn đề rất lớn, đó là nỗi nhớ quê nhà không ngừng nhân lên, nhưng trí nhớ lại không ngừng giảm đi, giữa nỗi nhớ tha hương và sự mất trí nhớ, làm thế nào để tìm ra khả năng kết hợp môi trường cơ sở với xã hội trong không gian lịch sử này?”.

Lin Youhan (Lâm Hữu Hàn) là kiến trúc sư của công trình tái sử dụng không gian nội thất , để không làm tổn hại đến di tích, các vật liệu và kỹ thuật được sử dụng đều tuân theo nguyên tắc “tính khả nghịch”: Sử dụng khung gỗ nhẹ tháo ra được, bất kể là lót trên mặt đất hay ngăn buồng, đều phải giữ khoảng cách nhất định với mặt đất hoặc tường. Tuy kết cấu tòa nhà đã có đủ độ dày, nhưng trong không gian nội thất có chiều cao rất cao, kiến trúc sư đã ghép gỗ thông ấm và ẩm, tấm ngăn xuyên thấu và kính thủy tinh, tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, đồng thời còn tạo ra một sự ngăn cách rõ ràng giữa không hoạt động biểu diễn, văn phòng làm việc, khu ăn uống và khu tham quan.

Ngày trước, tiểu thương bán thịt ở chợ U-mkt là nhiều nhất, vì cần phải treo các loại thịt, cho nên đa phần các gian hàng đều gắn thêm khung gỗ ở bệ xi măng, may mắn thay, hiện nay trong chợ U-mkt vẫn còn giữ lại hai gian hàng xưa cũ từ thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan, ngày nay được trang trí bằng các sản phẩm sáng tạo văn hóa, để các thế hệ sau tưởng tượng cảnh rao mời của những người bán thịt hồi bấy giờ. Nếu dạo hết một vòng ở trong khu nhà này, đừng quên ở bên ngoài, phía Đông Bắc còn có một tòa kiến trúc kiểu Nhật xây bằng gỗ được bảo tồn cẩn thận, đây vốn là văn phòng kiêm ký túc xá của nhân viên quản lý, cũng là dấu ấn lịch sử của chợ truyền thống.

 


Lúc 25 tuổi, bà cụ Ái Kiều kế thừa nghề làm nước đá, cung ứng nước đá để giữ đồ tươi cho các tiểu thương gần chợ, cho đến nay đã được mấy chục năm rồi.

Giao lưu, tương tác giữa người với người

Bước vào chợ truyền thống sẽ có cảm giác như đang tham quan viện bảo tàng cuộc sống. Chợ U-mkt từng bị che lấp giữa các tòa nhà gác lửng kiểu Đài Loan, ngày nay mang sức sống mới, coi xung quanh ngôi chợ là kho dữ liệu của “Láng giềng tốt”, đưa vào yếu tố giáo dục ẩm thực, thành thị, kiến trúc và môi trường, thông qua việc tái xây dựng cấu trúc không gian, dùng các chức năng sử dụng khác nhau, theo từng giai đoạn, dần dần đáp ứng nhu cầu của xã hội địa phương.

“Chúng ta trông mong nó có thể trở thành ngôi chợ kiểu mới, bao gồm trao đổi các thông tin khác nhau và sự tương tác giữa người với người. Sự liên kết này không chỉ là phạm vi ở xung quanh chợ, mà hy vọng bao trùm cả khu vực Wan Hua, nhằm kết hợp giá trị tạo ra sau khi đổi mới và nét đặc sắc vốn có của chợ truyền thống”. Giám đốc điều hành Quỹ nghệ thuật văn hóa kiến trúc Trung Thái Li Yanliang (Lý Ngạn Lương) nói.

Đất đai của ngày hôm qua tạo ra năng lượng của ngày mai, trong tương lai, chợ U-mkt có thể là nơi đọc lại lịch sử, thưởng thức cuộc sống, cũng là nơi để cùng nhau học tập, để người sử dụng cũ và mới, trong mô thức hoạt động của thời đại khác nhau, cùng tham dự nền tảng hồi sinh cho ngôi chợ truyền thống này, liên kết càng nhiều tính khả thi và sự cởi mở.

Vì thế, không chỉ bà dẫn cháu đến tham quan, từ từ tìm hiểu chức năng của chợ truyền thống sau khi được hồi sinh, mà các nhóm bạn trẻ cũng có thể rủ nhau đến thăm chợ, qua đó tìm hiểu lịch sử phát triển của khu vực và tòa nhà đã được xây dựng trên 80 năm này.

Đây là một chuyến du lịch về chợ truyền thống, hương vị, ký ức và sự sẻ chia, nếu có thời gian rảnh , hãy cùng nhau đi dạo chợ truyền thống, cảm nhận giá trị cốt lõi trong sự giao lưu giữa người với người ở chợ truyền thống.