Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong Phiên bản Jazz Đài Loan
2018-08-06

Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong Phiên bản Jazz Đài Loan

 

Hồi tưởng lại không khí hội trường buổi lễ trao giải thưởng thiết kế Red Dot tại Đức vào năm 2016, MV đoạt giải mang tên "What are you singing?" vừa kết thúc, tràng pháo tay của khán giả đã lập tức vang lên rầm rộ. Lúc chuẩn bị lên sân khấu nhận giải, trưởng đoàn "Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong", anh Trữ Kiến Trí (Chu Chien-chih) cũng thấy hơi kỳ lạ: "Khán giả dưới khán đài đều là người nước ngoài, mà trong MV thì toàn dùng tiếng Mân Nam, họ hiểu được ư?", khẳng định là đại đa số đều không hiểu, nhưng tác phẩm này được kết hợp bởi nghệ thuật hát nói truyền thống Đài Loan với yếu tố sáng tạo hiện đại mới, chính vì thế đã nhận được sự khẳng định bằng giải thưởng thiết kế quốc tế danh giá nhất "Giải Thiết kế truyền thông Red Dot", giải thưởng này một lần nữa làm rạng danh văn hóa Đài Loan trên trường quốc tế.

 

Nghệ nhân Dương Tú Khanh đã qua tuổi bát tuần với cả cuộc đời cố gắng nhằm lưu truyền văn hóa hát nói.Nghệ nhân Dương Tú Khanh đã qua tuổi bát tuần với cả cuộc đời cố gắng nhằm lưu truyền văn hóa hát nói.

"Hát nói" là một bộ môn biểu diễn nghệ thuật đã có hơn 300 năm lịch sử tại Đài Loan, ngày xưa hình ảnh nghệ sĩ hát nói thường xuất hiện dưới bóng cây trước cổng chùa, họ chỉ cần bắc một chiếc ghế đẩu, trong tay một cây đàn, khi tiếng đàn í a í a vang lên cũng là lúc một màn kịch hay sắp bắt đầu, giữ chân người đi đường dừng lại để thưởng thức.

"Hát nói" là một môn nghệ thuật vừa hát vừa thuật lại một câu chuyện bằng giai điệu truyền thống, ngày xưa thường chỉ có một người độc tấu hát nói, còn ngày nay thì một nhóm gồm hai người, một người kéo đàn Đại nghiễm huyền (nhạc cụ có dây phát ra âm thanh trầm thấp), một người kéo Nguyệt cầm. Nội dung hát nói đa phần là những câu chuyện chuẩn mực đạo đức như trung, hiếu, tiết, nghĩa, trình diễn bằng tiếng Mân Nam, với hình thức thể thơ thất ngôn tứ tuyệt tức mỗi bài có 4 câu và mỗi câu 7 chữ, trong đó có những giai điệu thường được sử dụng là điệu Thất Tự (Qi Zi), điệu Giang Hồ (Jiang Hu) và điệu Đô Mã (Du Ma) (đây là tên của giai điệu, ngày xưa âm nhạc đa phần theo bản nhạc cố định, phương thức sáng tác lời nhạc dựa trên điệu khúc cũ). Khi chưa có truyền hình, xem hát nói là cách giải trí quan trọng trong cuộc sống của người dân đô thị và nông thôn.

“Bài nhạc ca tử” được truyền lại cho đến ngày nay, có vần có điệu, đa phần nói về những câu chuyện chuẩn mực đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa."Bài nhạc ca tử" được truyền lại cho đến ngày nay, có vần có điệu, đa phần nói về những câu chuyện chuẩn mực đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa.

Nhưng sau nhiều năm, hát nói không thể cạnh tranh với ngành giải trí truyền hình và nguy cơ lỗ hổng ngôn ngữ, thêm vào đó là sự sụt giảm số nghệ nhân hát nói khiến cho môn biểu diễn nghệ thuật này đối mặt với nguy cơ bị thất truyền.

Quốc bảo Đài Loan- Nghệ nhân hát nói Dương Tú Khanh (Yang Xiuqing)

Cụ bà Dương Tú Khanh (Yang Xiuqing) năm nay đã 83 tuổi, là nghệ nhân hát nói vô cùng hoạt bát, cụ khiếm thị từ nhỏ, 13 tuổi bắt đầu đi hát dạo, là người khai sáng hình thức "Đọc ca tử hý". Năm 2009, cụ Dương Tú Khanh được Ủy ban Kiến thiết Văn Hóa (nay là Bộ Văn hóa) phong tặng danh hiệu "Người bảo tồn nghệ thuật hát nói (Đọc ca tử hý) truyền thống quan trọng". Thực ra từ những năm 1980, cụ Dương Tú Khanh đã cố gắng hết sức nhằm bảo tồn và lưu truyền văn hóa hát nói, cống hiến những tinh hoa mà cụ đã chắt lọc cả cuộc đời mình truyền lại cho đời sau. Anh Trữ Kiến Trí và chị Lâm Điềm An (Lin Tien-an) trong Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong chính là học trò thế hệ sau này của cụ, đối với nhóm học sinh trong thời đại giao thoa giữa cái cũ và cái mới này mà nói, trách nhiệm của họ không chỉ là kế thừa mà còn muốn thử sức mang ý tưởng sáng tạo vào môn nghệ thuật truyền thống để mở ra một hướng đi mới.

Anh Trữ Kiến Trí, người kéo đàn Đại nghiễm huyền, thoạt nhìn tưởng anh là người có tuổi, khi hỏi ra mới biết vừa bước sang tuổi 40. Còn chị Lâm Điềm An là cô gái trẻ sinh ra vào những năm 80. Hai người chỉ mới trở thành học trò của nghệ nhân Dương Tú Khanh 6 đến 7 năm, tuy họ vào nghề hơi trễ nhưng cả hai đều đã học nhạc từ rất lâu năm. Anh Trữ Kiến Trí xuất thân từ môn nghệ thuật truyền thống Hý khúc, chị Lâm Điềm An theo học khoa âm nhạc Trung Hoa. Anh Trữ Kiến Trí nhiều năm đánh nhạc hậu trường cho đoàn kịch Ca tử hý, mỗi lần rảnh rỗi anh rất thích nghịch đàn Hồ cầm hay đàn Đại nghiễm huyền của người khác, thấy vậy thầy mới nói, bằng không thì kết hợp với Lâm Điềm An, một người học Đại nghiễm huyền, một người học Nguyệt cầm, rồi cả hai hợp thành một đội đi học hát nói.

Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong Phiên bản Jazz Đài Loan

Trữ Kiến Trí và Lâm Điềm An thực ra chưa bao giờ nghe qua hát nói, tối hôm đó bèn đi đến Cửa hàng băng đĩa Đệ Nhất trên đường Diên Bình Bắc (Yan Ping Bei) ở Đài Bắc mua 1 băng đĩa hát nói của Dương Tú Khanh thời xưa, anh kể lại cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nghe hát nói: "Thời đó tôi chưa từng nghe qua tiếng tăm của cô giáo Dương Tú Khanh, không ngờ vừa nghe là đã thấy lợi hại, mà lại còn rất sống động nữa".

Thế là hai người vừa nghe vừa học theo, rồi mới gặp được sư phụ Dương Tú Khanh và chính thức nhập môn trở thành đệ tử của Dương Tú Khanh hai năm sau đó.

Sự hợp tác xuyên lĩnh vực tạo nên giai điệu đậm chất Đài Loan

Từ khi trở thành học trò của nghệ nhân Dương Tú Khanh, trách nhiệm mà Trữ Kiến Trí và Lâm Điềm An gánh vác không chỉ dừng lại ở trọng trách kế thừa nghệ thuật hát nói của sư phụ, mà họ còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng hơn là quảng bá môn nghệ thuật này. Những năm đầu, mỗi lần xin được kinh phí của Bộ Văn hóa, họ thường tìm đến các ngôi chùa lớn tại các huyện thị để biểu diễn hát nói. Một chiếc xe van (xe tải nhỏ có khoang sau), dựng rạp sân khấu đơn giản, cả hai ngồi trên sân khấu đánh trống khua chiêng mở màn biểu diễn. Có lần đang diễn, thì khán giả bỏ đi hết chỉ còn lại mỗi một cụ ông, nhưng họ vẫn tiếp tục diễn cho đến khi kết thúc. Anh Trữ Kiến Trí vừa cười vừa mếu thuật lại cảnh tượng lúc đó: "Cụ ơi, cụ đừng đi nhé! Dưới khán đài chỉ còn mỗi có một mình cụ, nếu mà cả hai tụi con cùng ra đấu tay đôi với cụ, mà con lại trẻ, cho nên cụ không địch lại được tụi con đâu, nếu cụ muốn đi nhà vệ sinh thì cũng phải xin phép tụi con trước."

Nghệ nhân Dương Tú Khanh tay gảy đàn, cất tiếng hát mở màn “Để tôi hát cho bạn nghe một câu chuyện.......”.Nghệ nhân Dương Tú Khanh tay gảy đàn, cất tiếng hát mở màn "Để tôi hát cho bạn nghe một câu chuyện.......".

Để càng nhiều người tiếp xúc với nghệ thuật hát nói, Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong bắt đầu mở rộng hợp tác với nhiều ban nhạc khác nhau, hy vọng nhân cơ hội giao lưu quảng bá môn nghệ thuật này, đào tạo thêm nhiều người yêu thích, tiếp nối mạch sống cho bộ môn hát nói.

Năm 2014, ban nhạc MI của Đức tìm đến Trữ Kiến Trí, đây là một ban nhạc kết hợp bởi nhiều nhà âm nhạc Jazz của Đức, Mỹ, Ý, Slovakia và Đài Loan, dàn nhạc chuyên nghiệp bao gồm sáo tre, Saxophone, Guitar, Bass, đàn sắt Metallophone, trống Jazz drum kit, ban nhạc muốn dựa trên nền nhạc Jazz để thể hiện khái niệm âm nhạc Đài Loan. Trữ Kiến Trí đã giao lưu cùng ban nhạc trong suốt một mùa hè, chia sẻ tinh thần âm nhạc trong nghệ thuật hát nói, và sau đó trên sân khấu khu Đại Đạo Trình (Da Dao Cheng) cùng biểu diễn bài hát phật giáo "Khuyến thế ca" được cải biên trên dòng nhạc Jazz, mang lại sự trải nghiệm đầy bất ngờ mới mẻ.

Sau một loạt các chương trình hợp tác biểu diễn xuyên lĩnh vực, năm 2017 Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong và nghệ nhân Dương Tú Khanh được mời biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc độc lập Megaport Festival khu vực miền Nam Đài Loan, không ngờ nghệ thuật truyền thống cộng hưởng với nhạc rock khiến cho cả khán đài dường như muốn nổ tung vì phấn khích. Sau buổi diễn, Trữ Kiến Trí nhận được khá nhiều hồi âm và lời mời hợp tác, anh nói: "Thời đại trẻ đa phần tiếp xúc với văn hóa âm nhạc ngoại lai, họ có cùng nguyện vọng truyền tải nét đặc sắc của Đài Loan, nhưng không biết phải làm thế nào", và “chất” chính thống của Đài Loan lại nằm gọn trong văn hóa hát nói, chính xác là những gì mà họ đang muốn tìm kiếm.

Phong cách Jazz Đài Loan tùy hứng

Ngoài “chất” Đài Loan chính thống, một sự hấp dẫn khác đó là yếu tố "tùy hứng" có trong hát nói.

Nội dung hát nói ngoài việc lấy "bài nhạc ca tử" làm gốc, phải thêm vào đó những câu chuyện có thật hoặc những đề tài xã hội tạo sự hứng thú cho người nghe. Đồng thời câu văn vần có thể chọn giai điệu khác nhau, tùy theo phản ứng của khán giả tại nơi biểu diễn, có thể dùng phách chậm hoặc phách nhanh làm đệm, nghệ nhân hát nói giỏi thường tùy hứng xuất khẩu thành thơ, tùy hứng sáng tác ngay trên sân khấu. Anh Trữ Kiến Trí nói: "Hát nói chính là phong cách Jazz của Đài Loan."

Nội công tiềm ẩn này thực ra được nung nấu từ vô số lần kinh nghiệm biểu diễn thực tế trên sân khấu. Ngày xưa nghệ nhân hát nói thường lấy nội dung câu chuyện để giữ chân người qua đường, sau đó phát triển thành kiểu hát để bán hàng, trong đó thường thấy nhất là nghề bán thuốc dạo. Trữ Kiến Trí nói: "Người biểu diễn hát nói ngày xưa phải giống như thầy thuốc Đông Y hỏi gì cũng biết, phải biết nhìn sắc mặt của người ta, khi câu chuyện kể xong một đoạn thì phải thử tương tác với họ, chẳng hạn: anh dạo này ngủ không ngon phải không, như vậy sẽ cao huyết áp đó, tôi giới thiệu anh cái này...... ", dùng cách này để đạt được mục đích quảng cáo bán sản phẩm.

Thuở ban đầu Nghệ nhân Dương Tú Khanh cũng dùng cách truyền thống này để hát nói, sau này bà sáng tạo ra cách đọc thoại đan xen với nền nhạc, thế là biến tấu thành kiểu đọc ca tử hý "lúc nói lúc hát", giúp tiết tấu chặt chẽ hơn, do được giải thích bằng lời thoại, nên người dân càng hiểu hơn hàm ý trong câu chuyện. Lâm Điềm An nói: "Vì mắt của cô Dương Tú Khanh không nhìn thấy, khi cô hát nói để bán thuốc, sợ khách người ta bỏ đi, nên cô dùng lời thoại kết hợp hát, để kết cấu câu chuyện liên kết chặt chẽ, làm cho khách không nỡ bỏ đi."

Nghệ nhân Dương Tú Khanh và Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong” thường đi lưu diễn nước ngoài, tương tác thân thiện với khán giả (Hình ảnh do Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong cung cấp)Nghệ nhân Dương Tú Khanh và Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong" thường đi lưu diễn nước ngoài, tương tác thân thiện với khán giả (Hình ảnh do Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong cung cấp)

Hình thức nghệ thuật hát nói này đã thu hút sự tò mò của thế hệ trẻ. Nhóm bạn sinh viên Khoa thiết kế truyền thông thị giác trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Vân Lâm (Yun Lin) bao gồm bạn Hoàng Vũ Khiêm (Huang Yu Qian), Trương Phương Tùng (Zhang Fang Rong), Vương Bách Nhân (Wang Bo Ren) muốn lấy đề tài ".......của Đài Loan" làm chủ đề tác phẩm tốt nghiệp, và các bạn sinh viên đã tìm đến anh Trữ Kiến Trí, sau hơn nửa năm gặp gỡ làm quen, hai bên đã quyết định cùng hợp tác.

Đoàn hát nói Taiwan Smile Folksong vốn đã có suy nghĩ phát hành album và thực hiện MV, sau khi nhóm sinh viên Đại học Vân Lâm gia nhập lại càng làm cho thiết kế thị giác của MV "What are you singing?" thêm phong phú. Lấy cốt truyện "Na Tra đại náo Đông Hải" làm mạch truyện chính, sau đó dung hòa nhiều đề tài các mẫu chuyện có thật, ví dụ liên kết với chợ đêm Đông Hải ở Đài Trung để thể hiện câu chuyện "Đông Hải". Na Tra ở trong bụng mẹ 3 năm 6 tháng đi khám bác sĩ nổi tiếng là Thị trưởng Thành phố Đài Bắc Kha Văn Triết, đây là những yếu tố đảo nghịch truyền thống, vô cùng thú vị. Mỗi một góc hình trong MV đều dùng cách quay nhanh, lời bài hát thì được viết bằng tay, và tạo hiệu ứng dán ghép hội họa và cắt giấy bằng tay, thủ pháp tinh nghịch này mang lại cảm giác hoạt bát đến lạ kỳ, làm cho nghệ thuật hát nói truyền thống trở nên gần gũi hơn rất nhiều.

Nhưng anh Trữ Kiến Trí chia sẻ rằng, trong lúc quay MV, "sự tùy hứng" đã hai lần khiến cho nhóm sinh viên trường kỹ thuật Vân Lâm phải khổ sở. Sự tùy hứng trong hát nói là gia vị do chính người biểu diễn tự nêm nếm tùy cơ ứng biến trên sân khấu, nhưng việc thực hiện phim thì mỗi một hình ảnh đều phải thiết kế theo đúng động tác với lời bài hát, không được sơ suất. Anh Trữ Kiến Trí tuy đã thảo luận với nghệ nhân Dương Tú Khanh về kịch bản và nội dung câu chuyện, nhưng mỗi lần vào phòng thu âm nghệ nhân lại cho ra một phiên bản thu âm khác nhau, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất hình ảnh thị giác.

Tác phẩm sáng tạo ra đời bởi sự khuấy động giữa cái mới và cũ đã nhận được khẳng định của giải thưởng thiết kế Red Dot nước Đức, đưa di sản văn hóa phi vật thể của Đài Loan-"Nghệ thuật hát nói" tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.

MV “What are you singing?” dùng cách quay nhanh, lời bài hát tự viết bằng tay, tạo hiệu ứng dán ghép hội họa và cắt giấy bằng tay, giúp bài hát nói trở nên hoạt bát và gần gũi.MV "What are you singing?" dùng cách quay nhanh, lời bài hát tự viết bằng tay, tạo hiệu ứng dán ghép hội họa và cắt giấy bằng tay, giúp bài hát nói trở nên hoạt bát và gần gũi.

4 giờ chiều trung tuần tháng 8, một buổi chiều nắng chan hòa, trên bãi cỏ Viện bảo tàng nghệ thuật CMP Block Đài Trung đông đúc người dân, có người ngồi có người nằm trên bãi cỏ, ngày hội âm nhạc "Be a sound maker" đang diễn ra, trên sân khấu, giọng nói của nghệ nhân Dương Tú Khanh vang lên: "Đến đây nghe cụ bà 98 tuổi hát nào!", dưới sân khấu người dân vỗ tay nhiệt liệt. Trữ Kiến Trí vàLâm Điềm An ngồi hai bên sư phụ Dương Tú Khanh, người hát người đàn, người tay kéo đàn Đại nghiễm huyền, hai cây Nguyệt cầm, tay trái nghệ nhân Dương Tú Khanh thoăn thoắt bấm dây đàn, tay phải cụ cầm miếng gảy bằng sừng dê gảy đàn điêu luyện, động tác linh hoạt không có dáng vẻ gì là người cao tuổi. Lâm Điềm An lâu lâu nói một câu làm trò, trong lúc giai điệu í a í a vang lên, Trữ Kiến Trí không quên đá vào một câu nhắc khán giả vỗ tay. Nội dung thú vị hài hước khiến khán giả cười sảng khoái.

Bầu không khí tràn ngập giai điệu Đô Mã đã được lưu truyền cả trăm năm qua, nơi đây đang hát nói câu chuyện Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, nhưng điều mà chúng tôi hy vọng với mở màn "Để tôi hát cho bạn nghe một câu chuyện" là nghệ thuật này có thể tiếp tục tồn tại mãi mãi ở Đài Loan.