Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cuộc đối thoại giữa thơ và ca La Tư Dung trên đường trở về nhà
2018-08-13

Cuộc đối thoại giữa thơ và ca La Tư Dung trên đường trở về nhà

 

Với các danh hiệu như "Giọng ca đồng quê",  "Ca sĩ hát tiếng Khách Gia xuất sắc nhất",  "Nữ tác giả sáng tác
nhạc Khách Gia"…v..v…, dường như không đủ để nói về nữ nhạc sĩ – ca sĩ La Tư Dung (Lo Sirong). Nhà sáng tác "xuất gia giữa đường này" đã dùng thơ, họa và âm nhạc làm trung gian, truyền tải sự khát khao và thái độ muốn đền đáp cuộc đời, đền đáp mảnh đất quê hương và thiên nhiên. Mặc dù album nhạc “The Flower Beckon” đã khiến La Tư Dung vinh dự đạt danh hiệu "Ca sĩ hát tiếng Khách Gia xuất sắc nhất"  và "Album nhạc Khách Gia hay nhất" tại Giải ca khúc vàng nhạc trẻ lần thứ 23 của Đài Loan, nhưng nếu nhất định phải tìm ra một đặc trưng rõ rệt, thì chị hy vọng có thể tháo bỏ cái mác "Khách Gia", nên đã chọn lựa một con đường rộng rãi hơn với "Thơ ca" và "Phụ nữ". Hãy lắng nghe nhà nữ sáng tác này đã có cuộc đối thoại tràn đầy cảm hứng ra sao với cuộc sống bằng những ca khúc đầy chất thơ. 
 


Người con gái xa nhà đang trên đường, người con gái xa nhà nhưng không quên tiếng nói quê nhà.

Phòng làm việc nằm trên tầng thượng, La Tư Dung trồng cây cỏ hoa lá trên sân thượng, một không gian tuy nhỏ, nhưng có tới hàng trăm loại thực vật, cây dương xỉ rất thích môi trường ẩm ướt được đặt trong nhà, dường như được chăm sóc rất đặc biệt, nên có dáng vẻ vô cùng kiêu hãnh.

Nho khô ngâm đang đợi khách trên bàn trà, là do La Tư Dung tự tay ngâm bằng rượu Hoa Điêu và dấm lá thông, nhấn mạnh các yếu tố: có ích cho sức khỏe, thiên nhiên và không có chất phụ gia.

Bước vào không gian sáng tác này của La Tư Dung, hiển hiện trước mắt là sự biểu trưng cho cuộc sống mang âm hưởng nữ tính, tự nhiên, tràn đầy sức sống và không ngừng theo đuổi biểu tượng cuộc sống cân bằng . “Tôi hy vọng có thể tái hiện phương thức sống tự nhiên mộc mạc, mà không phải là sự theo đuổi mù quáng”, chị nói.

Ban nhạc GOMOTEU và các thành viên của ban nhạc

Năm 2007, tác phẩm đầu tay “Everyday” được phát hành khi La Tư Dung 47 tuổi, lần đầu xuất hiện trước công chúng đã gây tiếng vang không nhỏ.

 


Người con gái xa nhà đang trên đường, người con gái xa nhà nhưng không quên tiếng nói quê nhà.

Năm 2011 chị xuất bản Album thứ 2 có tên gọi: “The Flower Beckon”, cũng đã rinh về một loạt các giải thưởng lớn gồm Giải ca khúc vàng nhạc trẻ, Giải âm nhạc vàng (Golden Indie Music Awards, GIMA), Giải truyền thông nhạc Hoa ngữ (Chinese Music Media Awards), Giải ca khúc vàng nhạc Hoa….. Nhà bình luận âm nhạc Trương Thiết Chí (Chang, Tie-Chi) hết lời ca ngợi album này là “Cuộc đối thoại tuyệt vời giữa dân ca Khách Gia và nhạc Blues truyền thống của Mỹ”.

Năm ngoái, La Tư dung vượt khỏi khuôn khổ của phụ nữ Khách Gia, chị chọn 12 nữ thi sĩ tầm cỡ của Đài Loan thuộc các thế hệ, các nhóm cộng đồng khác nhau gồm: Trần Dục Hồng (Chen, Yu-Hong), Đỗ Phan Phương Cách (Fangge Dupan), Nhan Ngải Lâm (Yan Ailin), Phùng Thanh (Feng-qing), AMang, Trương Phương Từ (Chang, Fang-ci), Linh Vũ (Ling Yu), Aweng, Lợi Ngọc Phương (Li, Yu-fang), Thái Uyển Huyền (Tsai, Wan-Shuen) và nữ thi sĩ có bút danh Ẩn Nặc (Yinnuo)..., phổ thơ của họ thành nhạc, phát hành Album “More than one” gồm 3 ngôn ngữ là tiếng Phổ Thông, tiếng Đài và tiếng Khách Gia.

Album này đã đoạt “Giải nhạc sĩ dân ca hay nhất” của Giải thưởng truyền thông nhạc Hoa ngữ (Chinese Music Media Awards), MC phát thanh nổi tiếng Mã Thế Phương (Ma Shi-fang) bày tỏ, đưa thơ vào nhạc là phương pháp không hề dễ dàng chút nào. “Những bài hát đó có âm hưởng thơ ca mang giai điệu của nhạc Blues, giống như nguồn suối ngầm tuôn chảy từ lòng đất, đó là sức nóng chỉ có ở nơi sâu thẳm của tâm hồn.”

Đổi nghề giữa chừng, thành danh ở độ tuổi trung niên, La Tư Dung đã chứng tỏ bản chất “Gomo” (không dễ khuất phục) của chị.

“Gomo” là cách dùng từ trong tiếng Khách Gia, là cách nói hơi có tính chất suồng sã, châm chọc hoặc đùa cợt, để ví von một người cao ngạo, đầy sự kỳ quái. “Đầy sự tinh quái, tự do tự tại” là một lời chú thích về La Tư Dung. Chị có một ca khúc có tựa đề là “Gomoteu”, trong đó lời bát hát có đoạn: “Trên núi có vài trăm mấy chục chú khỉ, trong lòng ta sẽ có vài trăm mấy chục chú khỉ, đầy sự tinh quái, tự do tự tại .….”

 


“Một chút yêu thương, biết bao lưu luyến, điều gì còn đọng lại nơi khóe miệng, đó chính là hương vị của húng quế; một chút khát khao, biết bao điều theo đuổi…”

Thế là “Gomoteu” cũng trở thành tên gọi khá gây thu hút của ban nhạc. Trong 5 thành viên của ban nhạc, ngoài La Tư Dung là người bao trọn gói từ viết lời, sáng tác nhạc cho đến đảm nhiệm giọng hát chính, còn có các thành viên gồm nhạc công chơi nhạc cụ có dây Trần Tư Minh (Chen, Si-ming), tay guitar Hoàng Vũ Xán (Huang, Wu-Can), người thổi kèn ác-mô-ni-ca Phó Bác Văn (Fu, Bo-wen) và nhạc công đàn Cello Trần Chủ Huệ (Chen, Chu-hui).

Mặc dù ca khúc ban đầu vốn do La Tư Dung sáng tác, nhưng nếu muốn trở thành một ca khúc có thể thu hút đông đảo người nghe, thì không thể không có sự gọt rũa hoặc sự thể hiện của mọi người. “Giọng hát của mọi thành viên đều là chủ thể, mọi người cùng nhau thảo luận, thể hiện chính mình và cũng cần lắng nghe người khác.” La Tư Dung chia sẻ , sau nhiều lần cọ xát, lắng nghe, đã giúp các thành viên trong ban nhạc hiểu rõ về nhau.

Sự giải phóng đầy mê hoặc

Có một sự thắc mắc là làm thế nào mà La Tư Dung có thể đi theo con đường thơ ca, ca hát khi đã gần nửa đời người?

“Bạn cảm nhận được sự tồn tại của mình nhờ điều gì?”, La Tư Dung tự hỏi.

La Tư Dung nói: “Sáng tác giúp tôi cảm nhận được sự tồn tại của chính mình”, bản thân thường nghĩ rằng muốn giải phóng điều gì đó, nhưng lại cảm thấy rất lạc lõng với thế giới này; có lúc cảm thấy cách biệt, có lúc lại thấy rất hòa nhập; có lúc đầy nhiệt huyết, có lúc lại rất trống rỗng. “Thông qua sáng tác, biết bao mâu thuẫn được giải phóng.”

 


Số lượng tác phẩm mà La Tư Dung xuất bản không nhiều, nhưng Album nào cũng rất gây thu hút.

Có một thời kỳ La Tư Dung theo đuổi hội họa, có thời kỳ thì viết lách thơ ca, những năm gần đây chị sáng tác ca khúc, đối với chị mà nói, dùng yếu tố gì làm chất liệu sáng tác không quan trọng, điều quan trọng là giãi bày những niềm khát khao và sự tưởng tượng trong nội tâm. “Giai đoạn hiện tại, âm nhạc và các ca khúc vẫn là những sáng tác phong phú nhất”, chị nói.

Ông Mã Thế Phương nói, âm nhạc của La Tư Dung đầy sự mê hoặc, có một sức mạnh chuyển dịch giúp người ta thoát khỏi hiện thực, đến với một thế giới khác.

Đối với điều này, La Tư Dung giải thích: “Thơ là ngôn ngữ phù thủy cổ xưa nhất. Phù thủy, là chỉ cốt lõi của nền văn minh, người biết phép phù thủy có thể “Thông thiên đạt địa”. La Tư Dung cho biết, có lẽ sức mạnh chuyển dịch như vậy giúp người sáng tác được giải phóng, còn người nghe có được sự cộng hưởng.

Có người nói, âm nhạc của La Tư Dung là sự kết hợp giữa tiết tấu Khách Gia và tiết tấu nhạc Blues. La Tư Dung cho biết, Blues là do người châu Phi khi đến đại lục châu Mỹ, trong lúc sinh ly tử biệt, không biết tương lai sẽ ra sao, đã giãi bày tâm tình thông qua những ca khúc. Mục đích là để ghi nhận sự tồn tại của bản thân, chứ không phải là để hát cho người khác nghe; những bài hát dân ca Khách Gia cũng được bất chợt cất lên trong cuộc sống chứ không phải là để biểu diễn. “Tinh thần như vậy của các ca khúc, được hòa quyện một cách khéo léo trong con người tôi.”

 


Số lượng tác phẩm mà La Tư Dung xuất bản không nhiều, nhưng Album nào cũng rất gây thu hút.

Cho một chén sầu nhớ quê hương sẽ ra sao nhỉ?

Mặc dù không muốn bị mặc định là nhà nữ sáng tác Khách Gia, nhưng La Tư Dung cũng không giấu diếm đúng là chị xuất phát từ yếu tố Khách Gia.

“Ngôn ngữ là mật mã của văn hóa”, La Tư Dung cho biết, ngôn ngữ là mô hình tư duy của một cộng đồng dân tộc, cũng là sự nhận thức về giá trị, lấy Khách Gia làm ví dụ, trong ngôn ngữ Khách Gia, những động tác bằng tay đặc biệt sử dụng nhiều tính từ, “Bởi vì người Khách Gia là cộng đồng dân tộc làm lao động, có khá nhiều những từ chỉ những cử động tinh tế bằng tay.”

Còn những ca khúc tiếng Khách Gia do La Tư Dung sáng tác, bắt nguồn từ nỗi nhớ quê đã từng có lúc bị quên lãng rồi tìm lại được.

La Tư Dung vừa cười vừa hỏi: “Cho một chén sầu nhớ quê hương sẽ ra sao nhỉ?”. Dư vị của nỗi nhớ quê như thế nào? Đối với La Tư Dung mà nói, món trứng chiên rau húng quế “Bảy tầng tháp- Qi Ceng Ta” mãi mãi là nỗi nhớ quê hương của chị.

“Bảy tầng tháp- Qi Ceng Ta”, cũng chính là loại rau húng quế “Chín Tầng Tháp – Qiu Ceng Ta” theo cách gọi thông thường của người Đài Loan. Theo chị La Tư Dung nói, thứ nhất là vì người Khách Gia tới Đài Loan muộn hơn, đại đa số sinh sống ở vùng đồi núi đất đai cằn cỗi, số tầng của búp rau húng quế mọc ra ít hơn; hơn nữa hai con số 7 và 9 đều thể hiện là số nhiều, nhưng trong tiếng Khách Gia thì số 7 phát âm dễ hơn và nghe hay hơn số 9, cho nên người Khách Gia gọi rau húng quế là rau “Bảy tầng tháp” (七層塔).

Vào thời vật chất còn thiếu thốn, tầng lớp lao động người Khách Gia sẽ làm chắc xương cốt nhờ vào tác dụng bổ tinh, ích khí của húng quế “Bảy tầng tháp”. “Khi mẹ cảm thấy mệt mỏi, thì sẽ hái một nắm húng quế, nhặt vài quả trứng gà, làm một đĩa trứng chiên húng quế, để tẩm bổ và giúp mẹ làm thoải mái tinh thần.”

 


Người con gái xa nhà đang trên đường, người con gái xa nhà nhưng không quên tiếng nói quê nhà.

La Tư Dung có một thời dường như quên mất mùi vị của húng quế “Bảy tầng tháp”, tới tận khi lấy chồng, sinh con, mẹ chị mang theo húng quế tự trồng tới thăm con, làm món trứng chiên húng quế để tẩm bổ cho chị, “Tôi vừa ăn vừa chảy nước mắt, trong lòng trào dâng nỗi nhớ quê hương”, chị La Tư Dung nói: “Sự gắn kết giữa cuộc đời với gốc rễ con người nó gần gũi đến vậy, không hề giấu diếm.”

“Phụ nữ Khách Gia rất vất vả”, La Tư Dung chia sẻ cho biết, phụ nữ Khách Gia lăn lộn từ ngoài ruộng nương, rồi đến bếp núc, hay việc nữ công gia chánh, việc nhà lớn nhỏ…..việc gì cũng đều làm hết. Năm 2008, chị có cơ hội tham gia hoạt động của khu dân cư Bắc Sơn thuộc thị trấn Quan Tây huyện Tân Trúc, phụ trách dẫn dắt một nhóm các bà cụ người Khách Gia kể lại câu chuyện của chính mình. Một bà cụ 93 tuổi nói, ngoài việc không biết làm kẻ trộm cắp ra, còn thì việc gì cũng làm hết rồi, “làm trâu làm ngựa, chỉ có điều thiếu mỗi cái đuôi mà thôi!”

“Một chút yêu thương, biết bao lưu luyến, điều gì còn đọng lại nơi khóe miệng, đó chính là hương vị của húng quế; một chút khát khao, biết bao điều theo đuổi…”

La Tư Dung bất chợt cất tiếng hát, trong giọng ca không giấu nổi nỗi nhớ quê, giống như hương vị nồng đậm của húng quế.

Trên đường về nhà

“Ngọn gió xa nhà trên con đường xa nhà
Mùa xa nhà giấc mộng xa nhà
Người con gái xa nhà lang thang khắp chốn
Người con gái xa nhà đang trên đường/ người con gái xa nhà nhưng không quên tiếng nói quê nhà…”

“Xa nhà” là tình cảnh của La Tư Dung.

 


Gomoteu là tên ban nhạc, tên ca khúc, cũng là tính cách của La Tư Dung, đầy sự tinh quái, tự do tự tại.

“Bởi vì đi xa, biết xa nhà bao nhiêu, thì đường về nhà dài bấy nhiêu”, chị nói.

Cũng có người nói, sáng tác chính là đang trên đường trở về nhà. Đối với La Tư Dung mà nói, sáng tác ca khúc chính là một trong những con đường “trở về nhà.”

Xuất phát từ yếu tố Khách gia, từ cội nguồn của bản thân, nhưng La Tư Dung lại không bị bó hẹp bởi yếu tố Khách Gia, “cuộc sống vẫn cần phải bước về phía trước, tiếp tục lên đường”, chị nói, điều mà chị quan tâm hơn nữa đó là vận mệnh của tất cả mọi phụ nữ.

Tiếng Khách Gia là ngôn ngữ mẹ đẻ mà La Tư Dung tiếp xúc sớm nhất, nhưng thực ra tiếng Phổ Thông và tiếng Đài cũng là ngôn ngữ quen thuộc trong cuộc sống của chị, chị cũng không hề gặp bất cứ khó khăn gì khi dùng để sáng tác Album nhạc “More than one” được phát hành vào năm ngoái, đã tập hợp các sáng tác thơ ca và thể hiện bằng 3 ngôn ngữ khác nhau gồm tiếng Phổ Thông, tiếng Đài và tiếng Khách Gia.

Bước đầu tiên là “chọn thơ”, quá trình chọn thơ của La Tư Dung tựa như bướm hút mật hoa. Trước tiên là đọc thật nhiều thơ, dựa vào việc nghe âm thanh khi đọc thành tiếng và tưởng tượng, để phán đoán xem có phải “âm thanh 3D” hay không. “Tôi dựa vào trực giác để phán đoán xem đó có phải là gu của tôi hay không”, chị nói.

Tiếp theo chị sẽ xem rất nhiều tác phẩm của các nhà nhơ, tìm hiểu, lý giải phong cách thể hiện độc đáo, cách biểu đạt, góc độ quan sát thế giới và phương diện quan tâm của mỗi một nhà thơ. “Tôi hy vọng chọn được các nguyên tác thơ, các tác phẩm độc đáo.”

 


Một màu xanh mướt, tràn đầy sức sống, La Tư Dung ghi nhận sự tồn tại của bản thân bằng những sáng tác phong phú .

Sự kết hợp giữa phụ nữ và thơ ca

“Đưa thơ vào ca” vốn là một truyền thống, từ Thi Kinh, Sở Từ, Nhạc Phủ, Đường Thi cho đến Tống Từ đều là như vậy. Nhưng bước sang thời đại văn bạch thoại, thơ hiện đại đã giải phóng sự tự do cho ngôn ngữ, mặc dù không đến nỗi đã bị pha loãng trở thành nước trắng, nhưng đối với thơ cổ có vế đối, có gieo vần thì đúng là khác xa một trời một vực.

Trong suy nghĩ của La Tư Dung, cái khó của việc đưa thơ vào ca khúc cũng giống như phải sống như thế nào. “Thái độ, sự trải nghiệm là mấu chốt quan trọng”, La Tư Dung nói, thông qua việc “hát thơ”, bản thân cũng có thể biến chữ viết thành âm thanh, ý nghĩa ngoài ngôn từ, tình cảm bất ngờ được thể hiện ra. “Giai điệu không phục vụ cho ca từ, ca từ cũng không phục vụ cho bài hát, mà là sự cộng sinh cùng hòa quyện.”

“Là một người “hát thơ”, điều quan trọng là khiến tình cảm, chất văn hóa đằng sau ngôn từ trở nên có chiều sâu, La Tư Dung nói, khi đưa thơ vào ca khúc, vì để phù hợp với giai điệu, nhịp phách, rất nhiều người đã sửa lại nội dung của tác phẩm thơ, còn chị chọn cách giữ lại nguyên vẹn lời thơ, cố gắng để thơ và ca đều quan trọng như nhau, cùng tạo ra một sức sống mới, thế giới mới, không ngừng cố gắng thử nghiệm các phương cách khác nhau, cho tới khi hài lòng thì thôi.

Những phép tính về quê hương

Phải vượt qua vài ngọn núi

Mới tới được ngôi Miếu Thổ Công

Phải đi qua vài ngôi Miếu Thổ Công

Mới xuất hiện dòng sông nhỏ ấy

Phải trồng vài cây thông cây bách

Mới đến được ngôi rừng rập rạp ấy   

...

 


La Tư Dung và ban nhạc Gomoteu là một liên hiệp quốc nhỏ, do vậy các tác phẩm âm nhạc được tạo ra cũng rất đa dạng phong phú.

Đọc tuyển tập thơ “Những phép tính về quê hương” của tác giả Ling Vũ (Ling Yu), La Tư Dung có cảm giác như một bức tranh cuốn, được mở dần dần ra trước mắt. “Tác giả từng bước khám phá, tìm kiếm cái gọi là “cố hương”, khi sáng tác ca khúc, tôi không vội vàng tìm đáp án, mà tạo cho mọi người cảm giác dắt tay nhau đồng hành, khiến cuộc đời giống như một bức tranh thủy mặc dạng cuốn, mở ra từ từ, rồi lại được cuộn lại từ từ.”

La Tư Dung có sự cảm nhận rất đặc biệt đối với bài thơ này, nên khi sáng tác vô cùng thuận lợi. “Tôi đọc xong bài thơ này, sau 5 phút là đã hát lên thành bài hát ngay.”

Các nhà thơ rất “kinh ngạc” khi nghe ca khúc của La Tư Dung, cảm thấy chị đã tạo ra cho bài thơ một khả năng mới, một sức sống mới, nhà thơ Trần Dục Hồng lần đầu tiên được nghe bài thơ “Em từng nói với anh” của mình được phổ thành nhạc tại một buổi tọa đàm, đã xúc động tới mức gần như không thể kìm nén được, không nói nên lời.

Em từng nói với anh rằng vầng trán em mái tóc em nhớ anh/ Bởi vì những đám mây trên cao đang chải tóc cho nhau, chiếc cổ em, đôi tai em cũng nhớ anh bởi nỗi sầu vương vấn trên chiếc cầu treo, trên con hẻm xanh ngát....)

Sự oán giận nho nhỏ trong ca khúc, dường như đã làm toát lên cảm xúc cốt lõi ẩn chứa trong tác phẩm thơ.

 

La Tư Dung rất nhạy bén với cả tiếng Phổ Thông, tiếng Đài và tiếng Khách Gia, do vậy các sáng tác của chị đều rất có chiều sâu. Ca khúc “Siêu máy bán hàng tự động” được phát âm bằng tiếng Phổ Thông, là sự cáo buộc đối với nền văn minh hiện đại; là một kiểu cảm xúc đầy chất Rock, “Trong quá trình sáng tác, cảm giác như bản thân tự hình thành nên sức mạnh, chống lại sự văn minh công nghệ khổng lồ”.

Đối với La Tư Dung, mỗi một bài hát đều như một hạt giống gieo mầm cho sự sống, tự mình mọc thành cây sự sống của chính mình.

“Mỗi một ca khúc, mỗi một chậu cảnh, mỗi một con người, đều có dáng vẻ nguyên sinh của mình, tôi hy vọng có thể lột tả được trạng thái nguyên sinh này gần gũi hơn”. Đeo cây Thánh Giá trên người, nhưng La Tư Dung lại không theo tôn giáo nào cả, chị chỉ theo đuổi sự cân bằng, hài hòa, trở về với cái tâm vốn có của tự nhiên. “Cũng giống như trái đất, mặc dù bị nghiêng, nhưng lại có quỹ đạo vận hành của riêng mình.”

Trong cách nghĩ của chị, sự tầm thường và điều thần thánh không phải dễ dàng tách biệt. “Sáng tác tác phẩm vượt ra khỏi khuôn khổ của con người, khi tâm linh bước vào một trạng thái nào đó, bạn sẽ như một vị tiên tri”, chị nói đầy cảm xúc.