Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cặp cha con biểu diễn huýt sáo nhạc môi thổi vang ra thế giới
2018-08-27

Cặp cha con biểu diễn huýt sáo nhạc môi thổi vang ra thế giới

 

Khi đi dã ngoại, lữ khách hứng khởi huýt sáo để ngỏ lời chào với những chú chim đang hót líu lo, kiểu huýt sáo bằng cách chúm miệng lại như vậy, cần phải vận khí của đan điền kết hợp với sự cộng hưởng giữa hai môi để tạo ra âm thanh, động tác xem ra có vẻ dễ này, từ hơn 2.500 năm trước đã trở thành “nhạc huýt sáo miệng” được tao nhân mặc khách diễn tấu trong những buổi họp mặt. Ngày nay, trong mắt của mọi người kiểu tài lẻ này lại bao hàm nhiều học vấn sâu rộng. Nghiên cứu chuyên sâu xuất phát từ hứng thú, ông Lý Trinh Cát (Lee Chen-chi) tái định nghĩa đó là“nhạc môi”, sử dụng đôi môi để thể hiện nhiều bản nhạc khác nhau, ông là người Hoa đầu tiên phát hành album nhạc môi, cũng là người đầu tiên đưa thú vui huýt sáo trên lưng trâu đến với sân khấu của Nhà hát Âm nhạc Quốc gia. Gần hơn 20 năm qua, ông Lý Trinh Cát đã cùng với con trai Lý Dục Luân (Lee Yulun) thực hiện nhiều chuyến lưu diễn “nhạc môi” tuyệt hay trên khắp đất nước và thế giới.
 

Khi tâm trạng vui vẻ người ta thường hay hát nghêu ngao một bài hát, thỉnh thoảng lại huýt sáo đầy vui tươi, tuy nhiên, động tác ngẫu hứng này lại chứa đựng một bề dày lịch sử. Trong bộ “Kinh Thi” của Trung Quốc, huýt sáo được gọi là “sáo miệng”, những nhân vật thời xưa huýt sáo giỏi có Gia Cát Lượng, Đào Tiềm, Tào Thực v.v..., và nghệ thuật huýt sáo là một kiểu nhạc dạo không thể thiếu được trong các buổi gặp mặt của giới tao nhân mặc khách.

Huýt sáo là cách khác để thể hiện âm thanh của nhiều người khi còn nhỏ. Ông Lý Trinh Cát quê ở xã Vạn Đan huyện Bình Đông (Wandan - Pingtung) cũng vậy, thời thơ ấu trong lúc ông chăn trâu bên bờ sông sau khi tan học, để tự tiêu khiển lúc thì huýt sáo trên lưng trâu, khi thì huýt sáo trêu đùa trước mặt trâu, tiếng huýt sáo du dương đôi khi khiến trâu quên cả ăn cỏ, kể từ đó ông cũng dần dần đam mê huýt sáo.

Nhạc “môi”, âm thanh nguyên thủy nhất

Câu chuyện ông Lý Trinh Cát, người được vinh danh là “người đầu tiên biểu diễn nhạc môi” đã kết duyên với âm nhạc như thế nào, kể lại thì có liên quan đến truyền thống sâu xa của gia đình.

Cha ông và người anh cả chơi hồ cầm và kèn clarinet rất giỏi, thời trước mua nhạc cụ rất tốn tiền, hơn nữa đó lại là công cụ kiếm sống của gia đình, nên khi còn nhỏ ông không bao giờ được sờ vào các nhạc cụ này, nhưng điều đó không thể nào ngăn được sự đam mê mạnh mẽ của ông đối với âm nhạc.

Khi học cấp 2, bạn học mời ông biểu diễn ngẫu hứng, đó là lần đầu tiên ông Lý Trinh Cát biểu diễn huýt sáo trước mặt mọi người. Trong khoảnh khắc được mọi người vỗ tay hoan hô, ông cảm nhận được rằng: “Thì ra huýt sáo có thể trở thành âm nhạc”, thế nên ông bắt đầu nghiên cứu sâu hơn.

“Người xưa có câu nói, ti bất như trúc, trúc bất như nhục (ý nói: nhạc cụ dây không bằng nhạc cụ hơi, nhạc cụ hơi không bằng âm nhạc được tạo ra bằng âm thanh của con người). Điểm cuốn hút của nhạc môi, vì nó là âm thanh nguyên thủy nhất, gây cảm động nhất phát ra từ cơ thể con người.” Ông Lý Trinh Cát thao thao bất tuyệt nói về sự thâm thúy của nhạc môi. Khác với các loại nhạc cụ như sáo ngang, đàn tỳ bà v.v... cần phải bấm ngón tay lên trên lỗ sáo, hoặc cọ sát vào sợi dây đàn để tạo ra giai điệu, nhạc môi phải dựa hoàn toàn vào đôi môi, nếu nắm được nguyên lý tạo âm thanh này, mọi người đều có thể huýt sáo.

 


Ông Lý Trinh Cát (người bên trái) nghiên cứu chuyên sâu xuất phát từ hứng thú, tái định nghĩa huýt sáo là “nhạc môi”, ông dùng đôi môi để thể hiện những bản nhạc khác nhau, là người Hoa đầu tiên phát hành album nhạc môi, cũng là người đầu tiên đưa thú vui huýt sáo trên lưng trâu đến với sân khấu của Nhà hát Âm nhạc Quốc gia Đài Loan. (Ảnh: Jimmy Lin)

Từ cậu bé chăn trâu huýt sáo trở thành bậc thầy đứng đầu về nhạc môi. Ông Lý Trinh Cát tự mình học tập, chăm chỉ rèn luyện đến khi lĩnh hội một cách sâu sắc, nắm vững được bí quyết, thậm chí tự sáng tạo ra phương pháp tạo nhạc môi: gồm có cách dùng cơ bụng, cách hít thở và cách vận dụng dòng khí.

Thành thục phương pháp, thử thách bằng điệu nhạc khó hơn

Ca khúc chủ đề “Dương Minh Xuân Hiểu” (Buổi sáng mùa xuân trên núi Dương Minh) của chương trình truyền hình nổi tiếng “Mỗi ngày một từ” là bản nhạc làm nên tên tuổi cho ông Lý Trinh Cát. Đây là giai điệu quen thuộc với tất cả mọi người, khi lắng nghe bản nhạc tưởng chừng như khiến người ta hòa cùng giai điệu đi du xuân trên núi Dương Minh, qua nhiều lần mày mò tìm tòi, sau cùng ông đã thể hiện lại được giai điệu bằng cách huýt sáo, hơn thế còn vận dụng được phương pháp diễn tấu tự sáng tạo cho bản nhạc.

Trong một bản nhạc bình thường dài khoảng 1 phút sẽ có từ 60-70 nhịp, cái khó nhất của bản nhạc “Dương Minh Xuân Hiểu”, với phiên bản tiết tấu nhanh phải thể hiện tới 180 nhịp mỗi phút, là phiên bản tiết tấu chậm thì phải chậm tới mức 40 nhịp mỗi phút. “Nhanh đến nỗi không thể hít thở, còn chậm thì phải kéo dài hơi thật lâu.” Ông Lý Trinh Cát hình dung sự thách thức của nhịp nhanh và nhịp chậm là như thế.

“Âm thanh của tiết tấu nhanh cần phải chắc, rõ”, ông Lý Trinh Cát vận dụng “cách dùng cơ bụng” để nắm bắt cách ngắt âm, thể hiện cường độ mạnh yếu của tiết tấu; dùng sự chuyển dịch điểm cộng hưởng dòng khí của bên trong và bên ngoài môi để thể hiện âm thanh cao thấp khác nhau, đây gọi là “cách sử dụng luồng khí”; với “cách hít thở” để dòng âm thanh thoát từ miệng ra ngoài, được kéo dài vô tận khi thay đổi sự hít thở, phát ra âm dài mềm mại tinh tế.

Để nắm được phương pháp đúng cách sẽ liên quan tới vấn đề “khí” có được đầy đủ hay không, khí có đủ mới có thể hít thở và trao đổi khí, trong quá trình này còn có âm thanh tựa như tiếng thở khò khè của chú chó, đó là cách vận dụng nguyên lý của thanh nhạc.

 


Ông Lý Trinh Cát dùng lối viết chữ Thảo tiêu chuẩn để ghi chép bài thơ “Ly Hợp Tàng Đầu Thi”, được đưa vào tuyển tập thư pháp tranh vẽ “Bài ca không lời”. (Ảnh do ông Lý Trinh Cát cung cấp)

Ông Lý Trinh Cát mất hai năm để luyện tập thành công giai điệu “Dương Minh Xuân Hiểu”, ông luyện tập các phương pháp tới mức thuần thục nhất, là vị cao niên mà nhiều người yêu thích nhạc môi trong và ngoài nước đến xin chỉ dạy.

Ông không chỉ biến những tiếng huýt sáo vui vẻ trong cuộc sống hàng ngày thành những bản nhạc biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát âm nhạc quốc gia. Cảm nhận thấy thể loại âm nhạc thích hợp với huýt sáo là có hạn, ông Lý Trinh Cát - người mạnh dạn làm thử và sáng tạo, cũng bắt đầu tham dự công việc sáng tác.

Tuy nhiên, đây không phải là chuyện dễ làm, bản nhạc không thể quá đơn giản, nội dung cũng phải phong phú và giàu tình tiết. Ông thông thạo thư pháp do chịu ảnh hưởng bởi câu chuyện cảm động của văn sĩ đời nhà Tống Tô Đông Pha và người thiếp Vương Triêu Vân, nên đã sáng tác ra bản nhạc “Triêu Vân U Mộng”. Ông Lý Trinh Cát hình dung rằng, “Sáng tác một bản nhạc 4 phút thuộc thể loại nhạc môi còn khó hơn là việc sinh đẻ.” Trong quá trình này cái khó nhất là phải nuôi dưỡng cảm xúc và biểu hiện tình cảm, phải làm thử liên tục, phải nhờ giáo viên thanh nhạc và nhạc sĩ chỉ dạy nhiều lần thì mới có thể sáng tác ra bản nhạc. 

Lý Dục Luân cảm động vì sự kiên trì của người cha

Từ nhiều năm qua ông Lý Trinh Cát kiên trì vùi đầu vào lĩnh vực nhạc môi, giờ đây có được người con trai Lý Dục Luân kế thừa tài năng. Đối với con trai và con gái hồi còn nhỏ, ông Lý Trinh Cát đã thường xuyên huýt sáo khi chăm sóc chúng. Thời thơ ấu, anh Lý Dục Luân luôn bắt chước khẩu hình của cha, lúc 4 tuổi đã mô phỏng cách thổi của cha lần đầu tiên biết huýt sáo, khi đó khiến người cha dạt dào niềm vui trong lòng. Lên 7 tuổi, trong tình huống chưa được tập dợt trước, Lý Dục Luân lần đầu tiên cùng cha biểu diễn trên sân khấu bản nhạc “Cây cầu trên sông Kwai” (The Bridge on the River Kwai), nhận được những tràng vỗ tay hoan hô như sấm rền, làm cho Lý Dục Luân cứ tưởng mình huýt sáo giỏi lắm.

Khi học cấp 1, Lý Dục Luân từng xung phong lên sân khấu biểu diễn, nhưng trái lại, cậu lại bị các bạn học chê bai rằng “như thế mà gọi là năng khiếu à”, kể từ đó Lý Dục Luân không hay huýt sáo trước mặt mọi người nữa.

 


Lý Dục Luân (người bên trái) cùng với Hoàng Dụ Tường (Huang Yu-siang), người khiếm thị cũng là nhân vật đóng vai chính trong bộ phim “Touch of the Light” và Lư Hân Dân (Minco Lu) thành lập “Ban nhạc môi Trio”. (Ảnh do Lý Dục Luân cung cấp)

Một hôm, nhân lúc ông Lý Trinh Cát tập dượt bản nhạc “Dương Minh Xuân Hiểu” cho show diễn khi đang lái xe, Lý Dục Luân ngồi bên cạnh chợt hòa giọng với cha, không những hòa tấu một cách hoàn hảo nguyên cả bản nhạc, mà còn thể hiện phương pháp kỹ thuật nổi trội hơn nữa, khiến người cha vui mừng mà nói, “Bố vẫn chưa luyện được, mà con đã luyện được rồi.” Thế là ông mời con trai cùng lên sân khấu biểu diễn, chính thức trình làng bản hòa tấu đầu tiên của hai cha con.

Ngoài ra, hai cha con cũng đã hòa tấu nhiều bản nhạc mà mọi người đều quen thuộc, trong đó màn biểu diễn bản nhạc nổi tiếng quốc tế “The Whistler and his Dog”, từ biểu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể cũng như sự tương tác thú vị giữa hai cha con, khiến khán giả ở bên dưới cười không ngớt, sự nhập tâm sâu sắc của hai cha con trong màn diễn làm tan chảy trái tim của người nghe, và hình ảnh của cặp bạn diễn cha con khắc sâu trong lòng mọi người không bao giờ phai mờ.

Sự ăn ý hoàn hảo của hai cha con được thể hiện từ trên sân khấu cho đến ngoài đời, mỗi khi ông Lý Trinh Cát vừa huýt sáo, là anh Lý Dục Luân có thể hiểu ngay tâm trạng trong khoảnh khắc đó của cha mình, đó chính là cặp bạn diễn ăn ý nhất.

 


Hai cha con Lý Trinh Cát và Lý Dục Luân đã xoay chuyển ấn tượng cố hữu của mọi người đối với huýt sáo. Hiện nay họ đang tâm huyết với việc truyền bá rộng rãi công tác giảng dạy nhạc môi tại Đài Loan.

Ông Lý Trinh Cát là nhân vật tiêu biểu cho nhạc môi, con trai Lý Dục Luân là người kế thừa tài năng xuất sắc nhất. Từ nhỏ Lý Dục Luân là thành viên trong đoàn hợp xướng, hiểu rõ nhạc lý, anh cũng rất giỏi cách ứng dụng nhạc môi, không những thể hiện được các bản nhạc truyền thống Trung Hoa, mà còn trình diễn được những bản nhạc cổ điển, nhạc jazz và nhạc pop thịnh hành của phương Tây, ngoài ra, anh còn đi khắp mọi nơi để chia sẻ rộng rãi quan niệm của nhạc môi, truyền tải cho mọi người thể loại âm thanh nguyên thủy nhất, gây cảm xúc nhất được phát ra từ cơ thể con người, dễ đi vào lòng người nhất.

Tiếng huýt sáo trong đoạn cuối phim quảng cáo của McDonald’s khiến người nghe cứ tiếc nuối muốn nghe nữa, và tiếng huýt sáo được dùng để phối nhạc cho bộ phim Đài Loan “Ngôi làng Hạnh phúc” (The Village of No Return) đều là sáng tác của Lý Dục Luân. Ngoài ra, anh cũng cho phát hành album nhạc môi thuộc thể loại nhạc jazz “Make me A Channel – Kênh nhạc môi”, cùng với những người chung sở thích âm nhạc thành lập “Ban nhạc môi Trio”.

Tại các chương trình giáo dục ta sẽ thường xuyên thấy được bóng dáng Lý Dục Luân, anh hợp tác với nhà xuất bản ra mắt giáo trình dạy cách huýt sáo, bằng phương pháp dễ hiểu cũng như phối hợp cả bài viết và hình vẽ, giúp cho giáo viên có thể lập tức đưa vào chương trình giảng dạy. Đồng thời, cũng đào tạo tuyển thủ tham gia các cuộc thi huýt sáo được diễn ra giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Thành công nhờ có người thân và bạn bè

Trong suốt cuộc đời ông Lý Trinh Cát luôn có sự đồng hành của nhạc môi, người cha và người anh chính là người thầy vỡ lòng của ông. Ngoài ra, ông Tô Chiêu Hưng (Su Zhao-xing) được vinh danh là “Hoàng tử guitar Đông phương”, chính là người đứng sau quan trọng, thúc đẩy con đường âm nhạc của ông.

Hai người cùng theo học tại trường Trung học Bình Đông, do hội họa mà quen biết nhau. Sau khi tốt nghiệp hai bên vẫn còn giữ liên lạc. Mỗi lần Tô Chiêu Hưng tham gia biểu diễn đàn guitar, ông thường hay mời ông Lý Trinh Cát trình diễn vài bản nhạc môi, nên cũng khiến nhiều người được làm quen dần với loại hình nhạc môi này.

 


Ông Tô Chiêu Hưng (người bên phải), Hoàng tử guitar Đông phương là người quan trọng đứng sau thúc đẩy việc quảng bá nhạc môi của Lý Trinh Cát. (Ảnh do ông Lý Trinh Cát cung cấp)

Trong các đối tác âm nhạc vừa là thầy vừa là bạn của ông còn có hai nhạc sĩ nổi tiếng là Phạm Vũ Văn (Fan Yuwen) và Thành Minh (Cheng Ming). Ông Lý Trinh Cát không những thường xuyên cùng với hai nhạc sĩ này ra nước ngoài tham gia các hoạt động của nhóm kiều bào, mà còn được ông Thành Minh mời biểu diễn tại Nhà hát Âm nhạc Quốc gia, khiến chương trình biểu diễn của đoàn hợp xướng trở nên phong phú đa dạng hơn, đồng thời giúp cho thể loại âm nhạc huýt sáo lần đầu tiên được ra mắt tại sân khấu tầm cỡ quốc gia, sau đó đã liên tiếp nhận được lời mời biểu diễn trong và ngoài nước.

Ông từng đến biểu diễn ở nhiều quốc gia như Lithuania, Nga, Mỹ, Canada, Vương quốc Ả Rập Saudi, Jordan, Nam Phi, Mauritius, Pháp, Bỉ, Australia, New Zealand v.v..., khi đã dần nổi tiếng, Dàn nhạc Giao hưởng Thượng Hải Trung Quốc đã tìm đến ông mời hợp tác, thực hiện thu âm album nhạc môi đầu tiên của người Hoa.

Hai cha con Lý Trinh Cát và Lý Dục Luân đã cùng tạo dựng nên sân chơi nhạc môi tại Đài Loan, cắm rễ và truyền bá rộng rãi ra nước ngoài, họ đều không giấu nghề để chia sẻ phương pháp huýt sáo, đồng thời thiết lập fanpage “nhạc môi”, mong muốn có thể thành lập Hội nhạc môi, tập trung đông đảo những người có chung sở thích để trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu và học hỏi, cùng xoay chuyển ấn tượng cố hữu đối với huýt sáo, tái tạo một chương nhạc cuộc đời đầy du dương cho nhạc môi.