Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan tiếng hát thiên phú lan truyền khắp thế giới
2018-09-17

Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzagalan đã ghi lại nhiều kỳ tích đầy ấn tượng tại nước Ý, đoạt nhiều giải thưởng lớn tại Lễ hội Hợp ca quốc tế Musica Eterna tại Roma và Lễ hội Hợp ca quốc tế Leonardo da Vinci.

Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzagalan đã ghi lại nhiều kỳ tích đầy ấn tượng tại nước Ý, đoạt nhiều giải thưởng lớn tại Lễ hội Hợp ca quốc tế Musica Eterna tại Roma và Lễ hội Hợp ca quốc tế Leonardo da Vinci.
 

Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan đến từ vùng đất cực nam Đài Loan, trên trang mạng xã hội Facebook đã viết như thế này: “Trong ngôn ngữ của dân tộc Paiwan, Puzangalan có nghĩa là hy vọng, Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan do các em nhỏ người dân tộc Paiwan thành lập, các em là những mầm non yêu thích ca hát, nỗ lực tạo nên một tương lai tươi sáng, hy vọng dùng lời ca tiếng hát của mình mang đến cho mọi người niềm vui và lời chúc phúc, và cũng mang đến niềm hy vọng cho tương lai của mình.
Đã 9 năm trôi qua, dưới sự dẫn dắt của trưởng đoàn Thái Nghĩa Phương (Tsai Yi-fang) và giáo viên dạy nhạc Ngô Thánh Dĩnh (Wu Sheng-ying), các thành viên lớn nhỏ trong đoàn đã dùng giọng hát trời phú thể hiện lời tuyên ngôn của bản thân, đứng trên vũ đài quốc tế, tự tin cất cao tiếng hát, hy vọng mang âm điệu quê hương truyền tải đến toàn thế giới.
 


Trong trang phục truyền thống, các thành viên lớn nhỏ của Đoàn hợp ca thiếu nhi chuẩn bị lên sân khấu biểu diễn.

Mùa hè năm 2017, một điệu nhạc du dương êm dịu mang đậm bản sắc Đài Loan lan tỏa toàn nước Ý. Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan, đến từ vùng đất cực nam Đài Loan, thành lập được 10 năm, lần đầu tiên đã đoạt Huy chương vàng tại Lễ hội Hợp ca quốc tế Musica Eterna tại Roma. Sau đó các em đến tham dự Lễ hội Hợp ca quốc tế Leonardo da Vinci, lọt vào vòng chung kết và giành được các giải thưởng như Huy chương vàng cuộc thi, Huy chương vàng đồng đội thiếu nhi, Huy chương bạc nhóm dân ca, Giải vũ đạo xuất sắc nhất, Giải đơn ca độc tấu- một giải thưởng không dễ dàng chút nào.

Một lúc giành được hàng loạt giải thưởng lớn như vậy, đã mang lại cho trưởng đoàn Thái Nghĩa Phương, giáo viên Ngô Thánh Dĩnh và toàn thể 10 thành viên trong đoàn một cảm giác vinh dự tận hưởng niềm vui trên sân khấu. Nhớ lại năm 2008 khi mới thành lập, Đoàn Hợp ca được khởi nguồn từ một nguyện ước giáo dục rất đơn giản của thầy Thái Nghĩa Phương, chủ nhiệm Phòng giáo vụ của Trường cấp I Giai Nghĩa (Jiayi) thuộc huyện Bình Đông (Pingdong)

Trường cấp I Giai Nghĩa nằm tại xã Mã Gia (Majia), là một thôn làng của người dân tộc, trong hơn 100 em học sinh thì đa số là người dân tộc Paiwan hoặc Rukai. Mặc dù trường học nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn nguồn lực dành cho giáo dục, ấy vậy mà nơi này lại không thiếu các em học sinh ưu tú.

Theo quan sát của thầy Thái Nghĩa Phương, giảng dạy tại Trường cấp I Giai Nghĩa đã hơn 20 năm, thầy thấy nhiều em học sinh sau khi chuyển sang cấp II thì thành tích học tập lại bị sút kém đi rất nhiều. Thầy thấy tiếc và nghĩ rằng, tại sao không tận dụng đoàn hợp ca của trường, thông qua sự cổ vũ động viên trong một thời gian dài, giúp các em lấy lại sự tự tin.

Từ một ý tưởng như vậy, vừa gặp lúc giáo viên âm nhạc Ngô Thánh Dĩnh cũng về trường giảng dạy, thế là không hẹn mà gặp, cả hai đã hợp tác với nhau thành lập đoàn hợp ca là tiền thân của Đoàn Hợp ca thiếu nhi Puzangalan ngày nay.

 


Các em nhỏ trong Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan, đã học hỏi được tinh thần hợp tác đoàn đội.

Định kỳ luyện giọng hát, thay đổi cuộc sống của các em

Thành lập Đoàn hợp ca trong trường cũng chỉ vì mục đích muốn tham gia các cuộc thi âm nhạc, thầy Thái Nghĩa Phương và cô Ngô Thánh Dĩnh hy vọng đoàn hợp ca có thể đi theo hướng luyện tập cố định, mới đầu là luyện tập cật lực định kỳ hai lần 1 tuần.

 Thế nhưng, trong buổi ban đầu, do thời gian tập luyện đã ảnh hưởng đến thời gian vui chơi, nên các em thường không có cảm hứng tập hát, có nhiều phụ huynh chưa hiểu được dụng ý của thầy Thái Nghĩa Phương, hay đưa ra câu hỏi: “Tập hát để làm gì?”. Do tự xưng sẽ đóng vai trò là một thầy giáo nghiêm khắc, nên thầy chỉ còn có cách là lái xe đến thôn xóm, tìm đến các thành viên trốn giờ luyện tập.

Một sự kết hợp rất ăn ý giữa thầy Thái Nghĩa Phương và cô Ngô Thánh Dĩnh, một người lo việc nội bộ và một người lo chạy bên ngoài. Thầy Thái Nghĩa Phương tự cho mình không rành âm nhạc nên đảm nhận nhiệm vụ lo mọi việc lớn nhỏ của đoàn, còn trọng trách luyện tập ca hát giao lại cho cô Ngô Thánh Dĩnh. Tuy nhiên mỗi lần đến giờ tập hát thì thầy lại ở bên ngoài, lặng lẽ lắng nghe các em tập hát. Mãi đến 3 tháng sau, tiếng hát của các em đã hay hơn trước đây, lúc đó Thái Nghĩa Phương mới có cảm giác như trút được gánh nặng trong lòng, nhẹ nhõm hẳn ra.

 


Qua nhiều lần luyện hát, thời khắc bước lên sân khấu, trên khuôn mặt của các thành viên biểu lộ sự tự tin cao độ.

Không chỉ là giọng hát, những thành viên lớn nhỏ tham gia đoàn hợp ca cũng đã có những thay đổi cả về tâm lý. Trên khuôn mặt của các em đã xuất hiện sự tự tin, chuyên tâm, thông qua bài hợp ca các em cũng hiểu được tầm quan trọng của sự đoàn kết tập thể.

Cô giáo Ngô Thánh Dĩnh cho biết, rất nhiều người nghĩ rằng, trong một đoàn hợp ca thì “hát” mới là quan trọng, thế nhưng làm thế nào để “lắng nghe”, đó mới là mấu chốt quyết định sự thành bại của đoàn hợp ca. “Chỉ khi bạn trầm tĩnh, mở rộng đôi tai, lắng nghe tiếng hát của đồng đội, lúc ấy tiếng hát mới hài hòa với nhau được. Nếu không thì dù giọng hát có hay đến mấy, cũng chỉ là giọng hát của riêng mình, không thể hòa chung với mọi người được”, cô Ngô Thánh Dĩnh nói.

Năm 2012 cũng là năm thầy Thái Nghĩa Phương chuẩn bị về hưu, cũng có không ít thành viên trong đoàn cũng chuẩn bị tốt nghiệp. Do nghĩ đến sự phát triển lâu dài của đoàn hợp ca, nên đoàn đã quyết định tách ra khỏi trường học, đồng thời dùng ngôn ngữ PUZANGALAN của dân tộc Paiwan, để đổi tên gọi của đoàn thành Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan.

Thiếu sự hỗ trợ của trường học, kinh phí cho mỗi tháng như thuê chỗ luyện tập cũng tốn khoảng 40 ngàn Đài tệ, trở thành một vấn đề lớn. Thầy Thái Nghĩa Phương thừa nhận, lúc ấy đã từng nghĩ đến việc giải thể đoàn hợp ca, cũng may, thầy Huỳnh Quốc Quang (Huang Guo-guang) là hiệu trưởng trường đã về hưu, sau khi hay tin đã lập tức hỗ trợ về phần kinh phí, giúp cho đoàn tháo gỡ được vấn đề khó khăn.

 


Qua nhiều lần luyện hát, thời khắc bước lên sân khấu, trên khuôn mặt của các thành viên biểu lộ sự tự tin cao độ.

Cũng cùng năm ấy, giọng ca thiên phú của Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan sau một thời gian khổ luyện, may mắn như thiên lý mã gặp được Bá Nhạc, nên đã có cơ hội đứng trên sân khấu quốc tế.

Năm ấy, Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan nhận lời mời của Hội triển vọng thế giới lên Đài Bắc biểu diễn, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, thành viên trong đoàn đã đến quảng trường bên ngoài Viện bảo tàng quốc lập Đài Loan để luyện tập. Với giai điệu nhanh, chất giọng mạnh mẽ thấm sâu lòng người, đã thu hút sự chú ý của giám đốc Viện bảo tàng quốc lập Đài Loan Tiêu Tôn Hoàng (Hsiao Tsung-huang) đang đi ngang qua đó. Sau khi dừng chân hỏi thăm, ông đã lập tức mời Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan biểu diễn mở màn cho hoạt động do đơn vị này tổ chức. Trong buổi biểu diễn hôm đó, tiếng hát tuyệt vời của các em đã chinh phục quan khách đến từ nước Đức, và họ đã mời đoàn sang Dresden tham dự Lễ hội Hợp ca quốc tế. Sau đó, các nước như Nhật Bản, Hungari và Hàn Quốc đều hy vọng có thể mời các em sang biểu diễn.

Khi mới bắt đầu chưa một ai biết đến, mãi đến năm 2016, Đoàn hợp ca thiếu nhi được mời đến hát bài quốc ca tại buổi lễ nhậm chức của tổng thống Thái Anh Văn, lúc ấy danh tiếng mới vang xa. Giai điệu cổ truyền của dân tộc Paiwan kết hợp với cách hát trang nghiêm truyền thống, được mọi người khen ngợi là “Bài quốc ca hay nhất”, tất cả đều do công lao của cô Ngô Thánh Dĩnh.

Cô Ngô Thánh Dĩnh sinh ra và lớn lên tại thôn Timur-Bình Đông (Pingdong), bản thân cô cũng là người dân tộc Paiwan. Năm 2009 cô đã thử đưa giai điệu dân ca vào các bài hát. Cô thừa nhận, khi tiếp nhận công việc hướng dẫn đoàn hợp ca, cô chưa hề nghĩ đến sẽ đưa các bài dân ca được thổ dân hát truyền miệng vào các bài hát, mãi cho đến sau khi Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan tham dự cuộc thi hát dân ca quê hương, thành tích không như dự tính, lúc đó cô mới nảy ra ý nghĩ đưa cách hát dân ca cổ truyền của dân tộc nguyên trú Paiwan vào bài biễu diễn, phát triển cách hát “cải biên dân ca cổ truyền”.

 


Từ ước nguyện giáo dục ban đầu, năm 2008 trưởng đoàn Thái Nghĩa Phương (Tsai Yi-fang) đã cho ra đời Đoàn hợp ca thiếu nhi Puzangalan. (Ảnh: Lin Ge-li)

Cải biên dân ca cổ truyền, thừa kế kí ức văn hóa

Cô Ngô Thánh Dĩnh cho biết, các dân tộc nguyên trú đều có truyền thống hát truyền miệng các bài dân ca, điệu hát, hình thức phát âm đều không giống nhau. Âm điệu dân ca cổ truyền của dân tộc Paiwan được phát ra từ lồng ngực và cổ họng, tiếng hát mang âm lực mạnh mẽ xuyên thấu.

Ngô Thánh Dĩnh không chỉ đem nét đặc sắc của tiếng hát dân tộc nguyên trú Paiwan đưa vào bài hát, khi soạn nhạc cô cũng kết hợp với kết cấu hình thức khúc nhạc của dân ca cổ truyền như hợp âm, phức điệu đưa vào điệu nhạc. Các em nghe thấy bài hát hợp ca trong những lần luyện tập bình thường có thêm khúc nhạc dân ca cổ truyền quen thuộc nên càng vui vẻ tập luyện hơn nữa. Đây cũng chính là dụng ý của Ngô Thánh Dĩnh, cô hy vọng thông qua Đoàn hợp ca thiếu nhi, giữ gìn được văn hóa dân ca cổ truyền đã dần bị quên lãng.

Cô cho biết, trước đây đa số các đoàn hợp ca đều thừa hưởng kỹ thuật thanh nhạc phương tây, đó là thông qua cách hát giọng gió để thể hiện một âm thanh cao vút thánh thót. Trong 10 năm qua, mọi người lại đề cao ý thức quê hương, cổ vũ tìm kiếm văn hóa địa phương nên mới có phương thức cải biên bài hát dân ca cổ truyền. Ca hát đã kéo gần khoảng cách giữa các thành viên trong đoàn với ông bà trong gia đình, tìm về cội nguồn của tổ tiên, những người lớn tuổi đã lâu không có dịp hát lại những bài dân ca truyền thống, cũng từ tiếng hát của con cháu, như được nghe lại những khúc ca của thời niên thiếu.

Giống như 9 năm về trước, buổi ban đầu khi thầy Thái Nghĩa Phương và cô Ngô Thánh Dĩnh cùng hợp tác thành lập đoàn hợp ca trong trường, tiếng hát thực sự đã mang đến sự thay đổi cho các em. Hãy nhắm mắt lại, lắng nghe tiếng hát của Đoàn hợp ca Puzangalan, bạn có thể nghe thấy niềm hy vọng được ẩn giấu bên trong và những kí ức gắn sâu trên mảnh đất này.