Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Gặp gỡ - điểm khởi đầu của sự hiểu biết Tiếp xúc văn hóa nông nghiệp Việt Nam tại hội chợ nông nghiệp Đào Viên
2018-09-24

Gặp gỡ - điểm khởi đầu của sự hiểu biết Tiếp xúc văn hóa nông nghiệp Việt Nam tại hội chợ nông nghiệp Đào Viên

 

Bước vào hội chợ nông nghiệp Đào Viên, từ đằng xa là có thể nhìn thấy quang cảnh vườn hoa từng lớp, từng lớp ở trên sườn đồi, tạo ra ruộng bậc thang thu nhỏ của 4 nước Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, đây chính là “Gian hàng văn hóa 4 nước” được người dân bình chọn là gian hàng được yêu thích nhất trong 25 gian hàng ở hội chợ nông nghiệp Đào Viên.

Đào Viên là thành phố có số lượng lao động nước ngoài đông nhất trên toàn Đài Loan, cộng đồng tân di dân tại đây cũng có khoảng 130.000 người. Để cho người dân Đông Nam Á tại Đài Loan cũng có thể bước trên ruộng bậc thang xinh đẹp như ở quê nhà, Gian hàng văn hóa 4 nước đã được thành lập với một hình ảnh tràn đầy phong cách Đông Nam Á

“Xin chào!”. Hướng dẫn viên người Việt mặc chiếc áo dài Việt Nam dịu dàng tha thướt, dùng tiếng nói của quê hương mình để đón chào khách tham quan. Ngoài trang phục truyền thống Việt Nam, hướng dẫn viên của 3 nước Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng diện trang phục của đất nước mình, tại đây, mọi người cảm giác như đang ở Đông Nam Á, đắm mình trong bầu không khí ăn mừng mùa thu hoạch.

 


Bộ Ngoại giao mời khách nước ngoài tham quan hội chợ nông nghiệp Đào Viên, trải nghiệm kỹ thuật nông nghiệp mới nhất của Đài Loan.

Giao lưu văn hóa nông nghiệp của 5 nước

Sân bay quốc tế Đào Viên là khởi điểm cho người nước ngoài làm quen với Đài Loan, còn hội chợ nông nghiệp Đào Viên ngoài để cho người nước ngoài làm quen với Đài Loan, còn hướng dẫn người Đài Loan làm quen với những nét đặc sắc của các nước trên thế giới.

“Gian hàng văn hóa 4 nước” ở hội chợ nông nghiệp Đào Viên là giới thiệu sâu sắc về bối cảnh phát triển nông nghiệp, phong cách sống và văn hóa của 4 nước Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Đào Viên là thành phố có số lượng lao động nước ngoài đông nhất Đài Loan với khoảng 110.000 người, và số lượng tân di dân từ các nước Đông Nam Á đến Đào Viên sinh sống khoảng 19.000 người, trong đó đa phần là đến từ Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Tại Đài Loan, lao động nước ngoài đa số làm trong ngành phúc lợi xã hội hoặc ngành xây dựng, chế tạo sản xuất, cho nên người Đài Loan thường xuyên tiếp xúc với người dân của 4 nước này, nhưng lại rất ít tiếp xúc với văn hóa nông nghiệp của 4 nước, Gian hàng văn hóa 4 nước lần này là dịp để cho người dân Đài Loan tìm hiểu nhiều hơn về đất nước của các lao động nước ngoài, đồng thời giúp lao động nước ngoài và cư dân mới ở Đài Loan có thể nhìn thấy hình ảnh quê hương mình.

“Họ muốn tìm hiểu chúng tôi, chúng tôi càng muốn tìm hiểu họ”. Cục trưởng Cục lao động thuộc chính quyền thành phố Đào Viên Vương An Bang cho biết, lúc quy hoạch Gian hàng văn hóa 4 nước, thật ra là có thêm cả Đài Loan, quy hoạch với khái niệm “5 nước”. 5 nước đều là nước nông nghiệp, cùng là trồng lúa nhưng lại trồng ra các loại gạo khác nhau, như gạo trắng, gạo vàng, gạo đen, thậm chí còn có cả gạo hồng, cho dù là cây trồng và phương pháp canh tác có phần khác nhau nhưng cũng có nhiều điểm giống nhau. Trong thời đại nông nghiệp truyền thống xa xưa, mọi người không hẹn mà gặp, cũng từ nông nghiệp phát triển thành lễ tạ thần linh, tiếp đó là mở rộng đến âm nhạc, hàng thủ công và con rối.

 

“Chúng tôi đưa nền văn hóa Đông Nam Á đến hội trường triển lãm”. Nhà thiết kế quy hoạch Trần Bảo Tự cho biết, các loại gạo, hương liệu và con rối được trưng bày ở gian hàng đều được vận chuyển từ các nước Đông Nam Á. Ông từng nhìn thấy lao động Indonesia âm thầm gạt nước mắt khi đang xem biểu diễn múa rối bóng, “Có thể vì nhớ nhà, hoặc là vì chúng tôi tôn trọng văn hóa của họ nên cảm động, bất kể là nguyên nhân nào, đối với nhà thiết kế chúng tôi, thật sự là rất xứng đáng”

Tái hiện ruộng bậc thang ở quê nhà

Lúc bắt đầu thiết kế, Trần Bảo Tự đã dốc hết tâm tư để tìm ra điểm chung của 5 nước, ông vô tình phát hiện, Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan đều có ruộng bậc thang và đều được tạp chí du lịch Mỹ Travel + Leisure bình chọn là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ, đẹp nhất trên thế giới, trong đó ruộng bậc thang của Philippines và Indonesia còn được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới, thêm vào đó xã Phục Hưng (Fu-xing) ở Đào Viên cũng có ruộng bậc thang Ye heng. Thế là vườn hoa được xếp thành từng lớp và nguyên mẫu kiến trúc chính liền hiện lên trong tâm trí của ông.

Phương pháp xây dựng cũng là cách để tìm điểm giống nhau trong sự khác nhau. Trần Bảo Tự sử dụng rất nhiều tre, “Tre trúc là nguyên liệu thường được sử dụng ở các nước Đông Nam Á, Đài Loan cũng vậy, vì vậy tôi đã tìm ra yếu tố kết hợp Đài Loan với 4 nước này”.

Trần Bảo Tự dùng tre ở Nam Đầu làm cấu trúc chính, dùng lá tre và lá cọ được vận chuyển từ Indonesia làm mái nhà, xây dựng một kiến trúc tre độc đáo mang đậm phong cách Đông Nam Á, thông gió tự nhiên, mát mẻ, dễ chịu.

 


Ông Vương An Bang (giữa) hoan nghênh lao động nước ngoài đến tham quan để làm quen với Đài Loan, và đây cũng là dịp để cho người dân Đài Loan tìm hiểu nền văn hóa của 4 nước

Hướng dẫn viên cũng là tân di dân của 4 nước, “Các hướng dẫn viên tân di dân này đều mặc trang phục truyền thống của đất nước họ để phục vụ khách tham quan”. Trần Bảo Tự cho biết, những hướng dẫn viên này họ tự động mặc trang phục truyền thống của nước mình, giống như buổi biểu diễn thời trang vậy, mỗi ngày đều mặc trang phục khác nhau, không sợ phiền hà. Hướng dẫn viên người Thái Lan nói: “Đây là việc quảng bá văn hóa của đất nước chúng tôi, dĩ nhiên tôi phải cố gắng hết sức mình”. Thông qua thiết kế, đưa ngôi nhà Đông Nam Á dời đến Đài Loan, có tình người mới thật sự là về nhà.

Ăn mừng mùa thu hoạch Múa rối nước Việt Nam

Như Trần Bảo Tự đã nói, cuộc triển lãm lần này nhằm đưa nền văn hóa của 4 nước đến đây, ông đã đi Việt Nam 3 lần, mua 16 loại sản phẩm nông nghiệp như gạo, hạt tiêu v.v.... Ngoài ra, sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ nông nghiệp như nón lá Việt Nam hay những con rối nước biểu diễn chúc mừng mùa thu hoạch, cũng đều bay hàng ngàn dặm đến đây. Chỉ cần có vụ thu hoạch bội thu thì ắt sẽ có lễ chúc mừng, chẳng hạn như Tết giết sâu bọ của Việt Nam, lễ hội thu hoạch của Philippines, lễ hội Royal Ploughing Ceremony của Thái Lan và ngày tưởng nhớ nông nghiệp của Indonesia, tên gọi khác nhau, cách tạ ơn thần linh khác nhau, nhưng đều cùng tâm trạng giống nhau để bày tỏ lòng biết ơn đối với đất trời và ăn mừng mùa thu hoạch.

 


Múa rối nước là nghệ thuật biểu diễn trên mặt nước duy nhất trên thế giới, là một loại hình biểu diễn nhất định phải xem khi đi du lịch Việt Nam

Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đã có trên ngàn năm lịch sử, là loại hình biểu diễn múa rối trên mặt nước duy nhất trên thế giới, nội dung biểu diễn đa phần kể về những câu chuyện thần thoại và cuộc sống của người Việt Nam. Ngày xưa, múa rối nước chỉ biểu diễn vào mùa thu hoạch, ngày nay, để đáp ứng nhu cầu du lịch và giao lưu văn hóa quốc tế, múa rối nước đã trở thành loại hình biểu diễn nghệ thuật nhất định phải thưởng thức khi đi du lịch Việt Nam.

Đối với du khách Đài Loan, nhìn thấy múa rối nước thì sẽ liên tưởng đến múa rối tay của Đài Loan, vì cũng là hình ảnh lập thể, sân khấu có hình dạng ngói đỏ, trống, kèn suona ... và nghệ sĩ điều khiển con rối cũng không xuất hiện trên sân khấu. Tuy nhiên, nghệ sĩ điều khiển con rối tay là núp ở đằng sau bức màn, còn nghệ sĩ điều khiển rối nước là ngâm mình trong nước, núp ở đằng sau sân khấu, dùng que tre và sợi dây điều khiển con rối đang nổi trên mặt nước. Tại phòng chiếu phim của gian hàng văn hóa 4 nước cũng có thể xem được đoạn phim biểu diễn này, qua đó có thể tìm hiểu nền văn hóa truyền thống Việt Nam.

Đào Viên lần đầu tiên tổ chức Hội chợ nông nghiệp

Nếu chỉ nhìn các gian hàng lớn ở hội chợ nông nghiệp Đào Viên thì thật khó để tưởng tượng cách đây hai năm, đất nông nghiệp ở đây hầu như bị bỏ hoang, với sự hợp tác của Ủy ban nông nghiệp, chính quyền thành phố Đào Viên, Hội thủy lợi v.v.., nơi đây đã trở thành một công viên hội chợ nông nghiệp rộng lớn được lắp đặt bằng các tấm quang điện.“Trong thời gian diễn ra hội chợ cần sử dụng rất nhiều điện, nhưng chúng tôi có thể tự mình giải quyết”. Chủ nhiệm văn phòng Hội chợ nông nghiệp Đào Viên Khưu Phẩm Phương nói.

Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa phương đã làm cho hội chợ càng thêm phong phú, chẳng hạn như bồn cung cấp nước trà công nghệ là sự hợp tác giữa Hội chợ nông nghiệp và công ty TaTung, dùng kỹ thuật mới nhất là “không khí tạo ra nước”, hấp thu độ ẩm trong không khí và biến nó thành nước kiềm sạch sau ba lớp thanh lọc, mở vòi nước là có thể uống liền, chỉ cần đủ độ ẩm, lượng nước làm ra mỗi ngày có thể đáp ứng nhu cầu uống nước trong một ngày của 1.200 người thành niên.

 

Khách tham quan hội chợ nông nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong “Ngày đại sứ quốc tế”, Bộ Ngoại giao đã mời khách nước ngoài đến tham quan hội chợ nông nghiệp, tìm hiểu sự phát triển nông nghiệp của Đài Loan. Khách mời đều cho biết, họ có ấn tượng rất sâu sắc đối với nhà kính thông minh, máy gọt vỏ trái dứa trong 4 giây, máy nông nghiệp hái lá khoai lang....

Gian hàng văn hóa 4 nước vẫn tiếp tục mở cửa

Cho dù hội chợ nông nghiệp Đào Viên 2018 đã kết thúc, nhưng vẫn có rất nhiều gian hàng triển lãm nông nghiệp vẫn được giữ lại, trong đó, gian hàng văn hóa 4 nước sẽ tiếp tục mở cửa, hoan nghênh người dân đến làm quen với 4 nước.

“Đài Loan không chỉ là một nơi có môi trường tốt để làm việc”, ông Vương An Bang cảm ơn người dân của 4 nước đã hỗ trợ rất lớn cho Đài Loan, ông cũng hoan nghênh các bạn lao động nước ngoài “Có dịp hãy đến đây tham quan, làm quen với Đài Loan, cũng là để cho người dân thành phố Đào Viên có thể làm quen với nền văn hóa của 4 nước này”.

Đến Đào Viên thực hiện một chuyến du lịch giao lưu văn hóa địa phương và văn hóa Nam đảo với hành trình tham quan Gian hàng văn hóa 4 nước của Hội chợ nông nghiệp Đào Viên, sau đó đến cảng cá Yong An, Xin Wu, thăm Thiên Hậu Cung, Bengang, và còn có thể ghé thăm khu thương mại Đông Nam Á ở ga sau Đào Viên.