Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tha thiết tình đàn lưu luyến, người thợ đẽo đàn cổ cầm Lâm Lập Chính
2018-12-17

Tha thiết tình đàn lưu luyến, người thợ đẽo đàn cổ cầm Lâm Lập Chính

 

Năm 2003 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đưa nghệ thuật cổ cầm vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại. Nhưng trước đó, từ năm 1977 thì bản nhạc “Dòng nước chảy” mà nghệ sĩ chơi đàn cổ cầm bậc thầy Quản Bình Hồ (Guan Pinghu) diễn tấu đã được ghi âm trong đĩa vàng “The sound of earth”, cùng với con tàu vũ trụ của các nhà thám hiểm Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đi du hành không gian.
Con người không biết được rằng cho đến nay thì những người ở ngoài hành tinh có nghe thấy bản nhạc “Dòng nước chảy” hay chưa, nhưng ông Lâm Lập Chính lại bị rung động bởi khúc nhạc “Dòng nước chảy” được diễn tấu bằng nhạc cụ cổ cầm có lịch sử lâu đời này, từ đó ông bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề đẽo đàn (tức kỹ thuật chế tác đàn cổ cầm), và sửa chữa đàn cổ cầm.

 

Chọn gỗ tốt mới tạo được tiếng đàn hay

Ông Lâm Lập Chính (Lin Li-cheng) từng làm thuyền trưởng tàu cá viễn dương sinh sống lâu năm ở vùng biển cho biết, ông đã từng nghe bản nhạc “Dòng nước chảy” này rất nhiều lần rồi, nhưng bỗng một hôm, ông đã cảm nhận được khí thế cuồn cuộn trào dâng của dòng nước chảy qua âm thanh của đàn cổ cầm, tiếng đàn làm ông gợi nhớ đến ký ức của quãng đời đi biển, mọi sự bất lực và sợ hãi khi phải đối mặt với sóng gió đều nằm trong tay ông trời, và không khỏi sinh lòng kính nể đối với tự nhiên. Khi đó ông bị thu hút bởi âm sắc của đàn cổ cầm, còn khởi đầu công việc đẽo đàn là do người bạn nhờ làm. Bắt đầu từ đời nhà Đường, hình dáng và cách làm đàn cổ cầm không có nhiều thay đổi, cây đàn được ghép bằng hai tấm gỗ ở phía trên và phía dưới, rồi cho bào rỗng ruột phía bên trong để tạo sự cộng hưởng âm thanh, sau đó cho gắn 7 sợi dây đàn vào. Bản thân ông Lâm Lập Chính vốn có nghề mộc và nghề sơn căn bản rồi nên cảm thấy mình có thể làm được, do đó ông bắt đầu nghiên cứu tìm tòi theo sách cổ, trong quá trình này ông cũng xin bái bậc đại sư cổ cầm Tôn Dục Cần (Sun Yu-qin) làm thầy, ông Lâm Lập Chính giải thích rằng, thầy Tôn Dục Cần rất giỏi về diễn tấu chứ không nổi tiếng về tài nghệ làm đàn, tuy nhiên, thầy đã giúp ông gợi mở về quan niệm để có được hướng đi tốt.

Anh Lâm Pháp từ nhỏ đã đi theo cha học nghề đẽo đàn, vừa là trợ tá, vừa là bạn tri kỷ, cũng là người nối nghiệp của cha.Anh Lâm Pháp từ nhỏ đã đi theo cha học nghề đẽo đàn, vừa là trợ tá, vừa là bạn tri kỷ, cũng là người nối nghiệp của cha.

Ông Lâm Lập Chính năm nay đã ngoài 80 tuổi, hơn nửa đời người đều lăn lộn với nghề đẽo đàn và sửa chữa đàn. Năm 2009 ông được bình chọn là “Người bảo tồn kỹ thuật cho di sản văn hóa thành phố Đài Bắc”, là nghệ nhân đẽo đàn đầu tiên giành được sự khẳng định của cơ quan chính phủ.

Chọn gỗ tốt mới tạo được tiếng đàn hay

Âm thanh của đàn cổ cầm sẽ tùy thuộc vào gỗ, gỗ già là tốt nhất. Để chọn được vật liệu gỗ tốt, thời trẻ ngoài lúc đi biển, hễ cứ lên bờ là ông lại đi lên núi, đi dọc theo các dòng suối và thung lũng để tìm kiếm những cây gỗ bị gãy đổ. Ông giải thích rằng, những cây gỗ gãy đổ xuống nước, thì nhựa gỗ, protein và carbohydrate trong cành cây đều bị nước suối xối đi, khiến các khe hở trên vách tế bào gỗ trở nên rộng hơn, tạo sự cộng hưởng âm thanh càng hay hơn.

Có một năm, ông từng đi ngược lên thượng nguồn con sông Lập Vụ, bất chợt phát hiện một khúc cây khô dưới sông, là loại vật liệu gỗ tốt dùng để làm đàn. Ông Lâm Lập Chính cầm cưa lặn xuống nước, nỗ lực vật lộn với lực cản của dòng nước chảy xiết, vất vả lắm mới cưa được một khúc gỗ nhỏ. Sau này, ông đã dùng mảnh gỗ này làm được hai cây đàn, trong đó cây đàn mang tên “Cổ Giản Tuyền” là một trong những tác phẩm cổ cầm mà cho đến nay ông vẫn cảm thấy hài lòng nhất. Sau khi bán lại cây đàn “Cổ Giản Tuyền” cho người khác, đến tận bây giờ ông Lâm Lập Chính vẫn không có cơ hội gặp lại. Ông có một tâm nguyện rằng: “Ngoại hình và tay nghề sơn thời trước đều kém cỏi, tôi luôn mong muốn cây đàn (Cổ Giản Tuyền) có thể quay trở lại với tôi, tôi sẽ làm cho nó hoàn hảo hơn.”

Nhiều cây đàn cổ cầm được treo trong phòng làm việc của ông Lâm Lập Chính đang chờ hoàn thành.Nhiều cây đàn cổ cầm được treo trong phòng làm việc của ông Lâm Lập Chính đang chờ hoàn thành.

Tuổi ngày càng cao, sức khỏe của ông không còn chịu được những chuyến đi rừng vất vả nữa. Từ ngày quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan được mở rộng, ông Lâm Lập Chính mới chuyển hướng tìm kiếm vật liệu gỗ già từ Trung Quốc. Ông cho biết phải tìm đúng vật liệu thích hợp và tìm đúng chỗ, những vật liệu không được người khác ưa chuộng, trong mắt ông lại là loại gỗ quý, những khối gỗ mà người khác chẳng để mắt tới, trải qua quá trình cải tạo gọt đẽo bằng đôi tay khéo léo của chính nghệ nhân để tạo ra chiếc đàn cổ cầm trứ danh, đó chính là điều cuốn hút nhất.

Kỳ công đẽo gọt tạo ra cây đàn chất lượng

Các bước chế tác đàn, chủ yếu ông Lâm Lập Chính đều học từ sách cổ. Ông cho biết, phương pháp kỹ thuật được truyền lại từ thời xưa cho tới nay không thay đổi mấy, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu chuyên sâu, ông lý giải được rõ từng công đoạn, rồi thực hiện cải tiến tinh xảo hơn. Ví dụ như vật liệu của mặt đàn thường hay sử dụng loại gỗ ngô đồng hoặc cây sa mu có chất liệu mềm xốp; ở đáy hộp đàn thì có thể sử dụng gỗ mềm hay gỗ cứng đều được.

Ông Lâm Lập Chính hướng dẫn học trò từ Hồng Kông đến học nghề đẽo đàn, tài nghệ của ông đã trở nên nổi tiếng ở cả nước ngoài.Ông Lâm Lập Chính hướng dẫn học trò từ Hồng Kông đến học nghề đẽo đàn, tài nghệ của ông đã trở nên nổi tiếng ở cả nước ngoài.

Trong sách cổ có ghi chép rằng phải bôi một lớp vôi lên trên thân đàn, ông cũng làm theo bằng cách đến tiệm thuốc Bắc mua sừng hươu cho nghiền thành bột, sau đó đem trộn với sơn thô để làm thành chất liệu vôi sừng hươu. Ông Lâm Lập Chính giải thích rằng, với những hạt nhỏ của sừng hươu khi quan sát dưới kính hiển vi sẽ nhìn giống như khối kết tinh của tuyết, bên trong có rất nhiều khe hở, rồi đem pha chế với sơn thô đắp lên thân đàn, như vậy tất cả các yếu tố đều hỗ trợ cho cổ cầm truyền âm thanh và tạo sự cộng hưởng.

Trên bề mặt của thân đàn cho phủ lên lớp vôi sừng hươu còn mang tác dụng như gắn mát-tít. Nhờ có lớp vôi sừng hươu có thể ngăn vật liệu gỗ tiếp xúc với không khí, làm giảm tốc độ bị mài mòn biến dạng, có thể duy trì độ phẳng của mặt đàn.

Về quy trình chế tác, sau khi quét đều lớp vôi sừng hươu lên thân đàn, rồi đem treo cây đàn ở nơi khô ráo, thoáng mát từ 20 tới 30 ngày, đợi đến khi vôi sừng hươu khô hẳn, lấy đá mài chấm nước để mài nhẵn bề mặt đàn cho bằng phẳng, công đoạn quét vôi và sử dụng đá mài phải làm đi làm lại 3 lần. Để chế tác ra một chiếc đàn ít nhất phải mất một năm rưỡi, nếu làm theo kiểu “chỉ chạy theo lợi nhuận” thì sẽ bị thất bại.

Từ vật liệu, phụ kiện cho tới công đoạn đẽo đàn, đều do chính tay ông Lâm Lập Chính đích thân làm, không phải nhờ người khác. (1)Từ vật liệu, phụ kiện cho tới công đoạn đẽo đàn, đều do chính tay ông Lâm Lập Chính đích thân làm, không phải nhờ người khác.

Với những cách lý giải, phương pháp kỹ thuật và thái độ làm việc như vậy, ông đều truyền thụ từng bước một cho cậu con trai Lâm Pháp (Lin Fa) và các học trò. Từ năm 1974 chính thức hoàn thành cây đàn đầu tiên, trải qua 22 năm, ông Lâm Lập Chính tự nhận thấy kỹ thuật của mình đã trở nên thành thục, do đó kể từ năm 1996, ông mới chính thức thu nhận học trò để truyền nghề. Cho đến nay ông đã có hơn 60 học trò, trong đó còn có cả người đến từ Hồng Kông để theo học nghề đẽo đàn.

Khéo tay sửa đàn, khôi phục tiếng đàn xưa

Tiếng tăm về tay nghề làm đàn của ông Lâm Lập Chính đã lan dần ra trong giới cổ cầm, bắt đầu có người tìm đến ông để nhờ sửa đàn. Ông đã sửa chữa nhiều cây đàn cổ cầm trứ danh, bao gồm cây đàn “Tuyết Dạ Băng” của đời nhà Nguyên được lưu trữ tại Viện bảo tàng Quốc gia Cố Cung, cây đàn “Đồng Nhã” đời nhà Đường do danh nhân chơi đàn cổ cầm Trương Thanh Trị (Zhang Qingzhi) sưu tầm, cây cổ cầm “Tùng Phong Chí Hòa” đời nhà Tống của họa sĩ Thái Bản Liệt (Cai Benlie), cây đàn “Thanh Sơn” đời nhà Nguyên của ông Đường Kiến Viên (Tong Kin Woon) ở Hồng Kông và cây cổ cầm “Khanh Thiều” đời nhà Minh của người thầy Tôn Dục Cần, ngoài ra, còn có cây đàn “Ngọc Hồ Băng” đời nhà Tống, sau khi được ông “cấp cứu”, tất cả những cây đàn này đều được khôi phục lại để có thể phát ra âm thanh.

Từ vật liệu, phụ kiện cho tới công đoạn đẽo đàn, đều do chính tay ông Lâm Lập Chính đích thân làm, không phải nhờ người khác. (2)Từ vật liệu, phụ kiện cho tới công đoạn đẽo đàn, đều do chính tay ông Lâm Lập Chính đích thân làm, không phải nhờ người khác.

Cây cổ cầm “Tuyết Dạ Băng” do Viện bảo tàng Cố Cung ủy thác sửa chữa, ông Lâm Lập Chính đã sử dụng hơi nước cao áp và luồng khí lạnh thay nhau thổi vào bên trong đàn, khử đi mọi bụi bặm, mạt gỗ mục nát và mùi mốc trên thân đàn, rồi sửa và chấn chỉnh lại ngoại hình cho cây đàn. Ban đầu Viện bảo tàng Cố Cung chỉ yêu cầu ông giữ được sự nguyên vẹn của món cổ vật này là được rồi, tuy nhiên ông Lâm Lập Chính cho rằng “cây đàn là vật thể có sự sống, có âm thanh”, cho nên, ông đã mất rất nhiều công sức sửa chữa khôi phục để cây đàn có thể gảy được, đồng thời phát huy âm thanh tiềm tàng của nó.

Ông Lâm Lập Chính hồi tưởng trong số những cây cổ cầm đã qua tay ông sửa chữa, nghiêm trọng nhất là cây đàn “Đồng Nhã” đời nhà Đường. Khung đàn vẫn còn, nhưng vật liệu gỗ bên trong đã bị mọt ăn; bề mặt của cây đàn thì bị nứt nẻ bong tróc thành từng mảng tựa như mặt biển đóng băng bị vỡ ra dịp đầu xuân. Thậm chí tệ hơn nữa, trên mặt cây đàn trứ danh này còn có những dòng “lạc khoản” (dòng chữ ghi ngày tháng, tên người) của rất nhiều vị danh nhân, nên càng làm tăng thêm mức độ khó khăn trong sửa chữa và phục hồi.

Ông Lâm Lập Chính cho biết, phần gỗ ở phần bụng của đàn đã bị mọt đục rỗng hết rồi, khi không nhìn thấy được bên trong của cây đàn, thì chỉ còn cách đưa sợi dây thép mảnh vào để thăm dò tình trạng gỗ bị mọt ăn tới mức nào, rồi sử dụng thanh lạt tre được vót mỏng chấm chút sơn thô và vôi sừng hươu, nhẹ nhàng đưa vào chỗ bị hỏng, lấp đầy dần từng chút một phần gỗ bị mọt đục, để gia cố vật liệu gỗ. Lớp sơn bị bong tróc trên mặt đàn nếu còn sử dụng được thì dùng sơn thô dán lại vào chỗ cũ; còn nếu đã bị hỏng, chỉ còn cách phải sơn lại, và đồng thời phải lựa cắt từng miếng vỏ sơn mới tùy theo hình dáng của chỗ bị hỏng sau đó cho dán lại vào chỗ cũ.

Kỳ công đẽo gọt tạo ra cây đàn chất lượng

Cây cổ cầm “Ngọc Hồ Băng” của đời nhà Tống được sửa chữa phục hồi trong thời gian gần nhất, là do ông Lâm Lập Chính tìm được tại một quầy bán hàng lưu động ở Trung Quốc. Lần này ông sử dụng con dao lớn để bổ ra, tách riêng mặt đàn và đáy đàn, cho bào đi phần gỗ đã bị hỏng, vật liệu gỗ được dùng để thay thế cũng rất kỳ công, ông sử dụng gỗ của đời nhà Hán để sửa chữa cho cây đàn của đời nhà Tống, như vậy âm thanh mới khá giống nhau. Sửa chữa và phục hồi lại cây cổ cầm này đã mất hơn hai năm, không những tạo được âm thanh rất hay, mà còn trở thành cây cổ cầm dành riêng cho con trai Lâm Pháp sử dụng.

Người kế thừa cùng trưởng thành với đàn cổ cầm

Khéo tay sửa đàn, khôi phục tiếng đàn xưa

Giữa năm 2017, ông Lâm Lập Chính đã mở lớp học trải nghiệm kỹ thuật đẽo đàn, mọi công đoạn từ lựa chọn vật liệu, chế tác khung thô, bào gọt tạo dáng khuôn đàn, quét vôi, quét sơn, cố định hộp đàn, cho đến lên dây đàn đều là do ông đích thân truyền nghề cho học viên. Một mình ông phải đứng ra hướng dẫn cho 13 học viên, ông nói rất thật rằng: “Thật vất vả cho tấm thân già này.” Rất may là có con trai Lâm Pháp cùng với một nhóm sư huynh, sư tỷ đảm nhận làm trợ lý phụ giúp ông sắp xếp, chỉ đạo mọi công việc.

Anh Lâm Pháp là con trai thứ hai của ông Lâm Lập Chính, trong 4 anh em chỉ có mình anh Lâm Pháp thừa kế nghiệp cha. Ông Lâm Lập Chính cho biết, con trai Lâm Pháp đã theo ông làm việc lặt vặt ngay từ thuở nhỏ, nên có tay nghề chế tác đàn vững nhất. Ngày xưa những khi làm đàn không có dụng cụ cố định để ghì chặt, thế là ông bảo con trai ngồi ấn bên trên, anh Lâm Pháp chính là cậu bé ngồi trên đó và lớn lên cùng những cây đàn.

Người kế thừa cùng trưởng thành với đàn cổ cầm

Ông Lâm Lập Chính suy nghĩ sau này tới lúc vẫn phải để con trai kế nghiệp nghề làm cổ cầm của mình, nhưng sợ con trai không biết chơi đàn sẽ bị người ta nói này nói nọ, thế là ông thuyết phục con trai học chơi đàn, nhưng không ngờ anh Lâm Pháp lại rất có hứng thú, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành diễn tấu cổ cầm của Học viện Âm nhạc Trung ương Bắc Kinh, về Đài Loan, anh lại tiếp tục tu nghiệp tại Khoa âm nhạc truyền thống Trường đại học Nghệ thuật Quốc lập Đài Bắc, hiện nay là nhà diễn tấu cổ cầm chuyên nghiệp.

Trong lúc nhà báo tiến hành phỏng vấn, có một học trò mang ra hai cây đàn để thử âm. Bước này được thực hiện trước khi khớp đàn bằng cách dùng công cụ để mô phỏng lên dây, nghe âm thanh của phôi gỗ trước, nếu cảm thấy chưa ổn còn có thể chỉnh sửa lại được.

Năm 2003 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc đưa nghệ thuật cổ cầm vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể” của nhân loại.

Chỉ thấy anh Lâm Pháp nhanh nhẹn đeo công cụ thử âm vào tay, ngón tay nhanh chóng bấm dây đàn, gảy dây, lắng nghe âm thanh. Sau đó lật mặt đàn qua một bên, dùng cây bút khoanh tròn một vài vị trí, nói rằng phần bên trong đàn cần sửa cho mỏng hơn nữa, thì âm thanh mới hay được. Còn ông Lâm Lập Chính đứng ở bên cạnh thì nói rằng: “Bây giờ công việc thử âm đều giao cho con trai làm. Trong việc nghe âm thanh không ai có thể vượt được cậu ấy đâu. Nghe từ nhỏ tới lớn, lại học theo trường lớp về diễn tấu, các giáo sư theo phái học thuật đều không tiếp xúc với mảng chế tác đàn như thế này, nên chẳng ai có thể cảm nhận sâu sắc như cậu ấy đâu.” Trong lời nói của ông lộ rõ sự tự hào về người con trai và niềm vui bởi sự nghiệp cả đời của ông đã có người nối nghiệp.

Nhưng trước đó, từ năm 1977 thì bản nhạc “Dòng nước chảy” mà nghệ sĩ chơi đàn cổ cầm bậc thầy Quản Bình Hồ (Guan Pinghu) diễn tấu đã được ghi âm trong đĩa vàng “The sound of earth”, cùng với con tàu vũ trụ của các nhà thám hiểm Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đi du hành không gian.

Tại Zizoufang, xưởng chế tạo cổ cầm của ông Lâm Lập Chính vừa mới tổ chức cuộc triển lãm đẽo đàn, quang cảnh phòng làm việc còn vẫn rất bề bộn, không biết ông Lâm Lập Chính lục từ đâu ra ra một cây cổ cầm, giới thiệu đây là cây cổ cầm của đời nhà Thanh mà năm xưa ông đã nhận được tại Trung Quốc. Ông Lâm Lập Chính cho biết: “Đợi khi cây đàn này được sửa xong, âm thanh của nó sẽ tuyệt vời lắm.” Các học trò nghe ông nói vậy tỏ ra vô cùng phấn chấn, họ bắt đầu xúm lại thảo luận với nhau, vây lấy ông Lâm Lập Chính và nói: “Thầy ơi, hãy sửa cây đàn này đi! Sửa đi nha! Chúng ta cùng nhau sửa đàn nha.”

Đứng trước đám học trò đang phấn khởi hăng say như vậy, chỉ thấy ông Lâm Lập Chính nở nụ cười : “Ừ, cùng nhau sửa nào.”