Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tổng thống Thái Anh Văn trả lời phỏng vấn của “Nhật báo Shankei Shimbun”

Tổng thống Thái Anh Văn đã nhận lời phỏng vấn dành riêng cho “Nhật báo Shankei Shimbun” của Nhật Bản, trả lời câu hỏi của phương tiện truyền thông về các vấn đề: Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, quan hệ Đài Loan-Mỹ, quan hệ Đài Loan-Nhật Bản, v.v… (Ảnh: Twitter Tsai Ing-wen)

Tổng thống Thái Anh Văn đã nhận lời phỏng vấn dành riêng cho “Nhật báo Shankei Shimbun” của Nhật Bản, trả lời câu hỏi của phương tiện truyền thông về các vấn đề: Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, quan hệ Đài Loan-Mỹ, quan hệ Đài Loan-Nhật Bản, v.v… (Ảnh: Twitter Tsai Ing-wen)
 

 Gần đây, Tổng thống Thái Anh Văn đã nhận lời phỏng vấn dành riêng cho “Nhật báo Shankei Shimbun” của Nhật Bản, trả lời câu hỏi của phương tiện truyền thông về các vấn đề: Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, quan hệ Đài Loan-Mỹ, quan hệ Đài Loan-Nhật Bản, v.v…
 

 Nội dung chính của bài phỏng vấn Tổng thống như sau:
 

- Hỏi: Có người gọi quan hệ Mỹ-Trung hiện nay là “Chiến tranh lạnh mới”. Trong tình hình chiến tranh lạnh mới này sẽ mang lại ảnh hưởng như thế nào đối với Đài Loan? Nếu phải lựa chọn một trong hai khả năng: Đài Loan không trở thành nhân tố bất ổn định trong khu vực và nâng cao sự tham dự vào không gian quốc tế cho Đài Loan, Tổng thống sẽ ưu tiên chọn khả năng nào? Với sự nỗ lực như thế nào và cách làm cụ thể ra sao để khắc phục cửa ải khó khăn này?
 

- Tổng thống trả lời: Hiện nay chúng tôi đang đối mặt với tình thế này giữa Mỹ và Trung Quốc, nó thực sự mang đến một số tác động và ảnh hưởng đối với châu Á, đặc biệt là đối với các quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tất cả các nước thuộc khu vực này, bao gồm Nhật Bản cũng vậy, mọi người đều vô cùng thận trọng và rất tích cực ứng phó với những biến đổi và thách thức nảy sinh bởi tình hình cục diện Mỹ-Trung, không chỉ về mặt kinh tế và thương mại mà vấn đề an ninh và ổn định trong khu vực cũng chịu nhiều biến động.
 

 Kể từ sau khi tiếp nhận chính quyền vào năm 2016, chúng tôi đã thực sự bắt đầu chuẩn bị cho những cục diện biến đổi có thể sẽ xuất hiện này. Vì vậy, một mặt chúng tôi đưa nền kinh tế Đài Loan nhanh chóng bước vào thời kỳ chuyển đổi mô hình, giúp cho các ngành nghề mới của Đài Loan xuất hiện liên tục để các công nghệ và kỹ thuật sáng tạo trở thành nhân tố vô cùng quan trọng của chúng tôi trên trường quốc tế.
 

 Thứ hai là chúng tôi cũng mở rộng mối quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước trong Chính sách hướng Nam mới, ví dụ như Australia, New Zealand, Ấn Độ, v.v…, nhanh chóng mở rộng quan hệ qua lại về thương mại và kinh tế với các nước này.
 

 Thứ ba, chúng tôi cũng không ngừng tăng cường nhu cầu trong nước, vì vậy đã đầu tư một lượng lớn kinh phí cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở, đồng thời với việc khích lệ khối tư nhân tiến hành đầu tư, chúng tôi dùng phương pháp giảm thuế để khuyến khích tiêu dùng. Trong cục diện Mỹ-Trung hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại Trung Quốc trước đây đều muốn quay về Đài Loan hoặc chuyển xưởng sản xuất sang các nước khác, ví dụ như Đông Nam Á. Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan, hy vọng các doanh nghiệp có thể đưa các xưởng sản xuất và việc điều hành trở về Đài Loan. Nếu họ cần chuyển sang các nước khác, chúng tôi cũng sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ.
 

 Là nước có đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực, chúng tôi ở tư thế là quốc gia có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho hòa bình và ổn định trong khu vực này. Nhưng nếu gặp phải lúc chúng tôi thực sự cần bày tỏ lập trường quyết liệt của chúng tôi đối với sự việc, chúng tôi sẽ làm như thế nào? Thứ nhất, chúng tôi đứng trên lập trường không gây hấn vì hòa bình, ổn định trong khu vực, chúng tôi cũng xử lý mối quan hệ giữa hai bờ eo biển một cách cẩn trọng. Khi cần nói rõ vấn đề, chúng tôi sẽ nói với Trung Quốc một cách rõ ràng và cũng sẽ nói rõ với toàn thế giới. Ví dụ như ngày 2/1 năm nay, khi phía Trung Quốc nêu phương án “Một quốc gia, hai chế độ” thì đó là lúc chúng tôi phải đứng ra, nói rõ ràng với Trung Quốc: Người dân Đài Loan không thể chấp nhận phương án “Một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời chúng tôi cũng nói với toàn thế giới, đây không phải là điều người dân Đài Loan có thể chấp nhận. Vì vậy, một mặt chúng tôi áp dụng lập trường không gây hấn, nhưng mặt khác, đến lúc chúng tôi phải kiên quyết bảo vệ ranh giới cuối cùng, chúng tôi sẽ cất cao tiếng nói, không mập mờ thái độ của mình.
 

 Thứ hai là chúng tôi tranh thủ thêm sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế. Điều đầu tiên để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế chính là cùng chia sẻ những giá trị của chúng tôi với các nước bạn, cùng chia sẻ những lợi ích trên các mặt: Thương mại, kinh tế và các vấn đề an ninh khác, để hình thành nên quan niệm chung các bên cùng có lợi.
 

 Mặt khác, cũng phải để cho những người bạn của chúng tôi trên trường quốc tế hiểu được tầm quan trọng của việc Đài Loan tồn tại. Vị trí địa lý của Đài Loan đóng một vai trò không thể khuyết thiếu trong toàn bộ phương diện địa-chính trị. Đài Loan vừa hay nằm ở vị trí then chốt, nơi Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương. Đài Loan đóng một vai trò rất quan trọng về an ninh trong toàn bộ khu vực. Đài Loan có phải là nước dân chủ, tự do hay không là rất quan trọng đối với toàn thế giới.
 

 Các ngành nghề của Đài Loan, đặc biệt là ngành bán dẫn và còn rất nhiều các ngành nghề then chốt khác, chúng tôi đều chiếm vị trí dẫn đầu, vô cùng quan trọng. Ngày nay, rất nhiều người lo âu về tính an toàn của sản phẩm, tôi tin tưởng các linh kiện bán dẫn do Đài Loan sản xuất hoặc các linh kiên, phụ kiện then chốt khác đều an toàn đối với các nước. Đài Loan là nguồn cung cấp an toàn nhất về các linh, phụ kiện then chốt và các sản phẩm liên quan đến bán dẫn. Đây là việc rất có ý nghĩa đối với thế giới.
 

 Thứ ba, nền dân chủ ở Đài Loan và sự kiên quyết của Đài Loan đối với nhân quyền và rất nhiều giá trị khác, thực sự là một tấm gương. Hiện nay, rất nhiều quốc gia cho rằng: Để phát triển kinh tế có thể hy sinh sự phát triển dân chủ nhưng Đài Loan đã chứng minh: Phát triển kinh tế có thể đi đôi với phát triển dân chủ và hơn thế là cùng hỗ trợ lẫn nhau, cùng nâng đỡ nhau. Sự phát triển dân chủ ở Đài Loan là một tấm gương vô cùng quan trọng trong tiến trình dân chủ của toàn thế giới.
 

 Chúng tôi hy vọng toàn thế giới đều biết được tầm quan trọng của việc Đài Loan tồn tại, quý trọng sự tồn tại của Đài Loan, mang đến sự ủng hộ tối đa lúc Đài Loan cần đến. Cùng lúc là người đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực, là cách làm thế nào để đảm bảo cho an ninh của Đài Loan.
 

 - Hỏi: Chủ tịch Tập Cận Bình biết rõ nhân dân Đài Loan không chấp nhận phương án “Một quốc gia, hai chế độ” nhưng lại nhiều lần đưa ra kiến nghị như vậy trong ngày 2/1. Tổng thống cho rằng dụng ý của ông Tập Cận Bình là gì?
 

- Tổng thống trả lời: Chúng tôi không muốn suy đoán quá mức về cách nói như vậy của ông ta trong ngày 2/1, nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã nói rất rõ ràng trong ngày 2/1: Người dân Đài Loan không thể chấp nhận phương án “Một quốc gia, hai chế độ”. Chúng tôi cũng hy vọng phía Trung Quốc có thể tìm hiểu thấu đáo suy nghĩ của người dân Đài Loan đối với phương án “Một quốc gia, hai chế độ”.
 

- Hỏi: Sự thực là đến Quốc Dân Đảng cũng không thể chấp nhận được phương án “Một quốc gia, hai chế độ”, toàn thế giới đều hiểu được Đài Loan tuyệt đối không thể chấp nhận “Một quốc gia, hai chế độ”. Đài Loan có thể áp dụng những hành động tích cực để đề xướng hoặc thông báo với toàn thế giới: Đài Loan không thể chấp nhận phương án “Một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc đại lục rút lại đề nghị “Một quốc gia, hai chế độ”?
 

- Tổng thống trả lời: Chúng tôi đã nói rất rõ ràng, nhân dân Đài Loan không chấp nhận phương án “Một quốc gia, hai chế độ”, cho dù là các chính đảng khác nhau tại Đài Loan cũng đều có thái độ như nhau, cộng đồng quốc tế cũng đều biết rõ. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số những người quan tâm đến Đài Loan hoặc quan tâm đến mối quan hệ giữa hai bờ eo biển đều hiểu rõ phương án “Một quốc gia, hai chế độ” thực sự không giải quyết được vấn đề hai bờ eo biển. Nếu mọi người đều có thể phát biểu một cách rõ ràng, tôi tin rằng phía Trung Quốc sẽ phải gánh chịu áp lực mà họ đáng phải chịu.
 

 Tôi tin rằng rất nhiều tổ chức phi chính phủ, rất nhiều đoàn thể quan tâm đến các giá trị nhân quyền, dân chủ… trên toàn thế giới, mọi người đều có thể lên tiếng phát biểu thì sẽ trở thành một cộng đồng quốc tế, bất kể là chính phủ hay phi chính phủ, tư nhân hay giới dư luận.
 

- Hỏi: Trung Quốc nêu việc chấp nhận cái gọi là “Nguyên tắc một Trung Quốc” là điều kiện tiền đề để khôi phục các cuộc đàm phán đối thoại giữa hai bờ eo biển. Sau khi Chính phủ Thái Anh Văn lên nắm quyền, hiện nay mọi cuộc đàm phán giữa hai bờ eo biển đều ở trạng thái ngưng trệ. Bà có thấy nhất định phải khôi phục lại đối thoại đàm phán giữa hai bờ eo biển không?
 

- Tổng thống trả lời: Việc khôi phục đối thoại đàm phán giữa hai bờ eo biển đều có lợi cho cả hai bên và giảm bớt những phán đoán sai lầm về mặt tình thế. Do có lợi cho cả hai bên, nên phía Trung Quốc càng không nên áp đặt điều kiện chính trị hay khuôn khổ chính trị lên việc khôi phục trao đổi giữa hai bên. Việc áp đặt điều kiện chính trị lên một việc mà cả bên cùng có lợi và có lợi cho sự ổn định cũng như hòa bình trong khu vực, tôi tin là điều bất hợp lý.
 

- Hỏi: Mỹ hiện nay đã thông qua “Đạo luật Du lịch Đài Loan”, xin hỏi Tổng thống có dự định đến thăm Washington hay nước Mỹ nói chung? Liệu bà có hy vọng sẽ cùng gặp mặt và trao đổi ý kiến với Tổng thống Donald Trump. Nếu có hy vọng và kỳ vọng như vậy, bà cho rằng thời điểm nào là thích hợp nhất có thể thực hiện?
 

- Tổng thống trả lời: Chúng tôi vô cùng cảm ơn trong mấy năm qua, bất kể là các bộ ngành hành chính hay ban ngành tư pháp Mỹ, đều rất ủng hộ và thân thiện với Đài Loan. Đặc biệt, Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều đạo luật ủng hộ Đài Loan, các bộ ngành hành chính Mỹ cũng rất ủng hộ chúng tôi bằng các hành động thực tế. Mối quan hệ giữa Đài Loan với Mỹ trong những năm qua là vô cùng mật thiết và vẫn đang tiếp tục tiến triển. Các chuyến công du của tôi tới các quốc gia khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ đều phải quá cảnh tại nước Mỹ. Việc Tổng thống Đài Loan đến nước Mỹ, trước đây bất luận ai làm Tổng thống đều là chuyện thường diễn ra. Còn về vấn đề đến thăm chính thức nước Mỹ thì phải đánh giá một cách thận trọng. Chúng ta phải cân nhắc mối quan hệ giữa Đài Loan với Mỹ, mặt khác phải lo lắng cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Hy vọng có một ngày có thể nâng tầm mối quan hệ và ý nghĩa thực chất về mặt tương tác giữa Đài Loan với Mỹ.
 

- Hỏi: Tháng 6 năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn của Nhật báo Shankei Shimbun, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ngô Chiêu Nhiếp đề cập đến vấn đề giữa Đài Loan và Nhật Bản nên thiết lập cơ chế đối thoại có liên quan đến đảm bảo an ninh. Tổng thống có cho rằng giữa Đài Loan và Nhật Bản, đặc biệt là giữa các bộ ngành chính phủ cũng nên xây dựng cơ chế đối thoại đảm bảo an ninh hay không?
 

- Tổng thống trả lời: Chúng tôi cũng giống Nhật Bản, phải đối mặt với mối đe dọa an ninh trên nhiều lĩnh vực. Vì chúng ta đều nằm ở Đông Á, tại khu vực này của châu Á, rất nhiều nguồn gốc đe dọa an ninh có thể đồng thời tác động mạnh lên cả Đài Loan và Nhật Bản. Vì vậy, sự hợp tác về vấn đề an ninh giữa Đài Loan và Nhật Bản rất cần nâng cao cấp độ đối thoại và khía cạnh thực chất trong việc xử lý các vấn đề.
 

 Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng Abe Shinzo, trong giai đoạn giữ chức vụ Thủ tướng Nhật Bản hiện nay, ông Abe đã có sự ủng hộ rất lớn đối với Đài Loan và cũng vô cùng thân thiện với Đài Loan, ông Abe đã thực hiện một số quyết định mang tính đột phá. Chúng tôi cũng hy vọng không chỉ nâng tầm mối quan hệ với Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế và thương mại, tôi tin rằng đối thoại trong các vấn đề đảm bảo an ninh cũng vô cùng quan trọng. Đây là việc rất quan trọng, phải tiếp tục tăng cường trong quan hệ giữa hai nước.
 

- Hỏi: Tổng thống trông đợi sẽ tăng cường đối thoại, trao đổi về đảm bảo an ninh với Nhật Bản trong những lĩnh vực nào?
 

- Tổng thống trả lời: Hình thức đối thoại trao đổi theo cách nào, chúng tôi sẽ tôn trọng các ý tưởng của Nhật Bản, chúng tôi rất chú trọng đến việc xử lý các vấn đề thực chất. Về vấn đề đảm bảo an ninh, ngoài phương diện quân sự truyền thống, thực sự chúng tôi cũng hy vọng có thêm nhiều cơ hội trao đổi ý tưởng về các mối đe dọa an ninh mới. Ví dụ, chúng tôi hy vọng thảo luận thêm về chiến tranh mạng (cyber warfare), thậm chí là nguồn gốc của nhiều mối đe dọa phi truyền thống. Điều tôi muốn đặc biệt nhắc đến chính là Nhật Bản là một quốc gia dân chủ, Đài Loan cũng là một quốc gia dân chủ, nhưng cùng là quốc gia dân chủ, hiện nay đều phải đối mặt với một vấn đề, đó là cơ chế dân chủ của chúng ta liệu có bị phá hoại không? Hậu quả là nền dân chủ biến thành một cơ chế dân chủ không hoàn chỉnh và không thể hoạt động lành mạnh. Đây là thách thức lớn nhất đối với chúng ta. Thao tác mạng từ một quốc gia nhất định nào đó hoặc dùng tiền hay các thủ đoạn khác để thao túng các phương tiện truyền thông, hoặc áp dụng đối với người dân bình thường, thậm chí sử dụng cho các nhân vật chính trị quan trọng hoặc những người khác, tất cả đều là những xâm phạm nhỏ giọt đến cơ chế dân chủ của một quốc gia.
 

- Hỏi: Tổng thống có trông đợi sẽ tăng cường hợp tác Đài Loan-Nhật Bản về vấn đề tấn công mạng và đội quân mạng, cùng ứng phó các cuộc tấn công mạng?
 

- Tổng thống trả lời: Vấn đề an ninh hiện nay không chỉ là tấn công quân sự từ bên ngoài theo kiểu truyền thống mà còn có sự tấn công từ trong nội bộ khiến xã hội bị tê liệt, hoặc là việc gây tổn hại cho cơ chế xã hội, gây ra sự hỗn loạn trong nội bộ. Đây là nguồn gốc mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh mà xã hội dân chủ hiện nay phải đối mặt.
 

 Sự thao túng trên mạng khiến chúng ta ngày càng lo ngại, trên mạng Internet có cái gọi là đội quân mạng, đó không phải là không phải là những người sử dụng mạng Internet một cách chính thống để làm việc hay sinh hoạt mà là một nhóm người thao túng mạng được lập nên với mục đích chính trị hoặc quân sự. Cái gọi là đội quân mạng này, có một số quốc gia nhất định đang tổ chức đội quân mạng với số lượng lớn trong khi các tài khoản thao túng của đội quân mạng lại ở các quốc gia khác nhau. Các đội quân mạng này nhanh chóng phát tán các tin tức giả để đánh lừa người sử dụng mạng theo hướng sai lệch trong thời gian ngắn.
 

 Bất kể là tạo ra, phát tán các tin giả hay xóa bình luận của những người không cùng ý kiến với mình, đe dọa trên mạng Internet, đây đều là những sự việc vô cùng nghiêm trọng xâm hại đến nền dân chủ, gây ra sự méo mó cực đoan trong ngôn luận và thị trường thông tin. Đài Loan là quốc gia đầu tiên bị tác động, các nước khác có lẽ hiện nay hoặc trong tương lai cũng phải đối mặt với điều này.
 

- Hỏi: Thưa bà, có khả năng hợp tác giữa Đài Loan và Nhật Bản trong việc trao đổi và chia sẻ những thông tin quân sự về các mối đe dọa ngay lập tức không?
 

- Tổng thống trả lời: Về việc chia sẻ thông tin an ninh với phía Nhật Bản, chúng tôi có thái độ tương đối cởi mở. Chúng tôi cũng trông đợi phái Nhật Bản có thể khắc phục những trở ngại pháp luật để tạo cơ hội cùng hợp tác và trao đổi thông tin một cách có hiệu quả.
 

- Hỏi: Bà vừa đề cập đến mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ đội quân mạng, bao gồm cuộc bầu cử “9 trong 1” tại Đài Loan cũng bị gây tổn hại. Bà có thể nói rõ một cách cụ thể những vấn đề nào đã bị ảnh hưởng do các tin tức giả của Trung Quốc, phá hoại cơ chế dân chủ của Đài Loan?
 

- Tổng thống trả lời: Trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử vào năm ngoái, đích thực là có một số tin tức giả xuất phát từ Trung Quốc.
 

- Hỏi: Cần sử dụng những phương pháp cụ thể nào để bãi bỏ lệnh cấm đối với thực phẩm từ 5 tỉnh trong đó có tỉnh Fukushima?
 

- Tổng thống trả lời: Chúng tôi là nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì vậy phải thi hành các nghĩa vụ liên quan của WTO, tuân thủ các quy định pháp quy của WTO trong việc xử lý các vấn đề thương mại. Nhìn từ một góc độ khác, chúng tôi cũng bị ràng buộc bởi kết luận của cuộc trưng cầu dân ý, Chính phủ phải tuân thủ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý trong khi thời hạn có hiệu lực của kết quả này là hai năm. Do đó, theo thông lệ chung của WTO, tức là về mặt thực thi nghĩa vụ quốc tế, khi chịu sự ràng buộc của luật pháp trong nước, phải cùng trao đổi với quốc gia bị ảnh hưởng. Hiện nay chúng tôi vẫn đang đi theo tinh thần của WTO, hy vọng sẽ trao đổi một số phương án với chính phủ Nhật Bản.
 

 Số lượng và chất lượng thương mại của Đài Loan thực sự đều rất tốt, năng lực tiêu dùng của người Đài Loan cũng rất mạnh. Kim ngạch nhập khẩu của Đài Loan mỗi năm đều đạt trên 250 tỷ đô la Mỹ và là thị trường vô cùng quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Người Đài Loan rất thích các sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản, nếu chúng tôi có thể gia nhập CPTPP, tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản được nhập khẩu vào Đài Loan. Với sức mua của người Đài Loan, nếu lấy PPP (Sức mua tương đương) để tính toán, trong số tất cả các quốc gia gia nhập CPTPP, chúng tôi chỉ đứng sau Singapore và Brunei.
 

 Dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, rất nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang được tái tổ hợp. Nếu Đài Loan có thể gia nhập CPTPP, chúng tôi sẽ cùng các nước trong CPTPP, đặc biệt là Nhật Bản, có thể hình thành chuỗi cung ứng mới vững chắc và có sức cạnh tranh hơn nữa. Nói một cách đơn giản, nếu Đài Loan gia nhập CPTPP, với số lượng và chất lượng thương mại của Đài Loan, đồng thời nhìn từ thực chất nền kinh tế Đài Loan, đều sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực cho các quốc gia trong CPTPP.
 

- Hỏi: Tổng thống có cái nhìn thế nào đối với “Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim” diễn ra tại Hà Nội?
 

- Tổng thống trả lời: “Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim” đại diện cho tiến trình phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên. Là một thành viên trong khu vực, chúng tôi đương nhiên không mong muốn tình trạng cạnh tranh vũ khí hạt nhân xuất hiện trong khu vực, đồng thời cũng vô cùng kỳ vọng đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi cũng hy vọng “Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim” sẽ có những tiến triển và quy hoạch một cách thực chất cho cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân trong khu vực hoặc quá trình phi hạt nhân hóa.
 

 Đài Loan sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế, thực thi các biện pháp cấm vận và trừng phạt có liên quan, nhưng nếu cần có sự tham dự hay phối hợp của Đài Loan trong tổng thể tiến trình phi hạt nhân hóa, chúng tôi cũng sẽ tích cực thực hiện.