Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Khách du lịch từ các nước trong Chính sách hướng Nam mới dần trở thành chủ lực của ngành du lịch Đài Loan
2019-03-07

Số khách du lịch Đông Nam Á bắt đầu tăng rõ rệt kể từ khi Chính phủ thúc đẩy Chính sách hướng Nam vào năm 2016. Năm 2018, số du khách từ 18 nước trong Chính sách hướng Nam mới đã lập kỷ lục mới với 2,59 triệu lượt khách, chiếm gần1/4 tổng số khách du lịch Đài Loan trong năm này. Ảnh chụp khách du lịch tại chợ đêm Sỹ Lâm (Ảnh: Cục Du lịch)

Số khách du lịch Đông Nam Á bắt đầu tăng rõ rệt kể từ khi Chính phủ thúc đẩy Chính sách hướng Nam vào năm 2016. Năm 2018, số du khách từ 18 nước trong Chính sách hướng Nam mới đã lập kỷ lục mới với 2,59 triệu lượt khách, chiếm gần1/4 tổng số khách du lịch Đài Loan trong năm này. Ảnh chụp khách du lịch tại chợ đêm Sỹ Lâm (Ảnh: Cục Du lịch)
 

 Tổng số khách du lịch nước ngoài đến Đài Loan năm 2018 đạt 11,06 triệu lượt người, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay và liên tục trong 4 năm đột phá ngưỡng 10 triệu lượt du khách.
 

 Theo số liệu từ năm 2001 trở lại đây, có thể lấy số lượt du khách đến Đài Loan năm 2009 làm điểm mốc phân định. Trước tháng 3/2009, ngoài tháng 6/2003 có số lượng du khách từ Trung Quốc nhiều hơn một chút so với Nhật Bản, 98 tháng còn lại đều cho thấy số lượng khách du lịch Nhật Bản là đông nhất, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10, Trung Quốc, Hồng Kông-Macau và Nhật Bản thay nhau dẫn đầu. Từ sau đó, Trung Quốc chỉ bị Nhật Bản vượt qua vào tháng 9/2011 và tháng 3/2018, 108 tháng còn lại, Trung Quốc đều là khu vực có nguồn khách du lịch lớn nhất.
 

 Những năm gần đây, kết cấu và thói quen tiêu dùng của khách du lịch nước ngoài đến Đài Loan đã có sự thay đổi:
 

Số lượng khách du lịch tăng trưởng theo từng năm, chỉ có năm 2003 là ngoại lệ

 Kể từ năm 2001 đến nay, số lượng du khách hàng năm đều tăng trưởng, chỉ có năm 2003, do xảy ra đại dịch SARS, nên số lượng khách du lịch giảm mạnh. Khi đó, để phòng chống dịch bệnh lây lan, đã có một dạo Đài Loan phải hạn chế khách du lịch từ khu vực Hồng Kông, Macau nhập cảnh; thêm vào đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa Đài Loan vào danh sách cảnh báo du lịch, hầu như không có khách du lịch đi theo đoàn nên đã giáng đòn mạnh vào thị trường du lịch Đài Loan.
 

 Từ năm 2001 đến năm 2009, Nhật Bản luôn là nước có nguồn khách du lịch chính của Đài Loan, ngôi vị đó được giữ vững trong 9 năm liên tiếp. Số lượt du khách Nhật Bản đến Đài Loan năm 2001 là 977.000 lượt người, gấp 2,2 lần so với khu vực đứng thứ 2 là Hồng Kông, Macau, gấp 2,8 lần nước đứng thứ 3 là Mỹ và gấp 4,6 lần nước đứng thứ 4 là Trung Quốc. Cho dù bị Trung Quốc vượt qua vào năm 2010 nhưng số lượt du khách từ Nhật Bản đến Đài Loan vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm qua.
 

Năm 2013 Hàn Quốc rộ lên phong trào du lịch Đài Loan

 Tháng 8/2013, tiết mục giới thiệu du lịch của Hàn Quốc mang tên “Grandpas Over Flowers” đã đến quay tại Đài Loan, không ngờ đã làm rộ lên phong trào đi du lịch Đài Loan. Số lượng du khách Hàn Quốc đến Đài Loan trong năm 2013 lên đến 350.000 người, tăng 35% so với năm trước đó. Năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng du lịch lên đến 50%, đạo diễn Na Young-seok vì vậy còn được trao Giải thưởng cống hiến du lịch Đài Loan.
 

Làn sóng du khách Trung Quốc tăng đột biến vào năm 2009, giảm mạnh vào năm 2016

 Trước năm 2008, mỗi năm chỉ có khoảng từ 200.000 người đến 300.000 người Trung Quốc đến Đài Loan du lịch, năm 2009 tăng đột biến lên 970.000 người. Năm 2015 là năm đạt đỉnh cao với 4,18 triệu người. Năm 2016, số lượt khách Trung Quốc dần dần giảm đi nhưng Trung Quốc vẫn giữ vững ngôi vị dẫn đầu.
 

Số lượng du khách Đông Nam Á bắt đầu tăng rõ rệt từ năm 2016

 Chính phủ Thái Anh Văn thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới kể từ sau khi lên nắm quyền vào năm 2016. Năm 2018, số lượng du khách từ 18 nước trong Chính sách hướng Nam mới đã lập kỷ lục mới với 2,59 triệu lượt khách, tăng 45% so với năm 2016, đồng thời chiếm gần1/4 tổng số khách du lịch Đài Loan trong năm này, thu hẹp khoảng cách chỉ còn kém 100.000 lượt người so với lượng du khách Trung Quốc vẫn đang xếp thứ nhất.
 

 Trong 18 nước thuộc Chính sách hướng Nam mới, 6 nước dẫn đầu về số lượng khách du lịch đến Đài Loan năm 2018 gồm: Malaysia, Việt Nam, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia; trong đó, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam và Philippines là cao nhất, so với năm 2017, số lượng khách du lịch Việt Nam đã tăng 28% và số lượng du khách Philippines tăng 44%.
 

Du khách nước nào có sức tiêu dùng mạnh nhất? Bình quân mỗi người tiêu hết bao nhiêu tiền?

 Nhật Bản vẫn luôn là nhóm du khách có “tiêu dùng bình quân mỗi người mỗi ngày” cao nhất. Từ năm 2008 đến năm 2017, tổng chi phí tiêu dùng bình quân mỗi người mỗi ngày (bao gồm phí thuê khách sạn, chi phí ăn uống ngoài khách sạn, phí giao thông đi lại trong nội địa Đài Loan, chi phí giải trí, chi phí lặt vặt, chi phí mua sắm, v.v…) của du khách Nhật Bản vẫn là cao nhất.
 

 Tuy nhiên, từ năm 2011, năng lực tiêu dùng của du khách nhiều nước bắt đầu có xu hướng giảm xuống. Năng lực tiêu dùng của khách Nhật Bản đến Đài Loan du lịch đạt mức cao nhất vào năm 2011; sau đó, do các yếu tố như: đồng Yên Nhật mất giá, nền kinh tế chưa khởi sắc cộng thêm việc tăng thuế tiêu dùng nên sức tiêu dùng dần dần giảm đi. Năm 2013, Trung Quốc ban hành Luật Du lịch và lệnh cấm tiêu dùng xa hoa cũng tác động mạnh đến thị trường du lịch và năng lực tiêu dùng của khách du lịch.
 

 Phân tích kỹ về tình hình tiêu dùng, “chi phí cho khách sạn” và “chi phí mua sắm” là các mục tiêu dùng chính của du khách đến Đài Loan, hai mục này chiếm từ 60% đến 70% trong tổng chi phí tiêu dùng. “Chi phí cho khách sạn” của du khách Nhật Bản là cao nhất, năm 2017, mỗi người mỗi ngày tiêu khoảng 102 đô la Mỹ cho chi phí này. “Chi phí mua sắm” của du khách Trung Quốc là lớn nhất, Trung Quốc duy trì vị trí đứng đầu về chi phí mua sắm trong gần 10 năm qua.

 

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)