Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tổng thống Thái Anh Văn xác lập cơ chế ứng phó “Phương án một quốc gia, hai chế độ”

Ngày 11/3/2019, Tổng thống Thái Anh Văn đã đưa ra cương lĩnh chỉ đạo việc ứng phó và chống lại phương án “Một quốc gia, hai chế độ” làm nguyên tắc hành động cho lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các cơ quan hành chính (Ảnh: Phủ Tổng thống)

Ngày 11/3/2019, Tổng thống Thái Anh Văn đã đưa ra cương lĩnh chỉ đạo việc ứng phó và chống lại phương án “Một quốc gia, hai chế độ” làm nguyên tắc hành động cho lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các cơ quan hành chính (Ảnh: Phủ Tổng thống)
 

 Nhằm ứng phó một cách có hiệu quả và chống lại sự thách thức lớn của phương án “Một quốc gia, hai chế độ” đối với an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước và nền tự do dân chủ của Trung Hoa Dân Quốc, ngày 11/3/2019, Tổng thống Thái Anh Văn đã triệu tập Hội nghị An ninh Quốc gia, lắng nghe báo cáo từ các cơ quan hữu quan và tiến hành thảo luận các vấn đề giữa hai bờ eo biển, ngoại giao, kinh tế và dân chủ pháp chế. Sau khi kết thúc hội nghị, Tổng thống đã đưa ra cương lĩnh chỉ đạo việc ứng phó và chống lại phương án “Một quốc gia, hai chế độ” làm nguyên tắc hành động cho lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia và các cơ quan hành chính để đối đầu với thử thách này.
 

 Dưới đây là nội dung chính bài phát biểu của Tổng thống:
 

 Vào ngày 2/1 năm nay, trong bài phát biểu kỉ niệm 40 năm của cái gọi là “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch rõ tiến trình thống nhất của phương án “Một quốc gia, hai chế độ”. Trong kỳ họp “Lưỡng hội” được triệu tập gần đây của Trung Quốc, nội dung phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng được liệt vào hạng mục chính yếu trong công tác đối phó với Đài Loan từ nay về sau.
 

 Những hành động này cho thấy, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã đưa việc thống trị Đài Loan vào trong nghị trình chính trị, việc này sẽ đẩy quan hệ giữa hai bờ eo biển bước vào một giai đoạn cực kỳ căng thẳng và phức tạp.
 

 Chính sách hai bờ eo biển của Chính phủ Đài Loan hiện nay là duy trì hiện trạng, tức là bảo vệ hiện trạng về chủ quyền độc lập của Trung Hoa Dân Quốc. Phương án “Một quốc gia, hai chế độ” không chỉ đơn phương phá vỡ hiện trạng, hơn nữa cho thấy ý đồ xóa bỏ chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc, ép buộc Đài Loan phải chịu sự thống trị của Trung Quốc. Từ kết quả của nhiều cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, đại đa số người dân Đài Loan không thể chấp nhận điều này.
 Cũng vào ngày 2/1, tôi đã đại diện cho ý kiến của người dân Đài Loan để hồi đáp “phương án một quốc gia, hai chế độ”.
 

 Bất cứ chính phủ nào cầm quyền tại Đài Loan, cũng đều mong muốn hai bờ eo biển bình thường hóa quan hệ, giao lưu hòa hợp. Từ khi lên nhậm chức, tôi luôn đi theo phương châm không khiêu khích, không đối kháng, không tạo căng thẳng giữa hai bên, cũng không gây xung đột quân sự giữa hai bờ eo biển. Nhưng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lợi dụng thể chế dân chủ tự do và cởi mở của chúng ta để can thiệp vào chính trị, kinh tế và sự phát triển xã hội của Đài Loan, gây ra nguy cơ lớn nhất cho Đài Loan hiện nay.

 Vì vậy, trong bài phát biểu đầu năm mới, tôi đã đưa ra ba mạng lưới bảo vệ cho việc trao đổi giữa hai bờ eo biển: Đó là an ninh dân sinh, an ninh thông tin và mạng lưới bảo vệ dân chủ.
 

 Tôi nhấn mạnh một lần nữa, chính phủ mà tôi lãnh đạo sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định giữa hai bờ eo biển, ủng hộ sự trao đổi bình thường giữa hai bờ eo biển. Tuy nhiên chúng tôi kiên quyết phản đối phương án một quốc gia, hai chế độ và cũng từ chối mọi sự sắp xếp mang tính chuyển tiếp thống nhất. Đây không phải sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, mà là sự lựa chọn giữa duy trì nền chủ quyền hiện có hay bị Trung Quốc thống trị.
 

 Đối mặt với thách thức “Một quốc gia, hai chế độ”, các nhà lãnh đạo chính trị Đài Loan phải chịu trách nhiệm với việc bảo vệ chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc, duy trì lối sống tự do dân chủ, duy trì hòa bình tại eo biển Đài Loan và trong khu vực, gìn giữ quyền tự do lựa chọn cho các thế hệ sau.
 

 Năm nay là tròn 100 năm phong trào Ngũ Tứ , đồng thời kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn. “Dân chủ” mới là từ khóa cho quan hệ giữa hai bờ eo biển trong năm nay.
 

 Tôi trịnh trọng kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh, mấu chốt cho sự phát triển hòa bình giữa hai bờ eo biển là ở chỗ Trung Quốc có thể tiến lên xã hội dân chủ hay không. Chỉ khi hai bờ eo biển đều áp dụng thể chế dân chủ mới có thể trao đổi bình đẳng, chung sống hòa bình, hóa giải khác biệt, mang đến cơ hội và hy vọng.
 

 Chúng ta không phản đối trao đổi giao lưu, chúng ta chỉ phản đối phương án “Một quốc gia, hai chế độ”. Chúng ta ra sức theo đuổi hòa bình, tất cả các biện pháp tăng cường quốc phòng đều là để phòng tránh xung đột. Đối diện với tình thế giữa hai bờ eo biển, Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia, mở ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai bên thông qua sự cởi mở tự do dân chủ. Chúng tôi có niềm tin vào các giá trị phổ quát mà Đài Loan theo đuổi và tin tưởng vào nền kinh tế, xã hội cũng như chế độ dân chủ của Đài Loan.
 

Cương lĩnh chỉ đạo ứng phó và chống lại phương án “Một quốc gia, hai chế độ”:
 Để ứng phó với thách thức lớn đe dọa an ninh quốc gia mà phương án này đem lại, để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền tự do lựa chọn tương lại đất nước cho người Đài Loan thế hệ sau, Tổng thống đưa ra cương lĩnh chỉ đạo này làm nguyên tắc hành động cho lực lượng an ninh quốc gia và các cơ quan hành chính, tăng cường hành động bảo vệ an ninh quốc gia, tránh gây tác động đến sự vận hành bình thường của nền kinh tế, xã hội Đài Loan.
 

 Quan hệ giữa hai bờ eo biển: Nhìn nhận đúng đắn sự trao đổi giữa hai bên, kiên quyết thực hiện nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, lấy dân chủ làm nền tảng, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia dân chủ, thực hiện xem xét toàn diện các quy định liên quan đến trao đổi giữa hai bờ eo biển. Tích cực chống lại việc Trung Quốc lấy cớ trao đổi để thâm nhập, can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Đài Loan.
 

 Dân chủ pháp chế: Khẩn trương thúc đẩy sửa đổi điều lệ hai bờ eo biển, nhanh chóng hoàn thành công tác pháp chế của mạng lưới bảo vệ dân chủ nhằm tăng cường trình tự giám sát và cơ chế bảo vệ dân chủ .
 

 Kinh Tế: Ứng phó với những xung đột trong kinh tế thương mại Mỹ - Trung và những diễn biến trong thương mại quốc tế, tích cực hỗ trợ thương gia Đài Loan về đầu tư trong nước, nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu các ngành nghề, tăng cường hợp tác quốc tế, ổn định phát triển kinh tế tổng thể. Nâng cao vị thế chiến lược và ưu thế của Đài Loan trong chuỗi ngành nghề toàn cầu, tích cực đàm phán và kí kết các thỏa thuận kinh tế song phương, đa phương với các đối tác chính.
 

 Ngoại giao: Tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, kết hợp với cộng đồng quốc tế, chống lại hành vi xóa bỏ chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc.
 

 An ninh: Nắm bắt chặt chẽ thay đổi kinh tế, chính trị và xã hội ở Trung Quốc đại lục, phòng chống việc Trung Quốc thao túng dư luận, thâm nhập xã hội, đánh cắp bí mật quân sự và bí mật ngành nghề cốt yếu của Đài Loan, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
 

 Quốc phòng: Tăng cường ngân sách quốc phòng một cách ổn định, nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội một cách toàn diện, chống lại sự xâm nhập quân sự của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền và nền tự do dân chủ của Trung Hoa Dân Quốc.
 

 Xã hội: Tăng cường đối thoại xã hội toàn diện, tập hợp nhận thức chung của người dân đối với chính sách hai bờ eo biển, đoàn kết nội bộ, hành động thống nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia.