Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Trung tâm Nghiên cứu hệ gen công bố nghiên cứu mới nhất: Hạn chế ăn đường để phòng bệnh ung thư tuyến tụy
2019-03-13

Ngày 8/3, Viện Nghiên cứu Trung ương đã tổ chức buổi họp báo “Công bố thành quả nghiên cứu dự phòng ung thư tuyến tụy”. Nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu hệ gen - Viện sĩ Lý Văn Hoa (thứ 2, bên trái) đã phát hiện: Rối loạn chuyển hóa đường là nguyên nhân mấu chốt gây bệnh ung thư tuyến tụy. Vì vậy, chỉ cần giảm hấp thụ đường sẽ có thể dự phòng phát sinh ung thư tuyến tụy (Ảnh: CNA)

Ngày 8/3, Viện Nghiên cứu Trung ương đã tổ chức buổi họp báo “Công bố thành quả nghiên cứu dự phòng ung thư tuyến tụy”. Nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu hệ gen - Viện sĩ Lý Văn Hoa (thứ 2, bên trái) đã phát hiện: Rối loạn chuyển hóa đường là nguyên nhân mấu chốt gây bệnh ung thư tuyến tụy. Vì vậy, chỉ cần giảm hấp thụ đường sẽ có thể dự phòng phát sinh ung thư tuyến tụy (Ảnh: CNA)
 

 Nhóm nghiên cứu của Viện sĩ Lý Văn Hoa, nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu hệ gen (GRC) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia (AS) vừa công bố phát hiện mới nhất: Tránh hấp thụ “lượng đường cao” có thể bảo vệ tuyến tụy khỏi bị tổn thương do rối loạn chuyển hóa, giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy. Kết quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế “Cell Metabolism” vào ngày 7/3/2019.
 

 Các triệu chứng giai đoạn đầu của “ung tư tuyến tụy” - chứng bệnh bị coi là “ung thư của ung thư” - rất không rõ ràng, thông thường có đến 80% người bệnh sau khi xác định bị mắc bệnh ung thư tuyến tụy đều đã ở vào giai đoạn cuối; trong đó, số bệnh nhân có thể điều trị phẫu thuật chỉ chiếm 20%; cho dù phẫu thuật thành công thì cũng có gần 80% bệnh nhân sẽ bị tái phát hoặc di căn.
 

 Các nghiên cứu trước đây chỉ biết được ung thư tuyến tụy có liên quan đến rối loạn chuyển hóa đường nhưng không xác định được quan hệ nhân quả của nó. Vì vậy, đóng góp lớn nhất của nghiên cứu lần này là đã chứng minh được rối loạn chuyển hóa là “nguyên nhân” mấu chốt gây bệnh ung thư tuyến tụy.
 

 Đã có nghiên cứu khoa học chỉ ra: Gen có tên gọi KRAS có thể thúc đẩy sự sinh trưởng và hoạt hóa tế bào; tuy nhiên, khi gen KRAS bị đột biến, các tế bào có thể sẽ phân chia bất thường, từ đó dẫn đến sự hình thành tế bào ung thư khối u. Trong nghiên cứu lần này, nhóm nghiên cứu của Viện sĩ Lý Văn Hoa đã hợp tác với các bác sĩ Trương Dục Đình, Chương Minh Châu và Trịnh Vĩnh Minh ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan, cùng thu thập và kiểm nghiệm 4 loại tế bào không gây ung thư:
 

1. Mô tụy bình thường không gây ung thư của bệnh nhân ung thư tuyến tụy bị tiểu đường.

2. Mô ruột non gần tuyến tụy của bệnh nhân ung thư tuyến tụy bị tiểu đường.

3. Mô tụy bình thường không gây ung thư của bệnh nhân ung thư tuyến tụy không bị tiểu đường.

4. Mô ruột non gần tuyến tụy của bệnh nhân ung thư tuyến tụy không bị tiểu đường.
 

 Kết quả cho thấy, gen KRAS bị đột biến chỉ phát sinh trong tế bào tuyến tụy bình thường của bệnh nhân ung thư tuyến tụy bị tiểu đường. Trợ lý nghiên cứu của Trung tâm GRC, bà Hồ Xuân Mỹ cho biết: “Trong hầu hết mẫu kiểm nghiệm của 94% bệnh nhân ung thư tuyến tụy đều phát hiện có đột biến gen KRAS gây ung thư”.
 

 Nhóm nghiên cứu suy luận, tuyến tụy đã xảy ra vấn đề khi thực hiện chức năng chuyển hóa nên mới khiến hệ gen bị tổn thương, gây ra đột biến gen KRAS. Để chứng minh giả thiết này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng liều lượng cao các chất chuyển hóa như đường, protein và chất béo trong tế bào tuyến tụy bình thường. Kết quả cho thấy, chỉ có đường mới khiến tế bào tuyến tụy sản sinh đột biến gen.
 

 Deoxy-ribonuscleoside triphosphate (dNTP) là nucleotide được sản sinh sau khi cơ thể người hấp thụ glucose và cũng là nguyên liệu không thể thiếu trong việc tạo ra và sao chép hệ gen. Nếu tế bào tuyến tụy ở môi trường có lượng đường cao thì lượng dNTP cần thiết để tổng hợp hệ gen sẽ giảm xuống rõ rệt.
 

 Thiếu dNTP, trong quá trình sao chép và sửa chữa hệ gen của tế bào tuyến tụy, khi có tổn thương cần sửa chữa, do thiếu nguyên liệu sẽ dẫn đến quá trình sửa chữa bị lỗi, gây đột biến gen KRAS và có thể dẫn đến ung thư tế bào tuyến tụy.
 

 Ăn uống thực phẩm chứa hàm lượng đường cao có gây ung thư ở tế bào các cơ quan khác hay không? Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo để nuôi chuột trong một thời gian dài, sau khi gây ra triệu chứng đường huyết cao, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra các cơ quan nội tạng gồm tuyến tụy, đại tràng, ruột non, gan, phổi, thận, v.v… Kết quả cho thấy chỉ có mô tụy xuất hiện rõ tổn thương gen và đột biến KRAS.
 

 Nghiên cứu đã chứng minh: Hiện tượng mất khả năng tự sửa chữa DNA do lượng đường cao làm gia tăng phản ứng glycation các protein chỉ xảy ra ở tế bào tuyến tụy.