Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) tại Triển lãm Quốc tế về Cảnh quan và Kiến trúc sân khấu Prague Quadrennial
2019-03-21

Tham dự tại Triển lãm Quốc tế về Cảnh quan và Kiến trúc sân khấu Prague Quadrennial (PQ) với vai trò là người thiết kế Gian triển lãm quốc gia, nghệ sĩ Vương Dịch Thịnh đã thiết kế tác phẩm “Island Invisible” (Đảo vô hình), người xem có thể tải chương trình về điện thoại di động, hướng camera điện thoại vào miếu ông Địa là có thể xem phim kết hợp với hình ảnh tại chỗ thông qua AR (thực tế tăng cường) (Ảnh do Hiệp hội kỹ thuật sân khấu Đài Loan cung cấp)

Tham dự tại Triển lãm Quốc tế về Cảnh quan và Kiến trúc sân khấu Prague Quadrennial (PQ) với vai trò là người thiết kế Gian triển lãm quốc gia, nghệ sĩ Vương Dịch Thịnh đã thiết kế tác phẩm “Island Invisible” (Đảo vô hình), người xem có thể tải chương trình về điện thoại di động, hướng camera điện thoại vào miếu ông Địa là có thể xem phim kết hợp với hình ảnh tại chỗ thông qua AR (thực tế tăng cường) (Ảnh do Hiệp hội kỹ thuật sân khấu Đài Loan cung cấp)
 

 Triển lãm Quốc tế về Cảnh quan và Kiến trúc sân khấu Prague Quadrennial (International Exhibition of Scenography and Theatre Architecture Prague Quadrennial, gọi tắt là PQ) là triển lãm kĩ thuật sân khấu có quy mô lớn nhất thế giới, không gian triển lãm được chia thành ba khu vực chính gồm: “Gian triển lãm quốc gia”, “Triển lãm kiến trúc sân khấu” và “Triển lãm thiết kế của học sinh, sinh viên quốc tế”. Kể từ khi bắt đầu tổ chức vào năm 1967 cho đến nay, PQ được mệnh danh là Thế vận hội Olympic của giới sân khấu.
 

 Từ năm 2003, Hiệp hội kỹ thuật sân khấu Đài Loan (TATT) bắt đầu đại diện Đài Loan dẫn đoàn đi tham dự triển lãm, đồng thời xây dựng Gian triển lãm quốc gia và Gian thiết kế của học sinh, sinh viên. Năm nay, nhận lời mời của ban tổ chức, nghệ sĩ Vương Dịch Thịnh – bậc thầy thiết kế sân khấu đã nhiều lần hợp tác với các đoàn nghệ thuật Vân Môn, Minh Hoa Viên, v.v… - đã đảm nhận vai trò là người thiết kế Gian triển lãm quốc gia.
 

 Xuất phát từ chủ đề “Transformation” (Biến đổi) của Gian triển lãm quốc gia, nghệ sĩ Vương Dịch Thịnh đã thiết kế tác phẩm “Island Invisible” (Đảo vô hình), với hình thức kết hợp các lĩnh vực: Thiết kế sân khấu, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật kỹ thuật số, v.v…, xếp đầy những viên đá lớn nhỏ trong không gian triển lãm rộng 5m3, ở giữa là miếu ông Địa đặt trên mặt sàn, người xem có thể tải chương trình về điện thoại di động, hướng camera điện thoại vào miếu ông Địa là có thể xem phim kết hợp với hình ảnh tại chỗ thông qua AR (thực tế tăng cường), ông Địa xuất hiện trong phim sẽ kể những câu chuyện của Đài Loan bằng lời nói và câu hát tiếng Đài.
 

 Ông Vương Dịch Thịnh cho rằng chủ đề “Biến đổi” của triển lãm thiết kế sân khấu năm nay đặc biệt phù hợp với Đài Loan, “tình hình thực tế trên thế giới, quan hệ giữa hai bờ eo biển, nội bộ xã hội, nền kinh tế của chúng ta đều đang biến đổi”.
 

 Khi thiết kế gian triển lãm quốc gia, ban đầu nghệ sĩ Vương Dịch Thịnh hy vọng sử dụng tư duy hình ảnh để tưởng tượng “Đài Loan là gì” nhưng sau khi suy nghĩ lại, ông cho rằng “Trước đây, khi tham dự các triển lãm quốc tế, Đài Loan luôn dùng các yếu tố ẩm thực, chợ đêm, dân tộc bản địa, v.v… để giới thiệu về mình, đó là cách nghĩ thiếu tự tin”. Rất nhiều người cho rằng Đài Loan chỗ nào cũng toàn những cảnh quan xấu xí như nhà lợp tôn hay các công trình kiến trúc vi phạm quy định nhưng đây mới là bản sắc sức sống mãnh liệt của người dân đảo. Ông cho rằng, sức sống của người Đài Loan “giống như đoàn múa Vân Môn, như vận động viên bóng chày Vương Kiến Dân, đằng sau đó họ đã phải rất miệt mài nỗ lực, dựa vào sự cố gắng của mình để được rạng danh trên trường quốc tế, đồng thời giới thiệu Đài Loan cho toàn thế giới”. Vì thế, Vương Dịch Thịnh muốn thoát khỏi khuôn khổ giới thiệu dáng vẻ Đài Loan làm chủ đạo, xuất phát từ khái niệm hoàn cảnh, trạng thái của Đài Loan, giới thiệu Đài Loan ra thế giới bằng góc nhìn mới.
 

 Miếu ông Địa bị ngập trong đá ở gian triển lãm có cảm hứng thiết kế từ loạt tác phẩm nhiếp ảnh về sự phát triển cảnh quan địa tầng sụt lún ở bờ biển phía Tây Đài Loan của nghệ sĩ lao động Cao Hùng Dương Thuận Phát. Trong những bức ảnh này người ta thường thấy miếu ông Địa hoặc những ngôi mộ bị bỏ hoang và chìm trong đại dương do sự sụt lún địa tầng.
 

 Nghệ sĩ Vương Dịch Thịnh cũng nhân cơ hội này kêu gọi vấn đề Trái Đất nóng lên, “Do hiện tượng nóng lên toàn cầu, mùa đông ở Đài Loan đã biến mất, tôi cũng bắt đầu tin rằng thế giới này có thể sẽ bị hủy diệt. Tôi hy vọng mượn tác phẩm này để lên tiếng thêm lần nữa”. Ông cho rằng, cho dù tình trạng nóng lên toàn cầu không phải là vấn đề mới “nhưng muốn sánh vai trong hàng ngũ công dân thế giới thì phải giành quyền phát ngôn về những vấn đề quan trọng chứ không được chỉ chăm lo cho sự may mắn nhỏ bé của riêng mình”.
 

 Tôi muốn thể hiện gian triển lãm Đài Loan là ảo, đồng nghĩa với việc Đài Loan là ảo, đại diện cho vấn đề 23 triệu dân sinh sống trên mảnh đất này nhưng khi quốc gia không được thừa nhận thì chúng tôi không tồn tại trên phạm vi quốc tế”.
 

 Đối với người ngoài cuộc, khán giả xem điện thoại di động tại khu vực triển lãm cũng trở thành một phần của triển lãm này, từ đó phản ánh các hiện tượng xã hội xuất hiện trên đường phố Đài Loan do bắt “Pokemon” và những người luôn cúi đầu lướt điện thoại đi động.
 

 Tác phẩm “Island Invisible” sẽ được trưng bày từ ngày 6/6 đến ngày 16/6/2019 tại Triển lãm Quốc tế về Cảnh quan và Kiến trúc sân khấu Prague Quadrennia. Từ ngày 22/3, Hiệp hội kỹ thuật sân khấu Đài Loan sẽ tranh thủ trưng bày lần đầu tại Trung tâm thử nghiệm văn hóa đương đại Đài Loan c-lab, mở cửa miễn phí cho người dân đến tham quan, chương trình triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 31/3/2019.

 

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)