Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Đài Loan có thể giúp đỡ nhận thức “Sức khỏe cho mọi người” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
2019-03-28

Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung cho biết: Đài Loan sẵn sàng và có đầy đủ năng lực hỗ trợ công tác phát triển chăm sóc sức khỏe toàn cầu thông qua sự tham dự có ý nghĩa vào Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung cho biết: Đài Loan sẵn sàng và có đầy đủ năng lực hỗ trợ công tác phát triển chăm sóc sức khỏe toàn cầu thông qua sự tham dự có ý nghĩa vào Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
 

 Chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Đài Loan có thể hỗ trợ tăng cường phát triển y tế toàn cầu và Đài Loan cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình tại kỳ họp lần thứ 72 Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) sẽ diễn ra từ ngày 20/5/2019 đến ngày 28/5/2019 tại Geneva – Bộ trưởng Bộ Y tế-Phúc lợi Trần Thời Trung (Chen Shih-chung) cho biết.
 

 Trong cuộc phỏng vấn với báo điện tử Taiwan Today (Đài Loan ngày nay) vào ngày 20/3, Bộ trưởng Trần Thời Trung phát biểu: Việc tạo điều kiện cho Đài Loan tham dự một cách có ý nghĩa vào Đại hội đồng Y tế Thế giới – cơ quan ra quyết sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – sẽ thúc đẩy ưu tiên hàng đầu của WHO để đạt được mục tiêu “Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân” (Universal Health Coverage - UHC).
 

 Đảm bảo quyền tiếp cận toàn diện các dịch vụ y tế là trọng tâm trong phương pháp giải quyết của Đài Loan, bằng chứng là hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHI) và các chương trình hỗ trợ y tế quốc tế trên phạm vi rộng của Đài Loan, ông Trần Thời Trung nói thêm.
 

 “Trước đây Đài Loan đã có dịp tiếp nhận sự trợ giúp từ nước ngoài, thì nay Đài Loan đang đáp lại thế giới bằng cách hỗ trợ những nơi cần thiết nhất”, ông Trần Thời Trung nói. Thông qua hoạt động tiếp cận này, “Đài Loan đang có những đóng góp không thể thiếu cho mạng lưới y tế toàn cầu”.
 

 Ông Trần Thời Trung trích dẫn Trung tâm Đào tạo Nhân viên Y tế Quốc tế Đài Loan (TIHTC) là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực này. Được thành lập vào năm 2002 bởi Bộ Y tế-Phúc lợi, Trung tâm TIHTC tổ chức đào tạo các chuyên gia nước ngoài về y học lâm sàng, châm cứu, y học cổ truyền và quản lý chăm sóc sức khỏe với khoảng 1.500 chuyên gia y tế từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ hoàn thành các khóa học vào cuối năm ngoái.
 

 Tác động không kém là Chương trình Hỗ trợ Thiết bị và Dịch vụ Y tế Toàn cầu (GMISS). Được Bộ Y tế-Phúc lợi ra mắt năm 2005, chương trình GMISS đã tích hợp nỗ lực của các bệnh viện trên khắp Đài Loan để cung cấp thiết bị có thể sử dụng cho các quốc gia đang phát triển. Hơn 5.400 hạng mục thiết bị đã được chuyển đến các tổ chức y tế tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua dự án.
 

 Ông Trần Thời Trung cho biết: Trong những năm gần đây, một trọng tâm lớn trong công tác tiếp cận quốc tế của Bộ Y tế-Phúc lợi là tăng cường hợp tác với các nước Nam Á và Đông Nam Á. Từ năm 2018, Bộ Y tế-Phúc lợi đã ủy quyền cho 6 Trung tâm y tế Đài Loan mở rộng hợp tác y tế và cung cấp các khóa học hướng dẫn cho các nhân viên y tế từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
 

 Trong năm 2018, có tổng cộng 336 chuyên gia y tế được đào tạo tại Đài Loan thông qua sáng kiến “Mỗi Quốc gia, một Trung tâm” được mở rộng vào đầu năm nay bao gồm cả Brunei và Myanmar.
 

 “Những chương trình giáo dục này được thiết kế phù hợp với nhu cầu cụ thể của các bệnh viện đối tác nhằm đảm bảo cho họ đạt được sự cải thiện thực sự trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, ông Trần Thời Trung nói. “Chúng tôi cũng trông đợi những người tham dự đào tạo sẽ trở thành những chuyên viên huấn luyện hạt giống khi trở về đất nước họ, đẩy mạnh tác động lâu dài của dự án này.
 

 Theo Bộ trưởng Trần Thời Trung, sự tham dự có ý nghĩa vào WHO sẽ cho phép Đài Loan đóng góp kinh nghiệm phong phú của mình vào việc xây dựng những hệ thống y tế vững mạnh và cung cấp hỗ trợ y tế quốc tế, đồng thời xóa bỏ khoảng cách trong mạng lưới an ninh y tế toàn cầu, ông nói.
 

 Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đài Loan đang giảm thiểu tác động của việc bị loại trừ khỏi hệ thống, đồng thời bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của người dân trong và ngoài nước, ông nói thêm.
 

 Điều này được chú ý, ông Trần Thời Trung nói, bằng việc thành lập Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Phòng chống bệnh truyền nhiễm lây qua muỗi (NMDC) vào tháng 4/2016 tại huyện Miêu Lật, phía bắc Đài Loan, cũng như sự ra mắt của Văn phòng chi nhánh vào tháng 1/2017 tại thành phố Đài Nam, phía nam Đài Loan.
 

 Được trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại, trung tâm NMDC thuộc Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia (NHRI) do Bộ Y tế-Phúc lợi hỗ trợ, đang tăng cường các phương pháp xác định vị trí nơi sinh sản của muỗi và xử lý vật chủ trung gian mang các virus như sốt xuất huyết Dengue hay Zika. “Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết Dengue là một vấn đề lớn của y tế công cộng tại phần lớn các quốc gia Đông Nam Á và kinh nghiệm của Đài Loan trong việc chống lại dịch bệnh này là vô giá”, ông Trần Thời Trung nói.
 

 Một điều cũng đáng chú ý là kiến thức của Đài Loan trong việc phòng ngừa, sàng lọc và điều trị bệnh lao phổi. Theo thống kê của Bộ Y tế-Phúc lợi, tỷ lệ mắc bệnh lao phổi ở Đài Loan đã giảm một nửa trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2018 xuống tổng số 37 ca bệnh/100.000 người.
 

 “Đây là một thành tựu quan trọng vì có sự qua lại đáng kể giữa Đài Loan với các quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận có tỷ lệ nhiễm lao phổi cao”, Bộ trưởng nói.
 

 Theo ông Trần Thời Trung, chìa khóa cho những thành quả này là đảm bảo các dịch vụ y tế có giá cả phải chăng và có thể tiếp cận toàn cầu. Đây là lý do tại sao kinh nghiệm quan trọng nhất mà Đài Loan phải chia sẻ với thế giới là sự phát triển của hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia, ông nói thêm.
 

 “Đài Loan từ lâu đã đạt được mục tiêu “Bao phủ sức khỏe toàn dân” của Tổ chức Y tế Thế giới”, ông Trần Thời Trung nói. “Kể từ khi thành lập hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia, không một ai ở Đài Loan phải lâm vào cảnh phá sản do chi trả các hóa đơn y tế”.
 

 Hệ thống này cung cấp quyền tiếp cận các dịch vụ trên diện rông, bao gồm Tây y, Đông y cũng như chăm sóc nha khoa. Hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia cũng giúp cho việc tăng tuổi thọ bình quân từ 74,5 tuổi vào năm 1995 lên 80,4 tuổi trong năm 2017.
 

 Để đảm bảo công bằng, phí Bảo hiểm y tế được tính theo thu nhập cá nhân. Con số này hiện nay là 4,69%, với công nhân được bảo hiểm, chủ sử dụng lao động và Chính phủ phải đóng góp lần lượt là 30%, 60% và 10% phí bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn có 1,91% phụ phí cho thu nhập bổ sung như tiền thưởng và doanh thu cổ phiếu.
 

 Số lượng phương pháp điều trị và thuốc được hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia chi trả đã được mở rộng liên tục trong những năm qua. Một trong những loại thuốc được bổ sung gần đây là thuốc kháng virus viêm gan C. Việc bao gồm thuốc kháng virus viêm gan C trong hệ thống Bảo hiểm Y tế được trông đợi sẽ tăng cường đáng kể sức khỏe cộng đồng vì căn bệnh này, một nguyên nhân chính gây bệnh ung thư gan, ảnh hưởng đến 400.000 người Đài Loan, theo số liệu của Bộ Y tế-Phúc lợi.
 

 Năm nay, Chính phủ đã phân bổ 6,54 tỷ Đài tệ (211,4 triệu đô la Mỹ) để cung cấp thuốc cho tất cả bệnh nhân viêm gan C ở Đài Loan. Mục tiêu của Chính phủ là nhằm loại bỏ căn bệnh này vào năm 2025, trước 5 năm so với mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới là loại bỏ viêm gan virus trên toàn thế giới.
 

 Theo Bộ trưởng Trần Thời Trung, cam kết của Đài Loan về “Bao phủ sức khỏe toàn dân” được nhấn mạnh bởi phạm vi của Bảo hiểm Y tế Quốc gia. Hệ thống này bao phủ hơn 99% dân số, gồm cả các tù nhân, người nước ngoài học tập, lao động, cư trú tại Đài Loan và cả trẻ sơ sinh không có quốc tịch.
 

 “Bộ Y tế-Phúc lợi không bỏ ai lại phía sau”, ông Trần Thời Trung nói. “Việc điều trị cũng thúc đẩy công tác phòng ngừa và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm”.
 

 Trong một cuộc khảo sát do Bộ Y tế-Phúc lợi thực hiện vào năm ngoái, 86,5%số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đối với hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia. “Đây là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nước khác trong việc phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân đẳng cấp thế giới.
 

 “Đài Loan đang tìm kiếm sự tham dự chuyên môn, thực tiễn và mang tính xây dựng tại Đại hội đồng Y tế Thế giới cũng như các hội nghị kỹ thuật và các hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới. Vì vậy, Đài Loan có thể chia sẻ kiến thức của mình và đáp lại thế giới”. Ông Trần Thời Trung nói. “Với sự tham dự của Đài Loan, tôi tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng những thách thức về y tế toàn cầu.