Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan được xếp cùng cấp độ với các nước Tây Âu trong Bảng xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới năm 2019
2019-04-19

Ngày 18/4, tại Hồng Kông, Giám đốc điều hành Văn phòng Đông Á của Tổ chức Ký giả không biên giới (RSF), ông Cedric Alviani đã công bố “Bảng xếp hạng Chỉ số Tự do báo chí Thế giới năm 2019”, theo đó, tình trạng tự do báo chí ở Đài Loan tương đương với đa số các nước Tây Âu và các nước phát triển, đều được xếp ở cấp độ “hài lòng” (Satisfactory) (Ảnh: CNA)

Ngày 18/4, tại Hồng Kông, Giám đốc điều hành Văn phòng Đông Á của Tổ chức Ký giả không biên giới (RSF), ông Cedric Alviani đã công bố “Bảng xếp hạng Chỉ số Tự do báo chí Thế giới năm 2019”; theo đó, tình trạng tự do báo chí ở Đài Loan tương đương với đa số các nước Tây Âu và các nước phát triển, đều được xếp ở cấp độ “hài lòng” (Satisfactory) (Ảnh: CNA)
 

 Ngày 18/4/, Tổ chức Ký giả không biên giới (RSF) vừa công bố “Bảng xếp hạng Chỉ số Tự do báo chí Thế giới năm 2019” (2019 World Press Freedom Index); theo đó, Đài Loan cùng đa số các nước Tây Âu và các nước phát triển có tình trạng tự do báo chí tương đương nhau, ở cấp độ cao thứ 2 là “hài lòng” (Satisfactory).
 

 Giám đốc điều hành Văn phòng Đông Á của RSF, ông Cedric Alviani đã tổ chức họp báo vào trưa 18/4, công bố Bảng xếp hạng Chỉ số Tự do báo chí Thế giới năm 2019 tại Hồng Kông, đánh giá tình trạng tự do báo chí ở 180 quốc gia và khu vực trên toàn cầu.
 

 Bảng xếp hạng đánh giá tình trạng tự do báo chí ở 5 cấp độ: Cấp độ cao nhất là “tốt” (Good), tiếp sau đó là “hài lòng” (Satisfactory), “có vấn đề” (Noticeable problems), “tệ” (Difficult) và “nghiêm trọng” (Very serious).
 

 Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có New Zealand được xếp hạng “tốt”; Đài Loan và Hàn Quốc được xếp ở mức độ “hài lòng”; Nhật Bản, Hồng Kông ở mức độ “có vấn đề”, Trung Quốc ở tình trạng “nghiêm trọng”.
 

 Trong Bảng xếp hạng Chỉ số Tự do báo chí Thế giới năm nay, Đài Loan được xếp ở vị trí thứ 42, bằng với thứ hạng của năm ngoái, Hàn Quốc tăng lên 2 bậc, xếp thứ 41, Hồng Kông tụt 3 bậc xuống vị trí thứ 73, Trung Quốc tụt 1 bậc xuống hạng 177.
Do Hàn Quốc vượt lên Đài Loan, xếp ở vị trí thứ 41 trong bảng xếp hạng nên năm nay là năm đầu tiên kể từ năm 2016, Đài Loan phải xếp thứ 2 châu Á về chỉ số tự do báo chí.
 

 Bình luận về tình trạng tự do báo chí ở Hồng Kông, ông Cedric Alviani nói: RSF quan tâm và lo lắng về vấn đề luật pháp ở Hồng Kông, trong đó bao gồm các quy định bỏ trốn được Chính quyền Hồng Kông sửa đổi sẽ gây nguy hiểm cho các nhà báo.
 Ông Cedric Alviani còn cho biết, hiện nay điều rất đáng lo ngại là một số nước châu Á đang có ý đồ áp dụng cách làm của Trung Quốc trong lĩnh vực báo chí.
 

 Những thách thức mà Đài Loan đang phải đối mặt không chỉ là những thông tin sai lệch do Trung Quốc lợi dụng mạng Internet để phát tán, mà còn do một số nhà khai thác truyền thông có lợi ích thương mại ở Trung Quốc đã trở thành điểm yếu để Bắc Kinh lợi dụng và gây sức ép. Điều này có thể dẫn đến việc Đài Loan áp dụng các biện pháp chống lại khi có nghi ngờ, ví dụ như từ chối cấp visa cho các nhà báo Trung Quốc thù địch với Đài Loan.
 

 Mặc dù sự can thiệp của chính trị đối với báo chí ở Đài Loan là rất hiếm và khó được chấp nhận nhưng “tư duy nhục dục và định hướng lợi ích đang dẫn dắt môi trường truyền thông phân hóa một cách cực đoan” là vấn đề nan giải mà các nhà báo Đài Loan phải đối mặt. Bảng xếp hạng này cũng chỉ ra: Mặc dù Tổng thống Thái Anh Văn bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục phát triển tự do báo chí Đài Loan nhưng Chính phủ chưa áp dụng nhiều biện pháp cụ thể để cải thiện sự độc lập của các nhà báo hoặc khuyến khích giới truyền thông nâng cao chất lượng tranh luận công khai.

 

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)