Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Khai mạc gian triển lãm Đài Loan tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale, tác phẩm tiên phong với chủ đề chuyển giới thu hút người xem
2019-05-14

Nghệ sĩ Trịnh Thục Lệ (thứ 3, bên trái) đại diện Đài Loan tham dự Triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale lần thứ 58 với những hình ảnh kỹ thuật số thách thức các vấn đề xã hội như: chuyển giới, tự do tình dục, v.v…, giúp thế giới nhìn thấy khía cạnh tự do, cởi mở của xã hội Đài Loan (Ảnh: CNA)

Nghệ sĩ Trịnh Thục Lệ (thứ 3, bên trái) đại diện Đài Loan tham dự Triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale lần thứ 58 với những hình ảnh kỹ thuật số thách thức các vấn đề xã hội như: chuyển giới, tự do tình dục, v.v…, giúp thế giới nhìn thấy khía cạnh tự do, cởi mở của xã hội Đài Loan (Ảnh: CNA)
 

 Gian triển lãm Đài Loan tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế Venice Biennale lần thứ 58 đã khai mạc long trọng vào tối 10/5, nghệ sĩ Trịnh Thục Lệ đại diện Đài Loan tham dự triển lãm với những hình ảnh kỹ thuật số, thách thức các vấn đề xã hội như: chuyển giới, tự do tình dục, v.v…, dàn diễn viên bị đặt sai giới tính và sự thể hiện ham muốn tình dục của cơ thể trần trụi trong phim đã tạo ra nhiều chủ đề bàn luận.
 

 Tên tác phẩm tham dự triển lãm của Trịnh Thục Lệ là “3x3x6”, 3x3 đại diện cho không gian sống trung bình trong nhà tù chỉ có 9m2, x6 đại diện cho việc phạm nhân đồng thời bị 6 camera liên tục giám sát. Vì địa điểm đặt gian triển lãm Đài Loan là Palazzo delle Prigion đã từng là nhà tù, Trịnh Thục Lệ hy vọng triển lãm vừa có thể kết hợp bối cảnh lịch sử của địa điểm tổ chức, vừa có thể phản hồi các vấn đề đương đại.
 

 Trịnh Thục Lệ tìm được 10 trường hợp nổi tiếng từ cổ chí kim, do giới tính hoặc xu hướng tính dục nên đã bị giam cầm, tìm các diễn viên diễn giải lại nội dung các câu chuyện.

 Các ví dụ được tái hiện lại như triết gia đồng tính nam nổi tiếng thế kỷ 20 Michel Foucault - được coi là người thầy tinh thần, tranh thủ quyền lợi cho những người đồng tính nam, Casanova – chàng lãng tử hào hoa ở Venice thế kỷ 18 với nhiều người tình gồm cả nam lẫn nữ, hầu tước de Sade (Marquis de Sade) ở thế kỷ 18 – người mà tên ông sau này được dùng làm thuật ngữ miêu tả sự bạo dâm.
 

 Để tìm hiểu định kiến của khán giả, Trịnh Thục Lệ cố ý chọn các diễn viên khác với giới tính hoặc sắc tộc so với nhân vật nguyên mẫu, ví dụ hình ảnh ban đầu về hầu tước de Sade là một người đàn ông gầy nhưng trong phim nhân vật này lại do người phụ nữ nặng hơn 100kg đóng vai, hoặc người châu Á đóng vai người châu Âu để mang lại hiệu quả thị giác mang tính đảo ngược.
 

 Người quy hoạch triển lãm, đồng thời là bạn thân lâu năm của Trịnh Thục Lệ – ông Paul Preciado đã từng mất 8 năm để thực hiện phẫu thuật chuyển giới và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Ông cho biết: Triển lãm hy vọng sẽ phá vỡ quan niệm chỉ có 2 giới tính là nam và nữ. Vì vậy, ông sẽ không gọi Thục Lệ là “nữ” nghệ sĩ đầu tiên của gian Đài Loan ra mắt triển lãm cá nhân mà là “người mang giới tính của tương lai” dẫn đầu xu hướng.
 

 Trịnh Thục Lệ là nữ nghệ sĩ đầu tiên đại diện Đài Loan tham dự triển lãm Venice Biennale với hình thức triển lãm cá nhân. Bà đã từng tham dự triển lãm Venice Biennale từ năm 2003, sau 16 năm bà mới quay trở lại với các tác phẩm liên quan đến giới tính, chính trị, mạng Internet, giám sát, luật pháp, có tầng thứ vô cùng phong phú.
 

 Gian triển lãm Đài Loan trưng bày từ ngày 10/5 đến ngày 24/5, thời gian mở cửa từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều các ngày từ thứ Ba đến Chủ nhật.
 

 Ngày 10/5, gian Đài Loan của Triển lãm Venice Biennale đã tổ chức một diễn đàn công khai bằng hình thức diễn kịch với cốt lõi sáng tác là “Queer”, thông qua lời thú nhận của các diễn viên đồng tính và chuyển giới để mỉa mai sự hoang đường của khuôn khổ xã hội và quy định pháp luật, sự thiếu bao dung của công chúng đối với những người khác mình.
 Kết thúc diễn đàn, một chiếc bánh kem lớn hình dương vật được mang ra, các diễn viên cắt bánh, tượng trưng cho việc phá vỡ tư duy truyền thống lấy cơ quan sinh dục để quyết định giới tính, đồng thời mời nghệ sĩ Trịnh Thục Lệ nếm miếng bánh đầu tiên, chúc mừng triển lãm chủ đề lần này đã giúp thế giới nhìn thấy khía cạnh tự do, cởi mở của xã hội Đài Loan.

 Địa điểm tổ chức hội thảo mang ý nghĩa đặc biệt, đây là “Bảo tàng Bệnh viện tâm thần” trên đảo San Servolo (Psychiatric Hospital Museum of San Servolo). Từ đầu thế kỷ 18 đến thập kỷ 1970, bệnh viện trên đảo được sử dụng để cách ly các bệnh nhân bị “bệnh tâm thần”, những đối tượng bị coi là cần điều trị lúc đó, bao gồm cả những người có giới tính, xu hướng tính dục khác với đại chúng trong xã hội.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)