Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á thông qua Luật hôn nhân đồng giới
2019-05-20

Ngày 17/5, Viện Lập pháp đã thông qua vòng 3 Luật chuyên biệt về hôn nhân đồng giới, Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á và là quốc gia thứ 27 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế (Ảnh: CNA)

Ngày 17/5, Viện Lập pháp đã thông qua vòng 3 Luật chuyên biệt về hôn nhân đồng giới, Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á và là quốc gia thứ 27 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế (Ảnh: CNA)
 

 Phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng hôn nhân tại Đài Loan đã trải qua các giai đoạn: Đại thẩm phán giải thích hiến pháp và tiến hành trưng cầu dân ý. Phiên họp ngày 17/5 tại Viện Lập pháp đã thông qua vòng 3 “Luật thi hành giải thích số 748 của Viện Tư pháp”, đảm bảo cho 2 người cùng giới tính có thể đăng ký kết hôn tại cơ quan quản lý hộ khẩu. Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Luật riêng về hôn nhân đồng giới là luật chuyên biệt, khác với luật quy định về hôn nhân dị tính.
 

 “Luật thi hành giải thích số 748 của Viện Tư pháp” sẽ được thực thi từ ngày 24/5/2019.
 

 Quá trình xây dựng Luật Hôn nhân đồng giới của Đài Loan đã trải qua nhiều khó khăn, sau khi được Ủy viên lập pháp Đảng Dân tiến – bà Vương Mỹ Nữ và nhiều người khác đưa ra dự án sửa đổi Luật Dân sự về quyền bình đẳng hôn nhân, tháng 12/2016, Ủy ban Tư pháp và Pháp chế thuộc Viện Lập pháp đã thông qua sơ thẩm nhưng để phù hợp với sự diễn giải hiến pháp của các đại thẩm phán vào tháng 5/2017 và kết quả trưng cầu dân ý năm 2018, Viện Hành chính đưa ra dự thảo “Luật thi hành giải thích số 478 của Viện Tư pháp”.
 

 Tiếp sau đó, Liên minh Hạnh phúc thế hệ sau và các đoàn thể đưa ra dự thảo “Luật thi hành nội dung thứ 12 của cuộc trưng cầu dân ý” do Ủy viên lập pháp Quốc Dân đảng Lại Sĩ Bảo làm đại diện trình lên. Tháng 5 năm nay, Ủy viên lập pháp thuộc Đảng Dân tiến Lâm Đại Hoa cũng đưa ra dự thảo “Luật thi hành giải thích số 748 của Viện Tư pháp và nội dung thứ 12 của cuộc trưng cầu dân ý”.
 

 Viện trưởng Viện Lập pháp Tô Gia Toàn đã từng triệu tập các đảng phái tiến hành thảo luận vào các ngày 9/5 và 14/5 để xử lý 3 dự thảo luật chuyên biệt nhưng các đảng phái chưa đạt được nhận thức chung cụ thể tại các phiên họp này.
 

 Khoảng 11 giờ trưa 17/5, cuộc họp tại Viện Lập pháp đã tiến hành giải quyết Luật chuyên biệt về hôn nhân đồng giới. Điều 1, điều 2 và điều 4 là các điều khoản then chốt trong việc xây dựng Luật Hôn nhân đồng giới lần này, nội dung bao gồm: Mục đích xây dựng luật, định nghĩa và phương thức xây dựng mối quan hệ, ví dụ như dự thảo của Viện Hành chính áp dụng quan hệ “hôn nhân đồng giới”, dự thảo của Liên minh Hạnh phúc thế hệ sau là thành lập “quan hệ gia đình đồng giới”, còn dự thảo của Ủy viên lập pháp Lâm Đại Hoa lại là thành lập quan hệ “kết hợp đồng giới”.
 

 Việc thông qua vòng 3 điều 1, điều 2 và điều 4 là “Đặc biệt quy định luật này để thực thi giải thích số 748 của Viện Tư pháp”, “Hai người cùng giới tính với mục đích cùng chung sống, xây dựng mối quan hệ gắn kết vĩnh viễn mật thiết và chung thủy”, “Khi xây dựng mối quan hệ được quy định ở điều 2, phải có văn bản chứng minh, có 2 người trở lên ký tên làm chứng, đồng thời hai bên đương sự phải làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan quản lý hộ khẩu theo nội dung giải thích số 748 của Viện Tư pháp và quy định trong luật này”.
 

 Về quan hệ với con cái, sau khi biểu quyết, nội dung điều khoản được thông qua vòng 3 là “Khi một trong hai bên đương sự có mối quan hệ được quy định ở điều 2 nhận nuôi con ruột của bên còn lại thì được phép áp dụng quy định liên quan đến nhận con nuôi trong Luật Dân sự”, có nghĩa là đương sự nhận nuôi con ruột của bên còn lại thì sẽ áp dụng quy định “nhận nuôi con riêng của vợ hoặc chồng” trong Luật Dân sự.
 

 Ngoài ra, về vấn đề tài sản của hai bên đương sự, luật cho phép áp dụng quy định liên quan đến tài sản của vợ chồng trong Luật Dân sự. Quyền giám hộ, nghĩa vụ nuôi dưỡng và quyền thừa kế, v.v… của hai bên đương sự đều được phép áp dụng quy định liên quan trong Luật Dân sự.
 

 Căn cứ “Luật về quyền tự chủ của bệnh nhân” được thực thi từ ngày 6/1/2019, mỗi người khi còn khỏe mạnh đều có thể tham khảo tư vấn, chỉ định trước người được ủy quyền quyết định về điều trị y tế, khi bệnh nhân hôn mê hoặc không thể bày tỏ ý nguyện một cách rõ ràng, người được ủy quyền căn cứ ý nguyện của bệnh nhân để đưa ra quyết định về điều trị y tế thay bệnh nhân, ví dụ như khi bệnh nhân trở thành người thực vật, phải quyết định có rút ống thở hay không”.
 

 Do người được ủy quyền ra quyết định về điều trị y tế không bị hạn chế bởi người thân có quan hệ huyết thống mà cũng có thể là người cùng chung sống hoặc bạn thân nên để tránh xảy ra vấn đề để người bệnh tử vong nhằm chiếm đoạt tài sản, luật quy định chỉ có người vợ hoặc chồng theo quy định pháp luật mới có thể vừa là người thừa kế tài sản, vừa là người được ủy quyền ra quyết định về điều trị y tế. Từ lâu nay, các đoàn thể người đồng tính vẫn luôn bày tỏ sự bất mãn trước quy định này. Trong tương lai, do hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa, bạn đời của người đồng tính sẽ là người vợ hoặc chồng hợp pháp trước pháp luật, có thể đồng thời là người thừa kế tài sản và cũng là người được ủy quyền ra quyết định về điều trị y tế.
 

 Luật Hôn nhân đồng giới cũng quy định: Nếu người Đài Loan muốn làm thủ tục đăng ký kết hôn với người đồng giới nước ngoài tại Đài Loan, chỉ cần đất nước của người nước ngoài đó cũng cho phép đăng ký kết hôn đồng giới, nhưng nếu quốc gia đó chưa công nhận hôn nhân đồng tính thì không thể đăng ký kết hôn tại Đài Loan.
 

 Luật phù hợp áp dụng cho hôn nhân xuyên quốc gia giữa người Đài Loan với người Hồng Kông, Macau và các nước khác là “Luật áp dụng Luật Dân sự có liên quan đến yếu tố nước ngoài”, còn đối với người Trung Quốc đại lục thì áp dụng “Điều lệ quan hệ giữa người dân khu vực Đài Loan và người dân khu vực đại lục”.
 

 Theo quy định tại điều 46 của “Luật áp dụng Luật Dân sự có liên quan đến yếu tố nước ngoài”, “hôn nhân được thiết lập căn cứ theo luật pháp trong nước của các bên đương sự”, nghĩa là hôn nhân phải phù hợp với quy định pháp lý của cả hai bên. Ví dụ: Người Đài Loan và người Australia là quốc gia cho phép kết hôn đồng giới, do cả hai nước đều cho phép kết hôn đồng giới nên có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn đồng giới tại Đài Loan. Một ví dụ khác là người Đài Loan muốn làm thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật Bản có cùng giới tính nhưng do hôn nhân đồng giới chưa được hợp pháp hóa tại Nhật Bản nên theo quy định của “Luật áp dụng Luật Dân sự liên quan đến yếu tố nước ngoài”, họ không được đăng ký kết hôn tại Đài Loan. Người Hồng Kông, Macau muốn kết hôn đồng giới với người Đài Loan cũng không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Đài Loan do Hồng Kông và Macau cũng chưa công nhận hôn nhân đồng giới.
 

 Hiện nay, Trung Quốc đại lục chưa công nhận hôn nhân đồng giới nên quy định pháp luật liên quan cũng không cho phép người Trung Quốc đại lục đến Đài Loan với lý do làm thủ tục kết hôn. Vì vậy, người Trung Quốc đại lục hiện nay cũng không thể đến Đài Loan để làm thủ tục kết hôn đồng giới với người Đài Loan.
 

 Ngày 17/5, Bộ Lao động cho biết: Sau khi đã làm thủ tục đăng ký kết hôn, có tư cách hôn nhân hợp pháp, người bạn đời đồng tính cũng được áp dụng trực tiếp các quy định như: nghỉ phép kết hôn, trợ cấp nuôi con hay thứ tự nhận lĩnh lương hưu, trợ cấp cho con đi học đối với lao động thất nghiệp, v.v...
 

 Kênh truyền hình CNN của Mỹ chỉ ra: Đài Loan càng trở nên độc đáo hơn khi so sánh với các nước châu Á khác – những nơi mà nhân quyền về đồng tính luyến ái đã bị tụt lùi.
 

 Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã lên tiếng chúc mừng Đài Loan, ông viết trên Twittter: “Chúc mừng nhân dân Đài Loan đã xây dựng được Luật Hôn nhân đồng giới! Đây là một tin rất tuyệt đối với các tổ chức LGBT của Đài Loan và là một bước tiến lớn về quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT châu Á”.
 

 Bộ Ngoại giao Canada lần đầu tiên đăng bài trên Twitter: “Chúc mừng nhân dân Đài Loan, quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới”.
 

 Đại diện Văn phòng Kinh tế-Thương mại châu Âu tại Đài Loan – bà Madeleine Mejorenko thông qua Facebook Văn phòng đại diện cho biết: Đài Loan đã thông qua một đạo luật mang tính lịch sử, bà cảm thấy tự hào thay cho Đài Loan. Ngày 17/5 cũng là Ngày Quốc tế chống kì thị người Đồng tính, Song tính và Chuyển giới, vô cùng thích hợp để chúc mừng quyền bình đẳng về hôn nhân. Thông qua việc thiết lập Luật Hôn nhân đồng giới đầu tiên tại châu Á, Đài Loan lại một lần nữa xác lập vai trò lãnh đạo về nhân quyền, tự do và dân chủ ở châu Á. Liên minh châu Âu cũng sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức NGO, xã hội dân sự và chính phủ Đài Loan để bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng người đồng tính tại Đài Loan và châu Á.
 

 Đại diện Hà Lan tại Đài Loan – ông Guy Wittich bày tỏ lời chúc mừng trước việc Đài Loan thực hiện quyền bình đẳng về hôn nhân. Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng của nhân quyền và tự do.
 

 Hiệp hội Pháp tại Đài Loan cũng đăng bài viết trên Facebook bày tỏ lời chúc mừng tới Đài Loan, ca ngợi Đài Loan là quốc gia tiên phong mở đường cho hôn nhân đồng giới ở châu Á. Việc Đài Loan thông qua Luật hôn nhân đồng giới cho thấy Đài Loan đã tiến một bước lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT, một lần nữa trở thành quốc gia đi tiên phong trong phong trào bảo vệ nhân quyền ở châu Á.
 

 Hiệp hội Đức tại Đài Loan có bài viết trên Facebook bày tỏ “tình yêu mãi mãi giành được thắng lợi cuối cùng”.
 

 Ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách “Phân loại bệnh tâm thần quốc tế”. Ngày 17/5 trở thành cột mốc của cộng đồng người đồng tính. Liên Hợp Quốc cũng lấy ngày này là “Ngày Quốc tế chống kì thị Đồng tính, Song tính và Chuyển giới”. Ngày 17/5/2019, Đài Loan thông qua Luật Hôn nhân đồng tính, trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á và là quốc gia thứ 27 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.


(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)