Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn

Tối 4/6, tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn (Trung Quốc), Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc thừa nhận sai lầm và chấm dứt đàn áp nhân quyền (Ảnh: CNA)

Tối 4/6, tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn (Trung Quốc), Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc thừa nhận sai lầm và chấm dứt đàn áp nhân quyền (Ảnh: CNA)
 

 Tham dự “Lễ kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn (Trung Quốc) – Ký ức, phản kháng” tổ chức vào tối 4/6, Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân phát biểu: Hôm nay, chúng ta đến tham dự “Lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn” với tâm trạng vô cùng nghiêm trang, đau xót, bi thương.
 

 Lịch sử là tấm gương để ta lấy quá khứ làm bài học cho hiện tại, nhắc nhở ta kiểm điểm lại quá khứ và khích lệ hướng đến tương lai. Tuy nhiên, giới trẻ Trung Quốc ngày nay hoàn toàn không có ấn tượng gì về thảm kịch xảy ra năm 1989, ký ức lịch sử đã hoàn toàn bị xóa nhòa, đây là một điều vô cùng đáng buồn.
 

 Thập kỷ 1980, Đài Loan và Trung Quốc đều xuất hiện làn sóng tự do hóa và dân chủ hóa, đều xuất hiện tiếng nói của các sinh viên trẻ đứng lên theo đuổi dân chủ, yêu cầu cải cách.
 

 30 năm qua đi, Đài Loan từ phong trào sinh viên “Dã Bách Hợp” (Wild Lily Student Movement) cho đến phong trào “Hoa Hướng Dương” (Sunflower Movement), để đưa Đài Loan trở thành một đất nước vĩ đại, tự do hơn, dân chủ hơn và tôn trọng nhân quyền hơn, các thanh niên trẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác đều hy sinh tự do và kế hoạch cuộc đời đã dự định. Mặc dù phải trải qua quá trình đầy gập ghềnh sóng gió, đối mặt với rất nhiều khó khăn, có người thậm chí vì thế bị bỏ tù nhưng cuối cùng đã làm nên một Đài Loan dân chủ khiến cả thế giới đều phải kinh ngạc khen ngợi.
 

 Đáng tiếc là thanh niên trẻ Trung Quốc không có được may mắn này, sai lầm đã xảy ra không thể khôi phục được, tính mạng quý giá của những thanh niên trẻ đã hy sinh cũng không thể tái sinh trở lại nhưng thông qua việc theo đuổi và trả lại sự thật lịch sử, sẽ giúp cho thế hệ tiếp theo không mắc lại những sai lầm tương tự, đồng thời tránh để xảy ra thêm những sự kiện bất hạnh. Đây cũng là ý nghĩa quan trọng nhất của việc chúng ta có mặt tại lễ kỷ niệm được tổ chức vào hôm nay – 30 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn.
 

 Một ý nghĩa quan trọng khác của lễ kỷ niệm 30 năm sự kiện Thiên An Môn tại đây, hôm nay là chúng ta phải luôn nhắc nhở bản thân, phải càng trân trọng nền dân chủ, tự do mà Đài Loan không dễ gì có được trong mấy mươi năm nay. Dân chủ không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, tự do cũng không phải vốn dĩ đã có, nhân quyền càng có thể bị đẩy lùi trong lúc chúng ta không chú ý, chỉ có quyết tâm thể hiện của 23 triệu dân Đài Loan, tăng cường cơ chế bảo vệ dân chủ Đài Loan bằng các hành động cụ thể để Đài Loan làm ngọn hải đăng dân chủ duy nhất trong thế giới người Hoa, mới có thể không ngừng tiến bước vững chãi trên con đường dân chủ.
 

 Đứng tiên phong ở tuyến đầu chống lại chế độ chuyên chế, chỉ cần chúng ta giữ vững nền dân chủ Đài Loan, để cho nền dân chủ Đài Loan tiếp tục tỏa sáng thì nhất định sẽ phát huy được sức mạnh tích cực đối với sự phát triển dân chủ của Trung Quốc trong tương lai. Máu của các anh hùng trong phong trào dân chủ Thiên An Môn là những hạt giống của dân chủ, tự do ở Trung Quốc, chúng ta trông đợi mỗi hạt giống sẽ tiếp tục nảy mầm, phát triển và lớn mạnh trong tương lai không xa ở Trung Quốc, để người dân Trung Quốc cũng được tận hưởng một tương lai tốt đẹp có tự do, bình đẳng, pháp trị và nhân quyền.