Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Ủy ban Nông nghiệp lo ngại sâu keo mùa thu bay từ Trung Quốc sang sẽ gây phiền toái hơn cả bệnh cúm gia cầm
2019-06-12

Ngày 10/6, Cục Phòng dịch và Kiểm dịch động thực vật xác nhận “sâu keo mùa thu” - loài sâu hại nông nghiệp đã hoành hành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục, đã bắt đầu vào đến Đài Loan, cần phải diệt sạch, nếu không sẽ trở thành nạn dịch sâu keo, gây phiền toái hơn cả bệnh cúm gia cầm. Từ 2 đến 3 tuần tới là thời gian mấu chốt để diệt trừ loài sâu này (Ảnh: Phòng Nông nghiệp huyện Miêu Lật)

Ngày 10/6, Cục Phòng dịch và Kiểm dịch động thực vật xác nhận “sâu keo mùa thu” - loài sâu hại nông nghiệp đã hoành hành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục, đã bắt đầu vào đến Đài Loan, cần phải diệt sạch, nếu không sẽ trở thành nạn dịch sâu keo, gây phiền toái hơn cả bệnh cúm gia cầm. Từ 2 đến 3 tuần tới là thời gian mấu chốt để diệt trừ loài sâu này (Ảnh: Phòng Nông nghiệp huyện Miêu Lật)
 

 Ruộng ngô Nông trường Phi Ngưu ở thị trấn Thông Tiêu, huyện Miêu Lật đã xuất hiện “sâu keo mùa thu” (Fall armyworm). Ngày 8/6, khi đang cho bò ăn, du khách tham quan nông trường phát hiện thấy trên lá cây có loài côn trùng khả nghi. Sau khi nhận được thông báo và tiến hành giám định phân tử, Cục Phòng dịch và Kiểm dịch động thực vật đã xác nhận đây chính là “sâu keo mùa thu” - loài sâu hại nông nghiệp đã hoành hành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đại lục, nay đã bắt đầu vào đến Đài Loan.
 

 Ủy ban Nông nghiệp phán đoán đây là sâu keo mùa thu thế hệ đầu bay theo luồng không khí từ Tây Nam Trung Quốc đến Đài Loan, cần phải diệt sạch, nếu không sẽ trở thành nạn dịch sâu keo, gây phiền toái hơn cả bệnh cúm gia cầm. Từ 2 đến 3 tuần tới là thời gian mấu chốt để diệt trừ loài sâu này.
 

 Chiều tối 10/6, Cục Phòng dịch và Kiểm dịch động thực vật thuộc Ủy ban Nông nghiệp đã tổ chức cuộc họp báo đột xuất “Xác nhận đã phát hiện sâu keo mùa thu”. Sau khi thực hiện giám định sinh học phân tử, xác nhận loài sâu người dân thông báo vào ngày 8/6 và được Cục Phòng dịch và Kiểm dịch động thực vật lấy mẫu xét nghiệm là sâu keo mùa thu.
 

 Ủy ban Nông nghiệp rất quan tâm, chú ý đến sâu keo mùa thu vì nó gây ảnh hưởng đến 20%-30% sản lượng cây trồng họ Hòa thảo (họ Lúa), bao gồm: Lúa mì, ngô, cao lương, lúa gạo, v.v…, ước tính có đến 45% diện tích tất cả các loại cây trồng ở Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, Ủy ban Nông nghiệp đã lập 500 trạm giám trắc sex pheromone (sử dụng mùi hương quyến rũ) tại các sân bay và cảng biển, xác nhận các loại cây trồng có sâu keo mùa thu phải bị tiêu hủy, đem chôn nhưng sẽ được bồi thường.
 

 Hiện nay, sâu keo mùa thu bị phát hiện là sâu non (ấu trùng), không phải là sâu trưởng thành và là sâu thế hệ đầu. Vì vậy, thời gian này rất quan trọng, phải nhanh chóng xử lý tiêu diệt, nếu không, có có khả năng sẽ biến thành nạn dịch sâu keo, sau này sẽ gây phiền toái hơn cả bệnh cúm gia cầm.
 

 Sâu keo trưởng thành biết bay và đẻ trứng, mỗi lần có thể đẻ 2.000 trứng, một vòng đời của sâu keo mùa thu thường vào khoảng 30 ngày, sâu trưởng thành có thể bay 100km, nếu bay cùng luồng khí, sâu keo mùa thu có thể bay được trên 200km.
 

 Sâu keo mùa thu được phát hiện ở Đài Loan là loài ăn cây ngô dùng làm thức ăn cho bò sữa, theo phán đoán, chúng bay từ Trung Quốc sang vì nếu bay từ Việt Nam sang thì thường là sâu ăn lúa, có khả năng chúng đã bay sang từ 10 đến 20 ngày trước. Từ 2 đến 3 tuần tới là thời gian mấu chốt, buộc phải diệt sạch, nếu không, sau khi sâu trưởng thành đẻ trứng nở ra thành sâu thế hệ kế tiếp thì sẽ rất phức tạp, một khi sâu phát triển với số lượng lớn thì sẽ hủy hoại toàn bộ các loại cây trồng chứ không chỉ gây tổn hại từ 20% đến 30% số cây.
 

 “Sâu keo mùa thu” (Fall armyworm) có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, năm 2016 chúng từ châu Mỹ lan sang châu Phi, năm 2017 lại từ châu Phi lan sang châu Á. Hiện nay, các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và năm nay là Trung Quốc đại lục đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sâu keo mùa thu.
 

 Năm 2004, Ủy ban Nông nghiệp đã đưa sâu keo mùa thu vào họ bướm đêm gây hại trong danh mục sinh vật gây hại cần phải kiểm dịch. Tại châu Á, các nước Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Yemen, Indonesia đều đã bị sâu keo mùa thu gây tổn hại.
 

 Hiện nay, ở Đài Loan có 2 loại ruộng ngô là ngô ngọt cho người ăn và ngô dùng làm thức ăn cho gia súc với diện tích vào khoảng hơn 30.000 hecta, là đối tượng chính của công tác giám sát, kiểm soát và phòng chống sâu hại.
 

 Ngày 11/6, Cục trưởng Cục Phòng dịch và Kiểm dịch động thực vật Phùng Hải Đông đã đến Kim Môn để tiến hành khảo sát. Do có ruộng cao lương rộng hơn 2.000 hecta và ruộng lúa mì rộng hơn 1.000 hecta phục vụ cho nhà máy rượu cao lương Kim Môn nên đây cũng là nơi rất quan trọng, ông Phùng Hải Đông đến kiểm tra để xác nhận liệu có ấu trùng sâu keo mùa thu xuất hiện tại đây hay không và đảm bảo việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, đồng thời phòng chống nguy cơ bị đưa vào đảo Đài Loan bởi yếu tố con người.
 

 Hiện nay, trên toàn Đài Loan đã bố trí 500 điểm quan trắc sử dụng sex pheromone để thu hút sâu keo mùa thu, trong đó có 20 điểm đặt tại Kim Môn. Kim Môn là nơi gần Trung Quốc đại lục nhất nên cần phải tăng cường kiểm tra, cây trồng tại đây tuy không phải là cây ngô mà sâu keo mùa thu bị giám định lần này thích ăn nhưng khi không có ngô để ăn, sâu keo mùa thu sẽ ăn các loài cây họ Hòa thảo khác như cao lương, lúa mì.
 

 Sâu keo mùa thu là một loài bướm đêm trong họ Noctuidae với đặc trưng là đường vằn hình chữ Y ngược trên đầu và 4 đốm trên lưng.


(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)