Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Liên minh châu Âu dỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành đánh bắt xa bờ của Đài Loan
2019-06-28

Sau hơn 3 năm chứng kiến Đài Loan nỗ lực cải cách khung pháp lý về nghề cá, thực thi luật pháp, giám sát, ngăn chặn vi phạm và tiến hành hợp tác quốc tế, Liên minh châu Âu đã dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với ngành đánh bắt xa bờ của Đài Loan. Ảnh trên là buổi họp báo tổ chức vào ngày 27/6 tại Đài Bắc (Ảnh: Ủy ban Nông nghiệp)

Sau hơn 3 năm chứng kiến Đài Loan nỗ lực cải cách khung pháp lý về nghề cá, thực thi luật pháp, giám sát, ngăn chặn vi phạm và tiến hành hợp tác quốc tế, Liên minh châu Âu đã dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với ngành đánh bắt xa bờ của Đài Loan. Ảnh trên là buổi họp báo tổ chức vào ngày 27/6 tại Đài Bắc (Ảnh: Ủy ban Nông nghiệp)
 

 Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 27/6 của Ủy ban châu Âu, Cao ủy EU phụ trách về môi trường – ông Karmenu Vella cho biết: “Tôi muốn bày tỏ sự hoan nghênh trước những nỗ lực rất lớn của Đài Loan trong vấn đề cải cách khung pháp lý về nghề cá, thực hiện các công cụ kiểm soát mới và cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản”.
 

 Sau khi Đài Loan bị Liên minh châu Âu (EU) “rút thẻ vàng”, đưa vào danh sách cảnh báo nước thứ ba không hợp tác trong việc chống lại “các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân theo quy định” (Illegal, Unreported, Unregulated, IUU) vào tháng 10/2015, Ủy ban châu Âu đã tiến hành hợp tác và đối thoại mật thiết với Đài Loan trong 3 năm rưỡi.
 

 Hiện tại, Chính phủ Đài Loan đang có rất nhiều công cụ hiện đại và đạt hiệu quả cao để chống lại các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân theo quy định. Đây là một bước phát triển rất lớn đối với ngành đánh bắt xa bờ của Đài Loan có quy mô lớn thứ 2 thế giới, Đài Loan cũng đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản quốc tế. Ngoài ra, Đài Loan còn tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp Đài Loan có tàu cá treo cờ của nước thứ ba.
 

 Sau khi các tổ chức quốc tế tố giác ngành đánh bắt xa bờ của Đài Loan có hành vi dính líu đến IUU, Liên minh châu Âu đã rút thẻ vàng đối với ngành đánh bắt xa bờ của Đài Loan vào ngày 1/10/2015, đưa Đài Loan vào danh sách các nước không hợp tác trong việc chống khai thác phi pháp, tác động mạnh đến hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ của Đài Loan với giá trị sản lượng lên đến 50 tỷ Đài tệ/năm.
 

 Vì vấn đề này, Đài Loan đã liên tiếp tiến hành các hội nghị trực tuyến với Liên minh châu Âu, trao đổi văn kiện qua lại, triển khai thảo luận và lên kế hoạch cải thiện. Cứ 6 tháng 1 lần, các quan chức EU lại đến Đài Loan để kiểm tra trong khoảng từ 4 đến 5 ngày. Mỗi lần đến Đài Loan, đại diện EU không chỉ tham dự các cuộc họp mà còn kiểm tra ngẫu nhiên các cảng cá, điều tra tình hình thực tế công tác kiểm ngư và xác nhận tiến độ thực hiện kế hoạch cải thiện.
 

 Do EU và các tổ chức quốc tế cho rằng các tàu cá đánh bắt xa bờ của Đài Loan dính líu đến những vi phạm lớn, nguyên nhân phát sinh liên quan đến việc thực thi không đầy đủ quy định pháp luật, xử phạt quá nhẹ, không có tác dụng ngăn chặn nên nội dung cải thiện cụ thể bao gồm triển khai sửa đổi luật, nêu đề án sửa đổi 3 điều luật ngư nghiệp sau khi trao đổi với giới doanh nghiệp và tổ chức buổi điều trần công khai.
 

 3 điều luật của ngành đánh bắt xa bờ bao gồm: “Quy định nghề cá xa bờ”, “Sửa đổi quy định về quản lý đầu tư tàu cá quốc tịch nước ngoài”, “Sửa đổi điều khoản trong luật ngư nghiệp” và 15 quy định pháp luật liên quan được Viện Lập pháp thông qua vòng 3 vào ngày 5/7/2016, Phủ Tổng thống công bố ngày 20/7/2016 và tự động có hiệu lực sau 6 tháng, tức là bắt đầu được thi hành từ ngày 20/1/2017. Người vi phạm sẽ bị phạt nặng với mức phạt từ 2 triệu Đài tệ đến 30 triệu Đài tệ.
 

 Sau khi nhanh chóng hoàn thành việc sửa đổi luật, công tác thực thi pháp luật cũng được thực hiện nghiêm túc. Sở Ngư nghiệp đưa ra số liệu thống kê chứng minh, kể từ khi luật mới có hiệu lực vào ngày 20/1/2017 cho đến đầu tháng 10/2018, có tổng cộng 90 tàu cá vi phạm quy định bị xử phạt với tổng số tiền phạt là 100.001.618 Đài tệ.
 

 So sánh con số thực thi quy định pháp luật của 2 năm, có thể thấy tình trạng vi phạm quy định, vi phạm pháp luật đang được cải thiện do năm 2017 xử phạt tổng cộng 65 tàu cá với khoản tiền phạt là 78,69 triệu Đài tệ trong khi tính từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 10 cùng năm, số tàu cá bị xử phạt đã giảm mạnh xuống còn 25 tàu cá, tổng số tiền phạt là 37,49 triệu Đài tệ.
 

 Đài Loan cũng hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống IUU, ví dụ mùa hè năm 2017, Sở Ngư nghiệp thuộc Ủy ban Nông nghiệp đã hợp tác với Cục Cảnh sát biển kiểm tra tàu cá quốc tịch Honduras tại khu vực ngoài khơi Cao Hùng, chống lại việc vận chuyển thủy sản IUU vào thị trường. Sự kiện này đã được đánh giá cao trong công tác phòng chống IUU quốc tế.
 

 Để thực hiện chương trình hợp tác quốc tế, Ủy ban Nông nghiệp đã tuyển dụng gần 120 quan sát viên đảm nhận nhiệm vụ lên tàu kiểm tra. Đối với các tàu đánh bắt xa bờ tại 32 cảng cá, Ủy ban Nông nghiệp cũng bố trí 18 thanh tra viên lên đường làm nhiệm vụ khi cần; ngoài ra còn cử 1 thanh tra thường trú tại Quần đảo Marshall, Nam Phi, Fiji, Palau và Samoa thuộc Mỹ. Sở Ngư nghiệp cũng cử 2 công chức thường trú tại Nam Phi và Mauritius, Mauritius cũng sẽ cử thêm 1 thanh tra viên thường trú.
 

 Phó Giám đốc Sở Ngư nghiệp Lâm Quốc Bình nói: Hơn 3 năm qua, Đài Loan không ngừng sửa đổi luật, thực thi luật pháp, giám sát, ngăn chặn vi phạm và tiến hành hợp tác quốc tế. Đây là điều ai cũng thấy được; vì vậy, thẻ vàng của EU đã được dỡ bỏ.

 Trong thông cáo báo chí được phát đi, Đại diện Văn phòng Kinh tế-Thương mại châu Âu – bà Madeleine Majorenko cho biết: “Tôi đã chứng kiến những nỗ lực của Đài Loan trong việc cải thiện tổng thể các quy định về nghề cá và nâng cao hệ thống quản lý để chống đánh bắt cá bất hợp pháp. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan và hợp tác với Đài Loan, cùng chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp”.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)