Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nhóm nghiên cứu xuyên quốc gia NTU (Đại học Quốc gia Đài Loan) phát hiện phương pháp mới làm giảm hiệu ứng nhà kính
2019-07-16

Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Trần Hạo Minh thuộc khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Đài Loan (thứ 2, bên phải) đã hợp tác với đội ngũ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ tại Lausanne (EPFL), sử dụng “ion Fe3+” làm chất xúc tác để nâng cao hiệu suất chuyển hóa CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính (Ảnh: Bộ Khoa học Kỹ thuật)

Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Trần Hạo Minh thuộc khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Đài Loan (thứ 2, bên phải) đã hợp tác với đội ngũ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ tại Lausanne (EPFL), sử dụng “ion Fe3+” làm chất xúc tác để nâng cao hiệu suất chuyển hóa CO2, làm giảm hiệu ứng nhà kính (Ảnh: Bộ Khoa học Kỹ thuật)
 

 Hoàn nguyên CO2 (Carbon dioxide) thành CO (Carbon monoxide) được coi là một trong những cách làm giảm hiệu ứng nhà kính. Phó Giáo sư Trần Hạo Minh thuộc khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU) cho biết: Các nghiên cứu hoàn nguyên hiện nay đa số sử dụng vàng, bạc và đồng làm chất xúc tác. Vàng và bạc tuy có hiệu suất chuyển đổi tốt nhưng chi phí giá thành cao, còn đồng tuy giá thành thấp nhưng lại chuyển hóa ra hỗn hợp Hydrocarbon, cần phải trải qua quá trình phân tách. Ngoài ra, cho dù là vàng, bạc hay đồng đều cần phải thông qua điện áp cao mới có thể tiến hành chuyển hóa, không phù hợp hiệu ích kinh tế.
 

 Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư Trần Hạo Minh đã hợp tác với đội ngũ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ tại Lausanne (EPFL) do Giáo sư Hồ Hỷ Lạc dẫn đầu, sau 3 năm nghiên cứu đã giới thiệu “ion Fe3+” làm chất xúc tác, thay thế quy trình chuyển hóa sử dụng đồng làm chất xúc tác và có thể tiến hành trong điều kiện điện áp thấp, không những làm giảm mức tiêu thụ năng lượng mà hiệu suất chuyển hóa cũng cao hơn. Thành quả nghiên cứu này đã được đăng tải trên tập san uy tín hàng đầu thế giới “Science” vào ngày 14/6/2019.

 Nghiên cứu về hoàn nguyên CO2 đã được công bố hơn 20 năm; tuy nhiên, mức tiêu thụ năng lượng cao và tỷ lệ chuyển hóa thấp vẫn luôn là nguyên nhân khiến nghiên cứu này khó có thể đột phá và cũng vì vậy mất đi giá trị thương mại hóa. Theo nghiên cứu của nhóm này trong vài năm qua, “ion Fe3+” sẽ có cơ hội xoay chuyển tình trạng khó khăn hiện tại.

 Trong quy trình giống nhau, nếu sử dụng ion Fe3+ làm chất xúc tác, chỉ cần điện áp thấp từ 0,2V đến 0,4V là có thể chuyển hóa, tỷ lệ chuyển hóa cao, đạt tới 90%, 90% thành phần được chuyển hóa là CO và 10% là Hydro. Kết quả này đã có thể được coi là quy trình thương mại hóa.
 

 Nghiên cứu này cũng sử dụng hệ thống “Taiwan Light Source” (Nguồn sáng Đài Loan) của Trung tâm Bức xạ Synchrotron Quốc gia (NSRRC) và “Chùm tia sáng hợp đồng Đài Loan của Nguồn sáng Synchrotron Nhật Bản (SPring 8), sử dụng công nghệ “Quang phổ hấp thụ tia X tại chỗ” (Operando X-ray absorption spectroscopy), quan sát quá trình CO2 chuyển hóa thành CO, cuối cùng đã đạt được kết quả mang tính đột phá sau 3 năm nghiên cứu.

 “Hiệp định khí hậu Paris” năm 2015 kêu gọi các nước giảm lượng khí thải carbon xuống mức phát thải ròng bằng 0 vào trước năm 2050. Tháng 6/2019, Anh quốc đã gửi "Mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050" tới Quốc hội để xây dựng luật, Chính phủ Đài Loan cũng đang nỗ lực thúc đẩy chính sách năng lượng xanh.
 

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)