Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Xoay chuyển nghề thủ công mỹ nghệ Đài Loan Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan
2019-08-12

Những năm gần đây, phong trào lấy thủ công mỹ nghệ làm điểm nhấn âm thầm trỗi dậy, phong trào này bao gồm các khóa học thủ công mỹ nghệ trải nghiệm hiện đang trên đà phát triển, sự chuyển đổi sáng tạo của ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Những năm gần đây, phong trào lấy thủ công mỹ nghệ làm điểm nhấn âm thầm trỗi dậy, phong trào này bao gồm các khóa học thủ công mỹ nghệ trải nghiệm hiện đang trên đà phát triển, sự chuyển đổi sáng tạo của ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống.

 

 Trong cuốn “Ngành Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan” (Formosa Industrial Art), ông Nhan Thủy Long (Yan Shui-long) – người được vinh danh là “Cha đẻ của ngành Thủ công Mỹ Nghệ Đài Loan” đã đề xướng việc tận dụng vẻ đẹp vốn có của vật liệu Đài Loan để thiết kế những đồ thủ công mỹ nghệ phù hợp với đời sống của con người hiện đại. Thông qua sự kết hợp giữa thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật thủ công mỹ nghệ, không những có thể đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, mà còn bảo tồn kỹ nghệ truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa, cũng tạo lợi ích kinh tế cho đất nước.

 

 Những năm gần đây, tinh thần “Thiết kế thủ công mỹ nghệ” do ông Nhan Thủy Long khởi xướng đã được thể hiện qua sự âm thầm trỗi dậy của phong trào lấy thủ công mỹ nghệ làm điểm nhấn, bao gồm các khóa học thủ công mỹ nghệ trải nghiệm hiện đang trên đà phát triển, sự chuyển đổi sáng tạo của ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống v.v..., tất cả những điều này đã được khơi mào kể từ khi Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan ra đời.

 “Vào thời của ông Nhan Thủy Long, thủ công mỹ nghệ là sức mạnh để giúp làm ổn định kinh tế nông thôn; hay nếu nói theo lối nói kiểu hiện đại thời nay thì việc chấn hưng nghề thủ công mỹ nghệ chính là tạo sức sống mới cho địa phương”. Ông Trần Minh Huy (Chen Ming-hui), người sáng lập Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan (Taiwan School of Arts & Crafts) nói thẳng rằng, việc ban đầu ông Nhan Thủy Long nỗ lực thúc đẩy giáo dục Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan và lý tưởng thành lập Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan của ông đều là giống nhau: “Hy vọng nghệ thuật thủ công của Đài Loan không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại viện bảo tàng, mà còn có thể thông qua thiết kế, đưa những đồ thủ công mỹ nghệ đậm chất văn hóa và mỹ thuật trở về cuộc sống thường ngày của con người hiện đại, đồng thời tạo ra mô hình sáng tạo giúp ổn định kinh tế địa phương”.

Ông Lại Cao Sơn, ông nội của anh Lại Tín Hữu áp dụng kỹ thuật thoát thai có độ khó cao để làm ra chiếc thuyền độc mộc bằng sơn mỹ nghệ, trên thuyền có họa tiết Totem của thổ dân, mang đậm bản sắc Đài Loan.

Ông Lại Cao Sơn, ông nội của anh Lại Tín Hữu áp dụng kỹ thuật thoát thai có độ khó cao để làm ra chiếc thuyền độc mộc bằng sơn mỹ nghệ, trên thuyền có họa tiết Totem của thổ dân, mang đậm bản sắc Đài Loan.

 

Sáng lập Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan

 Ông Trần Minh Huy, người có khuôn mặt với bộ râu quai nón kể về ngọn nguồn của việc sáng lập ngôi trường này lại bị trắc trở khó khăn bởi cơ quan nhà nước.

 Từng phụ trách công việc hỗ trợ khu dân cư và nghề thủ công mỹ nghệ của bộ lạc tại Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật quốc gia, ông phát hiện ngành gia công gỗ của Đài Loan rất mạnh, từng được xếp hạng thuộc top 3 ngành công nghiệp gia công hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm của các nhà thiết kế trẻ có thể sánh ngang với những sản phẩm tốt đạt tiêu chuẩn Liên minh châu Âu, nhưng khổ một nỗi lại thiếu kênh phân phối tiêu thụ, rơi vào tình cảnh việc kinh doanh khó mà tồn tại.

Tại khóa học thêu truyền thống của hãng thêu Quang Thái – Đài Nam (Guangcai - Tainan), học viên đang chăm chú lắng nghe. (Ảnh do Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan cung cấp)

Tại khóa học thêu truyền thống của hãng thêu Quang Thái – Đài Nam (Guangcai - Tainan), học viên đang chăm chú lắng nghe. (Ảnh do Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan cung cấp)

 Để tạo điều kiện giúp các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ trẻ tuổi tiếp thị sản phẩm, năm 2008, một mình ông Trần Minh Huy đứng ra mở một cửa hàng có tên gọi là “Sống bên dòng sông” (Liv’in Riverside) chuyên bán đồ thủ công mỹ nghệ Đài Loan, áp dụng cách thuyết minh của bảo tàng để giới thiệu và bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ Đài Loan, có thể nói đây là tiền thân của “Cửa hàng kiểu Storerooms”. Nhưng sau khi tiếp xúc thực tế với thị trường thì lại phải đối mặt với hai thách thức, đó là tình trạng người tiêu dùng trẻ còn xa lạ với sản phẩm thủ công làm bằng các vật liệu thiên nhiên như mây, tre v.v..., cũng như sự thiếu hụt trầm trọng người làm nghề ở đầu sản xuất.

 Trải qua sự tìm tòi không ngừng trong kinh doanh, phát hiện ra rằng Đài Loan muốn chấn hưng ngành thủ công mỹ nghệ thì không những phải thay đổi trong lĩnh vực tiếp thị, mà còn phải thay đổi cả về nội dung. Năm 2018, ông Trần Minh Huy quyết định thành lập Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan: “Để giải quyết vấn đề nhân lực phải bắt tay vào làm ngay từ giáo dục”.

 Những suy nghĩ và năng lượng được tích lũy trong 10 năm trời đã bùng nổ trong dịp thành lập trường, đầu tiên là hợp tác với Triển lãm Pop Up Asia và 29 thương hiệu thủ công mỹ nghệ, cùng một lúc mở liền 50 khóa học thủ công mỹ nghệ, nhận được sự hưởng ứng rất tốt. Ngoài ra, trong đề cương mới chương trình giáo dục năm học 2019, Bộ Giáo dục ngẫu nhiên cũng nhấn mạnh sự khôi phục lại môn học thủ công, đáp ứng nhu cầu về giáo dục thủ công mỹ nghệ.

Chân bàn của hãng đồ gỗ mỹ nghệ Tam Hòa được áp dụng kỹ thuật làm bàn thờ, nên rất vững.

Chân bàn của hãng đồ gỗ mỹ nghệ Tam Hòa được áp dụng kỹ thuật làm bàn thờ, nên rất vững.

 

Xoay chuyển sự tưởng tượng đối với thủ công mỹ nghệ

 Trong đề cương chương trình giáo dục năm học 2019, Bộ Giáo dục khôi phục lại môn học thủ công mỹ nghệ đã từng biến mất trong chương trình giáo dục cơ bản 9 năm, chia “lĩnh vực khoa học công nghệ” thành hai bộ môn khác nhau là: thông tin và công nghệ đời sống. Môn học thủ công mỹ nghệ thuộc bộ môn công nghệ đời sống có số tiết riêng, nhấn mạnh kỹ năng thực hành, ngoài ra cũng có thể bồi dưỡng tố chất về thủ công mỹ nghệ.

 Lấy ví dụ khu vực Đại Khê (Daxi) ở Đào Viên (Taoyuan) là vùng trọng điểm sản xuất mặt hàng bàn thờ, đồ nội thất bằng gỗ và còn còn có bảo tàng sinh thái nghệ thuật gỗ. Về phía Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan thì hỗ trợ chương trình đào tạo giáo viên, thiết kế chương trình giảng dạy, thúc đẩy chương trình giảng dạy nghề mộc thích hợp với trẻ em tại nhà trường.

 Thế nhưng, để trẻ em cầm cưa làm đồ mộc tại trường hay sao?

CÔng Trần Minh Huy, người sáng lập Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ Nghệ Đài Loan hy vọng có thể đưa những đồ thủ công mỹ nghệ đậm chất văn hóa và mỹ thuật trở về cuộc sống thường ngày của con người hiện đại.

Ông Trần Minh Huy, người sáng lập Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ Nghệ Đài Loan hy vọng có thể đưa những đồ thủ công mỹ nghệ đậm chất văn hóa và mỹ thuật trở về cuộc sống thường ngày của con người hiện đại.

 Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan đã mời ông Stephan Johannes Elbracht, thầy giáo dạy môn học làm mộc cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 của Trường Waldorf ở Đức với kinh nghiệm 30 năm giảng dạy  nghề mộc, đến Đài Loan đào tạo giáo viên môn đồ gỗ thủ công. Khi bắt đầu lớp đào tạo, đầu tiên ông dùng chiếc “rìu” để chặt gỗ, cú chặt gỗ này đã gây sốc cho nhóm giáo viên tham gia lớp học của ông và cũng xoay chuyển ý nghĩ của mọi người đối với chương trình giảng dạy nghề mộc. 

 Trong lớp học ngào ngạt mùi thơm của gỗ, thông qua tiết học thủ công mỹ nghệ của ông Elbracht, giúp cho học sinh bắt đầu cảm nhận từ mùi vị và chất liệu của thớ gỗ để lĩnh hội được giá trị của việc sử dụng vật liệu thiên nhiên làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ; và qua quá trình làm một chiếc muỗng canh bằng gỗ, dạy các em nhỏ cách để hiểu được sự nhịp nhàng và những đường nét của chiếc muỗng.

 “Ở Đức, môn học nghề mộc là môn học chính, không như ở Đài Loan là môn phụ, được dùng làm thời gian để nghỉ ngơi hay được mượn để giảng dạy các môn toán lý hóa”. Trưởng khoa giáo dục trẻ nhỏ Trường Đại học Chính trị - Nghê Minh Hương (Ni Ming-xiang), người hỗ trợ công việc thiết kế giáo án của môn học này cho biết, “Thiết kế chương trình giảng dạy nghề mộc không phải dạy về kỹ thuật mà là đưa văn hóa nghề mộc và văn hóa thủ công quay trở lại với xã hội Đài Loan. Giáo dục nghề mộc là sự giáo dục đặt nền móng, trọng tâm của nó không phải ở đầu óc, mà là “sự kết nối trái tim với đôi bàn tay”.

Bộ đồ gốm mini mang tên “Xây nhà” được cất bằng gạch đỏ do Lò gốm Tam Hòa sản xuất, biến vật liệu gạch thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhờ ý tưởng sáng tạo.

Bộ đồ gốm mini mang tên “Xây nhà” được cất bằng gạch đỏ do Lò gốm Tam Hòa sản xuất, biến vật liệu gạch thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhờ ý tưởng sáng tạo.

 

Thiết kế hòa quyện với cuộc sống

 Tuy nhiên, trước sự mai một của ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống của Đài Loan, dường như đều nói lên những câu chuyện tương tự, những nghệ nhân lành nghề ngày càng rơi rụng, sản phẩm không còn đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Trước xu thế khó lòng xoay chuyển được như vậy, liệu có thể làm thay đổi thực tế thông qua tư duy thiết kế đầy sáng tạo?

 Thực ra ở Đài Loan càng ngày càng có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, thử thiết kế bằng những ý tưởng sáng tạo và mới mẻ, bắc nhịp cầu trao đổi với thế hệ người tiêu dùng trẻ, xây dựng hình ảnh và thương hiệu mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Anh Lại Tín Hữu (Lai Hsin You) đã quay trở về để tiếp quản sự nghiệp thủ công mỹ nghệ sơn mài của gia tộc, chính là một trường hợp như thế.

 Anh Lại Tín Hữu là thế hệ thứ ba của gia tộc hãng kinh doanh thủ công mỹ nghệ sơn mài Quang Sơn (Kousan), ông nội Lại Cao Sơn (Lai Gaoshan) từng đến Cơ sở dạy làm thủ công mỹ nghệ truyền thống được mở tại đường Tự Do thành phố Đài Trung (Taichung) để học nghề sơn mài với nghệ nhân người Nhật Tadasu Yamanaka, đồng thời ông sử dụng kỹ thuật quét hàng ngàn lớp sơn có độ khó rất cao để sản xuất ra những đồ tặng biếu như bộ đồ trà, chén, bát, đĩa v.v..., rồi xuất khẩu sang Nhật Bản, số tiền kiếm được đã dùng để mua căn nhà nay là Bảo tàng kỷ niệm nghệ thuật Lại Cao Sơn (Laikousan Memorial Art Museum), ông đã cho người con trai Lại Tác Minh (Lai Zuo-ming) sang Nhật Bản du học và trở thành nghệ nhân chế tác đồ sơn mài nghệ thuật.  

Trong khóa học sản xuất bút bằng máy tiện gỗ, học viên sẽ được trải nghiệm cảm giác thành công làm ra được cây bút độc nhất vô nhị. (Ảnh do Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan cung cấp)

Trong khóa học sản xuất bút bằng máy tiện gỗ, học viên sẽ được trải nghiệm cảm giác thành công làm ra được cây bút độc nhất vô nhị. (Ảnh do Trường Mỹ thuật và Thủ công Mỹ nghệ Đài Loan cung cấp)

 Tuy nhiên, đồ sơn mài mỹ nghệ cũng giống như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, sự ra đời hàng loạt của các sản phẩm bằng nhựa và inox đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống vốn rất hao công hao sức này. Anh Lại Tín Hữu chọn con đường đi của ông nội, trở lại nghề làm đồ dùng sinh hoạt bằng sơn mài và kết hợp đưa những yếu tố hiện đại vào thiết kế, ví dụ bông tai sơn mài, đũa sơn mài để thúc đẩy đồ dùng sơn mài đi vào cuộc sống.

 “Khoảng 80% người thông thường chưa từng mua đồ dùng sơn mài để sử dụng và khi nghe thấy từ “sơn mài” đều nghĩ rằng đây là vật liệu sơn bằng hóa chất, dùng để trang trí nhà cửa”. Cứ mỗi cuối tuần, anh Lại Tín Hữu đều đi khắp các phiên chợ trên toàn Đài Loan để quảng bá nghệ thuật sơn mài, trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng: “Đồ sơn mài lấy nguyên liệu từ giống cây sơn thiên nhiên, đũa sơn mài được làm bởi  hàng chục lớp sơn được quét chồng lên nhau, bề mặt nhẵn bóng, chịu nhiệt tốt và dễ dàng rửa sạch, không có khuyết điểm như đũa gỗ dễ bị ẩm mốc”. Anh Lại Tín Hữu đồng thời thông qua “Khóa học trải nghiệm làm đồ sơn mài”, giúp cho người tiêu dùng có thể cảm nhận được giá trị và cái đẹp của đồ mỹ nghệ sơn mài qua những công đoạn sản xuất rườm rà tỉ mỉ.

Anh Lại Tín Hữu tiếp quản sự nghiệp đồ gỗ sơn mài mỹ nghệ của gia tộc, thông qua khóa học trải nghiệm làm đồ sơn mài, rút ngắn khoảng cách với fan hâm mộ.

Anh Lại Tín Hữu tiếp quản sự nghiệp đồ gỗ sơn mài mỹ nghệ của gia tộc, thông qua khóa học trải nghiệm làm đồ sơn mài, rút ngắn khoảng cách với fan hâm mộ.

 

Thiết kế xã hội hóa, sáng tạo thông minh cho thủ công mỹ nghệ

 Ngoài trừ hãng Quang Sơn của anh Lại Tín Hữu, hãng đồ gỗ mỹ nghệ Tam Hòa (Sanhe) có lịch sử hơn 50 năm, thông qua những khóa học trải nghiệm cách làm đồ gỗ, giúp cho người học có thể cảm nhận được mức độ dùng lực khi đục lỗ, ghép mộng và độ dày của gỗ thật để làm ra chiếc ghế có ngăn kéo, chiếc bàn đặt bàn phím máy tính hoặc chiếc hộp đựng châu báu, trải nghiệm giá trị của đồ gỗ thủ công mỹ nghệ và quảng bá lối thiết kế thủ công mỹ nghệ phù hợp với phong cách sống hiện đại.

 Ông Trần Minh Huy cho biết, nhiều nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đang thay đổi theo hướng dịch vụ thông minh, giá trị của sản phẩm được sản xuất ra không phải ở bản thân sản phẩm đó mà là sự kết nối giữa kỹ thuật và văn hóa địa phương. Ông tin rằng nhờ sự nỗ lực của hệ thống giáo dục sẽ giúp cho ngành thủ công mỹ nghệ của Đài Loan trở nên đầy ắp hy vọng. “Có thể 10 năm nữa, khi con cái nói với bố mẹ, con muốn làm thợ mộc, bố mẹ sẽ nói tốt lắm con”. Ông Trần Minh Huy là người đặt hy vọng vào việc bắt tay từ giáo dục vui vẻ đưa ra kết luận, giống như ông Nhan Thủy Long nhấn mạnh lý tưởng “thiết kế thủ công mỹ nghệ”, đưa ra lời giải tuy cũ mà vẫn mới, đó là: dùng trí tuệ vào thiết kế thủ công mỹ nghệ, tái tạo cấu trúc cuộc sống.