Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tiểu hành tinh do học sinh trung học trực thuộc Đại học Trung Hưng phát hiện được đặt tên là “Chúc Long”
2019-11-06

Năm 2014, nhóm học sinh THPT trực thuộc Đại học Trung Hưng (ảnh) đã phát hiện thấy một thiên thể khác ngoài Sao Hải Vương trong hệ Mặt trời. Gần đây, thông qua cuộc bỏ phiếu của các học sinh, tiểu hành tinh này đã chính thức được đặt tên là “Chúc Long” (2014 GE45 = 472235 Zhulong “Torch Dragon”), xuất phát từ điển tích trong “Sơn Hải Kinh” – cuốn bách khoa toàn thư thời thượng cổ (Ảnh do Đại học Trung Hưng cung cấp)

Năm 2014, nhóm học sinh THPT trực thuộc Đại học Trung Hưng (ảnh) đã phát hiện thấy một thiên thể khác ngoài Sao Hải Vương trong hệ Mặt trời. Gần đây, thông qua cuộc bỏ phiếu của các học sinh, tiểu hành tinh này đã chính thức được đặt tên là “Chúc Long” (2014 GE45 = 472235 Zhulong “Torch Dragon”), xuất phát từ điển tích trong “Sơn Hải Kinh” – cuốn bách khoa toàn thư thời thượng cổ (Ảnh do Đại học Trung Hưng cung cấp)
 

  Dưới sự hướng dẫn của trường Đại học Trung Ương, các học sinh Đài Loan đã đăng ký tham gia “Chương trình Pan-STARRS” (Panoramic Survey Telescope And Rapid Response System), sử dụng những hình ảnh đầu tiên quan sát được từ kính thiên văn Pan-STARRS để tìm kiếm các thiên thể chưa được biết đến. Năm 2014, nhóm học sinh THPT trực thuộc Đại học Trung Hưng đã phát hiện ra một tiểu hành tinh ở vị trí xa hơn cả Sao Hải Vương, kích thước vào khoảng 200km, cách Mặt trời khoảng cách trung bình là 56 đơn vị thiên văn (gấp 56 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời), thậm chí còn xa hơn cả Sao Diêm Vương.

 Đây là lần đầu tiên trên thế giới có một nhóm học sinh trung học phát hiện ra thiên thể khác trong hệ Mặt trời, ngoài Sao Hải Vương. Khác với các tiểu hành tinh nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, sau các cuộc thảo luận kéo dài, Hiệp hội Thiên văn quốc tế (IAU) mới quyết định quy tắc đặt tên, năm 2018 đặt số hiệu vĩnh viễn cho tiểu hành tinh và đến gần đây, thông qua cuộc bỏ phiếu của nhóm học sinh trung học thuộc trường Đại học Trung Hưng, tiểu hành tinh này đã chính thức được đặt tên là “Chúc Long” (2014 GE45 = 472235 Zhulong “Torch Dragon”), xuất phát từ điển tích trong “Sơn Hải Kinh” – cuốn bách khoa toàn thư thời thượng cổ.

 “Chúc Long” là quái thần mặt người, thân rắn, toàn thân màu đỏ trong truyện “Sơn Hải Kinh”. Tương truyền khi vị thần nhắm mắt là đêm đen, mở mắt ra là ban ngày, hơi thở của vị thần quyết định mùa đông hay mùa hạ, khi “Chúc Long” khạc lửa sẽ chiếu sáng nơi u ám, tối tăm.

 Các học sinh trung học thuộc trường Đại học Trung Hưng tham gia “Chương trình Pan-STARRS” năm xưa nay đều sắp tốt nghiệp Đại học. Giáo viên hướng dẫn các em là thầy Lâm Sỹ Siêu hồi tưởng lại: Khi mới phát hiện ra “Chúc Long”, vị trí của của nó thay đổi rất chậm, có thể là do nó đang tiến thẳng đến Trái đất nên bị hiểu nhầm là tiểu hành tinh gần Trái đất. Tuy nhiên, sau khi tiếp tục quan sát, người ta đã xác nhận đó là thiên thể nằm ngoài quỹ đạo Sao Hải Vương, cách xa Mặt trời.

 Giáo sư Trần Văn Bình ở Viện Nghiên cứu Thiên văn, Đại học Trung Ương cho biết: Việc phát hiện ra “Chúc Long” là khá may mắn nhưng khi vận may đến, người chuẩn bị đầy đủ mới có thể nắm bắt lấy. Từ tháng 10 đến tháng 11 năm nay, Đài Loan đã có hơn 30 trường học với hơn 100 học sinh tham gia chương trình tìm kiếm các tiểu hành tinh, hy vọng sẽ có thêm những khám phá mới.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương CNA)