Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Các đảng phái đăng ký danh sách ứng cử Tổng thống, Phó Tổng thống và Ủy viên Lập pháp Đài Loan năm 2020
2019-11-26

Cuộc bầu cử Tổng thống, Phó Tổng thống nhiệm kỳ 15 và bầu cử Ủy viên Lập pháp khóa 10 sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2020. Ủy ban bầu cử trung ương cho biết: Năm nay, số người ứng cử Ủy viên Lập pháp theo khu vực tương đương các năm trước trong khi số người ứng cử Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực và số ứng cử viên được các chính đảng đề cử đều lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

Cuộc bầu cử Tổng thống, Phó Tổng thống nhiệm kỳ 15 và bầu cử Ủy viên Lập pháp khóa 10 sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2020. Ủy ban bầu cử trung ương cho biết: Năm nay, số người ứng cử Ủy viên Lập pháp theo khu vực tương đương các năm trước trong khi số người ứng cử Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực và số ứng cử viên được các chính đảng đề cử đều lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
 

 Cuộc bầu cử Tổng thống, Phó Tổng thống nhiệm kỳ 15 và bầu cử Ủy viên Lập pháp khóa 10 sẽ được tổ chức vào ngày 11/1/2020. Trong cuộc bầu cử lần này có 3 cặp đôi ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống đã hoàn thành việc đăng ký ứng cử, lần lượt gồm: “Cặp đôi Anh Đức” (bà Thái Anh Văn, ông Lại Thanh Đức) của Đảng Dân tiến, “cặp đôi Quốc Chính” (ông Hàn Quốc Du, ông Trương Thiện Chính) của Quốc Dân Đảng và “cặp đôi Du Tương” (ông Tống Sở Du, bà Dư Tương) của Đảng Thân dân.

 Thời gian đăng ký ứng cử Ủy viên Lập pháp khóa 10 được quy định từ ngày 18/11 đến 22/11. Tối 22/11, Ủy ban bầu cử trung ương cho biết: Về phần bầu cử Ủy viên Lập pháp theo khu vực, có 412 người ứng cử Ủy viên Lập pháp theo khu vực, 10 người ứng cử Ủy viên Lập pháp dân tộc nguyên trú vùng đồng bằng và 11 người ứng cử Ủy viên Lập pháp dân tộc nguyên trú miền núi đều đã hoàn thành các thủ tục đăng ký. Về phần bầu cử Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực và Ủy viên Lập pháp phụ trách Hoa kiều sinh sống tại nước ngoài có đến 19 chính đảng, giới thiệu danh sách gồm 217 ứng cử viên. Số người ứng cử Ủy viên Lập pháp theo khu vực tương đương các năm trước trong khi số người ứng cử Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực và số ứng cử viên được các chính đảng giới thiệu đăng ký đều lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

 Trong số 113 ghế Ủy viên Lập pháp, các Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực chiếm 34 ghế, Ủy viên Lập pháp theo khu vực chiếm 73 ghế, Quốc Dân Đảng đề cử 71 người, đông nhất trong số các chính đảng, Đảng Dân tiến đề cử 67 người, Đảng Dân chúng – do Thị trưởng thành phố Đài Bắc Kha Văn Triết làm chủ tịch – đề cử 17 người, Đảng Lực lượng thời đại đề cử 17 người, Đảng Duy tân Đài Loan – do cựu huyện trưởng huyện Đài Nam Tố Hoán Trí triệu tập – đề cử 11 người.

 Tình hình bầu cử Ủy viên Lập pháp theo khu vực cho thấy cạnh tranh khốc liệt nhất là khu vực bầu cử thứ 3 của thành phố Cao Hùng (khu Nam Tử, Tả Doanh) với tổng cộng 11 người tham gia ứng cử. Các khu Kim Môn, khu vực bầu cử số 6 của Cao Hùng (khu Tam Dân) và khu vực bầu cử số 6 của thành phố Đài Bắc (khu Đại An) đều có 10 người đăng ký ứng cử, tình hình cạnh tranh cũng vô cùng gay gắt.

 Nhìn từ góc độ huyện thị, thành phố Đài Bắc và thành phố Tân Bắc có số người ứng cử đông nhất, thành phố Đài Bắc bầu 8 ghế trong số 56 ứng cử viên; thành phố Tân Bắc bầu 12 ghế trong số 72 ứng cử viên; thành phố Đài Trung có 43 ứng cử viên cạnh tranh để giành 8 ghế, Đài Nam với 31 ứng cử viên cạnh tranh để giành 6 ghế, trong khi 51 ứng cử viên của Cao Hùng cạnh tranh để giành lấy 8 ghế.

 Về phần bầu cử Ủy viên Lập pháp người dân tộc nguyên trú, 3 ghế Ủy viên Lập pháp dân tộc nguyên trú vùng đồng bằng sẽ được bầu ra từ trong số 10 ứng cử viên đã đăng ký trong khi 3 ghế Ủy viên Lập pháp dân tộc nguyên trú miền núi có 11 người đăng ký ứng cử.

 Các chính đảng đã hoàn thành việc đăng ký danh sách ứng cử Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực gồm: Đảng Dân tiến (33 ứng cử viên), Quốc Dân Đảng (31 ứng cử viên), Đảng Thân dân (22 ứng cử viên), Đảng Lao động (2 ứng cử viên), Đảng Xanh (6 ứng cử viên), Tân Đảng (10 ứng cử viên), Đảng Dân chúng Đài Loan (28 ứng cử viên), Liên minh Đoàn kết Đài Loan (7 ứng cử viên), Liên minh Chính đảng Quốc hội (6 ứng cử viên), Đảng Lực lượng Thời đại (11 ứng cử viên), Liên minh Tôn giáo (8 ứng cử viên), Đảng Cơ Tiến Đài Loan (Taiwan Statebuilding Party) (6 ứng cử viên), Đảng Duy tân Đài Loan (6 ứng cử viên), Đảng Đài Loan-Bành Hồ (4 ứng cử viên), Đảng Xúc tiến thống nhất Trung Hoa (7 ứng cử viên), Liên minh Formosa (Formosa Alliance) (6 ứng cử viên), Liên minh hành động hợp nhất (8 ứng cử viên), Đảng Lực lượng ổn định (10 ứng cử viên), Đảng Hành động Mỗi bên một quốc gia (Taiwan Action Party Alliance) (6 ứng cử viên). Cựu Tổng thống Trần Thủy Biển đang được tại ngoại để chữa bệnh cũng có tên trong danh sách đăng ký ứng cử.

 Theo quy định bầu cử, các chính đảng không giành được 5% số phiếu bầu tại cuộc bầu cử trước đó hoặc các chính đảng mới thành lập phải đề cử ít nhất 10 ứng cử viên Ủy viên Lập pháp theo khu vực mới được tham gia ứng cử Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực, vì thế đã dẫn đến số người ứng cử Ủy viên Lập pháp theo khu vực tăng lên so với cuộc bầu cử lần trước. Tuy nhiên, để được ứng cử vào ghế Ủy viên Lập pháp không phân chia theo khu vực thì phải vượt ngưỡng quy định là 5% số phiếu bầu trong chính đảng.

 Ủy ban bầu cử cho biết sẽ thẩm định danh sách ứng cử Tổng thống, Phó Tổng thống vào trước ngày 3/12 và thẩm định danh sách ứng cử Ủy viên Lập pháp vào trước ngày 13/12. Đến lúc đó nếu ông Trần Thủy Biển đã đăng ký ứng cử thì theo Luật bầu cử, người đã từng bị xử tội tham nhũng sẽ không được đăng ký làm ứng cử viên và sẽ bị gạch tên khi thẩm định.

 Công tác rút thăm số thứ tự ứng cử viên bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức vào ngày 9/12, việc rút thăm số thứ tự ứng cử Ủy viên Lập pháp sẽ do Ủy ban bầu cử các thành phố trực thuộc trung ương và các huyện thị tiến hành vào ngày 18/12.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương-CNA)