Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Khám phá phong cách hài hước và từ góc độ thần kinh nhận thức và quan điểm văn hóa xã hội

Giám đốc Học viện Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan – Giáo sư Trần Học Chí (bên phải) và nhóm nghiên cứu về sự hài hước đã đưa ra kết quả khảo sát mới nhất, chỉ rõ sự hài hước ở nam giới khác với ở phụ nữ, khiếu hài hước của người dân các nước cũng khác nhau (Ảnh: CNA).

Giám đốc Học viện Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan – Giáo sư Trần Học Chí (bên phải) và nhóm nghiên cứu về sự hài hước đã đưa ra kết quả khảo sát mới nhất, chỉ rõ sự hài hước ở nam giới khác với ở phụ nữ, khiếu hài hước của người dân các nước cũng khác nhau (Ảnh: CNA)
 

 Hài hước là một hành trình tinh thần và cảm xúc bậc cao, độc đáo của con người. Được sự hỗ trợ kinh phí của Bộ Khoa học và Kỹ thuật, Giáo sư Trần Học Chí của trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu của ông (gồm Giáo sư trợ lý Ngô Thanh Lân và Giáo sư trợ lý Trương Vũ Lâm của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, Giáo sư Khưu Phát Trung của Đại học Văn hóa, Phó giáo sư Chiêm Vũ Trân của Đại học Thanh Hoa, Phó giáo sư Lâm Diệu Nam của Đại học Phụ Nhân) đầu tư lâu dài vào các nghiên cứu liên quan đến sự hài hước. Không chỉ sử dụng phiếu câu hỏi khảo sát, bảng đánh giá và phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) do Bộ Khoa học và Kỹ thuật thiết lập, mà còn tổng hợp các quan điểm nhận thức và văn hóa để xây dựng lý thuyết phong cách hài hước hoàn chỉnh nhất thế giới, khám phá cơ sở thần kinh của phong cách hài hước và sự khác biệt về văn hóa, đồng thời đi đầu trong việc ứng dụng để hỗ trợ trẻ em mắc chứng Asperger (một dạng của tự kỷ) phát triển phong cách hài hước, nêu bật sự đóng góp của Đài Loan vào lý thuyết và ứng dụng hài hước.

 Nhóm nghiên cứu Đài Loan và các nhóm nghiên cứu từ 22 quốc gia đã thực hiện một cuộc khảo sát xuyên quốc gia, kết quả cho thấy sử dụng sự hài hước một cách tự nhiên nhất là người Italy, sự thể hiện hài hước một cách tự nhiên của người Đài Loan xếp thứ 15. Sự hài hước được phân loại thành hài hước mang tính tích cực hoặc hài hước mang tính phê bình, người Tây Ban Nha và người New Zealand hay thể hiện sự hài hước mang tính tích cực nhất trong khi người Ấn Độ và người Chile lại thường thể hiện sự hài hước mang tính công kích hoặc phê bình nhất. Đài Loan là quốc gia có sự khác biệt rõ rệt nhất về giới tính thể hiện sự hài hước, đàn ông Đài Loan thích thể hiện sự hài hước hơn phụ nữ nhưng lại nghiêng về phong cách hài hước mang tính phê bình hoặc công kích.

 Nhóm nghiên cứu cũng sửa đổi “Bảng đánh giá phong cách hài hước” phiên bản tiếng Hoa cho phù hợp với người Đài Loan, phân chia việc sử dụng sự hài hước cá nhân thành 4 phong cách: “Phong cách thân thiện” (đối với người khác/tốt), “phong cách nâng cao bản thân” (đối với bản thân/tốt), “phong cách công kích (đối với người khác/có hại) và “phong cách tự hạ thấp (đối với bản thân/có hại). Nghiên cứu cũng phát hiện thấy nam giới thích sử dụng sự hài hước mang tính công kích và tự nâng cao bản thân hơn phụ nữ, một phần là bởi phụ nữ dễ đồng cảm và thông cảm cho người khác hơn nam giới.

 Nghiên cứu thực hiện trên 239 cặp vợ chồng cho thấy: Nếu một trong hai người có phong cách hài hước tích cực, người còn lại có thể có bất kỳ phong cách hài hước nào; còn nếu một trong hai người có phong cách hài hước mang tính công kích hoặc tự hạ thấp thì người còn lại cũng có xu hướng tương tự, nhưng không bổ trợ cho phong cách hài hước tiêu cực; đặc biệt khi một trong hai người có phong cách hài hước mang tính công kích thì người còn lại sẽ không nhẫn nhịn bằng phong cách tự hạ thấp để tung hứng với đối phương mà cũng sử dụng sử dụng phong cách hài hước mang tính công kích cho “có đi có lại”.

 Sức khỏe tinh thần và thể chất cá nhân và các mối quan hệ giữa con người với con người có liên quan tích cực đến phong cách hài hước “thân thiện” và “nâng cao bản thân” nhưng có liên quan tiêu cực đến phong cách hài hước mang tính công kích. Kết quả trên tương tự như các nghiên cứu của phương Tây, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Ví dụ, trong các nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu, phong cách hài hước tự hạ thấp luôn bị coi là phong cách hài hước có hại, nhưng trong nghiên cứu của Đài Loan lại phát hiện thấy hài hước kiểu hạ thấp không phải lúc nào cũng có hại đến sức khỏe thể thất và tinh thần như trong xã hội Mỹ và châu Âu. Mặc dù sự hài hước tự hạ thấp có liên quan tiêu cực đến lòng tự trọng, nhưng lại có liên quan tích cực đến sự đồng cảm, thức tỉnh cảm xúc và điều chỉnh cảm xúc của cá nhân. Điều này có thể liên quan đến sự khiêm tốn và sự hài hòa trong các mối quan hệ của cộng đồng người Hoa. Sử dụng thiết bị chụp cộng hưởng từ để phân tích mức độ hoạt động của não bộ khi những người tham gia nghiên cứu đọc các câu văn mang 4 phong cách hài hước nói trên, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy khi những người tham gia xem những câu chữ kích thích sự hài hước mang tính thân thiện hoặc mang tính tự hạ thấp, nó sẽ dẫn đến hoạt động lớn hơn ở vỏ não. Từ hoạt động thần kinh cơ bản, nghiên cứu này đã cung cấp những bằng chứng có lợi cho sự khác biệt về văn hóa trong sự hài hước, thu hút sự quan tâm lớn từ các tạp chí quốc tế.

 Trẻ em mắc chứng Asperger thường bị coi là thiếu sự hài hước, mức độ sử dụng sự hài hước mang tính “công kích” và “tự hạ thấp” không khác biệt so với trẻ em bình thường, nhưng ít sử dụng phong cách hài hước tích cực (“phong cách thân thiện” và “phong cách nâng cao bản thân”) hơn trẻ em bình thường. Điều này cho thấy trẻ em mắc chứng Asperger không phải là không biết sử dụng sự hài hước mà là không biết cách sử dụng nó thế nào cho thích hợp. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế khóa học nâng cao phong cách hài hước tích cực, từ giải thích, quan sát, trải nghiệm cho đến nhập vai để tiến hành giảng dạy ngắn hạn cho trẻ em mắc chứng Asperger. Sau khi tham gia học thử nghiệm, sở thích sử dụng “phong cách thân thiện” của các học sinh Asperger đã tăng lên rõ rệt.

 Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ khuếch tán sức căng (Diffusion Tensor Imaging, DTI) để quan sát mối quan hệ giữa kết nối mạng lưới chất trắng của não bộ cá nhân với xu hướng sử dụng các phong cách hài hước khác nhau của họ.

 Những người thích sử dụng phong cách hài hước mang tính công kích như “Trò đùa địa ngục” (Hellish gags) rất có thể bị thiếu hụt hiệu quả trong các mạch thần kinh của vùng não chịu trách nhiệm cho suy nghĩ mở, do đó khó mà chuyển đổi tư duy suy nghĩ sang phong cách hài hước mang tính thân thiện. Nghiên cứu lần này cung cấp bằng chứng xác thực về sinh lý thần kinh cho phong cách hài hước mang tính công kích và gợi mở cho việc dạy học sinh làm thế nào giảm bớt sự hài hước mang tính công kích, được các nhà nghiên cứu tâm lý học quốc tế đánh giá rất cao.

 Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu chủ đề hài hước một cách toàn diện, ví dụ như khám phá ưu thế hài hước của các dân tộc nguyên trú Đài Loan và đưa vào giảng dạy “trung tâm ưu thế” bằng các chiến lược hài hước, thông qua hoạt động giảng dạy để mở rộng ưu thế hài hước của trẻ em dân tộc nguyên trú sang các lĩnh vực khác.

Cuộc khảo sát lần này được tiến hành trên 7.226 người tham gia đến từ 25 khu vực của 23 quốc gia.