Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nghiên cứu toàn cầu do Giáo sư Đài Loan chủ trì phát hiện đột phá lớn trong điều trị ung thư gan giai đoạn cuối
2019-12-02

Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư châu Âu (ESMO) tổ chức tại Singapore, Giám đốc Trung tâm Ung thư trực thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan – Giáo sư Trịnh An Lý (ảnh) đã báo cáo thành quả quan trọng trong điều trị ung thư gan giai đoạn cuối: Kết hợp sử dụng thuốc ức chế miễn dịch PD-L1 và thuốc điều trị nhắm trúng đích chống quá trình tạo mạch máu có thể kéo dài đáng kể thời gian sống cho bệnh nhân ung thư gan. Đây là bước đột phá lớn trong 11 năm qua (Ảnh: CNA)

Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư châu Âu (ESMO) tổ chức tại Singapore, Giám đốc Trung tâm Ung thư trực thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan – Giáo sư Trịnh An Lý (ảnh) đã báo cáo thành quả quan trọng trong điều trị ung thư gan giai đoạn cuối: Kết hợp sử dụng thuốc ức chế miễn dịch PD-L1 và thuốc điều trị nhắm trúng đích chống quá trình tạo mạch máu có thể kéo dài đáng kể thời gian sống cho bệnh nhân ung thư gan. Đây là bước đột phá lớn trong 11 năm qua (Ảnh: CNA)
 

 Hiệp hội Ung thư châu Âu (ESMO) gần đây đã tổ chức hội nghị thường niên châu Á tại Singapore. Trong thời gian diễn ra hội nghị, một kết quả nghiên cứu quan trọng về điều trị ung thư gan giai đoạn cuối do Giám đốc Trung tâm Ung thư trực thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan (NTUCC) – Giáo sư Trịnh An Lý (Dr. Ann-Lii Cheng) báo cáo đã thu hút sự chú ý cao độ của các chuyên gia, học giả quốc tế. Hội trường chật kín người nghe trong ngày tiến hành báo cáo, thậm chí những người dự thính còn phải đứng nghe bên ngoài.

 Ung thư gan là một trong những loại ung thư ác tính thường gặp trên thế giới, tỷ lệ phát sinh cao tại các nước châu Á như Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo báo cáo thống kê bệnh ung thư năm 2016 của Sở Y tế Quốc dân, tỷ lệ mắc ung thư gan xếp thứ 2 trong số các bệnh ung thư ở nam giới và xếp thứ 5 trong số các bệnh ung thư ở nữ giới, tỷ lệ tử vong đều xếp thứ 2 trong số các bệnh ung thư ở cả nam giới và phụ nữ. Năm 2016, có hơn 10.000 ca bệnh mới phát sinh và hơn 8.000 người tử vong do ung thư gan. Tại Đài Loan, có khoảng 1/3 số bệnh nhân ung thư gan là những bệnh nhân mới được chẩn đoán và không thể điều trị tại chỗ-tại vùng (loco-regional theraphy) như phẫu thuật. Hiện nay có thể sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích Sorafenib, tuy nhiên tỷ lệ đáp ứng tương đối thấp và tác dụng phụ mạnh là những khó khăn cần phải giải quyết.

 Giáo sư Trịnh An Lý nói: Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc điều trị kết hợp sử dụng thuốc ức chế miễn dịch PD-L1 và thuốc điều trị nhắm trúng đích chống quá trình tạo mạch máu (Anti-angiogenesis) có thể kéo dài đáng kể thời gian sống của các bệnh nhân ung thư gan không thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ và thời gian sống còn bệnh không tiến triển (progression-free survival: người vẫn có ung thư nhưng bệnh không tiến triển (không tăng trưởng u mới hay phát tán u trong hoặc sau điều trị). Mặc dù trung bình thời gian sống tổng thể vẫn chưa được công bố nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số người dùng thuốc vẫn còn sống.

 Đây là lần đầu tiên liệu pháp điều trị miễn dịch được xếp vào phương pháp điều trị đầu tiên trong điều trị ung thư gan giai đoạn cuối với tác dụng phụ thấp. Đợi sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép, hy vọng có thể viết lại hướng dẫn điều trị bệnh ung thư gan quốc tế và mang lại cơ hội sống cho các bệnh nhân.

 Giáo sư Trịnh An Lý cho biết: Kết quả nghiên cứu về gan của Đài Loan trước đây đã nổi tiếng trên thế giới, ông chỉ “đứng trên vai người khổng lồ”, tập trung nghiên cứu về ung thư gan trên nền tảng được các chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu bệnh gan như Viện sĩ Tống Thụy Lầu, Viện sĩ Trần Định Tín… tạo dựng. Bởi vì Đài Loan có môi trường học thuật và công nghệ y tế tốt, khiến quốc tế phải nhìn Đài Loan “bằng con mắt khác”. Có thể họ không tìm thấy Đài Loan ở đâu trên bản đồ quốc tế, nhưng nghe nói đến Đài Loan thì đều rất tôn trọng.

 Giáo sư Trịnh An Lý còn cho hay: Tại hội nghị quốc tế được tổ chức gần đây, mỗi quốc gia đều chỉ có 1 đại biểu tham dự, duy chỉ có Đài Loan là có 2 đại biểu, mọi người đều cho rằng “đó là điều hiển nhiên” bởi ai cũng thấy được thành tích xuất sắc của Đài Loan. Ngoài ra, Đài Loan còn dùng sức mạnh của chính sách quốc gia để “xóa sổ” bệnh viêm gan C, đầu tư khoản kinh phí lớn để giảm bớt gánh nặng cho người dân, khiến cho nhiều chuyên gia quốc tế phải “giật mình”. Đây là niềm kiêu hãnh của Đài Loan, tuy không phải là quốc gia giàu có, nhưng vô cùng coi trọng sức khỏe của người dân.

(Nguồn: Hãng tin Trung ương-CNA)