Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Nghề truyền thống – Sáng tạo mới – Đong đầy ân tình: Giày thêu, gạch ngói, gốm sư
2020-02-10

Nảy sinh ý tưởng thiết kế “Sự bảo vệ của Biển” từ Sư tử kiếm (Sword Lion) , hy vọng người mang giày Jianshi Sư tử kiếm sẽ được bình an.

Nảy sinh ý tưởng thiết kế “Sự bảo vệ của Biển” từ Sư tử kiếm (Sword Lion) , hy vọng người mang giày Jianshi Sư tử kiếm sẽ được bình an.
 

 Nhìn lại một năm qua, bạn có muốn cám ơn một ai đó không? Nếu muốn chọn một món quà để bày tỏ lời cảm tạ chân thành của mình thì bạn sẽ tặng gì nào?

 Để tặng quà cho người độc nhất vô nhị trong lòng chúng ta, tạp chí Taiwan Panorama đã tuyển chọn ra 3 thương hiệu sáng tạo văn hóa rất đặc biệt. Những thương hiệu này với nền tảng là nghề truyền thống, vẫn giữ cách làm thủ công đầy tình người nhưng thêm vào đó là những yếu tố sáng tạo mới để cho ngành nghề truyền thống trở nên hiện đại hơn.

 Vậy thì khi nghề truyền thống kết hợp với sáng kiến mới, chúng sẽ tạo ra sản phẩm như thế nào đây?

 

 Chiếc giày da có màu nâu caramen, màu xanh lake blue sặc sỡ được thêu hoa văn, họa tiết đầy nghệ thuật, nhiều màu sắc khiến cho tâm trạng người mang giày cũng thấy vui lây. Cô Giang Bội Gia (Chiang Pei-chia), người sáng lập công ty TNHH Hsiu Taiwan là người thúc đẩy kiểu giày thêu hoa truyền thống trở thành giày thời thượng.

 

Giày truyền thống, thiết kế hiện đại

 Cô Giang Bội Gia người Đài Trung đến Đài Nam học tập. Một lần nọ cô đi ngang qua tiệm giày “Niên” ngay từ cái nhìn đầu tiên, cô đã bị thu hút bởi những đôi giày thêu hoa tinh xảo xinh đẹp. Sau đó, vừa hay có chương trình thạc sĩ Dịch vụ đổi mới sáng tạo, muốn tìm các tiệm truyền thống để tiến hành thiết kế phục vụ sáng tạo, thế là cô chọn tiệm “Niên”.

 Qua lớp học này, cô Giang Bội Gia hiểu rõ hơn về ý nghĩa văn hóa sâu sắc của giày thêu hoa, chẳng hạn như khi kết hôn, cô dâu tự may cho mình đôi giày thêu màu đỏ để bày tỏ sự kỳ vọng và kiên định với mối tình này. “Tôi cảm thấy nên tạo cơ hội cho giày thêu hoa có diện mạo mới”, cô Giang Bội Gia nói.
 

Cô Giang Bội Gia (trái), người sáng lập công ty TNHH Hsiu Taiwan, dùng đường thêu để kể về câu chuyện ký ức của thế hệ mới.

Cô Giang Bội Gia (trái), người sáng lập công ty TNHH Hsiu Taiwan, dùng đường thêu để kể về câu chuyện ký ức của thế hệ mới.
 

Sự kết hợp tuyệt vời giữa da thuộc và thêu hoa

 Thêu hoa truyền thống là thêu trên vải, giày thêu hoa cũng không ngoại lệ. Cô Giang Bội Gia nói, lúc đầu cô chỉ muốn thiết kế đổi mới mẫu thêu trên giày thêu hoa truyền thống cho nên mới tìm thợ làm giày của tiệm “Niên” nhờ họ giúp đỡ. Nhưng sau khi hợp tác thì đã khơi dậy nguồn cảm hứng khác, “Giày thêu hoa làm bằng vải không thể hiện được hiệu quả mong muốn và có sự chênh lệch khá xa với những gì tưởng tượng trong đầu, kết cấu và độ tinh xảo cũng không đạt như mong muốn, vả lại độ thông thoáng, thoải mái của giày vải không sao bì kịp với giày da”. Điều này khiến cô Giang Bội Gia mạnh dạn muốn thử thách thêu hoa trên giày da. 

 Cô Giang Bội Gia tìm đến xưởng gia công giày thủ công ở khu An Nam, Đài Nam, sau quá trình không ngừng sửa đổi, cải tiến, cuối cùng đã thành công, thêu hoa rất đẹp trên giày da.  

 Mỗi đôi giày thêu do cô Giang bội Gia thiết kế đều do thợ đóng giày làm bằng thủ công. Để có một đôi giày làm bằng thủ công thì phải trải qua hơn 100 công đoạn, may thủ công, gõ đập, dán keo, dùng tay áp tấm da đã cắt ghép vào khuôn giày để cho bề mặt da dính chặt vào nhau. Mức độ thoải mái, dễ chịu khi mang đôi giày làm bằng phương thức thủ công là cái mà máy móc không thể nào thực hiện được.

 Cô Giang Bội Gia chọn dùng da thật có có giá thành cao như da bò, da heo, da dê núi, v.v... để làm ra những đôi giày thích hợp cho phụ nữ phương Đông, tùy theo kiểu giày mà chọn dùng các loại da khác nhau. Từ mặt trước của giày (mũi giày) đến đế trong, đế ngoài... mỗi một chi tiết, cô Giang Bội Gia đều làm thử rất nhiều lần, kiên trì cho đến khi làm ra được một đôi giày vừa đẹp lại vừa thoải mái, dễ chịu.

 

Để giày nói lên những câu chuyện, truyền hơi ấm tình người

 Giày thêu do cô Giang Bội Gia thiết kế không có các mẫu thêu truyền thống mà cô thay thế bằng những đường thêu đơn giản, những hình ảnh mang đầy ý tưởng. Tác phẩm đầu tay của cô “Sự bảo vệ của Biển” lấy cảm hứng từ Sư tử kiếm ở An Bình (Anping's Sword Lions), Đài Nam. Đây là linh vật trừ tà thời Trịnh Thành Công, cô hy vọng “người mang đôi giày này sẽ được bình an” .

 Bản đồ cổ Fucheng (Phủ thành), vỏ con hào Đài Nam, bướm Euploea, thậm chí các loại kem mát lạnh trong mùa hè cũng được thêu lên giày, “những hoa văn trên giày thêu đều mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử của mỗi thời đại, tôi muốn viết câu chuyện thuộc về thời đại chúng ta.”

 Một đôi giày, cùng bạn viễn hành, cô Giang Bội Gia dùng đường kim mũi chỉ thêu những dòng ký ức thuộc về thế hệ mới.
 

Tết âm lịch tràn ngập không khí vui tươi, sản phẩm được thợ thủ công khéo léo làm bằng tay giúp chúng ta truyền tải những lời cảm tạ chân thành.

Tết âm lịch tràn ngập không khí vui tươi, sản phẩm được thợ thủ công khéo léo làm bằng tay giúp chúng ta truyền tải những lời cảm tạ chân thành.
 

Một viên gạch, một mái ngói nói lên niềm thương nhớ.

 Tiếp tục đi về phía nam, đến khu Đại Thụ (Dashu), thành phố Cao Hùng (Kaohsiung), đây là khu vực trọng yếu ở Cao Hùng- Bình Đông, nơi từng có nhiều công xưởng làm gạch ngói bậc nhất Đài Loan. Vào thời kỳ thịnh vượng nhất, nơi đây từng có hơn 100 lò nung gạch ngói. Vào thập niên 1970, cùng với sự thay đổi của xã hội Đài Loan, bê tông cốt thép dần dần thay thế gạch ngói, đến năn 1988 xưởng ngói Tam Hòa (San-He) trở thành xưởng nung gạch ngói duy nhất còn lại ở khu Đại Thụ.

 Ông Lý Ngọc Trụ (Lee Yu-chu) tuổi đã cao, nhiều lần thăm dò xem anh Lý Tuấn Hoằng (Lee Chun-hung) có ý muốn tiếp nối nghề không vì không muốn để sự nghiệp của gia tộc đến đời ông thì kết thúc. Những ký ức cùng cha chăm coi lò nung đã khiến cho xưởng nung gạch ngói trở thành nơi gửi gắm tình cảm của anh Lý Tuấn Hoằng đối với người cha đã mất sớm của mình.

 Sau nhiều trăn trở, anh Lý Tuấn Hoằng xin nghỉ công việc ở ngân hàng để toàn tâm tiếp quản xưởng nung gạch ngói của gia đình. Sau khi tiếp nhận quản lý xưởng, nhiệm vụ cấp bách của anh Lý Tuấn Hoằng là mở ra con đường mới cho ngành nung gạch ngói đã mai một.

 Ống đựng đũa mà mẹ anh làm đã mang lại cho anh nguồn cảm hứng, phải chăng có thể thử đi theo hướng phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Vừa đúng lúc có một nhóm sinh viên khoa mỹ thuật công nghệ, Học viện Kỹ thuật Đông phương (nay là Học viện Thiết kế Đông phương) muốn dùng điêu khắc gạch làm đề tài cho tác phẩm tốt nghiệp, vì vậy mà quen biết anh Lý Tuấn Hoằng, từ đó mở ra cơ hội phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho xưởng ngói Tam Hòa.

 Nhờ vào kế hoạch thúc đẩy kỹ thuật “Điêu khắc trước khi nung gốm” mà anh Lý Tuấn Hoằng đã xin trợ cấp “Dự án hỗ trợ nghệ thuật thủ công trong cộng đồng” của Trung tâm Phát triển nghiên cứu công nghệ Đài Loan, đồng thời anh nhờ sinh viên khoa mỹ thuật công nghệ đến đào tạo cho cư dân địa phương, chính thức bắt đầu khai thác phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

 Sau 3 năm, khi trợ cấp của chính phủ kết thúc, các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ và kênh tiêu thụ sản phẩm cũng dần dần phát triển, anh Lý Tuấn Hoằng quyết định thành lập công ty thiết kế sáng tạo văn hóa, chính thức thành lập thương hiệu “San-He Tile Kiln”
 

Men theo con đường lót gạch đỏ đi về phía trước, “Tiệm bán gạch” San-He Tile Kiln chuẩn bị những viên gạch tràn đầy ý nghĩa dành cho bạn.

Men theo con đường lót gạch đỏ đi về phía trước, “Tiệm bán gạch” San-He Tile Kiln chuẩn bị những viên gạch tràn đầy ý nghĩa dành cho bạn.
 

“Tiệm bán gạch” chuyên bán “Gạch có ý nghĩa”

 Anh Lý Tuấn Hoằng dành ra một không gian trong xưởng gạch để làm nơi trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặt tên là “Tiệm bán gạch”

 Bước vào trong tiệm, đập vào mắt ta là sản phẩm thủ công mỹ nghệ màu gạch đỏ ấm áp, cả căn tiệm toát lên sự giản dị mộc mạc, mang lại cảm giác an tâm cho mọi người.

 Trong thành phần đất sét thiên nhiên có chứa sắt, qua quá trình nung, sắt bị oxy hóa tự nhiên cho ra màu đỏ gạch, kết hợp với sở thích đoàn viên, chúc mừng hỷ sự của người phương Đông để thiết kế ra dĩa đựng xà phòng chữ hỷ, đế lót ly cát tường. Đây đều là những sản phẩm bán chạy được người dân trong nước lựa chọn để tặng cho bạn bè nước ngoài.

 Ngoài những vật dụng trong sinh hoạt, xưởng ngói Tam Hòa còn thiết kế kệ đựng danh thiếp ngũ hành, lấy ý tưởng tường đầu hồi của kiến trúc gạch ngói truyền thống để tạo hình, dưới đế phối hợp vật ngũ hành tương ứng, ví dụ như băng ghế thuộc hành Mộc, bếp lò thuộc hành Hỏa. Mô hình tường gạch thu nhỏ mang đầy dáng vẻ mộc mạc của những ngôi nhà cổ xưa.

 Nhờ có sự kiên trì gìn giữ, duy trì nghề làm gạch của ông chủ lò gạch Lý Tuấn Hoằng và nhiều người khác, ngoài vật liệu truyền thống, họ còn nỗ lực tìm ra con đường mới, nhóm lên ngọn lửa hy vọng cho ngành nung gạch đã lụi tàn.

 

Bảo vệ mái ấm, trông nom lò gốm

 Chung một lòng gìn giữ lò nung còn có hai chị em đến từ Oanh Ca (Yingge): Mao Khiết Hiên (Mao Chieh-hsuan) và Mao Tuyển Viên (Mao Hsuan-yuan).

 Người cha của hai chị em này là nghệ nhân làm đồ gốm nổi tiếng ở Oanh Ca, ông Mao Xương Huy (Mao Chang-hui). Năm 1980 ông thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Đồ gốm Hsiang Shin, bắt đầu lập nghiệp bằng cách gia công đồ gốm bán ra nước ngoài với lợi nhuận ít ỏi. Vì yêu thích nghệ thuật, năm 1984, ông bắt đầu phát triển đồ gốm theo hướng gốm sứ trưng bày, kết hợp thẩm mỹ phương Tây (như tác phẩm của Monet) với kỹ thuật đồ gốm truyền thống, đưa gốm sứ gia nhập vào thị trường hàng hiệu.

 Theo đà kinh tế xuống dốc, thị trường thu hẹp, gốm sứ Oanh Ca cũng dần dần thu nhỏ qui mô, “Vào thời thịnh vượng, tại Oanh Ca có hơn 200 xưởng nung đồ gốm, hiện nay chỉ còn có 20 mấy công xưởng mà thôi.” Cô Mao Khiết Hiên nói, đây là vấn đề mà các ngành sản xuất truyền thống đều phải đối mặt, không thay đổi thì sẽ bị thị trường đào thải.

 Không nỡ để cho tài nghệ hơn 30 năm kinh nghiệm của cha mình bị mai một do không có người tiếp nối, chị cả Mao Khiết Hiên là người đầu tiên quyết định trở về nhà nối nghiệp cha. Sau đó, em gái Mao Tuyển Viên, lúc vừa tốt nghiệp khoa thiết kế xây dựng cũng quyết định tạm thời về nhà làm thử.

 Mới đầu hai chị em trợ giúp cha sáng tạo gốm sứ nghệ thuật. Người cha thì yêu thích những tác phẩm có màu sắc sặc sỡ, còn hai chị em thì cảm thấy màu sắc dịu dàng sẽ gần gũi, bình dị hơn với con người. “Ngưỡng sưu tầm gốm sứ nghệ thuật là khá cao, gốm sứ sinh hoạt mới có thể để cho mọi người dễ dàng có được nó”. Cô Mao Tuyển Viên nói, hai thế hệ thường xảy ra xung đột bởi không cùng ý tưởng sáng tạo.
 

gốm sư
 

Ăn no nê, thú vui nghịch gốm

 Có một lần cô Mao Tuyển Viên tự làm cái chén cho mình, chợt nảy ra ý tưởng viết chữ “No” vào trong chén, rồi cô chụp hình đăng lên facebook chia sẻ với bạn bè, không ngờ thu hút được sự chú ý của mọi người, có người còn chỉ định viết chữ gì và muốn mua làm quà tặng. Việc này đã gợi mở cảm hứng sáng tạo của hai chị em họ Mao. Loại “Gốm sứ trong sinh hoạt” làm theo yêu cầu của khách có khi lại có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường.

 Thế rồi vào năm 2009, hai chị em thành lập thương hiệu “Mao Studio” với mặt hàng chủ yếu là gốm sứ sinh hoạt được vẽ tay thủ công và làm theo yêu cầu của khách hàng. Ví dụ như: cặp chén một trắng một đỏ, chữ “Hỷ” in trên chén được in một nổi một chìm, lấy khắc dương và khắc âm đại diện cho nam nữ, âm dương kết hợp để thiết kế một cặp chén song hỷ. Hoặc là viết chữ “Bình an”, “Hỷ lạc” ..., những chữ có ý nghĩa chúc phúc lên chén, đĩa để bày tỏ tấm lòng của người tặng quà.

 Để mang lại giá trị độc nhất vô nhị cho một sản phẩm, lò gốm đã quyết tâm duy trì phương pháp thợ làm gốm sứ vẽ tay thủ công, vì thế mặc dù cùng một loại chén nhưng nét chữ sẽ khác nhau. Không giống như các loại gốm sứ chất lượng kém cho thêm kim loại nặng vào để giảm bớt nhiệt độ và thời gian nung, lò nung gốm sứ của “Mao Studio” sử dụng nhiệt độ lên đến 1.230 độ, làm cho thành phần kim loại có trong nem gốm bay hơi hoàn toàn, với mong muốn người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm.

 

Đứng trên vai của người cha vĩ đại

 Chị em họ Mao thừa hưởng kinh nghiệm 30 năm của người cha, không chỉ ở kỹ thuật nung gốm, nghiên cứu phát triển men gốm mà còn thừa hưởng luôn cả lòng quyết tâm giữ gìn chất lượng sản phẩm của cha mình. “Thà là nhịn đói chứ không vì kiếm tiền mà từ bỏ quyết tâm của mình”. Với thái độ tôn trọng gốm sứ nghệ thuật, mỗi một sản phẩm của “Mao Studio” đều được làm thật tốt. Đứng trên vai của người cha vĩ đại, tầm nhìn trở nên rộng mở hơn, xưởng gốm sứ hơn 30 năm đã có được hướng đi mới nhờ sự sáng tạo của hai chị em.

 Ngành nghề truyền thống nhờ có sự sáng tạo nên có sự đổi mới nhưng điều không thay đổi đó là hơi ấm của bàn tay những người thợ thủ công. Kiên trì gìn giữ kỹ nghệ truyền thống, quyết tâm làm ra sản phẩm thủ công để cho người tặng quà hay người nhận quà đều có thể cảm thấy ấm lòng.

 Bạn đã chọn món quà tặng cho người mà bạn muốn nói lời cám ơn chưa?