Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cẩm nang du lịch biết nói Tìm hiểu đề tài xã hội địa phương Đài Loan qua trò chơi
2020-04-20

Ngô Á Hiên (phải) và Lâm Chí Dục, người sáng lập Clubon.

Ngô Á Hiên (phải) và Lâm Chí Dục, người sáng lập Clubon.
 

 Ý tưởng biến “trò chơi” trở thành khái niệm giáo dục đã xuất hiện và bắt đầu được xem trọng vào khoảng năm 2015, thời kỳ đầu đổi mới nền giáo dục Đài Loan, từ đó cũng trở thành một phương pháp truyền thụ kiến thức mới mẻ. Phong trào này sau khi được lan rộng trong xã hội, các trò chơi trực tuyến và trò chơi tabletop game có đề tài xã hội đã liên tục xuất hiện và không ngừng đổi mới. So với những trò chơi khác, loại hình trò chơi nhập vai thực tế ngoài trời lại mang đến cho người chơi trải nghiệm phong phú về cảm quan và kinh nghiệm sâu sắc hơn rất nhiều.

 

 Nhóm phỏng vấn chúng tôi được một phen trải nghiệm thực tế với trò “Xuyên qua cửa hiệu chụp ảnh” (Through the Photo Studio) của nhà sản xuất Clubon và trò “Khám phá Mạnh Giáp” (Hitting the Streets of Bangka) của Hiệp hội Homeless Taiwan, quan sát trò chơi được thiết kế như thế nào mới có thể khơi gợi sự tò mò của người chơi và thông qua quá trình tham gia trò chơi để làm quen với bối cảnh lịch sử của thành phố. Từ một ngày trải nghiệm cuộc sống lề đường, giúp người chơi hiểu được đề tài xã hội và câu chuyện của những người vô gia cư.

 

Khởi nguồn từ việc tìm hiểu lịch sử thành phố

 Bối cảnh của trò chơi “Xuyên qua cửa hiệu chụp ảnh” diễn ra ở khu đền Cảnh Phúc (Jingfu), Đào Viên, nhân vật chính là một nam học sinh cấp 3 và một cụ già kỳ quái thường hay lang thang trên phố cổ. Sau khi hai người này mất tích chỉ để lại cuốn nhật ký của cậu học sinh, nội dung trong nhật ký nhắc đến cụ già có một chiếc máy ảnh giúp con người trở về quá khứ, ngoài ra còn có 5 người bạn sống lâu năm ở khu phố cổ cũng biết sự việc này. Nhiệm vụ của người chơi là phải tìm được manh mối từ 5 nhân vật sống ở phố cổ nói trên, sau đó tìm ra sự thật và giải mã nguyên nhân mất tích của cậu học sinh và cụ già.

 Một nhóm người chơi chưa đầy 30 tuổi đi vào khu chợ bán lẻ Vĩnh Hòa (Yonghe), nơi mà họ ít khi lui tới. Vào buổi chiều khu chợ này không hoạt động, đèn đóm cũng đã tắt tối mờ mờ, nhưng có một cô gái mặc bộ áo đầm, khuôn mặt được trang điểm rất đậm, đang tựa người kế bên thang máy đứng bán đồ ăn vặt. “Mấy người tới đây làm gì?”, cô gái có biệt danh “chị Dược” vừa hỏi, mắt vừa liếc nhìn từ đầu đến chân nhóm người từ nơi khác đến. Người chơi hoàn toàn không biết đầu đuôi ngọn ngành nên không ngừng đặt ra những câu hỏi có liên quan tới câu chuyện, cuối cùng thì họ đã nhận được nhiệm vụ đi vào khu chợ dưới tầng hầm.

 Cả nhóm đi lên dãy thang cuốn đã ngừng hoạt động, thứ mùi hỗn tạp của khu chợ cứ thế xộc lên mũi mọi người. Để tìm ra tờ quảng cáo dán trên tường, nhóm người chơi phải lượn một vòng khu chợ, cẩn thận từng bước một khi đi trên nền nhà trơn trợt, nhưng mắt thì vẫn phải quan sát thật kỹ từng ngóc ngách. Nhờ sự phân công hợp tác của nhóm và lời chỉ dẫn của chị Dược, cuối cùng nhóm đã nhận được tin nhắn quan trọng để đi vào vòng kế tiếp với nội dung “đông như mắc cửi”.

 

Lắng nghe câu chuyện, quan sát hoàn cảnh

 Chị Dược nhìn những manh mối mà nhóm người chơi có được, sau đó từ tốn kể câu chuyện của mình cho mọi người nghe. Cách đó không xa là trung tâm mua sắm Thiên Thiên (Tientien), được xây dựng vào năm 1980 với 9 tầng lầu, bên trong trung tâm có rạp chiếu bóng, là nơi hồi xưa cô thường hẹn hò, bây giờ thì nơi đây đã không náo nhiệt như trước, tầng 1 bị biến thành bãi đỗ xe u ám, còn những tầng khác thì bị bỏ hoang. Người chơi bắt đầu dò hỏi, một tràng hỏi đáp liên tục diễn ra làm gián đoạn phần giới thiệu khu chợ Vĩnh Hòa của chị Dược. “Dù gì thì sau này chợ Vĩnh Hòa cũng sẽ bị dỡ bỏ, cũng chẳng liên quan gì tới các bạn”, chị Dược phát hiện thấy người chơi chỉ muốn lấy được manh mối mà có vẻ không quan tâm tới lịch sử địa phương, nên mới nói một câu lạnh tanh như thế. Thực ra những gì chị Dược nói không những là nội dung cần thiết cho trò chơi, mà còn phản ánh diện mạo của vùng Đào Viên đang thay đổi. Người chơi cầm lấy một bức ảnh cũ của chị Dược đưa cho, rồi đi về hướng công viên Triều Dương (Chaoyang) cạnh con suối Đông Môn (Dongmen), tiếp tục tìm kiếm cụ bà Nakashi. Trên con phố có rất nhiều cụ già đang đi dạo, dắt chó, cụ già Nakashi ngồi trên chiếc ghế ghế dài, hòa vào vào nhịp sống của khu phố, ngồi thong dong chơi đàn phong cầm. "Chào cụ ạ!", nhóm người chơi nhớ lời nhắc nhở của chị Dược là phải lễ phép tôn trọng người địa phương, phải lắng nghe kỹ càng câu chuyện của họ, cho nên lần này nhóm người chơi không gặng hỏi  nữa, mà chuyên tâm lắng nghe câu chuyện của nghệ sĩ phong cầm.

 Sau đó nhóm người chơi được gặp người quản lý đền Trấn Phủ (Zhenfu), công chúa Biển (Sea princess) trên phố đi bộ suối Đông Môn và nhà thơ trên phố cổ Tân Dân (Xinmin). Mỗi một nhân vật đều có những dòng hồi ức phong phú và sinh động, trong khi trò chuyện với họ, những hình ảnh cuộc sống Đào Viên chân chất thời xưa dường như hiện ra trước mắt và cảm nhận được tình người ấm áp nơi đây.
 

Nhóm người chơi trượt ván trên khu phố đi bộ suối Đông Môn, trải nghiệm cuộc sống chèo thuyền qua sông của cư dân trong vùng thời xưa.

Nhóm người chơi trượt ván trên khu phố đi bộ suối Đông Môn, trải nghiệm cuộc sống chèo thuyền qua sông của cư dân trong vùng thời xưa.
 

Trải nghiệm để tạo nên hồi ức và sự thấu hiểu

 Sau khi trò chơi kết thúc, nhóm người chơi tập hợp lại để nghe nhà thiết kế trò chơi giải mã bí ẩn. Tuy nhiên, mọi người dường như không còn quan tâm tới đáp án nữa, thay vào đó họ lại tập trung thảo luận những gì đã tương tác với các nhân vật trong câu chuyện. Trong quá trình chơi, những đoạn đối thoại với nhân vật hoặc thảo luận cùng đồng đội, những câu chuyện lịch sử Đào Viên chưa từng nghe bao giờ, hay những kiến trúc ít khi chú ý đến, đó mới chính là những gì mà người chơi thực sự đã thu hoạch được qua trò chơi. Thông qua trò chơi này, khu vực đền Cảnh Phúc Đào Viên sẽ không còn là một địa điểm lạ lẫm đối với người chơi nữa, mọi người sẽ biết được lịch sử hình thành phát triển của nơi đây bắt nguồn từ con suối Đông Môn, một thành phố cộng sinh với nguồn nước. Những thay đổi phát triển của thành phố cũng nhắc người chơi phải suy nghĩ, khi thành phố không ngừng đổi mới thì phong cảnh mà chúng ta muốn nhìn thấy là gì?

 Người sáng lập công ty Clubon - anh Lâm Chí Dục (Lin Chih Yu) cho biết, nhờ vào tài liệu khảo sát thực địa phong phú, không những có thể bảo tồn bằng hình thức chữ viết, mà dựa vào những chuyến trải nghiệm thực tế, còn giúp cho càng nhiều người hiểu được những vấn đề trong xã hội và lịch sử nơi đây, sẽ mang lại cảm giác khác biệt so với hình thức đọc. Trong khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ phải thực hiện những hành vi đặc biệt theo yêu cầu, nhân cơ hội đó phát hiện những góc độ mà bình thường ít quan tâm đến.

 “Chúng tôi muốn sử dụng một phương pháp khác để bàn luận những đề tài xã hội”, cô Ngô Á Hiên (Ansley Wu), một người sáng lập khác của Clubon nói lên ý tưởng của hai bạn trong những ngày đầu mới khởi nghiệp. Với mục đích biến những đề tài xã hội cứng nhắc trở nên gần gũi với mọi người, cũng như giúp cho mọi người phát hiện ra những câu chuyện lạ lẫm tiềm ẩn trong môi trường thân thuộc xung quanh mình. Khi hai người nói về chủ đề trò chơi tiếp theo mà họ muốn sáng tác thì cả hai bật cười cùng đáp: “Rất nhiều!”, cũng giống như những gì họ viết trên tường của văn phòng làm việc “Our city, our duty” (Thành phố của chúng ta, sứ mệnh của chúng ta), niềm nhiệt huyết của họ đối với những đề tài xã hội đang diễn ra tại Đài Loan là vô tận.

 

Trò chơi phản ánh cuộc sống hiện thực

 Ý tưởng thiết kế trò chơi “Khám phá Mạnh Giáp” cũng bắt nguồn từ mục đích muốn giải quyết khoảng cách của công chúng đối với vấn đề người vô gia cư. Người sáng tác trò chơi - cô Tăng Văn Cần (Cyndi Tseng) ban đầu chỉ muốn đưa ra kế hoạch "Du lịch đường phố", đào tạo người vô gia cư trở thành người hướng dẫn, dựa vào những kinh nghiệm lang thang trên đường phố của họ, giúp công chúng nhìn thấy được những hình ảnh khác về Đài Bắc. Nhưng sau đó cô Tăng Văn Cần phát hiện, một số người tham gia trò chơi "Du lịch đường phố" tuy có hứng thú với đề tài người vô gia cư, nhưng trong lúc nghe giới thiệu, họ vẫn không giấu được vẻ buồn chán. Điều này khiến cô suy ngẫm lại, thời gian giới thiệu kéo dài thiếu đi sự tương tác, điều này không chỉ làm một số người xuất hiện cảm giác nhàm chán, lại càng không thể khiến cho người chơi đồng cảm với cuộc sống của người vô gia cư. Thế là cô đã tìm đến Taipei Legend Studio, nơi chuyên thiết kế trò chơi, rồi cùng bắt tay sáng tác trò chơi “Khám phá Mạnh Giáp”, mang đến cho công chúng cơ hội trải nghiệm cuộc sống lang bạt trên phố phường.

 Trò chơi có 11 vai được chuyển thể từ những nhân vật có thật, trong đó có 9 nhân vật người vô gia cư và 2 người tình nguyện viên. Nhiệm vụ của trò chơi dựa trên mục tiêu của mỗi nhân vật để kiếm khoản tiền nhất định.

 Danh sách công việc rất nhiều, bao gồm: đứng giơ biển quảng cáo, dọn vệ sinh, nhặt rác tái chế, làm việc nặng nhọc v.v..., mỗi một công việc yêu cầu có thể lực và trạng thái khác nhau, mức lương cũng khác nhau. Trong lúc tham gia, người chơi sẽ nhận được quân bài tình báo, giành được thông tin thay đổi cuộc sống, chẳng hạn như bữa tối miễn phí, bao lì xì của các tổ chức từ thiện, hoặc cơ hội làm việc phi pháp, mỗi một sự lựa chọn khác nhau sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của cuộc sống người chơi. Ngoài sự lựa chọn mang tính cá nhân, người chơi không được quyền từ chối thẻ bài vận mệnh, quân bài này sẽ khiến cuộc sống của người chơi có sự thay đổi lớn, có thể sẽ may mắn nhận được quần áo hoặc cơm hộp từ người có lòng hảo tâm, nhưng cũng có khả năng gặp phải thời tiết giá rét, bị thương khi làm việc hoặc đột nhiên bị bao vây đánh hội đồng mà không biết lý do.

 

Trải nghiệm và lĩnh hội ý nghĩa trò chơi, hình thành thái độ sống

 Nhiệm vụ của trò chơi tuy đơn giản chỉ là những công việc mang tính tượng trưng, cũng chẳng yêu cầu người chơi phải làm thật, nhưng trong quá trình đó buộc phải liên tục chịu đựng tâm trạng lo lắng đi tìm việc làm, vất vả ngược xuôi trên đường phố, sự chuyển biến vận mệnh đột ngột, cũng như sự dằn vặt mang tính bản năng khi đặt hết vốn liếng để cá cược, tất cả những tình tiết khó đỡ đó đều là những gì thường xuyên xảy ra trong cuộc sống thường nhật của người vô gia cư, đương nhiên họ không hề tự nguyện để bản thân rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế. Trước khi trò chơi bắt đầu, người chơi phải tìm hiểu trước câu chuyện của những người vô gia cư, có khi bị thương do tai nạn, thất nghiệp ở tuổi trung niên hoặc những biến cố trong gia đình khiến cuộc sống của họ bị sụp đổ một cách đột ngột khó mà phục hồi. Vì thế “sự thấu hiểu” chính là bước đầu tiên và cũng là giá trị cốt lõi của trò chơi.

 Đến đoạn kết, người chơi phải thanh toán tiền lương, có người thì thành công đạt được mục tiêu, còn một số người vẫn phải tiếp tục lang thang chốn phố phường, không phải ai cũng có được một kết cục tốt đẹp, cuộc sống của người vô gia cư cũng tương tự như thế. “Những điều này thực chất là lỗ hổng trong mạng lưới an ninh xã hội của chúng ta, khiến cho những người bị vấp ngã trên đường đời phải sống kiếp lang thang không lối về”. Đây là lời thoại của nhân vật tình nguyện viên trong trò chơi và cũng là suy ngẫm của những người tiếp xúc trực tiếp với người vô gia cư trong cuộc sống thực tại.

 Thông qua loại hình trò chơi nhập vai thực tế ngoài trời này, người chơi được tạm thời thay đổi thân phận địa vị, trải nghiệm bối cảnh xảy ra đủ các vấn đề xã hội, dựa trên hoàn cảnh khó khăn mà nhân vật gặp phải, giúp người chơi hiểu hơn về những vấn đề xã hội. Loại hình hoạt động này giúp chúng ta tìm ra điểm giao kết giữa hai khái niệm trò chơi và cuộc sống con người vốn được xem là đối lập nhau, từ đó mọi người sẽ nhìn thấy sự chân thật do trò chơi mang lại và những điều chưa biết trong cuộc sống.