Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đứng giữa ranh giới thực và ảo Thế giới giải trí tương tác của Từ Gia Khải
2020-04-27

Nhà làm phim gạo cội Tăng Chí Vỹ (phải) rất kỳ vọng vào lý tưởng và hoài bão của Từ Gia Khải, không chỉ bằng lòng tham gia diễn xuất, ông còn đảm nhiệm vai trò giám đốc sản xuất cho bộ phim.

Nhà làm phim gạo cội Tăng Chí Vỹ (phải) rất kỳ vọng vào lý tưởng và hoài bão của Từ Gia Khải, không chỉ bằng lòng tham gia diễn xuất, ông còn đảm nhiệm vai trò giám đốc sản xuất cho bộ phim.
 

 Từ Gia Khải (Jacky Hsu), một chàng trai 28 tuổi, lúc nào cũng rất bận rộn.

 Không giống như những người cùng trang lứa vẫn đang mơ hồ về con đường đời của mình, Từ Gia Khải có phần già dặn hơn, đầu óc nhanh nhạy và có cái nhìn riêng của mình trong các lĩnh vực như điện ảnh, triết học và xã hội.

 Năm 15 tuổi, Từ Gia Khải nuôi chí trở thành đạo diễn phim điện ảnh, từ đó anh đã không ngừng trau dồi bản thân để đạt đến ước mơ của mình. Năm 18 tuổi, anh thi đậu vào khoa Phát thanh truyền hình của Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan, 23 tuổi thành lập công ty điện ảnh SELF PICK và cho ra mắt những bộ phim ngắn trên mạng như Mr. Bartender, The Bar với hơn 1 triệu lượt xem.

 Năm 2019 cũng là một năm có ý nghĩa đặc biệt với Từ Gia Khải khi tác phẩm điện ảnh đầu tiên của anh, đồng thời cũng là bộ phim đầu tiên của Đài Loan về chủ đề blockchain (chuỗi khối), mang tên The Last Thieves (Siêu trộm cuối cùng) được trình chiếu. Bộ phim chính thức ra mắt vào tháng 10 năm 2019 và đã giúp Từ Gia Khải được đề cử vào giải thưởng Đạo diễn mới xuất sắc nhất của Liên hoan phim Kim Mã lần thứ 56. Sau nhiều năm nỗ lực và phấn đấu, cuối cùng Từ Gia Khải cũng nhận được sự khẳng định từ giới chuyên môn.

 

 Gặt hái được một chút danh tiếng trong ngành điện ảnh, Từ Gia Khải ngoảnh lại nhìn những tháng ngày theo đuổi ước mơ đầy trắc trở của mình. Anh chia sẻ rằng, mục tiêu lớn nhất của anh là xây dựng một thế giới “giải trí tương tác” bằng cả 5 giác quan, kết hợp giữa ảo và thực, có quy mô lớn như Công viên Disneyland hay Công viên chủ đề Universal Studio.

 Khi vừa mới lập nghiệp , Từ Gia Khải từng xin hỗ trợ kinh phí từ Bộ Văn hóa, nhưng đơn xin của anh đã bị từ chối do ban giám khảo nhận định rằng đây là “giấc mơ quá lớn lao”.

 Không bỏ cuộc, chàng trai trẻ tiếp tục thử sức với phim trực tuyến Mr. Bartender và huy động vốn từ cộng đồng, nhưng kết quả vẫn thất bại.

 Dù vậy, Từ Gia Khải không hề nản chí mà vẫn tiếp tục hoàn thành tác phẩm Mr. Bartender bằng tiền kiếm được từ những dự án khác, thậm chí phim trường còn được giữ lại để kinh doanh một quán bar thực sự cho đến nay.

 “Trên con đường đi đến ước mơ, tôi đã vừa quỳ vừa đi rất lâu, trải qua bao khó khăn nhưng chỉ mới đi được đến đây”, đây là câu nói tự bạch của Từ Gia Khải khi huy động vốn từ cộng đồng cho phim The Last Thieves.

 Mặc dù có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về bộ phim và mất 50 triệu Đài tệ đầu tư cho một bộ phim chỉ công chiếu 10 ngày ở các rạp chiếu phim của Đài Bắc, mà doanh thu phòng vé thì lại vô cùng ảm đạm nhưng thái độ dám ước mơ, dám nghĩ, và lòng nhiệt thành của Từ Gia Khải đã lay động nhiều người. Một nhóm cư dân mạng trẻ tuổi đã tự phát động thử thách mang tên “Xem 100 lần” để ủng hộ cho ước mơ của đạo diễn họ Từ.

 Tuy không phải là một bộ phim thương mại hoàn mỹ, nhưng dường như nó đã thắp lên một ngọn lửa nho nhỏ trong lòng của mỗi khán giả xem phim.

 

Bởi vì có thứ mà tôi yêu, nên không đành để thế giới tan hoang

 Những ai từng xem qua The Last Thieves có lẽ đều có ấn tượng sâu sắc với những câu hỏi và lời biện luận nhạy bén trong phim về các vấn đề như chủ nghĩa tư bản, thể chế kinh tế, trò chơi quyền lực, v.v..

 Trái tim yêu nước thương dân của Từ Gia Khải được thể hiện qua hình ảnh của nhân vật trong phim, gợi nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ La Trí Thành (Luo Chi-cheng): “Bởi vì có thứ mà tôi yêu/ Nên không đành để thế giới tan hoang”.

 Từ Gia Khải cho biết, anh quá yêu Đài Loan, trước đây từng có rất nhiều cơ hội để phát triển ở nước ngoài, nhưng không biết vì sao mà cuối cùng anh vẫn chọn cách ở lại. Tình yêu đã giữ chân anh lại, và cũng vì yêu mà anh có sự kỳ vọng vào Đài Loan.

 Anh nói: “Tình yêu và trái tim không muốn rời xa  nơi này, đến cuối cùng cũng khó mà tránh khỏi thất vọng, cho nên tôi mới cố gắng lôi kéo sự chú ý của mọi người”.

 

Lấy chủ đề là blockchain, bộ phim điện ảnh về tranh chấp thương mại đầu tiên của Đài Loan

 Từ Gia Khải và nhân vật chính trong phim Doãn Tử Tường (Yin Tzu-hsiang) có nhiều điểm tương đồng với nhau.

 Doãn Tử Tường là một nhà  khởi nghiệp trẻ tuổi, đối mặt với thế giới không hoàn mỹ này, anh muốn sử dụng đồng tiền ảo của thời đại mới để thay đổi thể chế cứng nhắc, sáng tạo ra một thế giới mới phi tập trung hóa.

 Để có thể thực hiện một bộ phim, đại đa số người làm phim điện ảnh của Đài Loan đều sẽ đi theo một con đường duy nhất, xin vốn kinh phí ít ỏi từ chính phủ, rồi dùng số tiền này làm hậu thuẫn để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác. Bởi vì kinh phí không nhiều nên chỉ có thể làm phim nghệ thuật, mà phim nghệ thuật thì dễ lấy giải thưởng, như vậy thì cũng phần nào tô điểm thêm cho bảng thành tích tốt đẹp của chính phủ. “Nhưng nếu không có thương mại hóa thì không có nguồn sống, vậy phải làm sao để sinh tồn?”. Tuy không giống với Doãn Tử Tường trong phim là một người đầy tham vọng, nhưng anh cũng muốn thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh mà anh đã có chí hướng phát triển cả đời.

 Với mong muốn thay đổi, trong khoảng thời gian chuẩn bị để quay The Last Thieves, Từ Gia Khải đã cho phát hành đồng tiền mã hóa mang tên SELF và dùng nó để kêu gọi vốn đầu tư cho bộ phim này.

 Làm như vậy vừa có thể thu hút nhiều nhà đầu tư khác nhau, vừa khiến cho khán giả có ấn tượng sâu sắc về bộ phim, tạo ra nhiều cơ hội tiếp thị mới và cũng giúp ngành làm phim có thêm cơ hội để thay đổi.

 Vì thế, The Last Thieves không những là bộ phim về chủ đề blockchain đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Đài Loan, mà còn là bộ phim đầu tiên ứng dụng blockchain để kêu gọi vốn đầu tư, như thể tình tiết trong phim diễn ra ngay trong hiện thực.

 

Chào mừng đến với thế giới trải nghiệm đồng cảm!

 Vào ngày phỏng vấn, chúng tôi hẹn gặp nhau tại quán bar SELF OASIS trên đường Rui’an của thành phố Đài Bắc.

 Quán bar này cũng là một trong những cửa tiệm của Từ Gia Khải. Hiện tại, người thanh niên trẻ này đã có trong tay 3 công ty và 2 quán bar.

 Thế nhưng những thành tựu này không chỉ là để thỏa mãn chí cầu tiến của Từ Gia Khải, mà còn là hành động thực hiện lời hứa với những người yêu thích điện ảnh.

 Bước vào trong quán bar, chỉ cần nhìn lướt qua là có thể phát hiện tác phẩm nghệ thuật sắp đặt rất lớn trông giống chữ S đặt ở trong góc, chính là đạo cụ quan trọng xuất hiện nhiều lần trong phim The Last Thieves.

 Ngoài ra, ở SELF Bar – một quán bar khác của Từ Gia Khải – còn có một bức tường để đầy bình rượu mà khán giả rất quen thuộc, đó chính là nơi mà hai nhân vật Doãn Tử Tường (do Yen Tsao thủ vai) và Từ Tinh (Hsu Ching, do Megan Lai thủ vai) quay những cảnh tay đôi quan trọng trong phim.

Từ ban đầu, Từ Gia Khải đã không dự định mở công ty với chỉ một bộ phim duy nhất, mà mỗi một tác phẩm, mỗi một công ty, mỗi một căn tiệm, đối với anh đều là những mảnh ghép trên tấm bản đồ rộng lớn hơn.

 Trong mô thức truyền thống của ngành làm phim, khi phim quay xong thì công ty cũng giải tán, hoặc cùng lắm là tiếp tục quản lý bản quyền của tác phẩm chứ không còn chức năng nào khác. Từ Gia Khải đưa ví dụ rằng: “Nếu năm xưa bộ phim Cape No. 7 được quy hoạch tốt hơn, giữ lại phim trường, thì đã có thể biến phim trường thành sân khấu cho lễ hội âm nhạc. Chỉ cần xác định đúng hướng đi của ngành nghề, chiến lược và khán giả thì có nhiều thứ vẫn có thể tiếp tục dù cho bộ phim có kết thúc”.

 Đây cũng không phải là việc mới mẻ gì, bởi Disney và Universal Studio đều làm những việc tương tự như vậy. Họ cho ra mắt tác phẩm nguyên tác trước, rồi sau đó dẫn xuất ra nhiều lĩnh vực khác bao gồm vui chơi giải trí, ăn uống, trải nghiệm và những sản phẩm liên quan đến bộ phim, tạo ra nguồn thu nhập mới, cộng thêm đầu tư về nhà đất và bất động sản là có thể hình thành nên một hệ sinh thái ngành nghề hoàn chỉnh. Thế nhưng, ở Đài Loan thì chưa từng có ai làm như vậy cả.

 Mặc dù các công ty ở Đài Loan không thể thực hiện tất cả những việc trên cùng một lúc như các tập đoàn lớn nhưng nếu biết tận dụng mạng internet và đồng tiền mã hóa, thì rất có khả năng mở ra cánh cửa của tương lai.

 Dùng blockchain để huy động vốn cộng đồng thật ra không phải là một việc phức tạp, “Đơn giản mà nói, là tôi soạn một bản hợp đồng rồi đặt nó trên chuỗi, đặt tên là “Tôi muốn cùng mọi người tạo ra hệ sinh thái giải trí tương tác trị giá 100 triệu đô la Mỹ”, Từ Gia Khải chia sẻ.

 Từ Gia Khải đã phát hành đồng tiền ảo SELF dưới danh nghĩa công ty của anh, thu hút những người có cùng chung lý tưởng đến mua và góp vốn cho bộ phim của mình. Còn anh thì phụ trách thực hiện nội dung hợp đồng, từng bước hoàn thành kế hoạch liều lĩnh này, tìm cách để tạo ra hệ sinh thái ngành làm phim có trị giá  hơn 100 triệu đô la Mỹ từ doanh thu phòng vé, phim trường và bản quyền phim.

 Trong tưởng tượng của Từ Gia Khải, nội dung câu chuyện sẽ là khởi đầu cho cả quá trình này và nó sẽ được mở rộng, đào sâu từng chút một cùng với tiến độ của phim. The Last Thieves chỉ là tập đầu tiên trong bộ ba tác phẩm, khán giả có thể xem nó như một bộ phim độc lập, nhưng cũng có thể xem đối chiếu với những tác phẩm khác; còn các phim trường thì sẽ được chuyển sang mục đích thương mại, khán giả có thể đến tham quan, trải nghiệm và khám phá tại các phim trường này.

 Đã từng có rất nhiều người nói với Từ Gia Khải là ước mơ của anh quá lớn, quá khó và mặc dù anh cũng thẳng thắn nói rằng, bản thân cảm thấy áp lực đè nặng trên vai nhưng anh chưa từng nghĩ đến việc mình sẽ chùn bước.

 Từ Gia Khải đã đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Nếu như cảm thấy việc đó là đúng, khả thi, thì cứ làm, không thì sống để làm gì chứ? Ai rồi cũng sẽ chết, vậy thì bạn muốn chờ chết hay là dùng hết sức mình để sống?”