Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Niềm hạnh phúc trong mỗi chuyến đi Tấm lòng và sự đổi mới trong món cơm hộp đường sắt
2020-05-11

Nhà hàng Phúc Tỉnh với chủ đề đường sắt.

Nhà hàng Phúc Tỉnh với chủ đề đường sắt.
 

 Cơm hộp đường sắt Đài Loan có món sườn cốt lết truyền thống, đồng thời sử dụng nguyên liệu từ khắp các vùng ở Đài Loan để chế biến ra những món ngon đặc sắc. Ông chủ say mê đường sắt của nhà hàng Phúc Tỉnh (Fu Jing Restaurant) bán cơm hộp, xây dựng Nhà văn hóa đường sắt tại quê nhà; còn chuyến xe lửa vẽ hình động vật Satoyama (Satoyama Animal Train) thì lại dùng hình vẽ sinh thái để rút ngắn khoảng cách giữa con người với thiên nhiên. Những chuyến xe lửa đã chở theo biết bao hồi ức, tình yêu quê hương, lý tưởng, vẽ nên những câu chuyện tuyệt mỹ của mình.

 

 Vừa mở hộp cơm ra, mùi thơm đậm đà của miếng sườn cốt lết và quả trứng kho căng tròn, cùng mùi cơm trắng mộc mạc tỏa ra thơm ngát. Hương vị xưa cũ này đã được khắc ghi trong ký ức của người dân từ lâu.

 

Bí quyết thơm ngon của cơm hộp đường sắt Đài Loan

 Giá cả phải chăng nhưng các món ăn trong hộp cơm lại được chuẩn bị cẩn thận. Lấy hộp cơm sườn 60 Đài tệ của nhà hàng Đường Sắt Đài Bắc làm ví dụ, trong hộp cơm hình vuông này bao gồm một miếng sườn cốt lết, một quả trứng kho, một miếng đậu hủ ki cùng rau bắp cải và một phần cơm trắng đầy ắp. Trong thời đại vật giá đắt đỏ như ngày nay, để có được hộp cơm với lượng thức ăn như vậy mà chỉ với 60 Đài tệ thì thật sự là điều khiến người ta vô cùng cảm động.

 Nguyên liệu tươi ngon và chất lượng chính là mấu chốt tạo nên hương vị tuyệt vời của cơm hộp đường sắt, như gạo thì được chọn loại gạo số một của Đài Loan, được nhập hàng mỗi ngày, bất kể lễ Tết, như thế mới có thể đảm bảo được độ tươi ngon của nguyên liệu. Khi nấu cơm còn phải tùy vào thời gian canh tác của gạo mà điều chỉnh quy trình chế biến, có như vậy mới đảm bảo được từng hạt cơm có độ dẻo, độ khô vừa phải. Từng chi tiết nhỏ nhặt đều được chăm chút tỉ mỉ nên cũng không khó hiểu vì sao cơm hộp đường sắt dù có bị nguội đi thì khi ăn, thực khách vẫn có thể cảm nhận rõ độ dẻo của từng hạt cơm, hoàn toàn không ảnh hưởng đến độ ngon của hộp cơm.

 Còn quy trình chế biến miếng sườn cốt lết thì càng không thể qua loa. Ông Dư Tuần An (Yu Hsun-an) cho hay, mỗi một miếng sườn đều nhất định phải đập khoảng 5 đến 6 lần từ trong ra ngoài, để cho gân của miếng thịt bị dập đứt, tiếp đến là khâu ướp thịt, bóp thịt, sau đó phải rán qua rồi mới kho. Nhà hàng Đường sắt Đài Bắc mỗi ngày chế biến khoảng 12.000 miếng sườn sốt lết, mỗi ngày đều có hai nhân viên phụ trách công việc dập thịt từ sáng đến tối, với số lượng khổng lồ như vậy, cũng chẳng lạ gì khi ông Dư Tuần An cứ cười nói là, cho đến nay không nhớ được đã từng đập nát hết bao nhiêu tấm thớt.

 

Hương vị mới của cơm hộp đường sắt

 Các nhà hàng Đường Sắt cũng dùng nguyên liệu địa phương đưa ra các món cơm hộp đặc sắc khác nhau, như cơm hộp vịt quay anh đào (Roasted Cherry Duck) Nghi Lan của Ban Phục vụ hậu cần ga xe Thất Đổ, trong đó có vịt anh đào và kim quất là hai đặc sản của Nghi Lan và ngoài ra còn có món trứng chiên củ cải muối với hành Tam Tinh v.v..., vừa có thể giảm thiểu dấu chân Carbon của việc vận chuyển nguyên liệu, vừa thể hiện bản sắc địa phương. Tuy nhiên, những hộp cơm đặc sắc này sẽ không bày bán trên xe lửa mà thực khách phải đến cửa hàng cơm hộp của các địa phương mới có thể mua được, hơn nữa số lượng cơm hộp mỗi ngày là có hạn, thông thường vừa mới bắt đầu bày bán không lâu thì đã bán hết sạch, ai đến chậm thì dù có muốn mua cũng không còn, vì thế mà được cư dân mạng gọi là cơm hộp phiên bản ẩn.

 Để phối hợp với triển lãm và các ngày lễ, công ty Đường sắt Đài Loan còn đưa ra những món ăn nhất định, như vào dịp Ngày lễ cơm hộp Đường sắt Đài Loan lần thứ 5 vừa kết thúc vào tháng 11 năm ngoái, các nhà hàng Đường sắt trên toàn Đài Loan cùng ra sức trổ tài, nhà hàng Đường sắt Đài Trung giới thiệu cơm hộp đùi gà quay Provence, nhà hàng Hoa Liên thì mang đến cơm hộp thịt gà màng tang Hồi Lan …, thể hiện tài nghệ và sức sáng tạo của các vị  đầu bếp. Mặc dù trong lễ hội còn có hơn 20 nhà hàng cơm hộp đường sắt Nhật Bản đến tham dự, nhưng cơm hộp Đài Loan cũng hoàn toàn không thua kém.

 Nếu thực khách muốn ăn cơm hộp đường sắt Đài Loan thì ngoài phải đón xe lửa, các ga lớn của công ty Đường sắt Đài Loan đều có cửa hàng cơm hộp, thậm chí có ga còn bày bán mô hình các đoàn tàu.

 

Đường hầm thời gian của xe lửa

 Khi đón xe lửa đến ga Xã Đầu, ra khỏi ga đi thẳng khoảng 500 mét, du khách có thể thấy biển báo đường ray ở ngay trước mắt, bên cạnh là bảng hiệu chỉ dẫn dài trông như các ga xe lửa Đài Loan, trên đó viết là Ga Phúc Tỉnh, còn trạm kế bên lần lượt là ga Hạnh Phúc và Bình An. Đây chính là nhà hàng chủ đề đường sắt Phúc Tỉnh. Sau khi đi qua cánh cửa tự động trang trí như toa xe màu xanh dương để vào nhà hàng, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người chính là dãy ghế màu xanh lá cây đậm của khoang xe lửa, một bên tường là giá sắt dùng để đặt hành lý, trên tường còn vẽ thành những ô cửa xe, được tô điểm thêm bằng màu xanh bóng mát của cây cối; hơn nữa, mỗi chỗ ngồi đều có số thứ tự nhất định cùng với giá để ly, khiến cho thực khách đến tiệm dùng bữa đều có cảm giác như đang ngồi trên xe lửa. Vì nhà hàng Phúc Tỉnh có một ông chủ cực kỳ yêu thích xe lửa là ông Trần Triều Cường (Chen Zhaoqiang), ông chăm chút từng chi tiết nhỏ chỉ mong có thể tạo nên bầu không khí của nhà hàng như ở trên xe lửa.

 Ông Trần Triều Cường có duyên với đường sắt từ khi còn nhỏ, hai ông trẻ, ông nội và cả cha ông đều là tài xế xe lửa, bản thân ông cũng sinh ra trong ký túc xá đường sắt Nhị Thủy (huyện Chương Hóa), lớn lên trong tiếng còi của những chuyến xe lửa khác nhau. Với ông, tình yêu với xe lửa cũng là điều tự nhiên như hơi thở mà thôi.

 Lúc đầu chỉ cần nhìn thấy mô hình xe lửa là ông mua ngay về nhà, dần dần ông bắt đầu mở rộng đến việc mua những sản phẩm có liên quan đến xe lửa, rượu kỷ niệm, cặp xách của trưởng tàu, linh kiện của xe lửa ngưng hoạt động, v.v..., tất cả đều trở thành vật sưu tầm của ông Trần Triều Cường.

 Với tấm lòng hiếu thảo muốn chăm sóc cho cha mẹ già, sau khi xuất ngũ, ông Trần Triều Cường liền quyết định về quê lập nghiệp. Thuở còn đi học, ông đã từng có kinh nghiệm làm việc trong ngành ẩm thực, thêm vào đó ông cực kỳ yêu thích xe lửa, vì thế ông đã nảy ra ý tưởng mở nhà hàng chủ đề đường sắt.

 

Bán cơm hộp xây ước mơ đường sắt

 Nhà hàng Phúc Tỉnh chủ yếu phục vụ người dân địa phương là chính, ông Trần Triều Cường đã bán cơm hộp với giá rất phải chăng. Ông kiêm nhiệm chức vụ ông chủ và đầu bếp chính của nhà hàng, nguyên liệu mà ông chọn đều là nguyên liệu địa phương, mỗi ngày ông đều nấu những món ăn phụ khác nhau, kèm với hơn mười món chính là sườn cốt lết thịt kho, đùi gà, cá măng sữa, v.v... để thực khách lựa chọn.

 Khi đến nhà hàng Phúc Tỉnh, thực khách tuyệt đối không thể bỏ qua việc tham quan Nhà văn hóa Đường sắt ở trên lầu 2 và 3 của nhà hàng, trong đó trưng bày những vật phẩm về đường sắt mà ông Trần Triều Cường sưu tầm trong hơn 30 năm nay, trong đó có sổ tay ghi bảng giờ tàu những năm 1960, có bảng ký tên của tài xế xe lửa, có bảng gỗ khắc biểu ngữ ga xe, cửa chắn gỗ tại nơi soát vé, thậm chí còn có bản vẽ công trình đường sắt thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan... Những văn vật lịch sử chứng kiến lịch sử phát triển của đường sắt Đài Loan này đều được ông Trần Triều Cường chia sẻ cho người dân đến tham quan miễn phí.

 Không chỉ sưu tầm văn vật, ông Trần Triều Cường thậm chí còn mua cả “xe lửa”, chiếc xe lửa tuần tra 135 của công ty Đường mía Đài Loan được trưng bày trước cửa tiệm chính là kiệt tác mà ông Trần Triều Cường đã tốn 762 ngày và 500 nghìn Đài tệ để tu sửa. Xe lửa tuần tra này vốn dĩ chuẩn bị đem đi xử lý như phế liệu, thân xe đã bị hoen rỉ nghiêm trọng, động cơ thì hư hỏng, ông Trần Triều Cường phải đi tìm chủ tiệm sửa xe Chiêm Vĩnh Phú (Zhan Yongfu) – người chuyên sửa thân xe du lịch, từ việc loại bỏ phần rỉ sét, thêm khung sườn, làm vỏ mới…, hai người đã phải chăm chút sửa sang từng ly từng tí. Sau một thời gian dài cố gắng sửa chữa, chiếc xe tuần tra này đã được hồi sinh và quay trở lại hoạt động tại nhà máy đường mía Khê Hồ khi đã 63 tuổi. Tiếng lành đồn xa, nhà hàng Phúc Tỉnh đã trở thành điểm tham quan nhất định phải đến của những người mê xe lửa.

 

Cùng chung sống hòa thuận với thiên nhiên

 Xe lửa đã kết nối duyên phận giữa con người với nhau và cũng đã tạo sự kết nối giữa con người với thiên nhiên.

 Cục Lâm vụ và Cục Đường sắt đã cùng chung tay đưa ra những chuyến xe trang trí hình động vật Satoyama, hình ảnh rừng thứ sinh, sông suối, đầm lầy, ruộng đồng, các thôn xóm, 4 hệ sinh thái của Satoyama đã được vẽ lên bề ngoài của chiếc xe lửa. Những động vật sinh sống trong đó được vẽ thành những hình ảnh dễ thương “nhảy lên” thân toa xe, như thể đang hoan nghênh chào đón du khách cùng đến tham gia hành trình khám phá sinh thái.

 Còn trong khoang xe thì dùng những vật liệu sản xuất tại Đài Loan để tạo thành tượng điêu khắc mèo báo 3D đang ẩn mình bên cạnh chỗ ngồi, mỗi khi du khách ngước mắt lên nhìn sẽ thấy tượng điêu khắc bằng gỗ của những chú cu rốc Đài Loan ngay trên đỉnh đầu. Chuyến xe động vật Satoyama dễ thương này không phải là chuyến xe du lịch có tuyến đường nhất định, mà là chuyến xe đi lại thông thường được điều chỉnh giờ xuất phát ngẫu nhiên mỗi ngày, mỗi khi vô tình gặp được chuyến xe này cũng khiến người dân cảm thấy đầy bất ngờ.

 Satoyama không phải là một địa danh mà là chỉ khu vực núi, đồi hoặc đồng bằng có độ cao thấp, trong đó có rừng thứ sinh, sông suối, ruộng đồng, động vật hoang dã đang sinh sống trong môi trường này được gọi là động vật Satoyama. Con người đã đến đây để xây dựng thôn xóm, mở mang đường xá, khiến cho nơi sinh sống ban đầu của động vật hoang dã bị chia cắt, phá vỡ và gây trở ngại đến tập tính di trú của chúng. Những động vật này có thể vì băng qua đường mà bị  xe tông hay vô tình ăn phải thuốc sâu hoặc mồi nhử có độc trong ruộng mà chết, vì thế, Kế hoạch mạng lưới xanh bảo vệ sinh thái đất đai Quốc gia đã được đưa ra từ đây.

 Cục Lâm vụ thông qua hợp tác với các cơ quan liên ngành, xây dựng hành lang sinh thái cho động vật trong rừng dọc theo các con sông chảy theo hướng Đông Tây hoặc cho xây thêm lưới rào cạnh đường cao tốc để tránh không cho những động vật này băng qua đường cao tốc, mà đi dọc theo lưới rào đến lối đi ở trên cao hoặc đường hầm, giúp động vật di trú an toàn. Ngoài ra còn động viên nông dân thực hiện canh tác thân thiện để động vật có môi trường sống tự nhiên.

 Thông qua những video clip về sinh thái trên xe hoặc quét mã QR code, ta có thể hiểu rõ hơn về những sinh vật sinh sống trên cùng một mảnh đất với chúng ta. Nhà văn Lưu Khắc Tương đã nhắc đến trong đoạn phim tuyên truyền của Lễ hội Cơm hộp Đài Loan lần thứ 5 rằng, mỗi lần ông đi tàu lửa đều phải mang theo cơm hộp đường sắt, vừa ăn vừa ngắm cảnh, rồi xuống xe tại các ga ít người, thư thả tản bộ, leo núi, vượt đèo, ngắm nhìn những cảnh đẹp trong cuộc sống, hoặc là leo lên những chuyến xe lửa động vật Satoyama, hòa mình vào thiên nhiên, bắt đầu một chuyến hành trình sinh thái tuyệt vời.