Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Giống loài bản địa rạng ngời trăm năm Hạt Diêm mạch Đài Loan
2020-06-22

Trong ảnh là cụ Ba Thanh Nhất đang gặt hái diêm mạch đỏ trong bộ lạc Adiri.

Trong ảnh là cụ Ba Thanh Nhất đang gặt hái diêm mạch đỏ trong bộ lạc Adiri.
 

 Khi cả thế giới dấy lên trào lưu sử dụng hạt diêm mạch (hay thường được gọi là hạt quinoa) xuất xứ từ khu vực Nam Mỹ, từ đó hạt diêm mạch đã trở thành cực phẩm dưỡng sinh trong mắt những người nổi tiếng, được liệt kê là loại thực phẩm có khả năng ứng biến với khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhưng nhiều người lại không hề hay biết tại các Bộ lạc dân tộc nguyên trú Đài Loan chính là nơi cất giấu những cây giống bản địa “Diêm mạch Đài Loan”.

 Diêm mạch Đài Loan đã có mặt trên hòn đảo này trên một trăm năm lịch sử, với màu sắc sặc sỡ đỏ, vàng, là loài ngũ cốc được ví như những hạt ngọc lấp lánh, không những mang lại tính chất đa dạng cho sinh thái Đài Loan, mà cho đến nay, hạt Diêm mạch còn trở thành ký ức xây dựng lại vườn tược của bộ lạc dân tộc nguyên trú khi bị càn quét bởi trận siêu bão Morakot ngày 8/08/2009 và cũng là điểm khởi đầu mới cho ngành nghề truyền thống của bộ lạc.

 

 Từ khi nổi lên phong trào dưỡng sinh bảo vệ sức khoẻ, hạt diêm mạch với giá trị dinh dưỡng cao, được phân bố trên dãy núi Andes khu vực Nam Mỹ, nghiễm nhiên trở thành “siêu thực phẩm” nổi tiếng nhất toàn cầu, được giới minh tinh Âu Mỹ săn đón quảng bá. Diêm mạch là loài có đặc tính dễ canh tác, lại chịu được hạn hán, Liên Hiệp quốc đã liệt kê hạt diêm mạch là loại “thực phẩm cứu đói” trong công cuộc chống lại nguy cơ cạn kiệt lương thực. Còn tại Đài Loan, hiện lên trước mắt từng chùm diêm mạch với hai sắc màu đỏ, vàng sặc sỡ, đã được chứng minh là loài bản địa “Diêm mạch Đài Loan” với lịch sử sinh tồn trên hòn đảo ngọc đã một trăm năm.

 

Vén lên bức màn bí mật về “thân thế” của Diêm mạch Đài Loan

 Năm 2008, khi nhận được sự ủy thác từ Cục Lâm nghiệp, người đã vén lên bức màn bí mật về “thân thế” của diêm mạch đỏ, giáo sư Quách Diệu Luân (Kuo Yau-lun) ở khoa Lâm nghiệp, Đại học Khoa học Kỹ thuật Bình Đông cho biết, diêm mạch đỏ là giống cây trồng thường thấy trong bộ lạc dân tộc nguyên trú Đài Loan. Thời xưa, khi lương thực còn thiếu thốn, người dân tộc khi lên núi săn bắn thường mang theo diêm mạch đỏ có dưỡng chất dồi dào lại gọn nhẹ làm thực phẩm. Nhưng từ khi người dân tộc di cư xuống vùng đồng bằng, lương thực của họ đã thay thế bằng những loài ngũ cốc dễ gặt hái khác như hạt kê, khoai môn, khiến diêm mạch đỏ chỉ được xem là lương thực phụ.

 Giáo sư Quách Diệu Luân là chuyên gia nghiên cứu tính đa dạng của sinh vật Đài Loan, nhờ có học sinh Lâm Chí Trung (Lin Zhi-zhong) mà giáo sư mới biết đến diêm mạch đỏ. Năm 2005, giáo sư nhận chức vụ Chủ nhiệm Trung tâm đa dạng sinh học thuộc Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bình Đông, chuyên nghiên cứu các đề tài đặc tính đa dạng sinh vật vùng Cao Hùng, Bình Đông, từ đó bắt đầu chương trình khảo sát về diêm mạch đỏ.

 Giáo sư Quách Diệu Luân cho biết, vào thời điểm đó hầu như không có bất cứ nghiên cứu nào có liên quan đến diêm mạch đỏ, chỉ có vài nghiên cứu đơn lẻ của nghiên cứu viên Quách Tiến Thành (Kuo Chin-cheng) thuộc Trung tâm cải tiến nông nghiệp Đài Đông (COA’s Tai­tung District Agricultural Research and Extension Station). Chính vì thế, các thành viên trong nhóm nghiên cứu mới phân công đi đến Viện bảo tàng và trường đại học các nước như Mỹ, Anh, Hà Lan v.v..., để đối chiếu tiêu bản. Mãi 3 năm sau, thành viên trong nhóm nghiên cứu là giáo sư Dương Viễn Ba (Yang Yuen-bo) giảng dạy ngành Khoa học Sinh vật, Đại học Quốc lập Trung Sơn (NSYSU) Đài Loan mới tìm ra được tiêu bản có đặc trưng và ngoại hình tương đồng được lưu giữ tại Viện tiêu bản, Đại học Kyoto Nhật Bản.

 Hóa ra trước đây “Diêm mạch đỏ” được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như “Hạt diêm mạch ăn được”, “Xích lê” (Diêm mạch đỏ) , “Tử lê” (Diêm mạch tím), vào những năm 1940 từng được người Nhật Bản khảo sát và xác định đây là loài bản địa Đài Loan nên đã ghi chú là “Hạt Diêm mạch Đài Loan” (Chenopodium formosanum). Chính vì loài thực vật này có màu sắc sặc sỡ và hình dáng khác lạ nên có một thời gian bị hiểu lầm là loại diêm mạch đỏ du nhập từ nước ngoài, nhưng cuối cùng thì hạt diêm mạch đã nhận được tên gọi thật của nó là Diêm mạch Đài Loan.

 Kết quả khảo sát này không những mang ý nghĩa to lớn đối với tính đa dạng của sinh vật Đài Loan, mà trong quá trình khảo sát còn phát hiện ra rằng, vào năm 1918, Đài Loan từng hứng chịu đợt rét hại và hạn hán vô cùng nghiêm trọng, vùng đồng bằng bị mất mùa, thu hoạch rất kém, chỉ duy nhất nhóm người dân tộc vùng Nam bộ nhờ có Diêm mạch Đài Loan mới vượt qua được nạn đói. Cho đến nay, khi toàn cầu đang ráo riết tìm kiếm biện pháp giải quyết nguy cơ khủng hoảng lương thực, người ta mới phát hiện, thì ra Diêm mạch Đài Loan là loài thực vật vượt thời gian, từ gần 100 năm trước đã từng một lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “cứu đói” cho con người.
 

Vì màu sắc sặc sỡ, hình dáng khác lạ nên diêm mạch đỏ từng bị hiểu lầm là giống ngoại lai, nhưng thực ra nó là loài bản địa Đài Loan.

Vì màu sắc sặc sỡ, hình dáng khác lạ nên diêm mạch đỏ từng bị hiểu lầm là giống ngoại lai, nhưng thực ra nó là loài bản địa Đài Loan.
 

Những người mẹ trong bộ lạc mang Diêm mạch Đài Loan ra thế giới

 Sau nghiên cứu của thầy trò trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Bình Đông, diêm mạch đỏ dần dần được nhiều người biết đến, đồng thời cũng được chính phủ, các đoàn thể dân sự và các đơn vị nghiên cứu liên tiếp thúc đẩy quảng bá. Năm 2014, nhờ sự nỗ lực của bà Ngô Mỹ Mạo (Wu Mei-mao) - người sáng lập doanh nghiệp xã hội “Taiwan Way”, giúp cho Diêm mạch Đài Loan nhận được cơ hội tham gia Hội nghị Slow food (Ăn chậm) tại Italy. Diêm mạch Đài Loan lại càng tỏa sáng ra thế giới khi cùng với giống nếp đỏ, nếp cẩm và hạt kê nếp vàng, 4 chủng loại hạt giống thực vật bản địa Đài Loan được đăng ký vào kho dữ liệu “The Ark of Taste”.

 Bà Ngô Mỹ Mạo từng giữ vai trò Phó nghiên cứu viên của Trung tâm phát triển công nghệ sinh học Đài Loan. Năm 2001, sau khi phát hiện bị bệnh ung thư, bà bắt đầu chuyển sang thúc đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ, đồng thời thành lập doanh nghiệp xã hội “Taiwan Way”. Trong nhiều năm qua, bà đã nỗ lực đưa ý tưởng canh tác hữu cơ thân thiện với đất đai đến với các bộ lạc dân tộc, cũng vì thế mà bà được mệnh danh là “Người mẹ của bộ lạc”. Trong đó đáng để mọi người biết đến chính là câu chuyện của bộ lạc “Talampo” ở làng Phú Lí (Fuli), huyện Hoa Liên (Hualian), nơi bị đặt cho cái tên là “Bộ lạc u ám” vì đã nhiều năm không có điện sử dụng. Sau khi nhận được sự hỗ trợ của bà Ngô Mỹ Mạo, vùng đất này thay đổi diện mạo chuyển hướng làm nông nghiệp hữu cơ.

 Năm 2008, bà Ngô Mỹ Mạo nhận lời mời đến chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ bộ lạc tại xã Kim Phong (Jinfeng), huyện Đài Đông (Taitung), hình ảnh cánh đồng diêm mạch rực rỡ sắc màu ở địa phương diễn ra trước mắt đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tâm trí bà.

 Lúc bấy giờ, kênh bán hàng hữu cơ Leezen đã từng nhờ bà Ngô Mỹ Mạo kết nối mới thành công trong việc triển khai sản xuất hoa lạc thần theo hợp đồng với nhà nông bộ lạc Kiwit vùng Hoa Liên, lại vừa hay tìm kiếm cơ hội phát triển sản phẩm mới cho các loại cây trồng khác. Bà Ngô Mỹ Mạo nghĩ ngay đến diêm mạch đỏ, thế là bà bắt đầu hành trình hỗ trợ nhà nông khu vực Đài Đông, Hoa Liên, bắt tay vào việc canh tác hữu cơ.

 Năm 2013, trong cuộc họp của Hiệp hội Taiwan Good Food, bà đã làm quen với cô Quách Hựu Chân (Guo You-zhen), đang theo học tại trường Đại học UNISG Italy (The University of Gastronomic Sciences). Không ngờ cô Quách Hựu Chân mang câu chuyện hỗ trợ bộ lạc dân tộc nguyên trú Đài Loan của Taiwan Way vào nội dung bài báo cáo trong lớp. Sau khi thông tin này đến tai ủy viên Hội Slow Food, ủy viên này lập tức mời bằng được bà Ngô Mỹ Mạo đến tham dự Hội nghị Slow Food chia sẻ kinh nghiệm. Thế là từ đó Diêm mạch đỏ Đài Loan tỏa sáng trên vũ đài quốc tế, mọi tầng lớp xã hội ít nhiều cũng đã nhìn thấy được giống cây trồng của Đài Loan.
 

Nhờ sự hỗ trợ về gieo trồng của Tổng giám đốc Nông trường Kullku Tạ Chấn Xương (bên trái), nông dân nở nụ cười hoan hỷ khi nhìn thấy diêm mạch chuyển từ màu xanh sang sắc đỏ.

Nhờ sự hỗ trợ về gieo trồng của Tổng giám đốc Nông trường Kullku Tạ Chấn Xương (bên trái), nông dân nở nụ cười hoan hỷ khi nhìn thấy diêm mạch chuyển từ màu xanh sang sắc đỏ.
 

Giống cây trồng trăm năm gây dựng lại kinh tế cho bộ lạc

 Năm 2009, một dải ở Cao Hùng, Bình Đông chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Morakot, nhiều nhà cửa vườn tược của bộ lạc người dân tộc đã bị tàn phá, buộc họ phải rời khỏi thôn xóm. Ngờ đâu, hạt diêm mạch đỏ với bề dày lịch sử lâu đời lại trở thành điểm khởi đầu cho hành trình gây dựng lại kinh tế cho bộ lạc.

 Năm 2012, ông Tạ Chấn Xương (Hsieh Chen-­chang) - Tổng giám đốc Nông trại Kullku đã triển khai sản xuất theo hợp đồng với nông dân các bộ lạc ở Đài Đông và Bình Đông. Là một chàng rể của gia đình dân tộc nguyên trú, do vợ là người dân tộc Paywan nên từ lâu ông đã biết đến hạt diêm mạch. Sau khi về hưu không còn làm việc trong công ty vận chuyển hàng hóa nữa, ông bèn có ý chuyển sang đầu tư nông nghiệp, thế là ông nghĩ ngay đến hạt diêm mạch đỏ vốn rất thân thuộc.

 Năm 2009, sau trận bão Morakot, nhiều người dân tộc vùng thiên tai buộc phải rời quê hương ra đi, gây tác động rất lớn về tinh thần cũng như kế sinh nhai nên mọi người đều sống trong cảnh tương lai mù mịt. Anh Tống Kim Sơn (Song Jin-shan), người từng tham gia công tác tái thiết xã Tín Nghĩa (Xinyi), huyện Nam Đầu (Nantou) sau trận động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999, đồng thời cũng là người đảm nhiệm chức vụ giám đốc dự án Phòng công tác tái thiết bộ lạc Paihe ở xã Trường Trị (Changzhi). Đây là đơn vị tiền tuyến đảm nhiệm công tác khôi phục bộ lạc Paihe sau trận bão Morakot. Vào thời điểm đó, có hơn 250 hộ dân của 6 bộ lạc dân tộc thuộc bộ lạc Paihe xã Trường Trị phải chuyển đến Bình Đông, không ngờ chưa tới nửa năm đã có đến 37 người nối tiếp nhau qua đời vì chịu tác động quá lớn và vì thương nhớ quê hương.

 Đội tái thiết sau thiên tai phải tìm cách an ủi cho vết thương lòng của người dân vùng thiên tai. Năm 2013, nhờ sự kết nối của Phòng Nông nghiệp huyện Bình Đông, anh Tống Kim Sơn biết được tin ông Tạ Chấn Xương đang đầu tư trồng diêm mạch đỏ. Vì thế, anh đã đề xuất kế hoạch hợp tác, hy vọng thông qua hình thức sản xuất theo hợp đồng để giúp cho cư dân vùng thiên tai tìm lại được hương vị vốn có của quê nhà.

 Năm đó cụ Ba Thanh Nhất (Ba -Qingyi) đã 80 tuổi, sau cơn bão đành di cư xuống vùng đồng bằng sinh sống. Cụ trở nên u sầu từ khi rời khỏi vùng sơn lâm hoang dã thân thuộc của mình, cho đến khi tiếp xúc với diêm mạch đỏ thì tâm trạng của cụ mới phục hồi trở lại. Anh Ba Văn Hùng (Ba Wen-xiong) sau khi xuất ngũ về nhà ở cùng với bố chia sẻ, từ khi bắt đầu trồng hạt diêm mạch, bố đã cười nhiều hơn và hoạt bát hơn. Lúc đó họ mới phát hiện ra rằng, trong ký ức tuổi thơ của họ, hạt diêm mạch đỏ được dùng để ngâm rượu hạt kê, thì ra nó lại mang giá trị kinh tế và nguồn dinh dưỡng dồi dào đến thế.

 Ông Tạ Chấn Xương chia sẻ: “Hy vọng thông qua hình thức sản xuất theo hợp đồng, diêm mạch đỏ sẽ mang lại cơ hội phát triển cho kinh tế bộ lạc”. Hạt diêm mạch tuy có thể dễ dàng sinh trưởng và có độ thích ứng cao với các loại hình thổ nhưỡng và môi trường địa chất xấu nhưng bông diêm mạch lại bé hơn cả hạt kê, chính vì thế quy trình gia công khâu cuối cùng lại cực kỳ phức tạp, phải trải qua đến 12 công đoạn gia công thì mới cho ra thành phẩm. Cho nên ông Tạ Chấn Xương đã đặc biệt nghiên cứu ra thiết bị sàng lọc, giúp tăng hiệu quả năng suất so với cách sàng lọc thủ công trước kia.

 Khi sức hút của hạt diêm mạch tiếp tục tăng lên trên thế giới, danh tiếng của Diêm mạch Đài Loan cũng dần dần được mở rộng, số hộ nông dân chủ động đến tìm hiểu hợp tác cũng nhiều hơn. Chẳng hạn như hộ nông các xã: Đa Lương (Duoliang) ở Đài Đông, Namasia ở Cao Hùng và Tín Nghĩa ở Nam Đầu đều có rất nhiều người có ý muốn hợp tác. Đơn vị Phòng công tác The Original-Love Woodworking Đài Đông vừa hợp tác với ông Tạ Chấn Xương trong thời gian gần đây, ngoài việc canh tác diêm mạch đỏ còn tiến thêm một bước, kết hợp nghệ thuật vải truyền thống của dân tộc nguyên trú vào việc sáng tạo bao bì cho sản phẩm hạt diêm mạch, thể hiện nét đẹp trí tuệ từ nội hàm cho đến hình thức bên ngoài của cuộc sống người dân tộc nguyên trú

 Tiếp bước cùng xu hướng đề tài sức khoẻ và lương thực ngày càng nhận được sự quan tâm của mọi người, “hạt Diêm mạch Đài Loan” trước kia chỉ được hiện diện trong vai phụ không mấy được quan tâm, nay đã trở thành một ngôi sao mới, mang theo ánh sáng đỏ rực, vàng ươm lấp lánh, dù sống trên vùng đất khô cằn ác liệt nhưng “hạt Diêm mạch Đài Loan” vẫn hiên ngang thể hiện sức sống mãnh liệt của mình.