Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Chắp vá ký ức khai khẩn Đài Loan Chuyến phượt Đồng bằng Gia Nam bằng xe đạp
2020-07-13

DTrước kia đồng bằng Gia Nam thiếu hệ thống tưới tiêu, sau khi hệ thống tưới tiêu Gia Nam (Chianan) được xây dựng, nơi đây trở thành kho lương thực của Đài Loan.

Trước kia đồng bằng Gia Nam thiếu hệ thống tưới tiêu, sau khi hệ thống tưới tiêu Gia Nam (Chianan) được xây dựng, nơi đây trở thành kho lương thực của Đài Loan.
 

 Phượt xe đạp dạo quanh đồng bằng Gia Nam men theo “Tỉnh lộ số 1”- con đường được xây dựng sớm nhất ở Đài Loan, tất cả những nơi đi qua như: đập nước tưới tiêu, chợ mua bán bò, khu ga tàu náo nhiệt..., đều là “Thành lũy phồn hoa” đã có từ thời các bậc tiền nhân đến đây khai khẩn. Chuyến du hành này dường như len lỏi vào huyết mạch của đảo ngọc, sau cùng quay trở về Kho lương thực của Đài Loan - nơi cung cấp dưỡng chất cho con người. Chuyến phượt xe đạp không chỉ xuyên qua vĩ độ về mặt địa lý mà còn là những câu chuyện của thời gian.

 

 Hành trình tìm về lịch sử được bắt đầu từ Gia Nghĩa - thành đô của gỗ với điểm khởi đầu tại ga xe lửa Bắc Môn, dường như đưa ta trở về khoảng thời gian hưng thịnh nhất của ngành lâm nghiệp Đài Loan thời kỳ Nhật Bản cai trị.

 

Sự tái sinh của kiến trúc phong cách Nhật Bản cổ xưa

 Nhắc đến lịch sử của thành phố Gia Nghĩa, những người làm công tác văn hóa lịch sử đều giới thiệu ông Dư Quốc Tín (Yu Kuo-hsin), chủ khách sạn Ngọc Sơn (Yushan) làm người hướng dẫn. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác thuyết minh giới thiệu, khách sạn của ông lại nằm đối diện ga xe lửa Bắc Môn nên ông rất rành về lịch sử phát triển của tuyến xe lửa tại khu này.

 “Trước đây, khách sạn này làm dịch vụ “đèn mờ”. Từ cửa kính bên ngoài nhìn vào, bên trong tối om, ai đi ngang qua đây cũng xì xào bàn tán. Chỉ có tôi, khi thuyết minh giới thiệu tôi thường đặc biệt kể về câu chuyện của khách sạn này. Vốn dĩ tôi chỉ dám đứng bên ngoài khách sạn, nhưng sau vì đi đông người nên tôi mới đủ can đảm bước vào bên trong”. Ông Từ Quốc Tín có mối quan hệ tốt với ông chủ khách sạn, khi nghe ông chủ có ý sang nhượng, niềm yêu thích kiến trúc cũ trong lòng lại trỗi dậy, ông bắt đầu tìm bạn bè góp vốn đầu tư.

 “Kiến trúc là hình ảnh thu nhỏ của một thời đại, ngôi kiến trúc này trải qua nhiều thời đại khác nhau nên đã để lại vô số vết tích không sao đếm xuể. Trước khi khách sạn này làm dịch vụ “đèn mờ” thì nơi đây là nhà nghỉ giá rẻ. Trước kia tại ga xe lửa Bắc Môn, một ngày có 4 chuyến xe lửa đến đây, có người lên rừng đốn gỗ, có người từ Trúc Kỳ (Zhuqi) ra thành thị làm ăn, thấy được cơ hội kiếm tiền nên ông chủ đã mở nhà nghỉ tại đây”. Ông Từ Quốc Tín cho rằng, điều khiến người ta cảm thấy hứng thú với những ngôi nhà cũ chính là những câu chuyện của nó.

 Phượt xe đạp đến trung tâm thành phố Gia Nghĩa, ta sẽ thấy có rất nhiều món ăn truyền thống của nơi đây vừa ngon vừa rẻ, nhưng điều thu hút sự chú ý của mọi người hơn hết đó là những cửa tiệm được trùng tu lại từ những ngôi nhà cũ. Xu thế “Xây mới nhà cũ” đang không ngừng được mở rộng, Khu Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo Gia Nghĩa được tu sửa lại trong những năm gần đây, trước kia là Xưởng sản xuất rượu có bề dày lịch sử lâu đời nhất Đài Loan.

 Phòng quay phim “Chung Chung Film” được thành lập bởi một nhóm thanh niên vừa mới tốt nghiệp, họ muốn lưu giữ lại những câu chuyện ở Gia Nghĩa, quê hương của mình qua những thước phim. Không ít gian hàng trong Khu Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo Gia Nghĩa đã được họ ghi hình lại. Những người ôm ấp lý tưởng khác nhau, cho dù là sáng tạo nghệ thuật cắm hoa, làm phim kịch, bánh ngọt  điểm tâm, v.v..., họ đều thuê một không gian tại đây để thực hiện ước mơ của mình. Họ mong muốn có thêm nhiều người biết đến và cùng tham gia thực hiện hoài bão của họ.

 

“Phố Của hồi môn” Jingliao : Tái hiện sự phồn vinh của địa phương

 Rời khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa, quay trở lại tỉnh lộ số 1, tiếp tục lên đường, sau khi băng qua cột mốc Chí tuyến Bắc là ta đã tiến vào vùng khí hậu nhiệt đới của Đài Loan. Sau đó chạy thẳng một đoạn thì quẹo phải tiến vào huyện lộ 84, đi về phía nam thẳng tiến đến phố cổ Tinh Liêu (Jingliao).

 Tên thường gọi của phố cổ Tinh Liêu (Jingliao) là “Phố Của hồi môn”, đường đi của con phố cổ này được lót bằng gạch đỏ, hai bên là những ngôi nhà trệt thấp le te, trong đó có ngôi nhà cổ của gia tộc họ Nguyễn “Kim Đức Hưng” có bề dày lịch sử 250 năm. Trên cùng con đường còn có quán trọ Huỳnh Gia của thời đó, đây là trạm dừng chân nghỉ ngơi của các thương gia qua lại giữa Gia Nghĩa – Đài Nam trong thời Nhật Bản cai trị Đài Loan. Tuy quán trọ này đã đóng cửa vào những năm 1950 nhưng cháu đời thứ 4 của họ Huỳnh là ông Huỳnh Vĩnh Toàn (Huang Yongquan) vẫn kinh doanh nhà trọ gần đó, đồng thời ông còn tham gia công tác về lịch sử văn hóa và thuyết minh giới thiệu.

 Khu phố Tinh Liêu không lớn lắm nhưng lại có rất nhiều cửa tiệm có lịch sử lâu đời như “Tiệm xe đạp Tiến Thành (Jincheng)” do cha ông Huỳnh Vĩnh Toàn thành lập năm 1926; “Thương tiệm Phong Xương” sáng lập vào năm 1929, chủ tiệm là ông Huỳnh Côn Tân (Huang Kunbin), người giành giải quán quân trong cuộc thi Gạo ngon nhất Đài Loan lần thứ 4 và cũng là nhân vật chính trong bộ phim “Let It Be”; “Tiệm đồng hồ Thụy Vinh (Ruirong)” khai trương vào năm 1946, trong tiệm có hơn trăm chiếc đồng hồ cổ, mỗi khi tới giờ đúng là chúng cùng đổ chuông, y như một dàn nhạc giao hưởng không người biểu diễn.

 Ông Huỳnh Vĩnh Toàn giống như là trưởng thôn vậy, ông đưa chúng tôi đến các tiệm lâu năm tại đây, vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện của những căn tiệm này lại vừa quan tâm đến tình hình sức khỏe của những người thợ cao tuổi.

 Trạm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là công ty Đường mía Tân Doanh (Xinying) ở gần ga xe lửa, chúng tôi mua kem que quả óc chó trứng muối - một đặc sản của công ty Đường mía và kết thúc hành trình của ngày hôm nay.
 

Tiệm đồng hồ Thụy Vinh (Ruirong) đã hơn 70 năm, chủ tiệm Ân Thụy Tường (Yin Ruixiang) năm nay 93 tuổi. Mỗi khi tới giờ đúng là các đồng hồ trong tiệm đổ chuông cùng một lúc.

Tiệm đồng hồ Thụy Vinh (Ruirong) đã hơn 70 năm, chủ tiệm Ân Thụy Tường (Yin Ruixiang) năm nay 93 tuổi. Mỗi khi tới giờ đúng là các đồng hồ trong tiệm đổ chuông cùng một lúc.
 

Phủ thành đệ nhất gia:  Xúc tiến giáo dục mỹ thuật tại Đài Loan

 Sáng hôm sau, chúng tôi đi đến Bảo tàng nghệ thuật tưởng niệm Liu Chi-hsiang. Đường đến đó đa phần là đường bằng nên ta có thể đạp xe một cách thoải mái, lại có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của ruộng lúa đang trong mùa thu hoạch.

 Lần đầu khi nhìn thấy Bảo tàng nghệ thuật tưởng niệm Liu Chi-hsiang, ta sẽ bị thu hút bởi vẻ bên ngoài và màu sắc của ngôi kiến trúc kiểu Tây này, cánh cửa to đồ sộ và sân vườn rộng lớn, đây là nhà ở của gia tộc họ Lưu trước kia với tên gọi “Phủ thành đệ nhất gia”. Thành viên trong gia đình từng đi châu Âu và Nhật Bản nên ngôi kiến trúc này phản ánh nét văn hóa đa dạng đặc sắc, vẻ bên ngoài mang nét phương Tây, có yếu tố Nhật Bản và kết cấu kiến trúc của Đài Loan.

 Trên mình diện bộ đồ vest màu vàng nhạt, đeo cặp kính gọng vuông, ông Lưu Cảnh Nhất (Liu Keng-i), con trai trưởng của ông Lưu Khởi Tường (Liu Chi-hsiang ) với giọng nói tiếng Đài (Mân Nam) rất hay, mỗi cử động của ông đều toát lên vẻ lịch lãm của quý ông. Ông chỉ vào một góc của phòng tranh, hồi tưởng lại cảnh bày trí hồi xưa. “Lúc nhỏ tôi thường trốn học đi bắt dế, hồi đó ruộng nương rất đẹp, nước suối rất trong và sạch, khi khát nước, ta có thể trực tiếp vốc nước suối lên uống”. Cảnh đẹp tự nhiên của Liễu Doanh (Liuying) đã khắc sâu trong tâm trí của ông Lưu Cảnh Nhất, cũng giống như cha ông luôn đưa phong cảnh đồng nội vào trong tác phẩm hội họa của mình.

 Rời khỏi phòng tranh, bước vào “Di Lầu”, ta có thể phát hiện ra bên trong tòa kiến trúc này còn lưu giữ cấu trúc sảnh đường kiểu Đài Loan, các gian phòng khác thì trưng bày những bức tranh do ông Lưu Khởi Tường vẽ trong các thời kỳ khác nhau. Từ Nhật Bản, Pháp, sau cùng về định cư tại Cao Hùng, là một trong những du học sinh Đài Loan đầu tiên tại Pháp, ông Lưu Khởi Tường không chỉ để lại cho đời sau nhiều bức họa nổi tiếng quốc tế, mà khi có tuổi ông còn mở Viện Mỹ thuật dạy vẽ cho học sinh, sau đó ông còn cùng bạn bè thành lập Hiệp hội Mỹ thuật Nam bộ, cũng tức là “Triển lãm Nam bộ” (Hiệp hội Mỹ thuật Nam bộ Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc) nổi tiếng trong giới mỹ thuật ngày nay.

 

Phải có câu chuyện mới thật sự tồn tại

 Chúng tôi tăng tốc nhanh chân tiến tới chợ bò Thiện Hóa (Shanhua), hy vọng có thể ăn được một tô canh thịt bò "chính gốc" trước khi phiên chợ kết thúc. Hơn 1 tiếng nỗ lực đạp xe, cuối cùng chúng tôi đã đến nơi.

 Phía trước hàng thịt bò 258 đã thấy dòng người xếp hàng dài dằng dặc, tiếng gọi món ăn vang lên khắp nơi. Chúng tôi nhanh chóng chọn một chỗ ngồi xuống, kêu 1 tô canh thịt bò nóng hổi. Vớt lên một muỗng, bên trong toàn là thịt vậy mà chỉ có 60 Đài tệ.

 Sau khi ăn no bụng, chúng tôi rời khỏi chợ bò bằng con đường vòng ngoài, đạp xe dọc theo huyện lộ 178 và chạy một mạch đến Nhà máy sản xuất bia Thiện Hóa, rồi quẹo trái vào tỉnh lộ 1, chạy khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó quẹo phải vào huyện lộ 171, cuối cùng chúng tôi đã đến Đập nước Ô Sơn Đầu (Wushantou).

 Đập nước Ô Sơn Đầu và hệ thống tưới tiêu Gia Nam (Chianan) được xây dựng vào thời Nhật Bản cai trị Đài Loan, công trình thi công trong thời gian 10 năm mới hoàn thành. Công trình đục vách núi dẫn nước này có thể tăng lượng nước tưới cho đồng ruộng từ 5.000 hecta lên đến 150.000 hecta, từ đó đồng bằng Gia Nam trở thành kho lương thực của Đài Loan.

 Trong chuyến hành trình này, Đập nước Ô Sơn Đầu là đoạn đường có dốc cao nhất. Sau khi tiến vào khuôn viên của Đập nước thì chúng tôi phải đạp xe lên dốc mới có thể đến được bờ đê của đập nước. Đạp xe trên bờ đê, một bên là mặt nước hồ xanh biếc, một bên là rừng cây xanh ngát, bốn bề rộng rãi thoáng mát. Khi đạp xe, gió mạnh cứ thổi ập vào người. Tiếp tục tiến về phía trước, ta sẽ thấy tượng đồng của ông Yoichi Hatta, kỹ sư người Nhật phụ trách công trình xây dựng Đập nước này, còn phía sau là ngôi mộ của vợ ông, bà Toyoki.

 Trạm cuối cùng của chuyến đi phượt là Nhà sách GJ Taiwan ở thành phố Đài Nam. Người sáng lập nhà sách - anh Vương Tử Thạc (Prince Wang) cho rằng, đa số người Đài Loan không biết lịch sử của nước mình, từ những nhân vật anh hùng ngày xưa, những nghệ sĩ kiệt xuất cho đến sự phát triển của ngành nghề đều được thể hiện bằng những ký ức đứt đoạn, do đó anh quyết định dùng cách thức thú vị để giới thiệu lịch sử Đài Loan.

 Trong nhà sách trưng bày khá nhiều loại sách liên quan đến lịch sử Đài Loan và đặc biệt nhất là tập “Tô màu cho những bức ảnh cũ của Đài Loan”, thông qua khảo sát, những bức ảnh trắng đen ngày xưa được tô màu kỹ thuật số để con người thời nay cảm thấy gần gũi hơn với diện mạo của cuộc sống ngày xưa. Sau khi được trình làng, tập ảnh này đã nhận được sự phản hồi tích cực của cư dân mạng.

 “Khi mọi người không nhận biết sự vật chung quanh mình thì không thể nảy sinh tình cảm, không thấy được giá trị của nó”. Câu nói của anh Vương Tử Thạc cũng vừa đúng là lời diễn giải của chuyến phượt tìm về lịch sử Đài Loan này. Nếu như chúng ta không biết vai trò và chức năng của những căn tiệm cổ và các di tích này, thì ta không thể nào hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn chúng.

 Muốn tìm hiểu nhiều hơn về nét đẹp của Đài Loan thì hãy dắt xe đạp đi phượt một chuyến! Chúng ta hãy cùng phượt trên những con đường nhỏ ở thôn quê Đài Loan, phượt vào những căn tiệm mà mọi người ít đến, phượt vào câu chuyện lịch sử của Đài Loan.