Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Đài Loan sắp khôi phục Văn phòng đại diện tại đảo Guam (Mỹ)
New Southbound Policy。Sau khi đàm phán và được sự đồng ý của Chính phủ Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sẽ khôi phục lại “Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại đảo Guam (Mỹ)” (Taipei Economic and Cultural Office in Guam) (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Sau khi đàm phán và được sự đồng ý của Chính phủ Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sẽ khôi phục lại “Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại đảo Guam (Mỹ)” (Taipei Economic and Cultural Office in Guam) (Ảnh: Bộ Ngoại giao)

 Sau khi đàm phán và được sự đồng ý của Chính phủ Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sẽ khôi phục việc thành lập “Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại đảo Guam (Mỹ)” (Taipei Economic and Cultural Office (TECO) in Guam). Hiện nay, công tác chuẩn bị cho việc khôi phục văn phòng đại diện đang được tiến hành.
 

 Năm 2017, cân nhắc tình hình phân bổ ngân sách và nhân lực, Bộ Ngoại giao đã quyết định tạm thời dừng các hoạt động của Văn phòng đại diện tại đảo Guam. Tuy nhiên, từ năm 2018, xem xét các yếu tố như ngân sách của Bộ Ngoại giao đã tăng dần qua từng năm, quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ được nâng tầm lên thành “đối tác hợp tác toàn cầu” và tầm quan trọng chiến lược của khu vực Thái Bình Dương, nên Bộ Ngoại giao quyết định sẽ khôi phục việc thành lập Văn phòng đại diện tại đảo Guam trong năm 2020.
 

 Những năm gần đây, cục diện chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương có nhiều biến động. Năm 2018, Mỹ đã đề xuất “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” để nâng cao vị thế chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời lần lượt công bố “Báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Strategy Report) và báo cáo “Một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung” (A Free and Open Indo-Pacific: Advancing a Shared Vision) vào năm 2019, không chỉ một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực Thái Bình Dương, mà nội dung của các báo cáo này còn kết hợp với việc Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) tích cực thúc đẩy “Chính sách hướng Nam mới”, tăng cường liên kết kinh tế, thương mại và văn hóa với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc khôi phục Văn phòng đại diện tại đảo Guam sẽ tăng cường tổng thể trao đổi kinh tế-thương mại và quan hệ hợp tác giữa Đài Loan với khu vực Tây Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ giữa Đài Loan với các nước bang giao tại Thái Bình Dương và tăng cường tương tác đa phương.
 

 Đảo Guam cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Chính phủ Đài Loan khôi phục Văn phòng đại diện tại Guam. Trong thời gian dẫn đầu đoàn đại biểu đến thăm Đài Loan vào các năm 2017 và 2018, Thống đốc đảo Guam – ông Guam Eddie Calvo đã bày tỏ với Tổng thống Thái Anh Văn hy vọng về khả năng tái hoạt động của Văn phòng đại diện Đài Loan tại đảo Guam nhằm tăng cường trao đổi về du lịch, kinh tế và thương mại song phương.
 

 Đài Loan và đảo Guam vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ về kinh tế-thương mại, các doanh nghiệp Đài Loan như Lih Pao Construction, Chung Kuo Insuranc, First Commercial Bank, Asia Cement Corporation và China Airlines, v.v… đều đã đầu tư vào đảo Guam. Đài Loan quảng bá du lịch y tế ở đảo Guam, chương trình du khách chuyển viện đến Đài Loan cũng dần dần mang lại hiệu quả. Tập trung vào triển vọng phát triển du lịch y tế, Bệnh viện Đài An (Taiwan Adventist Hospital) và Bệnh viện Đại học Y Dược Trung Hoa (China Medical University) cũng triển khai hợp tác chặt chẽ với các tổ chức y tế tại đảo Guam. Việc khôi phục văn phòng đại diện tại Guam sẽ thúc đẩy kinh tế-thương mại song phương và trao đổi nhân sự một cách có hiệu quả, phục vụ các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư tại đây, cung cấp dịch vụ hỗ trợ và lãnh sự cần thiết cho người dân Đài Loan đến Guam du lịch.
 

 Trong tương lai, Đài Loan sẽ tăng số Văn phòng đại diện tại Mỹ lên 13 văn phòng, bao gồm: Washington, New York, Boston, San Francisco, Los Angeles, Atlanta, Seattle, Houston, Chicago, Honolulu, Denve, Miami và văn phòng sắp khôi phục tại Guam, tăng cường hơn nữa mối quan hệ sâu sắc và hai bên cùng có lợi giữa Đài Loan và Mỹ trên các phương diện kinh tế, thương mại, du lịch và trao đổi văn hóa, giáo dục, v.v…