Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Giáo sư người Mỹ ở Đại học Y Đài Bắc được nhập quốc tịch Đài Loan
2020-07-06
New Southbound Policy。Bộ Nội chính gần đây đã công bố 8 chuyên gia cao cấp người nước ngoài được nhập quốc tịch Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), trong đó có Timothy Lane – Giáo sư người Mỹ ở Viện Nghiên cứu Ý thức và Não bộ (BCRC) kiêm Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn (CHSS) thuộc Đại học Y Đài Bắc (Taipei Medical University) (Ảnh: CNA)
Bộ Nội chính gần đây đã công bố 8 chuyên gia cao cấp người nước ngoài được nhập quốc tịch Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), trong đó có Timothy Lane – Giáo sư người Mỹ ở Viện Nghiên cứu Ý thức và Não bộ (BCRC) kiêm Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn (CHSS) thuộc Đại học Y Đài Bắc (Taipei Medical University) (Ảnh: CNA)

 Bộ Nội chính gần đây đã công bố 8 chuyên gia cao cấp người nước ngoài được nhập quốc tịch Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), trong đó có Timothy Lane – Giáo sư người Mỹ của Trung tâm Nghiên cứu Não bộ và Tâm thức (Brain and Consciousness Research Center) kiêm Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn (College of Humanities and Social Sciences) thuộc Đại học Y Đài Bắc (Taipei Medical University). Từ năm 2016, Giáo sư Timothy Lane là người đầu tiên ở Đài Loan thông qua ảnh chụp não để tiến hành các nghiên cứu liên quan đến thí nghiệm lâm sàng đối với người thực vật, hy vọng tăng cường khả năng chẩn đoán, giảm thiểu tỷ lệ người thực vật bị chẩn đoán sai và cung cấp phương pháp điều trị khả thi.
 

 Vào thập niên 1970, Giáo sư Julian Jaynes ở khoa Tâm lý, Đại học Priceton (Mỹ) đã xuất bản một cuốn sách liên quan đến vấn đề ý thức. Ông Timothy Lane rất quan tâm đến “ý thức” và quyết định sẽ lấy đó làm đề tài nghiên cứu cho luận văn tiến sĩ của mình, hy vọng thông qua những phân tích liên quan đến sóng não để xác minh những điều nêu trong sách liệu có đúng là thật hay không.
 

 Để phục vụ cho nghiên cứu này, Giáo sư Timothy Lane phải tìm kiếm một số người đặc biệt tham gia thử nghiệm và theo gợi ý của bạn bè, ông đã đến Đài Loan, làm quen với nhiều Thanh Đồng (người đứng giá hầu đồng) thông qua việc tham dự các lễ hội dân gian nghênh đón thần linh và thử tìm hiểu những thay đổi về sóng não khi Thanh Đồng ở trạng thái tĩnh lặng, nghỉ ngơi trước khi bị “Thánh nhập”. Giáo sư Timothy Lane khi đó mới hơn 20 tuổi, lần đầu đến Đài Loan để nghiên cứu luận văn và đã kết duyên với Đài Loan từ đó.
 

 Sau khi đến Đài Loan ông mới biết Thanh Đồng không dễ tìm, nên đã mất rất nhiều thời gian. Thanh Đồng đi đâu nghênh đón thần linh, ông liền đi theo đó. Sau đó, ông chọn ra một số Thanh Đồng trẻ tuổi và có tư tưởng tân tiến, đồng ý hợp tác với ông.
 

 Trong quá trình tiếp xúc với các Thanh Đồng còn phát sinh những mẩu chuyện nhỏ. Giáo sư Timothy Lane nhắc đến chuyện đã từng có Thanh Đồng hỏi ông có muốn thông qua nột kênh đặc biệt để tìm người cha quá cố hay không. Ban đầu ông cũng thấy hiếu kỳ nhưng sau đó do “Tam Thái Tử chỉ nói được tiếng Đài”, có thể không nói chuyện được với cha mình nên ông đành từ bỏ ý định.
 

 Sau nhiều khó khăn, vất vả, cuối cùng Giáo sư Timothy Lane đã hoàn thành nghiên cứu và luận văn, ông trở về Mỹ để lấy bằng Tiến sĩ. Cũng bởi thường ở lâu tại Đài Loan để làm nghiên cứu nên Giáo sư lại quay trở lại Đài Loan vào những năm 1990, giảng dạy tại trường đại học và lập nghiệp tại đây.
 

 Nhiều năm ở Đài Loan đã khiến Giáo sư Timothy Lane có cơ hội quan sát thấy làm thế nào một đất nước có thể dựa vào sức mạnh của chính mình để trở thành một quốc gia dân chủ, tự do ngôn luận và tôn trọng nhân quyền, điều này là sự “thu hoạch” rất lớn đối với ông. Ông cũng cảm thấy rất biết ơn về việc được nhận quốc tịch Đài Loan trong năm nay và có được thẻ căn cước công dân Đài Loan.
 

 Giáo sư Timothy Lane hiện đang làm việc tại Đại học Y Đài Bắc. Được sự ủng hộ của nhà trường, ông tập trung vào các nghiên cứu có liên quan đến khoa học thần kinh, thành lập Trung tâm Nghiên cứu Não bộ và Tâm thức.
 

 Giáo sư Timothy Lane nói luận văn trước đây phát hiện thấy 40% số bệnh nhân biểu hiện trạng thái thực vật có khả năng đã bị chẩn đoán sai. Ông hy vọng sẽ tìm ra phương pháp chẩn đoán tốt hơn để giúp đỡ các bệnh nhân này. Ngoài ra, ông cũng muốn kêu gọi các bạn trẻ tham gia nghiên cứu về khoa học thần kinh, để không những phát triển nghiên cứu khoa học, mà còn có thể cứu người. Hơn thế, ông hy vọng đưa khoa học thần kinh thành một trong những nét đặc sắc khiến Đài Loan có thể tự hào, mang lại nhiều cơ hội học tập và công việc cho những người trẻ tuổi.