Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cuốn sách đầu tiên về lịch sử văn học tiếng Đài được dịch sang tiếng Việt
2020-07-16
New Southbound Policy。Tác phẩm “Đầu lưỡi và ngòi bút: Lịch sử văn học tiếng mẹ đẻ Đài Loan” của Giáo sư Liêu Thụy Minh gần đây đã được “Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam” chính thức phát hành tại Việt Nam. Cuốn sách tượng trưng cho sự trao đổi văn học giữa hai nước Đài Loan-Việt Nam đã bước vào giai đoạn gần gũi và thân thiện hơn, đồng thời cũng là thành quả quan trọng của chính sách Văn học hướng Nam mới do Bảo tàng Văn học Quốc gia Đài Loan (NMTL) thúc đẩy năm 2020 (Ảnh: NMTL)
Tác phẩm “Đầu lưỡi và ngòi bút: Lịch sử văn học tiếng mẹ đẻ Đài Loan” của Giáo sư Liêu Thụy Minh gần đây đã được “Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam” chính thức phát hành tại Việt Nam. Cuốn sách tượng trưng cho sự trao đổi văn học giữa hai nước Đài Loan-Việt Nam đã bước vào giai đoạn gần gũi và thân thiện hơn, đồng thời cũng là thành quả quan trọng của chính sách Văn học hướng Nam mới do Bảo tàng Văn học Quốc gia Đài Loan (NMTL) thúc đẩy năm 2020 (Ảnh: NMTL)

 Bảo tàng Quốc gia Văn học Đài Loan (National Museum of Taiwan Literature, NMTL) vừa đạt được thành quả mới trong công tác dịch thuật. Tác phẩm “Đầu lưỡi và ngòi bút: Lịch sử văn học tiếng mẹ đẻ Đài Loan” của Giáo sư Liêu Thụy Minh gần đây đã được “Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam” chính thức phát hành tại Việt Nam. Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu bằng tiếng Việt về lịch sử văn học tiếng mẹ đẻ Đài Loan, tượng trưng cho sự trao đổi văn học giữa hai nước Đài Loan-Việt Nam đã bước vào giai đoạn gần gũi và thân thiện hơn, đồng thời cũng là thành quả quan trọng của chính sách Văn học hướng Nam mới do Bảo tàng Văn học Quốc gia Đài Loan thúc đẩy năm 2020.

 Tác giả nguyên tác – Giáo sư Liêu Thụy Minh là người đi tiên phong trong phong trào “Phục hưng tiếng mẹ đẻ” ở Đài Loan. Ông viết cuốn sách này vào năm 2013, khi văn học tiếng mẹ đẻ của Đài Loan đã dần dần đạt được những thành quả nhất định.

 Chủ biên bản tiếng Việt của cuốn sách này là Giáo sư Tưởng Vi Văn – Chủ nhiệm khoa Văn học Đài Loan kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Thành Công. Nhóm dịch giả gồm các cựu sinh viên xuất sắc người Việt Nam của khoa Văn học Đài Loan, Đại học Thành Công là Thái Thị Thanh Thủy, Phạm Ngọc Thúy Vi và Lù Việt Hùng cùng chấp bút. Giáo sư Tưởng Vi Văn cho biết: Tuy Đài Loan và Việt Nam không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng cuốn sách lần này lại được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam đồng ý hợp tác xuất bản, công lao chính thuộc về các đoàn thể nhân dân lâu nay đã xây dựng tình hữu nghị sâu sắc trong lĩnh vực trao đổi văn hóa xuyên quốc gia.

 Viện trưởng Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Điệp cũng đã viết lời tựa ca ngợi việc xuất bản cuốn sách sẽ tăng cường sự hiểu biết của người Việt Nam đối với văn học Đài Loan.

 Cuốn sách “Đầu lưỡi và ngòi bút: Lịch sử văn học tiếng mẹ đẻ Đài Loan” đã ghi chép lại tinh thần “Phục hưng tiếng mẹ đẻ” ở Đài Loan trong gần 30 năm qua. Bảo tàng Văn học Quốc gia Đài Loan hy vọng thông qua cuốn sách này, các độc giả của bản tiếng Việt sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa đa nguyên và văn học đa dạng của Đài Loan.