Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Tọa đàm người nổi tiếng: Ánh hào quang vùng Kim Tôn Viễn cảnh Đài Đông trong mắt đôi bạn thân Nghiêm Trường Thọ và Giang Hiền Nhị
2020-08-31

Văn hóa địa phương phong phú của Đài Đông đã làm mê hoặc ông Nghiêm Trường Thọ (phải) và họa sỹ Giang Hiền Nhị (trái). Họ̣ cùng bắt tay thành lập Khu vườn nghệ thuật Pau Chiang Art, tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ đến đây sáng tác.

Văn hóa địa phương phong phú của Đài Đông đã làm mê hoặc ông Nghiêm Trường Thọ (phải) và họa sỹ Giang Hiền Nhị (trái). Họ̣ cùng bắt tay thành lập Khu vườn nghệ thuật Pau Chiang Art, tạo cơ hội cho nhiều nghệ sĩ đến đây sáng tác.
 

 Khi nhắc đến Đài Đông, trong đầu chúng ta sẽ hiện lên những hình ảnh náo nhiệt, đầy sức sống của các hoạt động như: Lễ hội nghệ thuật Trì Thượng (Chishang), Cuộc thi lướt sóng Kim Tôn (Jinzun), Festival khinh khí cầu Lộc Dã (Luye). Nơi đây vốn dĩ là một vùng quê xa xôi “non nước hữu tình nhưng lại rất buồn tẻ” nhưng sau khi được Chính phủ đầu tư tái quy hoạch, các đoàn thể xã hội tìm tới mở chi nhánh, từ đó Đài Đông (Taitung) đã lột xác trở thành đô thị du lịch nổi tiếng thế giới.

 

 Ngoài thực lực về du lịch thì Đài Đông còn là vùng đất ẩn chứa nguồn năng lượng văn hóa dồi dào. Ông Nghiêm Trường Thọ (Stanley Yen) - người sáng lập Quỹ Văn hóa từ thiện, bấy lâu nay đã tích cực tìm kiếm và đào tạo nhân tài địa phương vùng Hoa Liên-Đài Đông. Ông Giang Hiền Nhị (Paul Chiang) - nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế đã di cư đến Đài Đông vào năm 2008 - đã quy hoạch một khu vườn nghệ thuật tại Kim Tôn (Jinzun) mang tên “Paul Chiang Art”, sau này ngoài chức năng làm nơi triển lãm tác phẩm nghệ thuật của ông, còn dự định mời gọi giới văn học và âm nhạc đến lưu trú, hy vọng ngày càng có nhiều nghệ sĩ sáng tác tìm thấy được nguồn cảm hứng mới mẻ từ môi trường thiên nhiên ở Đài Đông.

 Để hiểu hơn về tiềm năng phát triển và ưu thế của Đài Đông, trong chương trình Tọa đàm người nổi tiếng của Tạp chí Taiwan Panorama kỳ này, Tổng biên tập Trần Lượng Quân (Ivan Chen) đã đặc biệt mời CEO Nghiêm Trường Thọ và họa sỹ Giang Hiền Nhị đến chia sẻ về viễn cảnh, những ấn tượng của họ đối với Đài Đông, cũng như trò chuyện về tình bạn sâu sắc giữa hai người.

TP: Xin hỏi CEO Nghiêm Trường Thọ, ông cho rằng ưu thế kiến tạo địa điểm (Place-making) của Đài Đông là gì?

CEO Nghiêm Trường Thọ: Sau trận động đất ngày 21 tháng 9 năm 1999, tôi đến thị trấn Phố Lí, huyện Nam Đầu (Puli - Nantou) hỗ trợ khôi phục ngành nghề tại địa phương. Tôi nói với người dân trong vùng rằng, nghề trồng trà không chỉ để bán trà, mà còn phải biến hóa nó vào trong ẩm thực, sau đó mở rộng đến nghệ thuật trà và trà đạo. Thời đường hầm Tuyết Sơn (Xueshan) chưa được khai thông, lúc đó vùng Nghi Lan còn chưa phát triển, đến địa phương diễn thuyết, tôi nói với họ rằng: “Các bạn hãy trân trọng những dòng suối khoáng, đồng bằng Lan Dương (Lanyang) và bức tranh phong cảnh thiên nhiên bạt ngàn tận chân trời mà các bạn đang sở hữu, nhưng đừng xem Nghi Lan chỉ là mảnh vườn sân sau của Đài Bắc (Taipei), mà phải tạo ra giá trị đặc sắc của riêng mình”. Sau đó, địa phương đã quy hoạch tổ chức Lễ hội trò chơi thiếu nhi nhưng những thứ đó đều chỉ là thủ thuật mà thôi, mục đích cuối cùng là cho dù không có Lễ hội trò chơi thiếu nhi thì mọi người vẫn muốn đến Nghi Lan.

 Việc phát triển vùng Hoa Liên-Đài Đông cũng tương tự như thế, 50 năm về trước, khi đi lính ở Hoa Liên (Hualian), tôi thấy được nền văn hóa bộ lạc phong phú của dân tộc nguyên trú trong vùng, Đài Đông lại sở hữu phong cảnh thiên nhiên và cảnh quan hùng vĩ còn nguyên vẹn chưa bị phá vỡ. Ngày nay, địa phương này còn có sự góp mặt của những nghệ nhân, nhạc sĩ dân tộc nguyên trú và cả những nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế như thầy Giang Hiền Nhị. Điều này làm tôi nhớ đến dự án kiến tạo biển nội địa Seto Nhật Bản, nơi đây vốn là vùng đảo hoang, nhờ vào bàn tay chạm khắc của các nghệ nhân, Seto nay đã trở thành thắng cảnh trọng điểm, hàng năm vào mùa Lễ hội nghệ thuật đều thu hút đông đảo khách tham quan. Thầy Giang Hiền Nhị cũng như tôi đều đánh giá Đài Đông sẽ trở thành thắng cảnh mang tầm quốc tế không thua gì so với biển nội địa Seto.

TP: Sau khi chuyển đến Đài Đông, phong cách hội họa của thầy Giang Hiền Nhị từ trầm mặc chuyển sang tươi sáng hơn. CEO Nghiêm Trường Thọ cũng nói đùa, ví đây là hiện tượng “hồi xuân”, vậy xin hỏi Đài Đông đã ảnh hưởng như thế nào đến sáng tác của thầy?

Họa sỹ Giang Hiền Nhị: Trong tất cả các tác phẩm của tôi thì yếu tố quan trọng nhất chính là ánh sáng, vệt sáng có lúc yếu mờ, lúc ấm áp, lúc thì tươi sáng, nó đều xuất phát từ trong trái tim tôi. Điều này có thể giải thích vì sao khi tôi ở New York, Paris và Đài Bắc, đều không muốn đối diện với thế giới bên ngoài. Bởi vì tôi chỉ muốn hưởng thụ thứ ánh sáng phát ra từ trái tim, là những giọt sáng chân thành và thiêng liêng. Nhưng khi tôi dọn tới Đài Đông, cửa sổ phòng tranh bắt đầu được mở rộng, cảm nhận ánh mặt trời, không khí, hoa lá và biển Đài Đông, đưa những ấn tượng mà vùng đất này ban tặng cho tôi vào trong những bức tranh trừu tượng.

TP: Xin hỏi CEO Nghiêm Trường Thọ, khi ông sáng lập Quỹ Văn hóa từ thiện và đầu tư tâm huyết vào Đài Đông trong nhiều năm qua, ông đã làm thế nào để hoạt động bền vững tại địa phương?

CEO Nghiêm Trường Thọ: Khi nhìn thấy ưu thế của Đài Đông, tôi bắt đầu suy nghĩ làm thế nào để bảo vệ môi trường nơi đây không bị phá hoại bởi tư tưởng phát triển của miền Tây Đài Loan, cho nên chúng tôi chung tay hỗ trợ phát triển văn hóa địa phương.

 Lấy vùng Kim Tôn ở Đài Đông làm ví dụ, gió mùa Đông Bắc vào mùa đông sẽ đẩy sóng lớn lên bờ biển, hình thành điều kiện tuyệt vời cho môn lướt sóng. Vì thế, cứ vào tháng 11 hàng năm cho đến tháng 4 năm sau sẽ thu hút du khách Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Hồng Kông tới đây lướt sóng. Đây chính là ưu thế của Kim Tôn. Tuy nhiên, gần địa điểm lướt sóng lại không có nhà vệ sinh công cộng nên tôi đã mời Bộ trưởng Bộ Giao thông lúc đó tới khảo sát, hy vọng giúp cho công trình công cộng tại nơi đây trở nên hoàn thiện hơn.

 Chúng tôi còn đưa giới truyền thông đến thăm cửa hàng “Mianmawu” (Cotton and Hemp Workshop), phỏng vấn và giới thiệu các tác phẩm làm thủ công của bà chủ người dân tộc nguyên trú-cô Long Huệ Mi (Long Hui Mei), tạo cơ hội cho mọi người nhìn thấy sự sáng tạo của cô. Hiện nay, cô đã trở thành nghệ sĩ thuộc chương trình lưu trú sáng tác tại Ý và Pháp, nhận được đơn đặt hàng từ hải ngoại. Cô huy động hơn 30 chị em phụ nữ địa phương gia nhập vào công việc đan dệt, góp phần vực dậy sức sống cho bộ lạc vốn đã điêu tàn bấy lâu nay.

 Ngoài sứ mệnh bảo tồn văn hóa địa phương, điều quan trọng hơn là quốc tế hóa vùng Hoa Liên-Đài Đông. Bây giờ, xã Trường Tân (Changbin), Đài Đông đã có nhà hàng đẳng cấp Michellin, trên thực đơn có món ăn dân tộc nguyên trú và cả món Pháp. Chúng tôi còn thành lập Trường tiểu học và trung học Thực nghiệm Quốc tế Quân Nhất (Junyi Experimental School), tạo môi trường học tập tiếng Anh cho lớp trẻ địa phương bắt kịp với xu hướng quốc tế, như thế thì các em mới có cơ hội du nhập nguồn lực quốc tế về với Hoa Liên-Đài Đông.

TP: Khi ở Long Island, New York thầy đã nảy sinh ý tưởng thành lập khu vườn nghệ thuật nhưng khi đến Đài Đông thì mới hiện thực ý tưởng này. Ban đầu vì sao thầy lại muốn thành lập khu vườn nghệ thuật? Điểm giống nhau giữa Long Island và Đài Đông là gì?

Họa sỹ Giang Hiền Nhị: Điểm chung của Đài Đông và Long Island là ít người, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không có nhà cao tầng. Vào thập niên 1980, tôi sống ở Đông Hampton thuộc đảo Long Island. Hàng năm, vào mùa hè là tôi đều nghĩ đến việc mở cửa phòng tranh đón khách tham quan để mọi người có cơ hội được trải nghiệm nét đẹp của thiên nhiên giống như tôi, nhưng lúc dọn về Đài Bắc, vì môi trường thay đổi nên tôi tạm dừng ý tưởng này; rồi khi đến Đài Đông, do môi trường thực sự rất tuyệt, bản thân cũng đã đủ điều kiện, cộng với sức ảnh hưởng của CEO Nghiêm Trường Thọ, tất cả mọi thứ đều khiến tôi suy nghĩ và cho rằng nên làm điều gì đó để đền đáp xã hội.

TP: Thưa CEO Nghiêm Trường Thọ, ông từng nói mình là hậu phương cho thầy Giang, xin hỏi ông đánh giá cao những điểm nào ở thầy?

CEO Nghiêm Trường Thọ: Hơn 20 năm trước, lúc thầy Giang về Đài Loan chúng tôi mới quen nhau. Tuy hồi đó tôi là kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng loạt tác phẩm “Silver Lake” lại khiến tôi rung động. Trong khi quy hoạch mảng thiết kế nội thất Khách sạn One ở Tô Châu (Hotel One Suzhou), tôi phát hiện phòng ốc mang cảm giác quá hiện đại. Phương án giải quyết đầu tiên mà tôi nghĩ đến là tranh của thầy. Tôi liền gọi điện thoại về Đài Loan, nhờ thầy cho mượn phiên bản ảnh chụp lại hai bức tranh “Silver Lake” rồi làm lại thành tranh dệt. Sau khi treo tranh lên tường thì không khí căn phòng trở nên trầm lắng hẳn, cho nên tôi mới hiểu ra, một nghệ sĩ chỉ cần dùng tác phẩm của họ là có thể chuyển hóa toàn bộ cảm xúc của không gian.

 Trong mười mấy năm tiếp theo, tôi dõi theo mỗi một giai đoạn chuyển biến của thầy. Mỗi khi trải qua một bước ngoặt trong cuộc sống, thầy Giang lại có một sáng tác mới. Có nhiều nghệ sĩ suốt cuộc đời cũng chỉ tạo được vài ba bước ngoặt lớn mà thôi nhưng thầy Giang hầu như đã tạo ra cho mình mười mấy bước ngoặt đầy ngoạn mục.

 Kể từ khi Phòng tranh của thầy Giang trở thành khu vườn nghệ thuật Pau Chiang Art, thầy đặc biệt quy hoạch một khu phục vụ hoạt động lưu trú sáng tác cho các nghệ sĩ. Thầy không muốn độc chiếm những rung động có được từ vùng Hoa Liên-Đài Đông, mà hy vọng các nghệ sĩ sau chuỗi ngày dừng chân ở khu vườn nghệ thuật, khi ra về sẽ được vùng đất này trao tặng những nguồn cảm hứng mới. Tôi vô cùng cảm động khi biết được kế hoạch này. Đến một ngày nào đó, khi tôi và thầy đều không còn trên cõi đời này, nhưng ký ức thì sẽ vĩnh viễn lưu lại ở Đài Đông, cũng giống như Trường tiểu học Thực nghiệm Quân Nhất sẽ phát triển trường tồn, là nơi đào tạo cho càng nhiều thanh niên trẻ.

TP: Xin mời thầy Giang chia sẻ về những chuyển biến tâm lý và cuộc sống của thầy khi chuyển đến Đài Đông?

Họa sỹ Giang Hiền Nhị: Bây giờ tôi đã nếm trải rất nhiều kinh nghiệm sống rồi nên thái độ nhìn nhận mọi việc cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, không giống như thời còn trẻ, cái gì cũng phải đạt mức tuyệt đối, các tác phẩm đều cố gắng xử lý kỹ càng, trên, dưới, trái, phải, nhất định phải làm sao cho thật hoàn mỹ. Trải qua hai ba mươi năm thì tôi mới học được một điều là, khi ta làm một việc gì đó đúng đắn thì không nhất định phải làm một cách cố tình như thế, mà nên thuận theo tự nhiên.

TP: CEO Nghiêm Trường Thọ và thầy Giang Hiền Nhị đều đã trên 70 tuổi, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng. Hai ông có thể chia sẻ quan niệm cuộc sống của bản thân cũng như khuyến khích lớp trẻ không ạ.

CEO Nghiêm Trường Thọ: Năm nay tôi 73 tuổi, thầy Giang 78 tuổi, cả hai đều ở tuổi gần chạm mốc 80 rồi. Con đường mà chúng tôi đã đi qua có rất nhiều điều tuyệt vời, mỗi một ngã rẽ không cần suy nghĩ bước tiếp theo sẽ đi về đâu mà nó sẽ xuất hiện ngay phía trước.

 Thời điểm mới đến Hoa Liên-Đài Đông chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ mở trường học ở đây, công việc này hoàn toàn khác biệt so với kinh nghiệm trước đây của tôi nhưng những gì mà tôi đã làm ở Đài Đông không chỉ bắt nhịp với lĩnh vực nghệ thuật mà còn trở thành lực lượng hậu phương cho thầy Giang. Mỗi đối tác trong Quỹ Văn hóa Từ thiện đều không biết chúng tôi sẽ đi đến vai trò như hôm nay nên tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, những gì bạn làm trong tương lai có thể sẽ không phải là mục tiêu ban đầu mà bạn đã đặt ra. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều không thể dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra nhưng chỉ cần biết ưu điểm của bản thân ở đâu, xu thế tương lai là gì, kết hợp hai yếu tố này lại với nhau thì sẽ tìm ra phương hướng phát triển, đừng tạo áp lực quá lớn cho bản thân.

Họa sỹ Giang Hiền Nhị: Lúc còn trẻ, mỗi khi sáng tác, tôi đều làm một cách cố tình, từng tác phẩm đều tính toán từng ly từng tí, nhất định phải xử lý cho perfect, nhưng dần dần tôi bắt đầu thoải mái hơn. Nói một cách đơn giản là thuận theo tự nhiên nhưng không phải là không làm gì cả, mà mỗi ngày hãy cố gắng làm theo con đường mình đã chọn, khi gặp vấn đề thì tìm cách giải quyết.

 Tôi cũng thường nói với các bạn trẻ, tác phẩm nghệ thuật từ con người mà ra, vì vậy vẫn phải sống mỗi ngày, sống với người thân, rồi tiếp tục hoàn thành tác phẩm. Cũng không nên lập kế hoạch sẽ phải trở thành họa sỹ nổi tiếng sau 3 năm hay 5 năm, phải triển lãm tranh ở nhà bảo tàng mỹ thuật nào đó. Những thứ này chúng ta đều không thể kiểm soát và lên kế hoạch, điều duy nhất có thể kiểm soát chính là sống nghiêm túc mỗi ngày, tiếp tục sáng tạo, thành quả cuối cùng rồi cũng sẽ đến với bạn.