Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Thời trang bền vững Cuộc sống theo phép trừ hồi quy
2020-11-23

Người sáng lập Trần Quán Bách (người đứng bên trái) xuất thân từ ngành thời trang, chứng kiến vô số những vấn đề do ngành này gây ra. Cô quyết định cống hiến trọn đời để giảm thiểu những vấn đề về môi trường.

Người sáng lập Trần Quán Bách (người đứng bên trái) xuất thân từ ngành thời trang, chứng kiến vô số những vấn đề do ngành này gây ra. Cô quyết định cống hiến trọn đời để giảm thiểu những vấn đề về môi trường.
 

 Khuyến khích tiêu dùng, không ngừng sản xuất, ngành thời trang đang phát triển đến đỉnh cao, tuy nhiên cũng làm nảy sinh rất nhiều vấn đề như quần áo cũ dư thừa, ô nhiễm môi trường và vấn đề nhân quyền của người lao động. Mấy năm gần đây, ngành thời trang đã bắt đầu chú trọng tới vấn đề phát triển bền vững, thu hồi tận dụng vải cũ để tái sản xuất quần áo mới và tạo ra ứng dụng sản phẩm mới từ vật liệu phế thải, bảo vệ môi trường ngay từ khâu sản xuất.

 

 Theo thống kê của tổ chức Hòa bình xanh, nhóm người Đài Loan trong độ tuổi từ 20-45 tuổi mỗi năm ít nhất vứt bỏ 5,2 triệu chiếc quần/áo. Tính ra cứ 1 phút lại có 9,9 chiếc quần/áo bị vứt vào thùng rác hoặc thùng thu gom quần áo cũ.

 

Ô nhiễm sợi nhân tạo gây thảm họa sinh thái

 Một vấn đề nữa chính là khí thải các-bon, mặc dù nguyên liệu sợi nhân tạo giá rẻ, rất dễ sử dụng nhưng lượng khí các-bon thải ra trong quá trình sản xuất gấp 3 lần so với sử dụng nguyên liệu sợi bông. Hiện nay có trên 60% sợi vải là sợi tổng hợp có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa dầu. Vì vậy, sau khi quần áo được vứt vào bãi chôn lấp rác sẽ không thể phân hủy, đồng thời những sợi siêu mảnh rơi ra từ quần áo trong quá trình giặt sẽ bị chảy vào sông suối và đại dương. Những hạt nhựa siêu nhỏ này trải qua hàng nghìn năm cũng vẫn không bị phân hủy.

 Muốn xoay chuyển vấn đề ô nhiễm của ngành công nghiệp thời trang, những người có lý tưởng đã ra tay hành động. Ví dụ như hãng Story Wear với khẩu hiệu “không sản xuất rác thải” đã thu gom quần áo và vải phế liệu trên khắp Đài Loan, sau khi được nâng cấp và tái tạo nhờ quá trình thiết kế, rồi hợp tác với những nữ thợ may có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tái sản xuất ra rất nhiều trang phục thời trang.

 Vào năm 2013, cô Trần Quán Bách (Kuan Chen), người sáng lập Story Wear, đã kết thúc 5 năm làm việc trong lĩnh vực thời trang tại Đài Loan để tới nước Anh học cao học. Tại nước Anh, lần đầu tiên cô mới vỡ lẽ ra rằng, hóa ra ngành công nghiệp thời trang lại là nguồn gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới sau ngành công nghiệp hóa dầu. Ngành công nghiệp dệt may luôn là một ngành gây ô nhiễm nặng, không minh bạch, bóc lột vô nhân đạo và thời gian làm việc quá dài, làm nảy sinh nhiều vấn đề về nhân quyền.

 

Story Wear nâng cấp cải tiến vải denim

 Kể từ khi Trung Quốc từ chối nhập phế thải dệt may của mọi quốc gia, cô Trần Quán Bách đã ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc này. “Tiếp theo, rác thải dệt may sẽ ngày càng nghiêm trọng,” trang phục thu hồi của Đài Loan không có nơi tiếp nhận, tất cả rác thải dệt may đều tập trung trên hòn đảo này. Chính điều này đã khiến cô Trần Quán Bách nảy ra ý tưởng sáng lập thương hiệu “Story Wear”.

 Hầu hết nguyên liệu dùng để sản xuất trang phục của Story Wear đều là từ quần jean thu hồi tái tận dụng do các công ty quyên góp. Sau khi giặt và tái chế, chúng được biến thành áo khoác thời trang, chân váy nhiều mảnh hoặc cặp đựng máy tính, túi đựng khăn giấy...

 “Điều khó nhất là xé rời toàn bộ quần jean ra để biến chúng trở lại thành vải”. Sau khi nhận được loại vải denim chịu nước tốt, không dễ biến dạng; nhóm “Chị em thợ may góc phố” hợp tác với Story Wear trước tiên sẽ phải tháo đường chỉ, việc này mất công vô cùng. “Chị em thợ may góc phố” là tên gọi thân mật mà cô Trần Quán Bách đặt cho họ, thực ra họ là những phụ nữ trung niên cần tìm việc làm, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và những bà mẹ của trẻ khuyết tật.

 Để những chị em thợ may có thể làm theo, trước tiên cô Trần Quán Bách sẽ thiết kế bản mẫu, các thợ may phải chọn ra từ đống vải có cùng màu sắc và cùng độ dày những mẫu vải giống bản mẫu về loại vải và kiểu vải, các màu phải được phối thật phù hợp. Vải vân dọc hay vân ngang cần được kết hợp hết sức khéo léo, sau đó ráp lại bằng phương pháp thủ công.

 Đó cũng chính là lý do tại sao khi cầm trên tay sản phẩm của Story Wear, khách hàng có thể nhìn thấy trên nhãn quần áo những dòng chữ như: “vải demin tái chế, vải vụn phế liệu, cotton”, “thời gian làm thủ công” và cả chữ ký của người thợ may. “Nguyên liệu mỗi bộ quần áo của chúng tôi không giống nhau, cho nên màu sắc và thớ vải cũng khác nhau”. Thông tin trên nhãn mác đã công khai hóa quy trình sản xuất, “như vậy có thể bảo đảm quyền lợi của người lao động sẽ không bị bóc lột”, cô Trần Quán Bách giải thích.

 Kể từ khi thương hiệu được ra mắt vào năm 2018, Story Wear đã nâng cấp cải tiến được 2.408 chiếc quần jean, đồng nghĩa với việc có trên 2.000 chiếc quần jean đáng lẽ bị vứt bỏ được tái chế thành trang phục mới. Trung bình mỗi tháng đã tạo ra khoảng 50.000 đơn hàng cho những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

 

Đi ngược lại xu hướng thời trang, biến phế liệu thành hàng cao cấp

 Cô Lâm Vân Đình (Lin Yun-ting) đến từ Phong Nguyên, thành phố Đài Trung và anh Patricia Lip đến từ Hồng Kông đều là những người “biến đá thành vàng”, cả hai quen biết nhau khi theo học tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Vương quốc Anh, lấy thời trang bền vững làm lý tưởng, cùng sáng lập ra STUDIO LIM.

 Đồ gỗ bằng sợi mà họ nghiên cứu phát triển ra được làm từ các loại chất liệu thân thiện và bảo vệ môi trường như mạt cưa, giấy báo cũ và sợi lanh, đồng thời áp dụng 8 khâu của quy trình làm đồ sơn mài truyền thống để sơn và chà nhám nhiều lần, tạo ra sản phẩm khay ăn nhẵn như gương và rất chắc chắn. Những vật dụng tinh xảo với hoa văn bất quy tắc rất tao nhã như vậy vừa có sự tinh xảo của đồ sơn mài lại vừa đạt được đẳng cấp về chất lượng, làm thay đổi hoàn toàn trí tưởng tượng của mọi người về các sản phẩm tái chế.

 Ban đầu cô Lâm Vân Đình và anh Patricia Lip làm để thi tốt nghiệp thạc sĩ. Trong lúc tìm kiếm vật liệu làm thí nghiệm, họ tình cờ gặp được ông Koon-Yang Lee - một nhà khoa học tại Trường Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Imperial College London). Vật liệu hỗ trợ bằng sợi nano của ông Koon-Yang Lee đã trở thành cơ sở để hai người nghiên cứu phát triển đồ gỗ bằng sợi về sau này.

 

Ứng dụng đột phá về vật liệu tạo sự mới lạ

 Khi cả hai mới gặp ông Koon-Yang Lee, những vật liệu mới đó vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, không thể biến thành sản phẩm thu hút người tiêu dùng.

 Họ đã thử nghiệm các loại sợi thực vật khác nhau, phối kết hợp với nhiều tỉ lệ, thậm chí màu sắc khác nhau, đồng thời thử nghiệm với các hình dạng, độ dày và mặt cong khác nhau. Ví dụ ép thành dạng tấm, làm thành dạng ống, liên tục thay đổi các điều kiện vật lý của vật liệu, cuối cùng đã thành công trong việc làm cho kết cấu của sợi lanh cứng hơn. Mặc dù công nghệ này không liên quan đến vật liệu nano, nhưng họ cũng đã ứng dụng thành công trong đồ án tốt nghiệp khi dùng sợi lanh làm thành một chiếc tủ, một tấm vật liệu xây dựng và một thiết bị phát âm thanh.

 “Sợi lanh là loại sợi được sản xuất nhiều thứ hai trên thế giới”. Loại cây thân thảo có tuổi thọ một năm này có thể thu hoạch hằng năm, sinh trưởng ở vùng đất sét thiếu nước, rất thân thiện với môi trường. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai không cần phải chặt phá cây rừng cũng có thể sử dụng sợi lanh làm vật liệu tấm để sản xuất ra đồ nội thất cỡ lớn.

 Nguyên liệu đồ gỗ bằng sợi cũng được trộn với mạt cưa phế liệu. Hai người đã lấy mạt cưa phế liệu do công nhân xưởng mộc ở Phong Nguyên - Đài Trung bào ra từ các loại gỗ như gỗ sồi, gỗ bách và gỗ phong trộn lẫn với sợi lanh rồi nhuộm để sản xuất ra khay ăn và khay đựng đồ điểm tâm, mỗi chiếc là một kiểu hoa văn độc nhất vô nhị khác nhau.

 Vì bản thân vật liệu sợi khá sợ nước, cô Lâm Vân Đình đã lấy cảm hứng từ đồ sơn mài cổ truyền hàng trăm năm của Phong Nguyên, rồi quét sơn cho đồ gỗ làm bằng sợi để tạo hiệu quả chống thấm. “Chỉ cần không cố ý làm hỏng, những vật dụng xinh xắn này có thể sử dụng được rất lâu”. Gần đây, họ còn trộn thêm giấy báo cũ để làm khay ăn bằng chất liệu tổng hợp, nhìn từ xa tựa như đá mài, nhưng nhìn gần vẫn thấy được chữ viết của giấy báo, thực sự là một trải nghiệm rất mới lạ.

 

Làm thế nào để đi tiếp con đường “bền vững”?

 Thử nghiệm đổi mới vật liệu, sản phẩm khay ăn do STUDIO LIM làm từ nguyên liệu mạt cưa phế liệu, từ hình thức bề ngoài của sản phẩm khó mà liên tưởng đến những từ ngữ như “phế liệu”, “đồ đã qua sử dụng” hay “thu hồi tái chế” , khi trưng bày trên kệ thấy khá tinh tế và đẹp mắt.

 “Những người đến mua đồ của chúng tôi không phải vì sản phẩm bền vững mà là vì nó đẹp”, qua cách nói của cô Lâm Vân Đình đã thấy toát lên cái khó trong việc thúc đẩy quan niệm bền vững. Anh Patricia Lip cũng nhấn mạnh: “Bền vững là điểm cốt lõi của thương hiệu chúng tôi nhưng khi trao đổi với khách hàng, tính bền vững chỉ được coi là một danh từ bổ sung”. Vì vậy, để khách hàng chấp nhận sự bền vững, điều kiện tiên quyết là sản phẩm không được xấu xí, “chẳng có khách hàng nào sẵn sàng trả tiền để mua một sản phẩm xấu”.

 Trở về với bản chất tốt đẹp của vạn vật, trân trọng con người và mọi vật xung quanh, chúng ta có thể có những sự lựa chọn tốt hơn trong tiêu dùng. “Cho nên chúng tôi khuyến khích mọi người sử dụng đồ dùng tới mức tối đa”, cô Lâm Vân Đình và anh Patricia Lip tỏ ra lạc quan về xu hướng thời trang bền vững trong tương lai. Họ cũng hy vọng sẽ định hướng giúp người tiêu dùng hiểu được rằng, thời trang bền vững không chỉ là lý tưởng riêng của một thương hiệu nào đó, mà là một thái độ sống.