Di chuyển đển khối nội dung trung tâm
Cùng chung tay tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn Dịch vụ “Good to Go” và “Homeapp123”
2020-11-30

SDựa trên chuyên môn về thiết kế, Tống Nghi Trân (bên phải) và Lý Dực Hòa (bên trái) đưa ra mô hình “Good to Go”, hiện thực lý tưởng cộng hưởng giữa con người, hải đảo và vật dụng.

Dựa trên chuyên môn về thiết kế, Tống Nghi Trân (bên phải) và Lý Dực Hòa (bên trái) đưa ra mô hình “Good to Go”, hiện thực lý tưởng cộng hưởng giữa con người, hải đảo và vật dụng.
 

 Khi nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất dần cạn kiệt, việc tìm đến sự phát triển của một nền kinh tế tuần hoàn với nguồn tài nguyên bền vững sẽ là một giải pháp hiệu quả. Dịch vụ thuê cốc đựng thức uống “Good to Go” và chia sẻ đồ điện gia dụng “Homeapp123” với tiêu chí vạn vật cộng hưởng (vật chất được chia sẻ dùng chung), nhằm đưa công chúng tiếp cận với mô hình kinh tế tuần hoàn.

 

 Ngành kinh doanh đồ uống tại Đài Loan rất phổ biến, các thương hiệu thức uống nhượng quyền xuất xứ từ Đài Loan có mặt trên khắp thế giới. Bên cạnh việc mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn, ngành nghề này cũng tạo ra khoảng 1,5 tỷ chiếc cốc phế thải mỗi năm. Thật may mắn khi người sáng lập Công trách nhiệm hữu hạn Last Longer Project là cô Tống Nghi Trân (Sung Yi-chen) và cô Lý Dực Hòa (Li Yi-he) đã nghĩ ra sáng kiến dịch vụ cho thuê cốc đựng thức uống “Good to Go”, cung cấp sự lựa chọn mới thay thế cho cốc chỉ sử dụng một lần.

 

Mô hình thuê cốc đựng thức uống mang lại cảm giác “nhẹ như không”

 Khi đặt chân đến khu thương mại Chính Hưng (Zhengxing) hoặc khu vực xung quanh trường đại học Thành Công (Cheng Kung University) ở thành phố Đài Nam, bạn sẽ bắt gặp những chiếc cốc có tạo hình xinh xắn được đặt ở phía trước cửa tại nhiều tiệm bán đồ uống. Chỉ cần quét mã vạch QR code rồi kết bạn với dịch vụ “Good to Go” trên ứng dụng LINE, thế là có thể sử dụng dịch vụ thuê cốc đựng thức uống ngay lập tức. Bạn chỉ cần xuất trình hình ảnh đã hoàn tất thao tác thuê cốc, nhân viên sẽ chọn loại cốc của dịch vụ “Good to Go” để đựng thức uống cho bạn. Sau khi uống xong, khách hàng có thể trả cốc tại bất kỳ tiệm đồ uống nào có hợp tác với dịch vụ “Good to Go”, đội ngũ nhân viên của “Good to Go” sẽ đến thu hồi cốc và tiến hành cọ rửa, tiệt trùng cốc.

 Về phía người tiêu dùng, họ không cần phải tự mang theo cốc thân thiện với môi trường, cũng không cần phải tự rửa cốc, thói quen sinh hoạt không có gì thay đổi nhưng vẫn có thể tham gia bảo vệ môi trường một cách tự nhiên, thoải mái. Quy trình phục vụ trông có vẻ đơn giản, ấy vậy mà đội ngũ “Good to Go” đã phải mất hơn 2 năm mới đạt được thành quả như ngày hôm nay.

 Hai nhà sáng lập Last Longer Project là cô Tống Nghi Trân và cô Lý Dực Hòa cùng là bạn học khoa Thiết kế Công nghiệp tại trường Đại học Thành Công. Năm 2015, cả hai cùng thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Last Longer Project. Cô Tống Nghi Trân chia sẻ lý tưởng của công ty: “Chỉ cần là tài nguyên còn có thể dùng được thì tôi sẽ giúp chúng tái tạo “sinh mệnh” thứ hai, vật dụng không nên được làm ra để rồi bị vứt đi”.

 Vào năm 2017, cả hai cô bắt đầu khởi động “Kế hoạch cốc đựng thức uống Chính Hưng” và thí điểm vận hành “Good to Go” ở khu thương mại Chính Hưng.

 Đội ngũ “Good to Go” tiến hành các loại hình nghiên cứu khảo sát, không ngừng tối ưu hóa quy trình phục vụ. Bên cạnh đó, họ đã bỏ ra thời gian cả 1 năm vào việc thiết kế ra loại cốc chuyên dụng. Trên cơ sở cần hội tụ các yếu tố như khả năng chịu nhiệt, vận chuyển, vệ sinh và cơ chế thu hồi cốc bị hư hại, cuối cùng công ty đã lựa chọn sử dụng loại cốc nhựa chất liệu Polypropylene (PP) với hình dáng thiết kế theo kiểu cốc xếp. Từ khâu vận chuyển cốc về từ xưởng làm vệ sinh đều được kiểm soát từng chi tiết, sau khi quét mã vạch QR trên thân cốc, cho cốc vào chiếc túi dài và chống nước được thiết kế riêng, đáy cốc sẽ được xếp hướng lên phía trên để nhân viên phục vụ có thể lấy cốc ra một cách nhanh chóng và thuận tiện. “Good to Go” còn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, hình dáng chiếc cốc “Good to Go” được thiết kế đẹp mắt, có thể kết hợp sử dụng chung với các loại sản phẩm túi xách cốc và ống hút bảo vệ môi trường bán trên thị trường. Bên cạnh đó, cứ mỗi lần sử dụng dịch vụ thuê và trả cốc, khách hàng còn được tích điểm để đổi phiếu giảm giá khi mua thức uống.

 

Tấm lòng chân thành tập hợp sức mạnh của cả vũ trụ

 Thuê cốc không cần trả phí, thời hạn trả cốc là đến tối hôm sau ngày thuê cốc. Nếu quá hạn vẫn chưa trả cốc thì hệ thống sẽ gửi thông báo nhắc nhở qua ứng dụng Line, đồng thời sẽ tạm ngừng quyền thuê mượn cốc của khách hàng. Những người sử dụng dịch vụ đa phần đều đồng tình với quan điểm của “Good to Go” nên họ sẽ không cố ý vi phạm. Vì thế, cho đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ không hoàn trả cốc là rất thấp.

 Tại các chương trình hội chợ hoặc tại các Lễ hội âm nhạc Megaport, Wake up v.v..., ta cũng thường bắt gặp hình ảnh của “Good to Go”. Trên quầy hàng có đủ các loại từ ly cốc, bát đĩa cho đến muỗng nĩa, người dân chỉ cần đến quầy “Good to Go” thuê mượn là có thể sử dụng chúng tại các quầy bán hàng ăn, giúp giảm đáng kể số lượng đồ đựng thức ăn dùng một lần.

 Năm vừa qua, bên cạnh việc mở rộng quảng bá đến các cửa hàng, “Good to Go” còn phát triển máy thu hồi tự động, chỉ cần quét mã vạch QR code trên thân cốc, sau đó đặt cốc vào bên trong máy, sẽ có đội ngũ nhân viên đi thu hồi, với hy vọng mang lại sự thuận tiện cho người dân trong việc hoàn trả cốc.

 Tuy hiện tại mô hình hợp tác với các cửa hàng mới đang trong giai đoạn quảng bá, vẫn chưa tìm ra mô hình kinh doanh khả thi nhưng những thay đổi tích cực mà “Good to Go” mang lại cho giải pháp thay thế dụng cụ đựng thực phẩm sử dụng một lần đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Cụ thể như Bệnh viện Đa khoa Quang Điền Đài Trung (Kuang Tien General Hospital - Taichung), Cục Bảo vệ Môi trường huyện Tân Trúc (Hsinchu) và Cục Bảo vệ Môi trường thành phố Đài Nam (Tainan) đã lần lượt đưa ra đề nghị hợp tác theo mô hình dự án. Tại một số siêu thị tiện ích ở Đài Nam đã có dịch vụ thuê cốc “Good to Go” để đựng cà phê. Tính đến cuối năm 2019, “Good to Go” đã mang lại hiệu quả giảm hơn 67.000 dụng cụ chứa đựng thực phẩm dùng một lần.

 

Linh hoạt hóa thiết bị điện gia dụng trong nhà, tạo nên giá trị mới

 Bắt nguồn từ ý tưởng của người dân, chỉ cần lên mạng là có thể thuê được cả đồ điện gia dụng như máy hút bụi, máy lọc không khí, v.v…

 Dịch vụ “Homeapp123” mới chính thức ra mắt vào tháng 1 năm 2018 là kênh chia sẻ thuê đồ điện gia dụng đầu tiên tại Đài Loan. Chỉ cần tham gia hội viên, chụp ảnh đồ điện gia dụng rồi đăng lên hệ thống, sau đó điền thông tin sản phẩm là có thể đưa đồ điện của nhà mình vào danh mục các sản phẩm cho thuê, bạn sẽ trở thành “Chủ cho thuê đồ điện gia dụng” và cung cấp sản phẩm điện gia dụng cho người có nhu cầu.

 Điều đáng ngạc nhiên là cả hai nhà sáng lập kênh này đều không xuất thân từ “dân kỹ thuật”, họ xây dựng kênh “Homeapp123” dựa trên động lực và ý chí.

 Vào năm 2016, khi đó cô Trang Huệ Quân (Judy Zhuang) và Cao Dung Kỳ (Michelle Kao), đều là những bà nội trợ, sau khi tham gia lớp thực hành tài chính do Công ty The Richark tổ chức, cả hai đã chọn nghiên cứu dự án cho thuê thiết bị điện gia dụng. Ban đầu họ mang máy hút bụi và máy quét nhà tự động của gia đình cho các học viên của lớp học The Richark thuê miễn phí, từ đó nghiên cứu và vạch ra những chi tiết như quy trình cho thuê, nội dung hợp đồng và giá cho thuê .v.v... Bên cạnh đó, họ còn nhờ bạn học bên lĩnh vực công nghệ thiết kế biểu mẫu trên google và lập một trang web đơn giản đưa vào sử dụng. Điều bất ngờ là thật sự có người tìm đến đặt thuê, hai cô bắt đầu nhận thấy cơ hội kinh doanh từ thị trường cho thuê thiết bị điện gia dụng, thế là vào tháng 7 năm 2017, họ chính thức thành lập Công ty cổ phần trách nhiệm hữu hạn “Homeapp123”.

 

Nhu cầu thuê mướn, đâu đâu cũng có

 Cô Cao Dung Kỳ cho biết, ban đầu cứ nghĩ rằng phải là thiết bị điện gia dụng thương hiệu đắt đỏ thì mới có người thuê. Vì thế, họ đặt ra hai loại giá thuê như sau: thứ ba thuê, thứ sáu trả giá 500 Đài tệ, hoặc thứ bảy thuê, thứ hai trả giá 700 Đài tệ, không phân biệt thương hiệu chủng loại. Giá thuê chỉ chia làm hai loại ngày thường và ngày nghỉ, nhưng khi vận hành trên thực tế thì mới phát hiện nhu cầu thuê thiết bị điện gia dụng vô cùng đa dạng, ngay cả loại nồi cơm điện có giá vài nghìn Đài tệ thôi mà cũng có người chịu thuê với giá 500 Đài tệ.

 Nhóm người có nhu cầu thuê thiết bị điện gia dụng được chia thành 3 dạng: một là có nhu cầu sử dụng nhưng lại không muốn mua, dạng thứ hai là muốn dùng thử. Cô Cao Dung Kỳ chia sẻ, nếu mỗi người chúng ta ai cũng đồng ý sử dụng kênh chia sẻ đồ điện gia dụng, không những có thể mang lại lợi ích linh hoạt hóa nguồn tài nguyên, mà còn có thể giảm sự tích lũy và sản xuất đồ điện gia dụng. Cô nói: “Không phải tôi muốn kêu gọi mọi người đừng mua thiết bị điện gia dụng nhưng hãy suy nghĩ cho kỹ rồi hẵng mua”.

 Dạng thứ ba là nhóm người có nhu cầu sử dụng kinh doanh, ví dụ có công ty muốn làm sạch mùi hắc sau khi trang trí nội thất nên đã thuê một lúc 10 chiếc máy lọc không khí, hoặc có tổ làm phim thuê thiết bị điện gia dụng hàng hiệu để quay cảnh gia đình giàu có. Cho đến nay, danh sách các sản phẩm cho thuê của kênh “Homeapp123” vô cùng đa dạng, từ đèn bắt muỗi cho đến bếp từ v.v…, còn đơn đặt hàng cho các hoạt động thương mại thì thường là một đơn hàng thuê trên 10 thiết bị. Cô Cao Dung Kỳ cho biết, “Homeapp123” thường bị hiểu lầm là một công ty mua đủ loại thiết bị điện gia dụng rồi mang ra cho thuê nhưng với nhu cầu thuê mướn đa dạng và phong phú như thế này thì không một công ty nào có thể chịu nổi áp lực dự trữ hàng. Trên thực tế, nguồn tài nguyên lớn nhất đang được tích trữ ngay trong gia đình của mỗi chúng ta.

 Ở một góc độ khác, “Homeapp123” như đang tuyên truyền với công chúng về quyền sử dụng, chứ không phải là quyền sở hữu vật dụng. Dịch vụ hóa sản phẩm sẽ trở thành xu thế trong tương lai, khả năng thu hồi tái chế và sửa chữa của sản phẩm đều sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong quá trình thiết kế sản phẩm. Ví dụ như Công ty Color Park International Group đề xuất ý tưởng cho thuê đèn LED, khâu bảo trì sửa chữa sẽ do công ty phụ trách, nhiệm vụ của người sử dụng chỉ còn là người đi thuê ánh sáng với nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm hơn.

 Hai người bạn sáng lập nên “Homeapp123” nhớ lại, thuở ban đầu họ chỉ là những bà nội trợ thông thường với hy vọng kiếm thêm ít thu nhập từ việc cho thuê đồ điện gia dụng nhưng không ngờ lại gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Vì thế, đừng nên xem thường những ý tưởng có vẻ không thiết thực, đôi lúc chỉ cần thêm một chút động lực thì có thể sẽ mang lại sự thay đổi không ai ngờ tới. Tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn, những gì mà chúng ta làm được luôn luôn nhiều hơn so với những gì chúng ta tưởng tượng.